Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Giải cứu đại dương Vương Minh Tường làm ổ cho mực lá sinh sản
2020-09-28

Ông Vương Minh Tường hướng dẫn một nhóm cả người lớn lẫn trẻ em bện bó trúc thành ổ cho mực lá sinh sản. Cũng nhân dịp này, ông tuyên truyền quảng bá về quan niệm bảo vệ môi trường biển.

Ông Vương Minh Tường hướng dẫn một nhóm cả người lớn lẫn trẻ em bện bó trúc thành ổ cho mực lá sinh sản. Cũng nhân dịp này, ông tuyên truyền quảng bá về quan niệm bảo vệ môi trường biển.
 

 Nhiều người sinh sống nhờ biển, nhưng lại ít người giải cứu đại dương. Nhiều người chỉ biết “Sống nhờ biển” nhưng lại không biết nạn khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên biển, rác thải trôi dạt trên biển đã khiến vùng biển xinh đẹp trở nên vô cùng thảm hại.

 Vương Minh Tường (Wang Ming-hsiang) là một ngư dân rất yêu biển, ông cũng là huấn luyện viên lặn biển và còn là đại sứ tuyệt vời nhất của đại dương. Bằng mọi giá, ông dồn hết sức mình đề xướng công tác bảo tồn đại dương, giống như vùng biển bao la, rộng mênh mông này đã có tấm lòng vị tha nuôi dưỡng ông trưởng thành.

 

 Từng gặp ông Vương Minh Tường tại Bảo tàng Quốc gia Khoa học và Công nghệ Hải dương (National Museum of Marine Science and Technology) ở thành phố Cơ Long vào ngày nghỉ lễ, lúc đó là một ngày trời âm u, mưa rả rích nhưng nhiều du khách từ xa đến thăm Bảo tàng vẫn rất hào hứng. Ngay tại không gian nửa ngoài trời, ông đang hướng dẫn một nhóm người rất đông có cả người lớn lẫn trẻ em. Ông đem bó trúc xum xuê (là giống trúc Makino Đài Loan) chặt thành những đoạn vừa phải, rồi dùng kiểu nút thắt đôi để bện từng cành trúc thành hình quạt, mô phỏng theo loại san hô sừng (Gorgonian coral), làm thành “ổ trúc cho mực lá sinh sản”.

 Nhân viên Bảo tàng phụ giúp ở bên cạnh giới thiệu với khách tham quan rằng ông thường được gọi là “Huấn luyện viên Piston”, cũng có người gọi ông là “Ông nội của loài mực lá”, trong khi ông chỉ mới khoảng ngoài 50, vì ông dấn thân vào công tác bảo tồn loài mực lá đã 12 năm, nhờ vậy loài mực lá có tuổi thọ chỉ 1 năm đã có được nơi sinh sống không bị quấy rầy tại vùng biển ở mũi Đông Bắc, có thể sinh ra thế hệ sau, nhờ vậy mà duy trì được nòi giống.

 Vì vậy, từ lúc có các biệt danh “Người cha của loài mực lá”, “Ông bác của loài mực lá”, “Ông nội của loài mực lá” cho đến nay, ông Vương Minh Tường cho biết, nói theo vai vế thì phải gọi ông là “Ông cố nội của loài mực lá”.
 

Ông Vương Minh Tường đi ra biển, chuẩn bị đem bụi trúc cắm xuống đáy biển ở độ sâu 24 m.

Ông Vương Minh Tường đi ra biển, chuẩn bị đem bụi trúc cắm xuống đáy biển ở độ sâu 24 m.
 

Người đàn ông yêu biển

 Khi nói tới biển, cặp mắt ông Vương Minh Tường bừng sáng, tràn đầy nhiệt huyết. Ông sinh ra và lớn lên tại Cơ Long, từ nhỏ nhìn thấy những chiếc tàu cá đến và đi từ phía đường chân trời xa, trong quá trình trưởng thành, ông luôn bị người lớn nhắc nhở “Bãi biển nguy hiểm, không được ra tới đó”. Vì rất thích biển nên ông không nghe lời cảnh cáo, mỗi khi ra biển chơi, về nhà lúc nào cũng bị đánh đòn nhưng ông vẫn không chịu nghe lời.

 “Lúc tâm trạng không vui, chỉ cần tới bãi biển thì sẽ vui hẳn lên”. Sau khi lớn lên, bản thân ông cũng đã có con tàu của chính mình, từ tàu nhỏ tới tàu lớn, nhiều nhất đã từng sở hữu tới 5 con tàu. Ông cũng có giấy phép lặn biển chuyên nghiệp, công việc chính của ông hiện tại là dẫn du khách đi lặn biển, đi câu cá ngoài biển hoặc hỗ trợ công tác thăm dò sinh thái biển.

