“Diễn đàn Yushan” lần thứ 4 (2020 Yushan Forum) đã diễn ra thuận lợi trong ngày 8/10/2020 theo cách thức đa dạng kết hợp hội nghị trực tuyến với video quay sẵn. Tổng thống Thái Anh Văn đã nhận lời mời phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc, cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt và Chủ tịch “Hội nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản-Trung Hoa Dân Quốc” Keiji Furuya cũng có bài phát biểu tại diễn đàn.
Ngoài ra, các chính trị gia như cựu Thủ tướng Đan Mạch kiêm cựu Tổng Thư ký khối NATO Anders Fogh Rasmussen và Nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Yoho – Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ cũng phát biểu tại các chương trình liên quan.
Diễn đàn năm nay đã mời các chính trị gia, các chuyên gia, học giả và nhà lãnh đạo dư luận từ hơn 10 quốc gia, bao gồm các nước trong Chính sách hướng Nam mới, các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, v.v... tham gia và cùng thảo luận về các chiến lược cũng như hành động về viễn cảnh thịnh vượng và ổn định trong khu vực.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thống Thái Anh Văn cho biết: Kết quả phòng chống dịch bệnh của Đài Loan đã góp phần tổ chức thành công “Diễn đàn Yushan” theo hình thức kết hợp cả hội nghị thực tế và hội nghị trực tuyến. “Hình mẫu Đài Loan” không chỉ nêu bật thành công của Chính phủ Đài Loan dân chủ, minh bạch và kiện toàn, mà còn thể hiện tính cách kiên cường của người dân Đài Loan và giá trị của việc “Đài Loan hỗ trợ châu Á, châu Á hỗ trợ Đài Loan”.
Các mục tiêu và quan điểm trong “Chính sách hướng Nam mới” của Đài Loan phù hợp với chính sách “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (AOIP) và chính sách “Hành động hướng Đông” (Act East Policy) của Ấn Độ. Là một đối tác không thể khuyết thiếu trong khu vực, Đài Loan mong muốn gia nhập “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP), cùng thế giới tiếp tục xây dựng một tương lai bền vững.
Phó Tổng thống Lại Thanh Đức cũng đích thân tham dự “Đối thoại bàn tròn về triển vọng châu Á” và có bài phát biểu chỉ rõ: Khả năng vững chắc về y tế công cộng và nền tảng công nghệ cũng như hệ thống dân chủ cởi mở của Đài Loan đều là mấu chốt tạo nên sự thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn, cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt và nghị sĩ Nhật Bản Keiji Furuya đã lần lượt bày tỏ sự quan ngại về cục diện biến đổi chính trị, kinh tế quốc tế và tình hình đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, ca ngợi Đài Loan đã nỗ lực để bảo vệ dân chủ, tự do và phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, đồng thời mong muốn tiếp tục hỗ trợ Đài Loan trong việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương.
Thảo luận tại “Đối thoại bàn tròn về triển vọng châu Á” do Ủy viên phụ trách chính sách Viện Hành chính Đường Phượng chủ trì, cựu Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Kittiratt Na-Ranong, Chủ tịch Viện nghiên cứu Chính sách Asan Hàn Quốc – ông Han Sung-Joo và nghiên cứu viên của Viện Khoa học Y sinh thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương (AS) – bà Hà Mỹ Hương cũng một lần nữa đề cập: Dưới tác động của dịch bệnh, các quốc gia đều phải đối mặt với những thách thức về kinh tế, sức khỏe cộng đồng, y tế và an ninh thông tin, v.v..., đồng thời chỉ rõ các quốc gia nên đề cao tinh thần chia sẻ kinh nghiệm và tích hợp nguồn lực, kêu gọi các quốc gia cùng chung tay hợp tác.
Phát biểu tại dạ tiệc tổ chức cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp nhấn mạnh: Đài Loan nỗ lực bảo vệ các giá trị dân chủ, đối mặt với những hành động của Trung Quốc tại Hồng Kông, việc hợp tác giữa Đài Loan và các nước khác càng trở nên cấp bách và cần thiết.
Tại buổi dạ tiệc, cựu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen đã phát biểu, đại dịch Covid-19 là lời cảnh tỉnh đối với các nước châu Âu, quan hệ giữa Đài Loan và châu Âu nên bước sang một chương mới. Mặc dù châu Âu và các nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ở cách xa nhau nhưng đều có chung quan điểm. Ông kêu gọi châu Âu hãy sát cánh cùng Đài Loan.
Diễn đàn còn đồng thời tổ chức hai hội nghị trực tuyến, tập trung vào hai chủ đề nhỏ là “Thực tiễn phương hướng mới trong hợp tác sau dịch bệnh” và “Giảm nhẹ thách thức toàn cầu bằng các giải pháp đổi mới”, mời các quan chức chính phủ, đại diện các ngành, các tổ chức phi chính phủ và học giả các think-tank từ các nước đối tác đến thảo luận về phương hướng và hành động hợp tác trước mọi thử thách sau đại dịch.