Đại học Quốc lập Trung Hưng (NCHU) và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp (TARI) đã chọn ra 4 loại hạt giống để gửi theo tàu vũ trụ cung cấp vật tư cho các phi hành gia và đến Trạm vũ trụ quốc tế vào tháng 10 tới. Sau vài tháng du hành trong vũ trụ, chúng sẽ được đưa trở về Đài Loan để trồng, từ đó khám phá ảnh hưởng của môi trường vi trọng lực và bức xạ cao trong không gian đối với các hạt giống.
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 17/8, Đại học Trung Hưng cho biết: Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia (NSPO) đã tham gia chương trình hợp tác khoa học “Hạt giống tương lai châu Á” (Space Seeds for Asian Future, SSAF) của Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), đưa các hạt giống lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) để nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường không gian đối với thực vật.
Những hạt giống này sẽ được “để không” ở Trạm vũ trụ trong vài tháng và không được trồng tại đây. Dự kiến chúng sẽ được đưa về Đài Loan sau khi trở về Trái Đất vào tháng 2/2021. Đến lúc đó, Đại học Trung Hưng và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp sẽ đem các hạt giống này đi trồng để khám phá ảnh hưởng của môi trường vi trọng lực và bức xạ cao trong không gian đối với sự sinh trưởng của các hạt giống. Hiện nay, dự án này đã có 9 quốc gia tham dự và sẽ đưa 16 loại hạt giống lên vũ trụ.
Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia cho biết, các quốc gia dựa trên 2 nguyên tắc để lựa chọn hạt giống: Thứ nhất là loài đặc hữu hoặc mang tính biểu tượng đặc biệt, thứ hai là cây trồng. Ví dụ về giống đặc hữu: Thái Lan đã chọn quốc hoa là Muồng hoàng yến, Australia chọn quốc hoa là Hoa keo vàng, New Zealand chọn cây Trạng nguyên thuần chủng. Ví dụ về loại cây trồng: Indonesia chọn hạt giống cần tây và hành tây, Malaysia lại chọn húng quế.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên thuộc Đại học Trung Hưng – Giáo sư Chiêm Phú Trí cho biết: Sau nhiều lần tổ chức hội nghị thảo luận với các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp, cuối cùng đã đi đến quyết định: Giáo sư Tống Dư và Giáo sư Dương Tĩnh Doanh của khoa Trồng trọt, Đại học Trung Hưng phụ trách hạt Diêm mạch Đài Loan (Chenopodium formosanum), Giáo sư Trần Ngạn Minh của khoa Trồng trọt, Đại học Trung Hưng phụ trách Lan hồ điệp Phalaenopsis equestris và hoa hướng dương, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp phụ trách ớt Capsicum annuum.
Lan hồ điệp Phalaenopsis equestris là giống thuần chủng Đài Loan, do những ghi chép về đột biến của loài hoa này không nhiều, sự liên quan giữa biến dị nhiễm sắc thể và đặc điểm thực vật sau đột biến cũng không rõ ràng nên các chuyên gia chọn đưa Lan hồ điệp Phalaenopsis equestris lên không gian xem hạt giống có bị đột biến hay không để tạo thuận lợi cho các nghiên cứu tiếp theo.
Diêm mạch Đài Loan (Chenopodium formosanum) thường được gọi là Quinoa đỏ, là giống thuần chủng Đài Loan và cũng là cây trồng truyền thống của dân tộc nguyên trú Đài Loan. Hiện nay, các nghiên cứu liên quan đến hạt Diêm mạch Đài Loan vẫn còn rất ít. Hoa hướng dương là một loại cây trồng phổ biến, dễ quan sát và nghiên cứu. Hy vọng nhờ chương trình nghiên cứu này có thể quan sát xem hạt giống của nó có bị ảnh hưởng bởi môi trường không gian hay không.
Các loại hạt giống nói trên sẽ được gửi sang Nhật Bản trước, sau đó sẽ được đưa đến Mỹ. Do quy định về xuất nhập khẩu và quy trình kiểm dịch hạt giống tại 2 nước khác nhau, công tác kiểm dịch rườm rà sẽ do Phó Giáo sư Vương Trí Lập của khoa Bệnh học Thực vật kiêm Chủ nhiệm Trung tâm Xúc tiến Nông nghiệp-Đại học Trung Hưng đảm nhận.