Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Triển lãm đặc biệt “Nhân quyền của người di cư” Vì một ngày mai tươi sáng hơn cho lao động di cư
2022-01-10

Triển lãm đặc biệt “Nhân quyền của người di cư”

 

 Rất nhiều người không hiểu được tình hình cuộc sống của lao động nước ngoài tại Đài Loan, sự tồn tại của họ dường như vô hình trong xã hội. Năm 2021, Bảo tàng Nhân quyền Quốc gia cho mời 15 tổ chức NGO, cùng quy hoạch tổ chức Triển lãm đặc biệt “Nhân quyền của người di cư” để phác họa nên bức tranh cuộc sống của lao động di cư. Chỉ khi nâng cao ý thức về nhân quyền cho toàn xã hội, mới có cơ hội để sứ mệnh thúc đẩy quyền lợi cho lao động di cư tiến bộ dần trong sự kỳ vọng của mọi người.

 

 Sự ra đời của Chi hội châu Á Thái Bình Dương - Liên minh Bảo tàng Nhân quyền quốc tế (Federation of International Human Rights Museums–Asia Pacific, gọi tắt là FIHRM-AP) vào năm 2019 tại Bảo tàng Nhân quyền quốc gia Đài Loan (dưới đây gọi tắt là “Bảo tàng Nhân quyền”) đã khẳng định sự nỗ lực của Đài Loan trên phương diện phát triển nhân quyền và khiến Đài Loan trở thành nền tảng quan trọng cho việc thực tiễn hóa sự thúc đẩy nhân quyền. Giữ trọng trách này, Bảo tàng Nhân quyền đã suy ngẫm về vấn đề nhân quyền đương đại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lập kế hoạch kết nối giữa các viện bảo tàng trong và ngoài nước, các tổ chức NGO và nhân viên công tác trong lĩnh vực nhân quyền, thông qua triển lãm, tọa đàm cũng như các hoạt động nghệ thuật để tạo ra cảnh quan văn hóa về quyền con người.

 Để hưởng ứng chủ đề “Bảo tàng vì sự bình đẳng: Đa dạng và hòa nhập” của Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2020, sở dĩ các nhóm cộng đồng khác nhau có sự tương tác qua lại là vì sự dịch chuyển, “Nhân quyền của người di cư” trở thành vấn đề đầu tiên được tiếp cận trong khuôn khổ của FIHRM-AP tại Bảo tàng Nhân quyền. Bảo tàng Nhân quyền lấy “Lao động di cư” - đối tượng có mối quan hệ mật thiết với Đài Loan nhưng lại hay bị mọi người lãng quên để làm trọng tâm, suy nghĩ làm thế nào vận dụng vai trò của bảo tàng để dẫn dắt mọi người phát hiện định kiến và xóa bỏ định kiến. 

 

Cùng phác họa hình ảnh lao động di cư

 Năm 2020, Bảo tàng Nhân quyền cho mời 15 viện bảo tàng trong nước và 15 tổ chức NGO đã đấu tranh cho lao động di cư trong nhiều năm như Hiệp hội Người lao động Quốc tế Đài Loan (TIWA), Hiệp hội phục vụ quần chúng thành phố Đào Viên, Khuôn viên Văn hóa Việt Nam, Văn phòng Văn hóa Lịch sử 1095 v.v…, để chia sẻ với nhau các vấn đề về lao động di cư mà mọi người đều quan tâm, cùng tìm ra con đường để thực hiện, mở ra chặng đường học hỏi lẫn nhau, đồng thời trong năm nay tổ chức Triển lãm đặc biệt “Nhân quyền của người di cư”, cùng xây dựng kênh giao lưu trao đổi của xã hội để có thêm nhiều người lắng nghe tiếng nói của lao động di cư.

