Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đội tuyển bắn cung nam của Đài Loan giành huy chương bạc tại Olympic Tokyo 2020
2022-03-21

Đội tuyển bắn cung nam của Đài Loan có phong độ rất ổn định, đã vượt qua vòng đấu loại 1/8 và giành huy chương bạc tại Olympic Tokyo (Ảnh: Sở Thể dục thể thao, Bộ Giáo dục cung cấp)

Đội tuyển bắn cung nam của Đài Loan có phong độ rất ổn định, đã vượt qua vòng đấu loại 1/8 và giành huy chương bạc tại Olympic Tokyo (Ảnh: Sở Thể dục thể thao, Bộ Giáo dục cung cấp)
 

 “Quá đẹp!”, tại sân thi đấu môn bắn cung Olympic Tokyo 2020, các cung thủ thuộc đội tuyển bắn cung nam của Đài Loan là Ngụy Quân Hành (Wei Chun-heng), Đặng Vũ Thành (Deng Yu-cheng) và Thang Trí Quân (Tang Chih-Chun) đã quay sang nhìn nhau, đập tay vào nhau và không ngừng hô vang để cổ vũ lẫn nhau. Nhờ khí thế và sự ăn ý như vậy đã giúp đảo ngược tình thế bị dẫn trước hai hiệp trong vòng đấu 1/8, tới hiệp đấu thứ tư liên tục bắn trúng 5 mũi tên 10 điểm giúp san bằng tỉ số, trong hiệp đấu cộng điểm tiếp theo đã hạ gục đối thủ với 3 mũi tên giành được 28 điểm, sau đó liên tiếp giữ phong độ ổn định cho tới khi bước vào trận chung kết.

 

 Bắt đầu từ năm 2004, đội tuyển bắn cung quốc gia Đài Loan năm nào cũng đạt đủ điều kiện tham gia Thế vận hội Olympic và đã từng 3 lần giành được huy chương khi tham gia thi đấu Olympic. Huấn luyện viên trưởng Lâm Chính Hiền (Lin, Cheng-Hsien) cho biết, thành tích xuất sắc của tuyển thủ bắn cung Đài Loan một phần là nhờ họ tự yêu cầu bản thân khá cao, tinh thần gắn kết tập thể và bầu không khí tích cực, điều quan trọng nhất là đội tuyển nam và đội tuyển nữ luôn khích lệ, động viên nhau. Tại Olympic Tokyo lần này, đội tuyển nữ thi đấu trước, mặc dù bị thua nhưng không hề nản chí mà ngay lập tức đã chia sẻ với đội tuyển nam về tình hình và cảm xúc thi đấu, giúp đội tuyển nam quyết đoán hơn khi bắn từng mũi tên.

 

Bắn cung “bằng cả trái tim”

 Sân thi đấu bắn cung của Olympic Tokyo nằm trong công viên Yumenoshima ở gần biển, hướng gió liên tục thay đổi, ngoài ra, vì dịch Covid-19 bùng phát nên đội tuyển bắn cung quốc gia Đài Loan đã gần hai năm không tham gia các trận đấu quốc tế, vì vậy cuộc thi này có thể nói là một cuộc chiến rất cam go.

 Nhớ lại trận đấu đầu tiên, tuyển thủ Ngụy Quân Hành bình thản kể lại rằng: “Phải thích nghi tình huống khi đó, cứ nỗ lực hết sức là được”. Mặc dù mới đầu rất khó đón được hướng gió tốt nên mũi tên bắn ra chỉ được 7 điểm, nhưng cứ tiếp tục động tác chuẩn bị tốt thì sẽ quen dần. Tương tự, tuyển thủ Thang Trí Quân cũng thấy tình hình tốt dần lên, anh chia sẻ: “Tôi không tập trung vào việc muốn chỉnh sửa lại vấn đề của mũi tên trước, mà tôi coi tất cả các mũi tên đều là mũi đầu tiên được bắn đi”. Còn tuyển thủ Đặng Vũ Thành có vẻ bề ngoài rất điềm tĩnh, chính là người đầu tiên bắn mũi tên giành được 9 điểm giúp giữ vững tâm lý cho cả đội thì cho biết: “Tôi chỉ nhớ lúc đó hình như có gió thổi từ phía bên trái tới thì phải, nhưng quan trọng là vẫn phải thực hiện các động tác thật tốt”.

