Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đài Loan- thiên đường của vị lương y Bác sĩ Peter Kenrick
2020-01-13

Bác sĩ Peter Kenrick- chủ nhiệm Khoa cấp cứu Bệnh viện Cơ Đốc Giáo Đài Đông, có thể nói tiếng Trung khi khám bệnh, và rất hay pha trò với bệnh nhân rằng: “Sao anh nói tiếng Trung giỏi y như tôi vậy!”

Bác sĩ Peter Kenrick- chủ nhiệm Khoa cấp cứu Bệnh viện Cơ Đốc Giáo Đài Đông, có thể nói tiếng Trung khi khám bệnh, và rất hay pha trò với bệnh nhân rằng: “Sao anh nói tiếng Trung giỏi y như tôi vậy!”
 

 Chiến trường Campuchia, trại tị nạn của người Kurd Iran, vùng quê Zambia đều từng là phòng khám bệnh của bác sĩ Peter Kenrick- chủ nhiệm khoa cấp cứu Bệnh viện Cơ Đốc Giáo Đài Đông. Hỏi ông về động cơ khiến ông đi khắp nơi giúp người trị bệnh là gì, ông nói: “Chỉ vì cảm thấy vui thôi!”

 Tình cờ đến Đài Loan, không ngờ rằng mảnh đất Đài Đông non xanh nước biếc đã trở thành nơi dừng chân của cuộc đời Peter Kenrick và ông đã ở lại luôn 34 năm. Ông nói với vẻ rất nghiêm túc: “Tôi là người Đài Loan, tôi là người dân bộ lạc Dulan Đài Đông”.

 

 “Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn” (Người trí tuệ yêu thích nước, người nhân đức yêu thích núi). Ngày hôm đó hẹn với bác sĩ Peter Kenrick trên núi Dulan – là đỉnh núi cao nhất về phía Nam của mạch núi ven biển; đứng trên đài quan sát ở lối vào của tuyến đường leo núi, phóng tầm mắt ngắm Thái Bình Dương dạt dào sóng vỗ, có thể nhìn thấy rất rõ nét những hòn đảo phía xa như Lục Đảo và Lan Dữ. Vừa đạp xe lên tới nơi, mồ hôi trút như tắm và vẫn còn thở hổn hển, với dáng người vừa cao vừa gầy, ông nói bằng giọng tiếng Trung phát âm rất chuẩn: “Đạp xe 4,2 km, các con dốc dọc đường bình quân có độ dốc 13,9%, tổng cộng đi mất 38 phút”.

 Núi Dulan là ngọn núi thiêng đối với hai tộc người Amis và Puyuma, là “phòng tập thể dục” hàng ngày của vị bác sĩ 61 tuổi này. Ông đã từng đi xe đạp qua vùng núi Pyrenees ở Pháp là chặng đường mà cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp bắt buộc phải đi qua, ông không thể kìm lòng mà nhất định phải quảng cáo cho dãy núi Dulan của Đài Loan: “Tuyến đường này còn khó đi gấp 3 gấp 4 lần Pyrenees”.
 

Thể theo lời mời của Phủ Tổng thống, ông Peter Kenrick đã hát quốc ca tại Lễ thượng cờ đón năm mới 2019. (Ảnh do Phủ Tổng thống cung cấp)

Thể theo lời mời của Phủ Tổng thống, ông Peter Kenrick đã hát quốc ca tại Lễ thượng cờ đón năm mới 2019. (Ảnh do Phủ Tổng thống cung cấp)
 

Có duyên với Đài Đông

 Bác sĩ Peter Kenrick sinh ra tại Melbourne thuộc nước Úc, năm 1985, ông chuẩn bị từ Anh quay về Úc, đọc được nội dung quảng cáo Bệnh viện Saint Mary's Đài Đông của Đài Loan cần tìm bác sĩ, thời gian thử việc là 2 tháng. Ông nghĩ, Đài Loan nằm ở giữa tuyến đường ông quay về Úc, vậy thì tới Đài Loan thử xem sao! Chuyến đi không có chủ đích này không ngờ đã giữ chân ông ở lại luôn 34 năm.

 Ông nói, thực sự rất may mắn, năm đó đến Đài Loan là đặt chân ngay tới Đài Đông phong cảnh non nước hữu tình, nếu khi đó điểm đặt chân là Đài Bắc, rất có thể ông đã không ở lại Đài Loan.

 Thực ra, trước khi tới Đài Loan, bác sĩ Peter Kenrick đã hành nghề y tại Ả Rập Saudi và Zambia ở Trung Phi.

