“Đại hội đồng Y tế Thế giới” (WHA) lần thứ 74 đã bế mạc vào ngày 31/5/2021. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hoành hành nghiêm trọng trên khắp thế giới trong hơn một năm qua, cộng đồng quốc tế càng cảm nhận sâu sắc hơn tầm quan trọng, tính cấp bách và tính chính đáng của việc tiếp nhận rộng rãi sự tham gia của tất cả các bên trong hợp tác phòng chống dịch bệnh toàn cầu, đồng thời ủng hộ Đài Loan tham dự WHA với sự mạnh mẽ chưa từng có. Bộ Ngoại giao chân thành cảm ơn sự ủng hộ của các cơ quan hành pháp và lập pháp thuộc các nước bang giao và các nước bạn bè, các tổ chức liên nghị viện và bạn bè quốc tế thuộc mọi tầng lớp.
Năm nay, 14 nước bang giao với Đài Loan, với tư cách là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua các phương thức đa dạng như nêu đề án, gửi thư, phát biểu hoặc tranh luận về đề án của Đài Loan tại phiên họp toàn thể và Ủy ban Tổng hợp để thúc giục WHO mời Đài Loan tham dự WHA. Ngoài ra, các quốc gia có quan điểm tương đồng cũng phát biểu ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ tại WHA.
Đề án yêu cầu của Đài Loan ở bên lề hội nghị WHA năm nay cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ chưa từng có của cộng đồng quốc tế, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) và hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ thông qua nhiều phương thức đa dạng. Các quan chức cấp cao của chính phủ nhiều nước đã công khai phát biểu ủng hộ Đài Loan.
Các quốc gia có quan điểm tương đồng còn xây dựng hình mẫu về liên minh ủng hộ Đài Loan. “Nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới” (G7) và Liên minh châu Âu lần đầu tiên đề cập rõ ràng việc ủng hộ Đài Loan tham gia một cách có ý nghĩa vào WHO và WHA trong tuyên bố chung được đưa ra tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 năm nay.
Các cơ quan lập pháp trên toàn cầu, đại diện cho dư luận rộng khắp về tinh thần dân chủ đã ủng hộ Đài Loan bằng những cách thức sáng tạo đa dạng. Cho đến nay, đã có hơn 3.000 lượt nghị sĩ quốc hội từ hơn 100 quốc gia trên thế giới thể hiện những hành động cụ thể để ủng hộ Đài Loan.
Hơn 1.500 nghị sĩ quốc hội từ 5 châu lục trên thế giới đã gửi thư riêng hoặc thư liên danh lên Tổng Giám đốc WHO hoặc chính phủ các nước để ủng hộ Đài Loan.
Ngoài ra, hơn 250 người bạn quốc tế gồm các lãnh đạo và nghị sĩ quốc hội của hơn 50 quốc gia đã hưởng ứng chương trình kết nối truyền thông mạng xã hội “#LetTaiwanHelp” (#HãyđểĐàiLoangiúpđỡ) do Quốc hội Mỹ phát động để lên tiếng ủng hộ Đài Loan.
Ban điều hành của “Hiệp hội Y khoa Thế giới” (WMA) – tổ chức y tế quốc tế quan trọng, đại diện cho giới y khoa các nước trên thế giới và “Ủy ban thường trực các bác sĩ châu Âu” (CPME) cũng đã thông qua các cách thức như nêu đề án và gửi thư lên Tổng Giám đốc WHO hoặc Liên minh châu Âu, thể hiện sự ủng hộ của các chuyên gia y tế quốc tế đối với Đài Loan.
Nhằm mở rộng sức mạnh và tiếng nói tuyên truyền ra thế giới, phim ngắn “Những người bảo vệ sự sống” (The Gift of a Great Adventure) do Bộ Ngoại giao sản xuất đã đạt hơn 18,82 triệu lượt xem. Ngoài ra, các bài viết của Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Trần Thời Trung, thư gửi của văn phòng đại diện tại nước ngoài, các bài bình luận, chuyên mục và bài báo liên quan của các chuyên gia, học giả nước ngoài cũng đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế quan trọng trên khắp thế giới. Các phương tiện truyền thông của gần 70 quốc gia đã đăng tải gần 600 bài viết ủng hộ Đài Loan tham dự WHA.
Hội thảo quốc tế “Y tế công cộng-Những kinh nghiệm và thách thức trong việc triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19” (COVID-19 Vaccine Roll-out: Experiences and Challenges) do các nước Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Anh và Australia phối hợp tổ chức trong khuôn khổ “Khung Hợp tác và Đào tạo Toàn cầu” (Global Cooperation and Training Framework, GCTF) đã tiến hành thảo luận về vấn đề vắc-xin Covid-19 đang được cả thế giới quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phân phối vắc-xin, tiêm chủng và xử lý các tác dụng phụ, trao đổi và thảo luận về chiến lược tiêm chủng tốt nhất để cùng nhau chống lại sự lây lan của dịch bệnh.
Bộ Ngoại giao kêu gọi WHO lắng nghe tiếng nói công lý mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhanh chóng tiếp nhận Đài Loan tham dự WHA với tư cách quan sát viên, đồng thời để Đài Loan tham gia đầy đủ vào tất cả các hội nghị, cơ chế và hoạt động của WHO, đảm bảo sự hoàn chỉnh của y tế công cộng và không xảy ra lỗ hổng trong hệ thống phòng chống dịch bệnh toàn cầu.