Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tổng thống Thái Anh Văn gửi thư hưởng ứng “Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới” năm 2021 của Đức Giáo hoàng Francis
New Southbound Policy。Tổng thống Thái Anh Văn ủng hộ mạnh mẽ Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 2021” của Đức Giáo hoàng Francis (Ảnh: Phủ Tổng thống)
Tổng thống Thái Anh Văn ủng hộ mạnh mẽ Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 2021” của Đức Giáo hoàng Francis (Ảnh: Phủ Tổng thống)

 Gần đây, Tổng thống Thái Anh Văn đã gửi một bức thư cho Đức Giáo hoàng Francis với nội dung hưởng ứng “Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 2021” của Đức Giáo hoàng.

 Nội dung chính trong bức thư Tổng thống gửi Đức Giáo hoàng như sau:

Thưa Đức Giáo hoàng:

 Sứ điệp của Ngài nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 2021 với chủ đề “Nền văn hóa chăm sóc, hành trình đến hòa bình” (A CULTURE OF CARE AS A PATH TO PEACE). Tôi vô cùng khâm phục và đồng ý với nội dung này, đặc biệt là vào lúc dịch bệnh đang hoành hành trên khắp thế giới. Chỉ khi phá bỏ được những rào cản định kiến trong quan hệ quốc tế và giữa các cá nhân, hợp tác và chăm sóc lẫn nhau thì chúng ta mới có thể cùng nhau vượt qua khó khăn.

 Kể từ sau khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, trong khi các nước đều đang thiếu hụt vật tư phòng chống dịch bệnh, với tinh thần “Taiwan Can Help” (Đài Loan có thể giúp đỡ), Đài Loan đã tích cực viện trợ hàng chục triệu chiếc khẩu trang và quần áo bảo hộ cho các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và nhiều nước trên khắp châu Á.

 Tháng 10/2020, hưởng ứng thông điệp mới nhất của Đức Giáo hoàng “Tất cả anh em” (Fratelli Tutti), Đại sứ quán Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) tại Tòa Thánh Vatican đã cung cấp thực phẩm Đài Loan cho những người vô gia cư tại “Palazzo Migliori” và Mái ấm Casa Santa Giacinta thuộc tổ chức Caritas Rome, đồng thời hợp tác với tổ chức Phật giáo Đài Loan để trao tặng chăn lông cho những người vô gia cư, thể hiện ý nghĩa của văn hóa chăm sóc và đối thoại giữa các tôn giáo.

 Tháng 4/2020, tình hình dịch bệnh ở Italy vô cùng nghiêm trọng, Đức cha Giuseppe Didone – nhà truyền giáo Italy thuộc Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân đã cống hiến cho Đài Loan trong nhiều thập kỷ – đã phát động chương trình gây quỹ cho quê hương ông. Để cảm ơn những đóng góp của Giáo hội Công giáo cho xã hội và con người Đài Loan trong những năm qua, người dân Đài Loan đã quyên góp được hơn 4,3 triệu Euro chỉ trong vòng 6 ngày.

 Đức Ngài đề cập rằng đại dịch đã khiến cho thế giới thấy rõ sự sinh tồn của nhân loại là “trên cùng một con thuyền”, không nên để bất cứ ai bị loại trừ khỏi mạng lưới y tế công cộng toàn cầu. Tôi rất tán thành với ý kiến của Đức Ngài. Đây thực ra cũng là tôn chỉ thành lập và được nêu rõ trong Hiến chương Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đáng tiếc là 23 triệu dân Đài Loan đến nay vẫn bị loại khỏi WHO.

 Hưởng ứng quan điểm sâu sắc của Đức Ngài, tôi tin rằng “loại bỏ” và “gạt ra ngoài lề” là kẻ thù lớn nhất của văn hóa chăm sóc và là trở ngại lớn nhất đối với việc theo đuổi hòa bình. Chính trị quốc tế không nên bị khuất phục trước luật rừng, sức mạnh kinh tế không thể mua chuộc được quyền theo đuổi chân lý của con người và sức mạnh quân sự càng không nên trở thành công cụ đàn áp nhân quyền và tự do.

 Tháng 8/2020, tôi đã đích thân công bố “Ủy ban Nhân quyền Quốc gia” được thành lập và hy vọng Đài Loan sẽ tiến thêm một bước tới lý tưởng “xây dựng đất nước dựa trên nhân quyền”.

 Ở trong nước, chúng tôi thúc đẩy công bằng xã hội dựa trên văn hóa chăm sóc, đồng thời tích cực giúp đỡ 550.000 “cư dân mới” hòa nhập vào cuộc sống ở Đài Loan.

 Về đối ngoại, tôi và Đức Ngài cùng vững tin “nhân quyền phổ quát” là giá trị không thể thỏa hiệp. Vì vậy, khi xảy ra sự việc đàn áp nhân quyền ở các nơi trên thế giới, tôi đều lên tiếng quan tâm để các nạn nhân bị đàn áp biết được họ không đơn độc.

 Tôi tha thiết hy vọng những lời của Đức Ngài sẽ trở thành hồi chuông cho tất cả những người cầm quyền, đặc biệt là một số quốc gia vẫn còn theo chế độ độc tài, hãy thay thế nắm đấm sắt bằng nền văn hóa chăm sóc, thay thế các cuộc tấn công văn hóa và đe dọa quân sự bằng tinh thần khoan dung để thế giới hòa bình mà người dân khao khát hướng tới sẽ không còn ở xa tầm tay.