Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Thời trang bền vững Vẻ đẹp thân thiện với môi trường
2021-12-13

Chuyên viên ITRI Huang Fei-ping (bên trái) và Giám đốc điều hành Quỹ Văn hóa giáo dục bảo tồn và tái thiết cố đô Yen Shih-hua (bên phải) tích cực tìm đầu ra cho vải phế liệu.

Chuyên viên ITRI Huang Fei-ping (bên trái) và Giám đốc điều hành Quỹ Văn hóa giáo dục bảo tồn và tái thiết cố đô Yen Shih-hua (bên phải) tích cực tìm đầu ra cho vải phế liệu.
 

 Ngày nay, thời trang là ngành được mệnh danh là sát thủ môi trường chỉ sau ngành hóa dầu, hậu quả của việc không ngừng khuyến khích tiêu dùng, sản xuất theo số lượng lớn, mặc xong rồi bỏ, cái giá phải trả là sự hủy hoại môi trường khó có thể giải quyết trong thời gian dài.

 Trước sự thật không thể chối cãi, “thời trang bền vững” nổi lên trong thời gian này như muốn nói với chúng ta, trong lúc theo đuổi cái đẹp, phải làm sao để có thể cùng tồn tại lâu dài với môi trường.

 

 Đến Đại Đạo Trình (Dadaocheng), con phố giao thoa giữa cái cũ và cái mới này cũng là địa điểm quan trọng mà các nhà thiết kế thời trang lần lượt đến mở tiệm, ngày hôm đó, chúng tôi đã đến tầng 2 của một ngôi nhà cũ tại đây.

 “Phòng làm việc của Justin Chou (Chu Dụ Dĩnh) và Apu Jan (Chiêm Phác) đều ở gần đây”. Đón tiếp chúng tôi là cô Jean Chang (Trương Kính Lăng) - người sáng lập trang thời trang Picupipress. Sau khi rút khỏi giới truyền thông thời trang thịnh hành, năm 2018, cô đã rẽ bước sang thành lập kênh truyền thông điện tử đầu tiên về chủ đề xúc tiến thời trang bền vững tại Đài Loan. Người mà trước đây luôn quảng bá về các món sản phẩm thời trang xa xỉ, nay lại thường xuyên được nhắc đến với danh nghĩa là “người bảo vệ môi trường”, vì sao lại có bước chuyển biến lớn như vậy?
 

Rời khỏi ngành truyền thông thời trang thịnh hành, “tiêu chuẩn về cái đẹp” trong lòng cô Jean Chang cũng đã có nhiều thay đổi.

Rời khỏi ngành truyền thông thời trang thịnh hành, “tiêu chuẩn về cái đẹp” trong lòng cô Jean Chang cũng đã có nhiều thay đổi.
 

Mua ngày càng nhiều, nhưng sau đó thì sao?

 Bước chân vào ngành công nghiệp thời trang cũng chỉ vì yêu thích cái đẹp, tuy nhiên, gần 10 năm trở lại đây, cùng với tốc độ sản xuất đại trà của ngành công nghiệp càng lúc càng nhanh, sản phẩm được tạo ra càng lúc càng nhiều, giá thành sản phẩm càng ngày càng thấp, những bộ quần áo mới được tung ra thị trường chưa bao lâu đã bị xem như rác thải khi hết mùa. Nhớ lại lúc còn trẻ, cô luôn trân trọng những bộ quần áo khó khăn lắm mới có được. Sự thay đổi của ngành nghề cũng đã khiến cho Jean Chang có một cách nhìn mới về các giá trị văn hóa mà trước đây mình đã nhận định.

 Cô bước chân vào con đường khởi nghiệp đầy mạo hiểm này chỉ với một ý nghĩ ban đầu rất đơn giản, “nếu bạn thật sự yêu thích ngành này, vậy bạn hãy suy nghĩ rằng, phải làm thế nào để nó trở nên tốt hơn”. Jean Chang nói: “Không phải là sự theo đuổi tiêu dùng không ngừng nghỉ một cách thực dụng dưới sự tác động của chủ nghĩa tư bản, mà là tìm ra điểm cân bằng giữa thời trang và môi trường”.

 Tuy nhiên, dù khẩu hiệu thời trang bền vững đã được hô hào khắp toàn cầu trong những năm gần đây nhưng người thật sự triển khai trong ngành lại vô cùng ít ỏi. Do không tìm được công việc phù hợp nên cuối cùng cô đã quyết định liều mình làm thử, và thế là bắt đầu khởi nghiệp, chọn lựa lĩnh vực truyền thông mà mình quen thuộc nhất để truyền đạt những quan niệm của mình.