 Khi đó, Peter Kenrick tham gia vào hội chữ thập đỏ quốc tế, được phân công tới làm việc tại một bệnh viện có hơn 100 giường bệnh tại Zambia nhưng chỉ có 4 bác sĩ. Những người được đưa đến bệnh viện đều là bệnh nhân nặng như bệnh nhân viêm phúc mạc, sản phụ khó sinh hoặc bệnh nhân bị tắc ruột do thói quen vệ sinh kém. Bệnh nhân quá đông, mỗi tuần phải làm việc hơn 100 tiếng đồng hồ và không được lĩnh lương, sinh hoạt phí phải tự bỏ tiền túi. “Khi đó tôi đã tiêu hết sạch tiền của bản thân, sau khi đến Đài Loan, mọi thứ đều có, hàng tháng còn có thể lĩnh 20.000 Đài tệ”, bác sĩ Peter Kenrick nhoẻn cười khi so sánh sự khác biệt một trời một vực giữa hai quốc gia.

 Từ năm 15 tuổi ông đã bắt đầu đạp xe đạp, hễ lên đường là đi một lèo hết 100 cây số, sau khi tới Đài Loan, những dốc núi thuộc các bộ lạc ở Đài Đông trở thành địa điểm lý tưởng để Peter Kenrick đua xe đạp. Ngoài thời gian khám bệnh tại bệnh viện Saint Mary's, ông cũng đi cùng nữ tu sĩ Patricia Aycock từng theo học chuyên môn về hộ lý và gây mê tới các bộ lạc khám bệnh. Khi đó Đài Loan chưa có chế độ bảo hiểm y tế nên ông đều khám miễn phí cho những bệnh nhân không có khả năng chi trả tiền khám chữa bệnh.
 

Trong dịp cơn bão Morakot đổ bộ, bác sĩ Peter Kenrick cùng với đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Cơ Đốc Giáo Đài Đông đã đáp máy bay trực thăng tới thực hiện công tác cứu viện tại xã Đạt Nhân. (Ảnh do Bệnh viện Cơ Đốc Giáo Đài Đông cung cấp)

Trong dịp cơn bão Morakot đổ bộ, bác sĩ Peter Kenrick cùng với đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Cơ Đốc Giáo Đài Đông đã đáp máy bay trực thăng tới thực hiện công tác cứu viện tại xã Đạt Nhân. (Ảnh do Bệnh viện Cơ Đốc Giáo Đài Đông cung cấp)
 

Đi khắp nơi trị bệnh

 Năm 1988, Peter Kenrick lại nhận nhiệm vụ, được Hội chữ thập đỏ quốc tế cử tới tỉnh Kampong Speu thuộc Campuchia-nơi đang xảy ra cuộc nội chiến. Hàng ngày, ngoài phải đối phó với các bệnh nhân mắc các căn bệnh như viêm phổi, viêm màng não và bệnh nhân bị sốt rét, còn có rất nhiều quân nhân phải cắt chi do bị trúng bom mìn.

 “Những lúc nghiêm trọng một ngày phải cưa chân cho khoảng 6, 7 đến 8 người, nhiều khi một tuần có hơn 20 người! Phía ngoài bệnh viện tiếng súng vang lên không ngớt!”

 Bà Vương Viên Linh – ban đầu là bạn gái, về sau là bà xã ông, vốn làm phiên dịch tại Bệnh viện Saint Mary’s, đã phải cất công bay từ Đài Bắc rồi transit tại Bangkok, tiếp tục transit tới thành phố Hồ Chí Minh, rồi bay tiếp đến Campuchia thăm ông. Chuyến đi xa xôi vất vả này khiến Peter Kenrick vô cùng cảm động. Khi kết thúc thời gian làm việc tại Campuchia, đương nhiên “Đài Loan” là điểm đến tiếp theo của ông.
 

Ông Peter Kenrick đối xử với bệnh nhân như người nhà, chủ động giúp bệnh nhân lấy xe lăn.

Ông Peter Kenrick đối xử với bệnh nhân như người nhà, chủ động giúp bệnh nhân lấy xe lăn.
 

Không còn cô đơn bởi đã có người chia sớt

 Lúc còn trẻ, không chịu nổi cảnh ở Úc không có núi cao, năm nào ông cũng phải sang nơi “sát vách” là New Zealand để chinh phục ngọn núi Cook cao nhất nước này. Peter Kenrick không thể kìm nén đam mê hừng hực trong lòng muốn được đi du lịch đây đó. Ngoài công việc bác sĩ, liên tục trong vòng 9 năm kể từ năm 1994, hằng năm ông đều leo lên đỉnh Everest nhưng ông không còn cô đơn một mình nữa mà dẫn bà xã Vương Viên Linh đi cùng. “Có lẽ bà ấy là một trong rất ít phụ nữ Đài Loan đặt chân lên đỉnh Everest nhiều lần như vậy”.