 Trong lúc chuẩn bị cho việc tham gia thi đấu tại Olympic, quá trình huấn luyện luôn nhấn mạnh sự tự tin và trạng thái tâm lý của tuyển thủ, bởi vì những tuyển thủ bắn cung đẳng cấp không chỉ tranh tài về mặt kỹ thuật, mà còn phải có khả năng kiểm soát nội tâm. Các huấn luyện viên thường dùng những lời nói tích cực để chỉ ra những điểm cần cải thiện của các tuyển thủ, ví dụ như: “Lực kéo cánh tay của bạn cần mạnh lên một chút sẽ càng thuận lợi hơn”, mà không nêu thẳng nhược điểm, “Như vậy sẽ khắc sâu vào tâm trí họ, vào thời khắc quan trọng, những khiếm khuyết ngược lại sẽ nổi bật lên”, nếu thấy tuyển thủ có vẻ bất thường trong lúc tập luyện, huấn luyện viên Lâm Chính Hiền cũng sẽ nhờ chuyên viên tư vấn tâm lý đi theo đội tuyển lưu ý giúp, tránh hỏi thẳng để không gây áp lực cho các tuyển thủ. 

 Cô Trần Nhược Vân (Chen Jo-yun), chuyên viên tư vấn tâm lý cho đội tuyển bắn cung nam sẽ quan sát quá trình luyện tập của các tuyển thủ từ phía ngoài sân thi đấu để phán đoán trạng thái tâm lý của họ qua nét mặt và sự thay đổi động tác. Mỗi lần tuyển thủ hoàn thành một lượt bắn, cô sẽ đi cùng với họ tới rút mũi tên ra khỏi bia bắn ở cách điểm bắn 70 mét, động viên họ trên đường đi và để hiểu họ nhiều hơn. “Tôi cũng ra bài tập yêu cầu các tuyển thủ quan sát đồng đội của mình, bởi vì mọi người thường dễ nhìn ra khuyết điểm của chính mình, nhưng có thể thấy được những ưu điểm của bản thân thông qua nhận xét của người khác”, cô Trần Nhược Vân cho biết, ngoài quan sát đồng đội, cô cũng sẽ cùng các tuyển thủ lập mục tiêu, thảo luận sau các trận đấu, giúp họ tạo sự tự tin trong quá trình hoàn thành công việc.

 

Nỗ lực tập luyện, tin vào chính mình

 Khi hỏi huấn luyện viên Lâm Chính Hiền về bí quyết tại sao môn bắn cung của Đài Loan có thể lọt Top hàng đầu thế giới, ông cho biết, ngoài việc tuyển thủ được huấn luyện vững vàng từ khi còn nhỏ thì “Cách huấn luyện (đội tuyển quốc gia) của Đài Loan không theo kiểu rập khuôn!” Đối với thế hệ tuyển thủ có tinh thần tự yêu cầu bản thân rất cao này, mỗi lần tham gia thi đấu quốc tế đều đặt mục tiêu giành được huy chương, cũng rất tích cực chủ động trong việc tập luyện nâng cao thể lực trước khi thi đấu, buổi tối còn hẹn nhau cùng luyện bắn cung. Ngược lại, các huấn luyện viên cần nhắc nhở tuyển thủ phải nghỉ ngơi lúc cần thiết, khi phát hiện các tuyển thủ có vẻ mệt mỏi thì gợi ý họ hãy cùng nhau đi ăn kem, xem phim, rồi về tập luyện sau.

