Ngày 5/11, “Câu lạc bộ Formosa” (Formosa Club) do Chủ tịch các Nhóm Hữu nghị Đài Loan thuộc Nghị viện châu Âu và nghị viện các nước Anh, Đức, Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, v.v... thành lập, đã dẫn đầu và kết hợp với 644 nghị sĩ Nghị viện châu Âu và nghị sĩ đến từ 25 quốc gia, bao gồm Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Thụy Sĩ, Na Uy và Iceland đã gửi thư liên danh lên Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus, đồng thời thông báo cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell, ủng hộ Đài Loan tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) sẽ diễn ra trong tháng 11/2020.
Phát biểu về sự việc này, Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) cho biết: 644 nghị sĩ quan trọng thuộc các đảng phái, tại các quốc gia khác nhau trên khắp châu Âu đã nhất trí phát biểu ủng hộ Đài Loan tham dự WHO. Đây là biểu hiện cụ thể của dư luận chung trong cộng đồng quốc tế, cho thấy cộng đồng quốc tế hy vọng Đài Loan có thể tham gia WHA sẽ được tổ chức từ ngày 9/11 đến ngày 11/11 tới. Bộ Ngoại giao chân thành cảm ơn các đối tác châu Âu có quan điểm tương đồng đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với Đài Loan.
Các nghị sĩ quan trọng, là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Đài Loan thuộc nghị viện các nước như Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Miloš Vystrčil, các Phó Chủ tịch Thượng viện Jan Horník, Miluše Horská và Phó Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Séc Petr Fiala, các Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu: Nicola Beer (quốc tịch Đức), Heidi Hautala (quốc tịch Phần Lan) và Fabio Massimo Castaldo (quốc tịch Italy), Phó Chủ tịch Hạ viện Pháp David Habib, Phó Chủ tịch Thượng viện Anh Lord Rogan, các Phó Chủ tịch Quốc hội Slovenia Gabor Grendel, Milan Laurencik và Juraj Seliga, Phó Chủ tịch Quốc hội Iceland Björn Leví Gunnarsson, v.v... đã tham gia và ký tên vào bức thư liên danh lần này.
Bức thư liên danh đã ca ngợi kết quả phòng chống dịch bệnh xuất sắc của Đài Loan, đồng thời chỉ ra, sự đối xử bất công khi loại trừ Đài Loan ra khỏi WHO không những gây tổn hại đến quyền cơ bản được chăm sóc sức khỏe của 23 triệu dân Đài Loan, mà còn gây ra lỗ hổng nguy hiểm trong mạng lưới phòng chống dịch bệnh toàn cầu. Bức thư cũng đồng thời kêu gọi Tổng Giám đốc Tedros Ghebreyesus thực hiện mục tiêu do chính ông đưa ra “Không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn” (No one is safe until everyone is safe), mời Đài Loan tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới sẽ tổ chức trong tháng 11 này với tư cách quan sát viên, đồng thời để Đài Loan tham dự các hội nghị, cơ chế và hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm đáp ứng lợi ích của tất cả các bên. Bức thư liên danh nói trên là làn sóng mới kiên định ủng hộ Đài Loan từ các quốc gia châu Âu, tiếp sau bức thư liên danh do hơn 100 nghị sĩ quốc hội và chính trị gia của 3 nước Baltic và các nước thuộc nhóm Visegrad (Visegrad Group, V4) gửi đến Tổng Giám đốc Tedros Ghebreyesus thời gian gần đây.