 Mục tiêu của Peter Kenrick không phải là để chinh phục những đỉnh núi cao mà mong muốn rằng ngoài sự cống hiến về y tế thì lúc rảnh rỗi có thể tận hưởng thú vui leo núi. Thậm chí vào năm 2002, ông đã từng đến một phòng khám nhỏ ở độ cao 4.500 m so với mực nước biển nằm trên lưng chừng ngọn núi Everest, làm bác sĩ tình nguyện trong vòng 3 tháng. “Còn gì vui hơn khi được ngắm những dãy núi hùng vĩ ngay tại nơi khám bệnh!”

 Phòng khám trên ngọn núi Everest có một chiếc lò nướng nhỏ, phu nhân bác sĩ làm bánh ga-tô bằng dứa hộp, do phòng khám này không nằm trên tuyến đường leo lên đỉnh núi Everes, nhưng nghe nói được ăn bánh thì có rất nhiều người leo núi đã đi đường vòng chỉ để được ăn bánh ga-tô. “Do vậy tôi đã được gặp rất nhiều nhà leo núi nổi tiếng, ví dụ Peter Habeler - người đầu tiên đã chinh phục đỉnh núi Everest không cần bình dưỡng khí và nhà leo núi người Mỹ Wally Berg, là người đầu tiên trên thế giới chinh phục được đỉnh núi cao thứ 4 thế giới Lhotse.”

 Năm 2002, Peter Kenrick chuyển tới làm việc tại Bệnh viện Cơ Đốc Giáo Đài Đông, công việc ở khoa cấp cứu cộng thêm việc ở phòng khám khiến một mình ông phải đảm nhận lượng công việc gấp rưỡi một bác sĩ thông thường. Công việc vất vả như vậy nhưng bác sĩ Peter Kenrick vẫn xin bệnh viện cho nghỉ vài tháng để lên tàu phá băng làm bác sĩ, 5 năm liên tục ông đưa bà xã Vương Viên Linh tới thám hiểm các vùng đất Nam cực, Bắc cực và Alaska.

 Ông Peter Kenrick kể lại sự trải nghiệm phi thường này: “Tôi thích được ở bên cạnh bà xã, đương nhiên sẽ dẫn bà xã đi cùng. Tôi đã từng ngồi trên đủ loại tàu phá băng khác nhau, trong đó có tàu phá băng lớn nhất toàn cầu chạy bằng động cơ năng lượng hạt nhân”.
 

Ông Peter Kenrick cùng với bà xã Vương Viên Linh đi khám phá Bắc cực, Nam Cực. (Ảnh do ông Peter Kenrick cung cấp)

Ông Peter Kenrick cùng với bà xã Vương Viên Linh đi khám phá Bắc cực, Nam Cực. (Ảnh do ông Peter Kenrick cung cấp)
 

Tới các vùng xa xôi hẻo lánh, lấp đầy những chỗ khuyết

 “Trở về Đài Loan là cảm thấy rất vui, mọi thứ ở Đài Loan đều rất tốt, đây chính là thiên đường”. Ông Peter Kenrick rất thắc mắc: “Sao nhiều người Đài Loan không hiểu được rằng Đài Loan phong cảnh đẹp, lại rất an toàn, không như ở Úc có rất nhiều người nghiện ma túy rồi ăn cắp đồ mang tới chợ second-hand bán, ở Đài Loan rất hiếm chợ second-hand có thể tiêu thụ đồ ăn cắp”.

 Trong trận bão Morakot năm 2008, tuyến đường sắt và đường bộ phía nam - trục đường kết nối với bên ngoài bị đứt đoạn khiến bộ lạc dân tộc nguyên trú bị cô lập không có sự viện trợ. Ông Peter Kenrick và đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Cơ Đốc Giáo Đài Đông đã đáp máy bay trực thăng tới thôn Thổ Bản (Tuban) xã Đạt Nhân (Daren) để chi viện khẩn cấp về y tế, quan tâm chu đáo tới nhu cầu của người dân vùng gặp thiên tai, mang đến sự giúp đỡ và an ủi kịp thời.