 Phát huy tinh thần học hỏi lẫn nhau, Bảo tàng Nhân quyền thoát khỏi lối mòn khuôn khổ trước kia, do nhân viên nghiên cứu hoặc người tổ chức triển lãm đi khảo sát thực địa, sau đó đội ngũ sản xuất chương trình thiết kế dựa trên kế hoạch của người tổ chức triển lãm, việc xử lý và tích hợp thông tin hoàn toàn do người tổ chức triển lãm đóng vai trò chủ đạo; Triển lãm đặc biệt “Nhân quyền của người di cư” dùng hình thức “tổ chức triển lãm theo kiểu hội thảo”, trao lại quyền phát ngôn cho các tổ chức NGO. Đơn vị phụ trách thiết kế triển lãm - Hide & Seek Audiovisual Art đã phỏng vấn từng tổ chức NGO, sau đó tổng hợp ra hơn 100 từ khóa, thiết kế thành hội thảo để các tổ chức NGO cùng thảo luận và sáng tạo. Nhờ có bề dày kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực chăm lo quyền lợi cho lao động di cư của các tổ chức NGO, mỗi lần diễn ra hội thảo đều cung cấp rất nhiều nội dung nghị luận phong phú, sau đó sẽ do người tổ chức triển lãm Chen Wei Lin và đội ngũ Hide & Seek Audiovisual Art tập hợp lại. Sau nhiều lần hội thảo, cuối cùng đã hoạch định triển lãm theo các phương diện gồm nhu cầu thường nhật của người Đài Loan, đến nơi làm việc của lao động di cư, nhu cầu cơ bản của lao động di cư, cơ chế tuyển dụng và quản lý lao động di cư hay vai trò “lấp vị trí” của NGO, qua đó sắp xếp hệ thống lại những vấn đề gây ra tình cảnh khó khăn cho lao động di cư.

 Công ty thiết kế Hide & Seek Audiovisual Art cho biết, hướng thiết kế ban đầu là nối những mảnh ghép cuộc sống của lao động di cư lại với nhau nhưng sau diễn biến của quá trình thảo luận hoạch định tổ chức triển lãm, việc “giúp người Đài Loan thấy được hình ảnh của lao động di cư trong cuộc sống thường nhật” mới là cách quan sát gần gũi nhất tại triển lãm: ở nhà, tại viện dưỡng lão, trên núi, trong nhà máy, ngoài biển khơi..., khắp nơi đều thấy hình bóng của lao động di cư; những món hải sản trên bàn, con chíp điện thoại di động, những tòa nhà cao tầng, tàu điện ngầm, v.v..., đều vì có sự đóng góp của lao động di cư, giúp lấp đầy sự thiếu khuyết về nhân lực cho nhóm ngành công nghiệp 3K (tức các ngành công nghiệp bẩn thỉu, nguy hiểm và vất vả), giúp người dân Đài Loan được tận hưởng sự tiện lợi trong cuộc sống. Vì vậy, đội ngũ của Hide & Seek Audiovisual Art đã sử dụng phương thức bản đồ trải rộng trong khu vực triển lãm để thấy được lao động di cư có mặt ở mọi nơi trong cuộc sống của người Đài Loan. Đi một vòng trong khuôn viên triển lãm, với các phạm trù từ nhu cầu cuộc sống, môi trường làm việc cho đến chế độ chính sách, từ gần đến xa đều khắc họa hình ảnh cuộc sống của lao động di cư tại Đài Loan, giúp cho chủ đề của Triển lãm đặc biệt càng trở nên gần gũi hơn với chức năng chính của Bảo tàng, “khiến hình ảnh của lao động di cư từ những khối mờ trở nên rõ nét dần”, anh Chen Wei Lin cho biết.

 

Kết nối giữa người với người, thắp sáng niềm hy vọng

 Khơi dậy ý thức tự thức tỉnh trong lĩnh vực công cộng cho người Đài Loan là mong muốn của Triển lãm đặc biệt lần này. Đội ngũ hoạch định tổ chức triển lãm thử áp dụng phương thức cảm tính để hóa giải vấn đề nhân quyền của lao động di cư vốn khá cứng nhắc. Cô Trương Văn Hinh (Wen Hsin Chang) cười nói, mỗi tổ chức NGO đều rất dày dạn kinh nghiệm, thông qua sự tưởng tượng về triển lãm, mọi người đã đề xuất ra phương pháp giúp những người bình thường dễ dàng lý giải hơn, để có thể hiểu rõ hơn vấn đề rủi ro tai nạn lao động có thể sẽ xảy ra đối với lao động di cư; hoặc sử dụng chiếc thùng gửi hàng bên trong lèn chặt đồ chơi, quần áo, để nói lên nỗi nhớ người thân của lao động di cư. Với ý tưởng dùng các vật dụng triển lãm để tạo sự kết nối giữa người dân Đài Loan với lao động di cư, nhờ đó giúp mọi người hiểu được rằng, lao động di cư cũng là con người, cũng cần được hưởng nhân quyền giống như người Đài Loan.

