Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Diễn đàn tái cấu trúc chuỗi cung ứng do Mỹ, Đài Loan, châu Âu và Nhật Bản cùng tổ chức ra tuyên bố đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng
2020-09-07
New Southbound Policy。(Từ trái qua) Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Ngoại thương (TAITRA) Hoàng Chí Phương, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế-Thương mại châu Âu Filip Grzegorzewski, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Miloš Vystrčil, Trưởng đại diện Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) Brent Christensen, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp và Trưởng đại diện Nhật Bản tại Đài Loan Izumi Hiroyasu đã đến tham dự diễn đàn “Tái cấu trúc chuỗi cung ứng” (Forum on Supply Chain Restructuring) tổ chức vào ngày 4/9 (Ảnh: TAITRA)
(Từ trái qua) Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Ngoại thương (TAITRA) Hoàng Chí Phương, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế-Thương mại châu Âu Filip Grzegorzewski, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Miloš Vystrčil, Trưởng đại diện Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) Brent Christensen, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp và Trưởng đại diện Nhật Bản tại Đài Loan Izumi Hiroyasu đã đến tham dự diễn đàn “Tái cấu trúc chuỗi cung ứng” (Forum on Supply Chain Restructuring) tổ chức vào ngày 4/9 (Ảnh: TAITRA)

 Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế và Văn phòng Kinh tế-Thương mại châu Âu (EETO), Hiệp hội Trao đổi Nhật Bản-Đài Loan (JTEA) đã phối hợp tổ chức diễn đàn “Tái cấu trúc chuỗi cung ứng” (Forum on Supply Chain Restructuring) vào ngày 4/9. Diễn đàn đã ra tuyên bố chung, nêu rõ AIT và Hiệp hội Phát triển Ngoại thương (TAITRA) sẽ tăng cường tham vấn và hợp tác về tái cấu trúc chuỗi cung ứng và tính bền vững, đặc biệt trong các lĩnh vực thông tin, truyền thông và chăm sóc y tế. Các quan chức như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp, Trưởng đại diện AIT Brent Christensen, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Miloš Vystrčil, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế-Thương mại châu Âu Filip Grzegorzewski, Trưởng đại diện Nhật Bản tại Đài Loan Izumi Hiroyasu, v.v... đều đã đến tham dự diễn đàn.

 Bản tuyên bố chung được phát biểu tại diễn đàn về việc củng cố chuỗi cung ứng đã chỉ rõ: Cùng với sự tác động mạnh do đại dịch Covid-19 và sự bất ổn định của yếu tố địa chính trị, Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan và Hiệp hội Phát triển Ngoại thương sẽ tăng cường tham vấn và hợp tác về tái cấu trúc chuỗi cung ứng và tính bền vững, đồng thời tăng cường tính bền vững của chuỗi cung ứng tại các khu vực có quan điểm tương đồng như Ấn Độ, ASEAN và Nhóm Visegrád (còn được gọi là Visegrád 4 hoặc V4) gồm 4 nước: Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia. Động thái này sẽ đồng thời củng cố Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan và Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.

 Bản tuyên bố khuyến khích các đối tác triển khai chuỗi cung ứng ở vị trí gần với nước mình hoặc nền kinh tế có quan điểm tương đồng, nhấn mạnh sẽ cùng các đối tác có quan điểm tương đồng phát triển chuỗi cung ứng mới dựa trên các giá trị và tiêu chuẩn cùng chia sẻ để thiết lập mạng lưới chuỗi cung ứng có thể ứng phó với khủng hoảng và đảm bảo sự an toàn của chuỗi cung ứng, không bị ép buộc bởi thế lực chính trị.

 Bản tuyên bố chỉ rõ: Trong tương lai sẽ tăng cường tần suất và quy mô các hội nghị tại Đài Loan và nước ngoài, đồng thời mở rộng phạm vi thảo luận, phát triển sâu rộng quan hệ đối tác với các quốc gia và các nền kinh tế có quan điểm tương đồng, chia sẻ cách làm tốt nhất với các đối tác đáng tin cậy để khuyến khích và ủng hộ việc bố trí lại chuỗi cung ứng.

 Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Ngô Chiêu Nhiếp chỉ rõ: Đại dịch lần này đã khiến nhiều quốc gia bắt đầu suy nghĩ về cách ứng phó nếu nguồn cung cấp vật tư y tế và cơ sở hạ tầng then chốt bị nước khác kiểm soát khi dịch bệnh bùng phát. Hiện giờ là lúc Đài Loan phải thay đổi cơ cấu các ngành sản xuất. Tổng thống Thái Anh Văn đã coi việc phát triển 6 ngành nghề chiến lược cốt lõi là chính sách hàng đầu. Trong tương lai, Đài Loan sẽ thiết lập liên kết ngành nghề cùng có lợi với các nước có quan điểm tương đồng.

 Bộ trưởng nhấn mạnh, Đài Loan sẽ là đối tác chân thành và kiên định nhất. Giờ đây không những phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng mà còn phải tổ chức lại và tăng cường các giá trị và nguyên tắc liên minh.

 Trưởng đại diện Hiệp hội Trao đổi Nhật Bản-Đài Loan, ông Izumi Hiroyasu cho hay: Đài Loan và Mỹ đã thành lập “Khung Hợp tác và Đào tạo Toàn cầu” (GCTF) từ năm 2015. Năm 2019, Nhật Bản đã gia nhập và trở thành nước đồng tổ chức thứ ba. Ông hy vọng trong tương lai sẽ có ngày càng nhiều các quốc gia gia nhập GCTF. Ông Izumi Hiroyasu chỉ rõ: Tháng 4 vừa qua, Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra “Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nhật Bản” để đảm bảo khả năng phục hồi kinh tế trong tình hình dịch bệnh. Các bên đã nhất trí thiết lập chuỗi cung ứng có tính bền vững để ứng phó với thách thức chưa từng có do dịch bệnh mang đến. Hiệp hội Trao đổi Nhật Bản-Đài Loan hiện đã hợp tác với Đài Loan để cùng phát triển và vận hành thị trường thứ ba chủ yếu là các nước mục tiêu trong Chính sách hướng Nam mới.