 Để giúp cho những bệnh nhân ung thư người Đài Đông có thể thoát khỏi tình trạng “đi lại còn khổ sở hơn là trị bệnh”, Bệnh viện Cơ Đốc Giáo Đài Đông đang huy động vốn để xây dựng Tòa nhà điều trị ung thư, hiện vẫn còn thiếu khoản kinh phí hơn 50 triệu Đài tệ.

 Bác sĩ Peter Kenrick cũng bày tỏ lo ngại, xây dựng hạ tầng cho bệnh viện thì dễ, nhưng vấn đề quan trọng là liệu có bác sĩ chịu ở lại những vùng xa xôi hẻo lánh hay không. Có rất nhiều bác sĩ đến làm được 2-3 năm rồi đều đi mất.

 Bác sĩ Peter Kenrick luôn trong dáng vẻ rất thoải mái, khi nhắc tới chế độ bảo hiểm y tế của Đài Loan dù tốt vẫn có những điều bất cập, thì nét mặt ông liền nghiêm lại: “Muốn thay đổi vấn đề này, phải học hỏi cách làm của nước ngoài, để các bác sĩ gia đình ở tuyến đầu có thể khám những khoa đơn giản như phụ sản, ngoại khoa, bệnh nặng mới đến bệnh viện lớn, như vậy mới có thể tránh được sự lãng phí nguồn lực y tế”.
 

Trong nhà từ tủ, ghế ăn cho đến chân đèn bàn thủ công đều do ông tự tay làm ra.

Trong nhà từ tủ, ghế ăn cho đến chân đèn bàn thủ công đều do ông tự tay làm ra.
 

Nỗ lực vượt qua những “nốt trầm” trong cuộc đời

 Trở thành công dân Đài Loan là mong ước của ông Peter Kenrick từ bấy lâu nay, nhất là khi mới tới Đài Loan, hằng năm đều phải gia hạn thẻ cư trú, ông luôn lo lắng sẽ không được gia hạn. Mặc dù năm 2004 ông đã được cấp thẻ cư trú vĩnh viễn nhưng vẫn không phải là công dân Đài Loan, không những không được bỏ phiếu mà những đảm bảo pháp lý liên quan như quyền thừa kế chẳng hạn thì cũng không có được quyền lợi như công dân Đài Loan.

 Ngôi nhà của ông Peter Kenrick tại Dulan hiện tại là do chính tay ông thiết kế, từ một khu đất hoang vắng đã xây thành một căn nhà có dáng vẻ như biệt thự. Từ năm 15 tuổi, đã rất say mê làm mô hình mini tàu buôn cổ Cutty Sark, có thể nói ông là cao thủ về chế tác thủ công, trong nhà từ dát giường, tủ bếp, ghế bàn ăn và chân đèn bàn thủ công đều do ông tự tay làm ra. Rất nhiều những bức tranh sơn dầu với đủ màu sắc treo trên tường, thì họa sĩ thực hiện chính là cặp đôi thần tiên này, sau khi đi chu du núi cao và các vùng địa cực khi quay về tới Đài Loan đã sáng tác vào những lúc rỗi rãi.

 Do vậy, khi Bộ Nội chính sửa đổi luật quốc tịch và khẳng định những cống hiến của bác sĩ Peter Kenrick - người đã tới các khu vực xa xôi để khám chữa bệnh trong suốt 30 năm - bằng Giải thưởng cống hiến y tế lần thứ 11, năm 2017 đã phê chuẩn cho ông được nhập quốc tịch Đài Loan. Sau khi được cấp chứng minh nhân dân Đài Loan, ông Peter Kenrick rất vui mừng: “Cuộc đời và cuộc sống của tôi đều là ở đây, tôi là người Đài Loan, tôi là người dân bộ lạc Dulan Đài Đông”.

 Năm 2018, bà Vương Viên Linh đi ra ngoài làm việc bằng xe đạp không may bị tai nạn và đã từ giã cuộc đời. Tai nạn bất ngờ ập xuống khiến ông không có cơ hội nói lời chia tay với bà, nhưng vì ông Peter Kenrick đã trở thành công dân Đài Loan nên không xảy ra điều đáng tiếc do vấn đề quốc tịch ví dụ như vấn đề thừa kế tài sản.

 Khi hỏi bác sĩ Peter Kenrick rằng ông có ổn không? Ông nói khe khẽ: “Không ổn! Hình như luôn cảm thấy thiếu cái gì đó trong cuộc sống!”, nhưng chỉ thoắt một cái, ông lập tức chuyển sang thái độ tích cực: “Tôi vẫn có thể đạp xe đạp, còn làm đồ nội thất nữa, ngày nào cũng rất bận!”