 Sự quan tâm có thể sẽ biến thành hành động, tạo cơ hội thay đổi. Giống như cô Lý Lệ Hoa (Allison Lee) nghỉ làm ở Sở Lao động để dấn thân vào công việc của công đoàn nghề cá không hề có chức danh gì, chỉ vì cô nhìn thấy sự lép vế và vô vọng của lao động nước ngoài khi có tranh chấp với chủ sử dụng lao động. Cô chuyển chỗ ở từ Đào Viên tới Nghi Lan, thành lập công đoàn duy nhất thuộc về các thuyền viên người nước ngoài, không lo sợ trước các thế lực tại địa phương, cô luôn ở bên cạnh và cùng những lao động di cư đấu tranh cho quyền lao động của họ. Anh Andi Kao, nghiên cứu sinh tiến sĩ hiện đang theo học khoa Quan hệ giữa ngành công nghiệp và người lao động của Trường Đại học Cornell (Mỹ). Do đọc được thông tin về sự xả thân của cô Lý Lệ Hoa nên đã chủ động xin đến Đài Loan thực tập. Trước khi sang Đài Loan, anh còn đặc biệt đi học tiếng Indonesia, ngoài hỗ trợ những công việc của công đoàn ở Nghi Lan, anh tới khu vực cảng Cơ Long, cùng ăn uống sinh hoạt với lao động di cư, hỗ trợ họ thành lập Công đoàn nghề cá thành phố Cơ Long. Vì có sự ra đời của công đoàn thứ hai nên Công đoàn nghề cá huyện Nghi Lan có hy vọng sẽ được gia nhập Liên minh Công nhân vận tải quốc tế (ITF), như vậy sẽ giành được nhiều sự chi viện hỗ trợ hơn trong vấn đề lao động di cư.

 Anh Chen Wei Lin chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi lưu trú tại quốc gia Đông Nam Á vào nhiều năm trước, các công ty môi giới lao động mọc lên nhan nhản trên đường phố, tài xế taxi nghe nói anh đến từ Đài Loan đã chia sẻ rằng, người thân của mình cũng làm việc tại các nhà máy ở một số nơi của Đài Loan như Đài Trung, Cơ Long, có được sự kết nối với người tài xế, quan điểm về địa lý của anh Chen Wei Lin cũng vì thế mà thay đổi hoàn toàn. Đối với người dân khu vực Đông Nam Á, Đài Loan từ lâu đã là chốn phương xa thân thuộc đối với họ, điều đó khiến anh tự ngẫm, tại sao sự hiểu biết của người Đài Loan về Đông Nam Á lại quá ít ỏi như vậy.

 Tại Triển lãm đặc biệt “Nhân quyền của người di cư” được tổ chức vào nửa cuối năm nay, ngoài triển khai tại Đài Loan, Bảo tàng Nhân quyền cũng hy vọng thông qua vai trò của FIHRM-AP để đối thoại với các tổ chức nước ngoài. Trước đây lao động di cư quyết định đến Đài Loan làm việc, có thể là vì thấy ở quê mình có người đi Đài Loan lao động để cải thiện kinh tế gia đình, thêm vào đó những lao động di cư thường chỉ kể với gia đình về những điều thuận lợi mà không kể những điều khiến người thân lo lắng, rất hiếm người thổ lộ về cuộc sống khó khăn vất vả của mình tại Đài Loan, rất nhiều thông tin phiến diện và không đầy đủ khiến nhiều người đã không mường tượng được sau khi đặt chân tới Đài Loan, một hiện thực ra sao đang chờ đợi phía trước. Vì vậy Bảo tàng Nhân quyền hy vọng đưa triển lãm đến với quê hương của những lao động di cư, mở ra cơ hội thảo luận để  có thêm nhiều người tham dự vào vấn đề lao động di cư, cùng suy ngẫm về khả năng tạo sự thay đổi.