Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 74 đã khai mạc dưới hình thức trực tuyến vào ngày 24/5 (giờ Đài Bắc), Đài Loan không được mời tham dự với tư cách quan sát viên. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp và Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Trần Thời Trung đã cùng bày tỏ lập trường phản đối, bất mãn nghiêm trọng của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), nhấn mạnh quyết tâm vững chắc của Chính phủ và nhân dân Đài Loan trong việc tích cực tranh thủ tham dự WHA, đồng thời bày tỏ lời cảm ơn chân thành trước sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong năm 2021 đối với việc Đài Loan tham dự WHA.
Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Trần Thời Trung nhấn mạnh, WHA năm nay vẫn tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19 để cùng nhau xây dựng một thế giới khỏe mạnh, an toàn và công bằng hơn. Tình hình dịch bệnh ở Đài Loan gần đây đang nóng lên, một lần nữa cho thấy virus không có biên giới, Đài Loan cũng không thể đứng ngoài cuộc, không nên để xảy ra lỗ hổng trong công tác phòng chống dịch bệnh toàn cầu, toàn thế giới cần chia sẻ tất cả các thông tin và cùng hợp tác chuyên môn để chống lại dịch bệnh. Chăm sóc sức khỏe là quyền cơ bản của con người và là giá trị phổ quát. Với tư cách là tổ chức y tế quốc tế chuyên nghiệp, “Tổ chức Y tế Thế giới” (WHO) cần phục vụ sức khỏe và phúc lợi của toàn nhân lại, không nên bị khuất phục trước lợi ích chính trị của một thành viên nhất định nào đó.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp bày tỏ sự đáng tiếc trước việc Ban Thư ký WHO tiếp tục phớt lờ quyền được chăm sóc sức khỏe của 23,5 triệu dân Đài Loan, WHO ngó lơ những lời kêu gọi công lý của cộng đồng quốc tế về việc để Đài Loan đóng góp cho y tế công cộng và chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Điều này không chỉ vi phạm mục tiêu cao cả “Không để ai bị bỏ lại phía sau” (Leave no one behind) mà Tổ chức Liên Hợp Quốc, trong đó có WHO đã nhiều lần nhấn mạnh, mà các nước trên thế giới cũng bị mất đi quyền lợi do không được chia sẻ về những kinh nghiệm phong phú của Đài Loan trong lĩnh vực y tế công cộng. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) bày tỏ sự bất mãn mạnh mẽ trước sự quyết định này của WHO.
Trong một động thái chưa từng có trước đây, “Nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới” (G7) đã ra thông cáo chung tại Hội nghị Ngoại trưởng G7, nêu rõ việc ủng hộ Đài Loan tham gia WHO và WHA một cách có ý nghĩa. Điều này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Sự ủng hộ của quốc hội các nước trên toàn thế giới đối với Đài Loan cũng đã đạt đến tầm cao mới trong lịch sử, trong đó khu vực châu Âu đã mở rộng đội ngũ với hơn 1.000 nghị sĩ quốc hội của hơn 30 quốc gia đã gửi thư liên danh ủng hộ Đài Loan lên Tổng Giám đốc WHO. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ cũng phát huy sáng tạo, lần đầu tiên phát động chương trình kết nối truyền thông mạng xã hội “#LetTaiwanHelp” và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của hơn 250 nghị sĩ quốc hội, tổ chức liên nghị viện và quan chức cấp cao của hơn 50 quốc gia. “Liên minh Nghị viện về Trung Quốc” (IPAC) cũng phối hợp với chương trình kết nối của Quốc hội Mỹ với 16 đồng chủ tịch IPAC, các thành viên từ 11 quốc gia và Nghị viện châu Âu đã quay video ủng hộ Đài Loan tham gia WHO. Tổ chức y tế nổi tiếng thế giới là “Hiệp hội Y khoa Thế giới” (WMA) cũng đã thông qua một nghị quyết ủng hộ Đài Loan tham dự WHA, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ về chuyên môn đối với Đài Loan.