Nắm bắt công nghệ mới, tìm kiếm phương pháp mới

 “Mục tiêu phát triển bền vững” của Liên Hiệp Quốc có thể được xem là tinh thần chủ đạo của thời trang bền vững, trong đó bao gồm xóa đói giảm nghèo, mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững…, làm sao để biến các ý tưởng thành hiện thực? đến nay đã có một vài ví dụ cụ thể.

 Cùng với sự nổi lên của ngành vật liệu sinh học vào những năm gần đây, trong xã hội đã xuất hiện một số sản phẩm liên quan. Lấy ví dụ Axit polylactic (nhựa phân hủy sinh học PLA), gạt bỏ vấn đề điều kiện phân hủy khó khăn của loại vật liệu này, đây là loại vật liệu chủ yếu được chiết xuất từ các loại thực vật chứa nhiều tinh bột như sắn, bắp, lúa mì, cao lương, mía…, có đặc tính chịu nhiệt, không độc hại, có thể tạo hình dễ dàng, có thể phân giải, vì thế mà loại nhựa này đã được gọi là “nhựa xanh”.

 Tuy nhiên, liệu tôn sùng thời trang bền vững có cần là phải quay về truyền thống, sống cuộc sống nguyên thủy, thủ công hay không? Đáp án đương nhiên là không. Cô Jean Chang, một người am hiểu về thị trường xa xỉ phẩm, đã lấy Stella McCartney của Anh quốc làm ví dụ.

 Thoạt nhìn thì đây là một thương hiệu cao cấp không khác gì các thương hiệu khác. Để có thể thực hiện chủ trương bảo vệ môi trường một cách toàn diện, người sáng lập Stellla McCartney không chỉ kiên quyết không sử dụng các vật liệu có nguồn gốc động vật như da, lông thú, lông chim, cô và đội ngũ thiết kế của mình còn tìm kiếm các vật liệu khác để thay thế như vải giả da, cao su có thể phân hủy và gỗ… Thậm chí, để cho những đôi giày thường được tích hợp từ nhiều vật liệu khác nhau có thể đi vào hệ thống tái chế, họ đã kiên quyết chỉ dùng một loại vật liệu duy nhất để thiết kế, không dùng keo để dán đế giày, mà thay bằng thiết kế dạng chốt.

 Qua đó có thể thấy rằng, thời trang bền vững kết hợp phương pháp khoa học và công nghệ, đặt trọng tâm ở nghiên cứu phát triển vật liệu công nghiệp, đồng thời thông qua thiết kế sản phẩm để giải quyết vấn đề, như vậy sao có thể là quay về cuộc sống nguyên thuỷ?
 

Quỹ Kaulin khuyến khích các nhà thiết kế dùng vải phế liệu để sáng tạo. Giám đốc điều hành Iris Lin (bên phải) và nhà thiết kế Joe Chan (bên trái) đang chuẩn bị đóng gói trang phục trên bục để gửi đi nước ngoài triển lãm.

Quỹ Kaulin khuyến khích các nhà thiết kế dùng vải phế liệu để sáng tạo. Giám đốc điều hành Iris Lin (bên phải) và nhà thiết kế Joe Chan (bên trái) đang chuẩn bị đóng gói trang phục trên bục để gửi đi nước ngoài triển lãm.
 

Áo quần secondhand mới

 Năm 2016, nữ diễn viên điện ảnh Anh quốc Emma Watson từng diện một bộ váy dạ hội đen trắng độc đáo xuất hiện trên thảm đỏ của Met Gala tại New York, đó là chiếc váy tinh tế do Calvin Klein thiết kế với nguyên liệu là sợi tơ hữu cơ, cotton hữu cơ, sợi nhựa tái chế và dây kéo được làm từ nhựa tái chế, thậm chí có thể tháo ra làm thành nhiều bộ quần áo khác nhau, phối với nhau để mặc ngày thường. Tại Đài Loan, MC nổi tiếng Mickey Huang (Hoàng Tử Giảo) cũng đã từng mặc bộ vest được tái chế từ quần áo cũ để dẫn chương trình cho lễ trao giải Kim Chung năm 2017.

 Để đáp ứng thái độ luôn đổi mới, luôn sáng tạo của ngành thời trang nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được tính bền vững và bảo vệ môi trường của sản phẩm, ngành công nghiệp thời trang đã nổi lên làn sóng tái chế.