 Ba cung thủ của đội tuyển bắn cung nam mỗi người đều có sự lý giải riêng rất thú vị về tập luyện. Ngụy Quân Hành nói: “Có những lúc tôi sẽ tự đến sân tập để luyện bắn cung vào buổi tối, thách thức bản thân bằng cách bắn cung nhưng không bật đèn”, bởi vì anh tin rằng: “Trong đầu tin rằng có bia thì sẽ bắn trúng bia, nếu nghi ngờ bản thân thì sẽ bắn trượt”, Đặng Vũ Thành thì cho rằng: “Tập luyện hằng ngày là để tìm ra góc độ và tư thế lý tưởng nhất. Mỗi ngày khi giương cung, kéo mũi tên đầu tiên lên là sẽ biết được những động tác khởi động nào làm chưa thấu đáo, phải dồn sự tập trung vào đâu”. Hay như Thang Trí Quân là người rất chú trọng việc mô phỏng tình huống thì nói rằng: “Tôi sẽ tưởng tượng mình đang có một đối thủ, có thể đối thủ này bắn các mũi tên lần lượt đạt số điểm là 10,10,9, sau đó đến lượt tôi bắn, tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt các động tác của mình”.

 Ngoài đội huấn luyện viên, bác sĩ đi theo đội tuyển thi đấu Olympic Quách Thuần Ân (Aurea Kuo) cũng không gò bó các tuyển thủ trong việc có thể tự đưa ra quyết định. Khi cô tới Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia để châm cứu cho các tuyển thủ bắn cung giúp họ làm giãn cơ, cô phát hiện nhu cầu của mỗi người một khác: “Đặng Vũ Thành thì quen với trạng thái căng cơ, như vậy sẽ dễ dùng lực hơn, vì vậy trong từng ấy năm cậu ấy chỉ để tôi châm cứu có 5 lần thôi. Thang Trí Quân thì thích châm cứu theo từng chỗ khác nhau, cậu ấy hỏi tôi có thể châm cứu cho cơ vai thả lỏng một chút thôi có được không? Còn Ngụy Quân Hành nếu hôm nào không cần châm cứu thì cũng vẫn báo cáo tình hình sức khỏe, rất có trách nhiệm với trạng thái của bản thân”. Bác sĩ Quách Thuần Ân cho rằng, bắn cung là môn thể thao yêu cầu sự cân bằng cơ của cả cơ thể, chỉ có tuyển thủ là biết rõ nhất trạng thái cơ thể của mình, vì vậy sẽ không yêu cầu tuyển thủ phải phối hợp làm theo mà tôn trọng sự làm chủ cơ thể của họ.

 

“Tận hưởng” sự căng thẳng khi thi đấu

 Bắn cung không giống với nhiều môn thể thao khác, sau khi đã đứng lên bục ngắm bắn thì phải một mình đối diện với trận đấu, yên lặng chịu đựng mọi cảm xúc từ bên trong. Đối với sự kiện thi đấu quy mô lớn như Olympic, làm thế nào để giữ được sự tập trung, kiểm soát nhịp tim, chính là mấu chốt để giành thắng lợi.

 Ngụy Quân Hành giải thích khái niệm “Mức độ thức tỉnh” trên phương diện tâm lý thể thao, mức độ phấn khích cần có của mỗi một bộ môn thể thao là không giống nhau, môn bắn cung có mức độ thức tỉnh cấp trung bình, vì vậy khi bị căng thẳng thì “Đừng bài xích nó, phải tìm cách tiếp nhận, chuyển đổi, phối hợp với bản thân, biến nó thành thứ của mình để sử dụng một cách linh hoạt, biến căng thẳng thành sự phấn khích!”

 Trước đây mỗi khi bị căng thẳng, Thang Trí Quân lại không thể tập trung vào điểm rơi của mũi tên, tới nay anh đã nghiệm ra là không được gấp gáp, “Bởi vì thành tích của mọi người vào giai đoạn thi đấu cuối cùng đều sẽ ngang tầm nhau, có trạng thái tâm lý chính xác thì mới có nhiều năng lượng tích cực và sự tự tin trong thi đấu”. Tuyển thủ Đặng Vũ Thành trong lúc thi đấu có biểu cảm khá lạnh lùng cảm tưởng như thiếu cảm xúc phấn khích, nhưng sau khi kết thúc thi đấu tại Olympic Tokyo, khi được bác sĩ Quách Thuần Ân tìm hiểu, anh mới thổ lộ rằng: “Tôi căng thẳng tột độ nhưng vẫn trong khả năng chịu đựng”, qua đó cô Quách Thuần Ân mới phát hiện, hóa ra Đặng Vũ Thành đã cố gắng để duy trì mức độ phấn khích phù hợp.

