Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) lần thứ 47 đã bế mạc thành công vào tối ngày 13/6 tại Comwall (Anh). Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị lần đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, đồng thời khuyến khích giải quyết vấn đề hai bờ eo biển bằng phương thức hòa bình. Đây là lần đầu tiên trong 46 năm qua, G7 mà tiền thân là G6 được thành lập từ năm 1975, đã đưa nội dung thân thiện Đài Loan vào tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh. Bộ Ngoại giao bày tỏ sự hoan nghênh và chân thành cảm ơn nguyên thủ các quốc gia G7 và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện sự coi trọng đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan bằng những hành động cụ thể.
Nguyên thủ các quốc gia G7 và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa nhắc lại sự coi trọng đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, cho thấy việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan đã đạt được sự đồng thuận cao của nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo cấp cao của các quốc gia dân chủ lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và EU, v.v..., đồng thời cũng thể hiện hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là một mắt xích quan trọng không thể thiếu trong việc tạo ra “một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay là hội nghị thực tế đầu tiên được tổ chức kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 cho đến nay. Tại hội nghị, các nước đã thảo luận các vấn đề quan trọng như tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu, phục hồi kinh tế sau đại dịch, tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu và biến đổi khí hậu, v.v...
Là một thành viên có trách nhiệm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đài Loan sẽ tiếp tục cùng các quốc gia và đối tác có quan điểm tương đồng như các nước thành viên G7 và Liên minh châu Âu tăng cường hợp tác trên các phương diện: hoàn thiện cơ sở hạ tầng chất lượng cao của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tăng cường sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.