 Ông Vương Minh Tường hoàn toàn xứng đáng được gọi là “Người trung niên đa năng”. Ngoài ra, ông còn có một vai trò quan trọng khác là nhân viên cứu hộ, tham giạ công tác cứu hộ trên 20 năm, đã từng ra vào những chốn sinh tử bị ảnh hưởng nặng nề bởi các thiên tai như cơn bão Xangsane, cơn bão Morakot, tai nạn máy bay của Hãng hàng không TransAsia Airways, ông đều từng tới chi viện ngay vào những phút đầu tiên.

 Ông có một biệt danh khác là “Piston”, hóa ra là vì tại hiện trường cứu nạn, anh em nhân viên cứu hộ kiêng không gọi thẳng tên thật, vả lại nhà ông có mở tiệm sửa chữa xe máy, cũng thường tân trang xe máy, ông lấy luôn tên linh kiện xe máy “Piston” làm biệt danh, cho nên tên gọi này đã gắn bó với ông cho đến nay.

 Vì đã nhiều lần chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt, hiểu được sự vô thường của cuộc sống nên ông Vương Minh Tường có cách nhìn rất thoáng về cuộc sống. Dấn thân vào công tác bảo tồn đại dương, cho đến nay đã bỏ ra hơn một triệu Đài tệ, ông vẫn không nề hà gì, “Làm được bao nhiêu thì làm, khi làm cũng không nghĩ ngợi sẽ tốn bao nhiêu tiền, điều quan trọng nhất là khi còn sống trên cõi đời này, có thể cống hiến được bao nhiêu cho xã hội, cho đại dương”, ông nói một cách đơn giản.

 

Thảm họa của đại dương, khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường

 Rất nhiều người sinh sống nhờ biển đều có ký ức rằng “đại dương là chiếc tủ lạnh của gia đình chúng ta”, muốn cải thiện bữa ăn tối nay thì ra bãi biển bắt cá, nhặt nghêu sò, ông Vương Minh Tường cũng không ngoại lệ. Nhưng cùng với sự chuyển biến xấu đi của môi trường sinh thái, vùng biển dồi dào tài nguyên xưa kia, giờ đã không còn như trước nữa.

 Khi số lượng cá câu được ngày càng ít đi, ông lấy làm thắc mắc nên đi lặn biển để tìm hiểu nguyên do thì mới phát hiện vùng biển trước kia có tôm hùm sinh sống, ngày nay lại tràn ngập rác thải không phân chia ranh giới quốc gia, thậm chí còn đầy rẫy những chiếc lưới đánh cá bị vứt bừa bãi dưới biển, cũng vì vậy đã khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường trong ông. Sau khi trở thành huấn luyện viên, mỗi lần dẫn du khách đi lặn biển, ông đều yêu cầu du khách xuống biển nhặt rác trước, nhặt xong mới dẫn du khách đi thăm các điểm du lịch.

 Cách đây 12 năm, thể theo lời mời của ngư dân, ông đã hỗ trợ công việc cắm những bụi trúc ở vùng biển Bát Đẩu Tử. Mặc dù Mũi Đông Bắc là vùng khai thác mực lá chủ yếu nhất của Đài Loan nhưng do môi trường tự nhiên bị phá hoại, loài mực lá chỉ có thể đẻ trứng trên đống rác thải dưới biển, trên lưới đánh cá. Họ làm “ổ nhân tạo hạng 6 sao” để loài mực lá sinh sản, hy vọng có thể nâng cao tỷ lệ ấp trứng.

 Kể từ đó, ông Vương Minh Tường tập trung vào công việc làm ổ cho mực lá đẻ trứng. Từ 4 đến tháng 10 hàng năm là kỳ đẻ trứng của mực lá, bất kể là có kinh phí hỗ trợ hay là có người tham gia, quan tâm hay không, suốt nhiều năm nay ông vẫn làm công việc này, không hề bỏ cuộc.

 Mặc dù lúc ban đầu, do cơ quan chính phủ nhận định bụi trúc là một loại rạn cá nhân tạo, đưa xuống dưới biển cần phải xin phép, vì vậy đã phản đối, nhưng nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của các chuyên gia học giả, trong đó có trợ lý nghiên cứu viên của Bảo tàng Quốc gia Khoa học và Công nghệ Hải dương-bà Trần Lệ Thục, cộng thêm những dữ liệu ghi nhận theo dõi từng năm, chứng minh cho thấy phương pháp như vậy là có hiệu quả, sau đó phía cơ quan chính phủ mới chuyển sang thái độ ủng hộ.
 

Vẻ đẹp của đại dương, cần chúng ta cùng nhau bảo vệ.

Vẻ đẹp của đại dương, cần chúng ta cùng nhau bảo vệ.
 