 Ngoài thái độ của bản thân, chuyên viên tư vấn tâm lý cũng hướng dẫn các tuyển thủ dùng hơi thở để điều chỉnh nhịp độ và tự đối thoại để khích lệ bản thân, vì vậy Ngụy Quân Hành thường nghe thấy Thang Trí Quân nói: “Tôi là nhà vô địch Olympic Thang Chí Quân!”

 

Tình cảm tốt đẹp, luôn nghĩ cho nhau

 Tình cảm tốt đẹp của đội tuyển bắn cung nam đã giúp nâng cao chí khí thi đấu. Huấn luyện viên của đội tuyển bắn cung nam Đài Loan-ông Lưu Triển Minh (Liu Chan-ming) cho biết, đây không phải là lần đầu tiên họ được ghép đội, vì vậy đã có một sự ăn ý nhất định, hơn nữa, trước khi đi thi đấu Olympic, đội tuyển thủ bắn cung nam đã mô phỏng rất nhiều tình huống thi đấu, tập luyện theo các thứ tự thi đấu khác nhau. “Khi gió to hơn, Ngụy Quân Hành sẽ ra thi đấu đầu tiên, vì có lực kéo cung mạnh hơn nên mức độ bị gió làm ảnh hưởng không quá lớn và có thể chia sẻ thông tin tại sân thi đấu cho đàn em. Đặng Vũ Thành phong độ ổn định nên sẽ là người thứ hai ra sân, còn Thang Trí Quân thì động tác khá nhanh nhạy nên ra thi đấu đầu tiên hoặc cuối cùng đều được”.

 Tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, tinh thần đoàn kết của đội tuyển bắn cung được rất nhiều người biết đến. Huấn luyện viên Lưu Triển Minh vừa cười vừa nói: “Chúng tôi không phân biệt đội tuyển nam hay đội tuyển nữ, vào ngày nghỉ rất thích cùng nhau hội họp đi ăn uống, xem phim”.

 “Trong thể thao khó mà tránh khỏi có lúc phải cạnh tranh lẫn nhau, nhưng trong đội tuyển bắn cung tôi thấy các tuyển thủ rất biết nghĩ cho nhau”. Bác sĩ Quách Thuần Ân vẫn còn nhớ khi châm cứu cho Ngụy Quân Hành trước khi vào thi đấu tại Olympic Tokyo, Thang Trí Quân rất chăm chú đứng xem ở bên cạnh. Cô vừa cười vừa nói: “Tôi đi lên phía trước thì cậu ấy chạy ra đằng trước, tôi chạy về đằng sau cậu ấy cũng đi theo sau”, hóa ra Thang Trí Quân muốn ghi nhớ vị trí huyệt đạo, để khi ra sân đấu sẽ giúp đàn anh xoa bóp làm giãn cơ mà không hề để tâm tới việc tại nhiều trận đấu lớn họ lại trở thành đối thủ của nhau.

 Sau khi Olympic Tokyo kết thúc, 3 tuyển thủ bắn cung chỉ nghỉ ngơi một thời gian ngắn, rồi lại lao vào chuẩn bị thi đấu. Ngụy Quân Hành đã giành được huy chương đồng khi tham gia Giải vô địch bắn cung thế giới 2021 ở nội dung thi đấu cung uốn ngược đồng đội nam, còn Đặng Vũ Thành và Thang Trí Quân cũng lần lượt giành được huy chương vàng và huy chương bạc trong giải bắn cung đồng đội nam tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc. Sắp tới, họ sẽ tiếp tục phấn đấu để giành được tư cách tuyển thủ quốc gia đi thi đấu tại Đại hội thể thao châu Á 2022. Mặc dù số lượng tuyển thủ được tham gia chỉ có hạn nhưng họ luôn nêu cao tinh thần: “Vui vẻ bắn cung, tận hưởng thi đấu”, bất kể là ai được cử đi thi đấu thì đều cổ vũ tinh thần cho nhau, bởi vì mỗi một trận đấu đều là một sự khởi đầu mới, trong bộ môn bắn cung thì kẻ thù cuối cùng lại chính là bản thân”.

 

Xem thêm

Đội tuyển bắn cung nam của Đài Loan giành huy chương bạc tại Olympic Tokyo 2020