 Như cô Jean Chang đã hỗ trợ Tổ chức từ thiện Carpenter’s House (tạm dịch là Hiệp hội từ thiện Ngôi nhà của thợ mộc), cô góp để ý hiệp hội này tận dụng quần áo cũ mà người dân đã quyên góp, lấy vải jean thường thấy nhất mà lại có chất lượng ổn định, thiết kế và may lại, tạo thành những bộ trang phục có thể sản xuất số lượng lớn theo mô hình có sẵn.

 Trong chợ Vĩnh Lạc - Chợ vải lớn nhất ở Đài Loan, Justin Chou - nhà thiết kế nổi tiếng trong việc tái chế cũng trưng bày bộ sưu tập được thiết kế bằng vải tái chế của mình tại cơ sở thực nghiệm thời trang T Fashion ở tầng 4 của chợ, còn tác phẩm “Đường chân trời Đài Bắc” treo trên tường là bức tranh được ghép thành từ các mảnh vụn vải jean tái chế.

Mùa xuân thứ hai của vải phế liệu

 Đài Loan là nước sản xuất vải hàng đầu nhưng cũng đã nếm không ít trái đắng do làn sóng sản xuất đại trà mang lại. Khi sản xuất quá nhiều, đương nhiên sẽ xuất hiện một lượng lớn vải tồn kho, nguyên liệu phế thải, vải vụn, vải mẫu, vải hết mùa, sản phẩm lỗi… Những sản phẩm khó mà đem ra bày bán này, cuối cùng chỉ còn cách là bỏ đi.

 Với khái niệm kinh tế tuần hoàn, “Ngân hàng vải vóc” tập hợp những loại vải ít được ưa chuộng và một lần nữa đưa chúng lên kệ hàng, cung cấp cho các nhà thiết kế sử dụng, tạo ra con đường mới cho những thước vải phế liệu này.

 Viện nghiên cứu Kỹ thuật công nghiệp (ITRI) đã chọn Đài Nam – địa phương phát triển mạnh về ngành dệt may để làm cứ điểm, kết hợp với các doanh nghiệp địa phương và Foundation Historic City Conservation and Regeneration (Quỹ Văn hóa giáo dục bảo tồn và tái thiết cố đô) ra mắt nền tảng tích hợp các kênh thực thể và ảo, để những xưởng vải lớn chuyên gia công cho các thương hiệu thời trang như Nike, Adidas, Victoria’s Secret, Burberry..., mở ra cánh cửa từ xưởng sản xuất đến người tiêu dùng, ngoài bán online, còn đặt cửa hàng ngay tại văn phòng hiệp hội để người dân đến chọn mua.

 Không chỉ vậy, công ty mẹ The Kaulin Foundation (Quỹ Kaulin) là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành máy may, do nhà máy sẽ phát sinh rất nhiều vải phế liệu trong lúc thử nghiệm sản phẩm nên họ đã bắt đầu xúc tiến “kế hoạch may lại”.

 Giám đốc điều hành Iris Lin (Lâm Dục Trinh) mở cánh cửa nhà kho, chỉ thấy trong đó chất đầy thùng carton, trong thùng toàn là vải phế liệu đến từ các nhà cung cấp vải trên khắp Đài Loan. Những năm gần đây, họ rất tích cực trong việc kết nối các nhà cung cấp và nhà thiết kế, trở thành cầu nối tái chế cho vải bị bỏ đi.

 Hai bộ quần áo trên bục bên cạnh là tác phẩm mới được làm từ vải phế liệu của nhà thiết kế Joe Chan. Với sự hỗ trợ của Quỹ, anh đang chuẩn bị gửi tác phẩm của mình đến Las Vegas, tổng cộng có 10 nhà thiết kế của Đài Loan sẽ tham gia triển lãm.

 Anh có sự yêu thích đặc biệt đối với quần áo cũ và đồ cổ, có rất nhiều tác phẩm đều được cắt may, thiết kế lại từ quần áo cũ, được anh thể hiện lại bằng phong cách Street Style, Neutral Style sở trường, “Hồi còn học ở Paris, tôi cũng thường hay đến các cửa hàng quần áo secondhand để tìm kho báu, lúc ấy nhìn thấy rất nhiều bộ quần áo rất tốt bị bán với giá rẻ mạt, nhìn mà cứ cảm giác những bộ quần áo này giống như đang khóc”, Joe Chan nói.

 Dù thời trang tái chế chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong thị trường thời trang nhưng “chỉ cần các nhà thiết kế có khái niệm rằng cứ 10 tác phẩm sẽ có 1 tác phẩm tái chế, như vậy tức là họ đã ý thức được vấn đề này, chúng ta cũng đã đạt được mục tiêu giáo dục”, bà Iris Lin khá lạc quan đối với vấn đề này.