Hoạch định khu bảo tồn, giữ lại một con đường sống cho mực lá

 Làm ổ nhân tạo cho loài mực lá đẻ chỉ là khởi điểm của hành động bảo tồn. Có một hôm, ông Vương Minh Tường phát hiện, địa điểm đặt bụi trúc lại trở thành thiên đường cho những người câu mực lá, “Cho dù là người không biết câu, nhưng ở đây chắc chắn sẽ câu được mực lá”. Chính vì thế số lượng mực lá con có tăng lên nhiều, nhưng mực lá lớn vẫn rất hiếm.

 Tuổi thọ của mực lá chỉ vỏn vẹn có 1 năm, “tức là 4 ngày của mực bằng với 1 năm tuổi của người”. Ông Vương Minh Tường giải thích, mực lá ăn nhiều, lớn nhanh, chỉ cần có thời gian để chúng lớn lên, được nửa năm thì mực lá sẽ nặng tới 1,2kg, không chỉ giúp loài vật được tiếp tục sinh sôi nảy nở, mà giá trị kinh tế cũng được nâng cao.

 Vì việc này, ông tận tình khuyên bảo những người câu mực lá, mặt khác kêu gọi chính phủ nhanh chóng xây dựng luật, hy vọng cấm câu hoặc bán mực lá con cỡ 15cm trở xuống, “loài cua đã có luật rồi, trong khi đó số lượng mực lá còn ít hơn số lượng cua, tại sao không thực hiện?” Ông Vương Minh Tường nghĩ như vậy nhưng mãi vẫn chưa nhận được câu trả lời.

 Vốn rất kiên định nhưng sau cùng ông cũng đành thay đổi, chuyển thành nêu đề án, hy vọng hoạch định vùng biển lân cận thành khu bảo tồn, mong muốn có thể giữ lại cho mực lá con một môi trường sinh trưởng an toàn. Sau cùng, ông đã giành được sự ủng hộ của các vị quan chức và học giả. Năm 2016, Chính phủ quyết định thành lập “Khu bảo tồn tài nguyên vịnh Triều Cảnh, hẻm Vọng Hải” (Wanghaixiang Chaojing Bay Resource Conservation Area), đồng thời mở ra tiền lệ cho khu vực Cơ Long.

 Ngoài việc thúc đẩy thành lập khu bảo tồn, ông Vương Minh Tường cũng cùng lúc triển khai theo nhiều phương diện như tập hợp sức mạnh của đông đảo mọi người, làm sạch lưới đánh cá đã bị vứt bỏ bừa bãi dưới đáy biển ở vùng biển gần bờ, để “bức tường chết chóc” khét tiếng này không còn khiến cho cá to, cá con, tôm và cua bị sa vào đó nữa.

 Cũng có ngư dân chế giễu ông rằng “Không bắt người trộm thả lưới rê, có hoạch định khu bảo tồn cũng vô ích”. Khi nghe được câu nói này, vốn là người tính tình thẳng thắn, ông lập tức lái tàu ra biển, hỗ trợ đội tuần tra biển cùng truy bắt những tàu cá thả lưới rê bất hợp pháp, phạt nặng những tàu cá vi phạm để răn đe; ngoài tăng cường kiểm tra, còn đốc thúc chính quyền thành phố Cơ Long lập quy định đăng ký tên thật đối với tàu cá sử dụng lưới rê, thực hiện trách nhiệm quản lý ngư cụ đối với tất cả tàu cá. Tất cả những điều ông làm khiến cho những ngư dân tuân thủ pháp luật, cảm thấy bất bình đối với hành vi thả lưới rê nhưng không dám nói ra, nay đã hiểu được quyết tâm “làm thật” của ông và sau đó họ đều ủng hộ ông. 

 Nhưng viễn cảnh mà ông Vương Minh Tường vẫn canh cánh trong lòng, đó là hy vọng mở rộng phạm vi khu bảo tồn, toàn bộ vịnh Vọng Hải Hạng (aka Wanghaixiang Bay, còn gọi là Fanzai’ao Bay) đều đưa vào phạm vi hoạch định. Mặc dù ngư dân không được tiến hành đánh bắt ở đây nữa nhưng có thể học theo cách làm “ngồi xe bò ra bãi thu hoạch hào” của xã Phương Uyển, huyện Chương Hóa, biến đặc trưng văn hóa địa phương thành tài nguyên phát triển ngành giải trí, ngư dân có thể sử dụng tàu cá để chở du khách ra biển tiến hành hoạt động vui chơi giải trí trên biển để kiếm sống.  

 Đại dương đem đến cho ông một tình yêu vô tận, vì vậy ông muốn càng nhiều người hiểu được rằng, vẻ đẹp không dễ dàng có được của đại dương xứng đáng để mọi người cùng gìn giữ bảo vệ.