Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Phong cảnh dọc tuyến đường sắt Nam Hồi Du lịch chậm bằng đường sắt
2022-02-28

Ông Lưu Khắc Tương hy vọng giữ lại tàu Express xanh dương, ông đưa ra sáng kiến “văn hóa du lịch chậm”, nhưng chậm không phải là điểm chính mà là thông qua tốc độ chậm để nhìn thấy những khung cảnh khác biệt của Đài Loan.

Ông Lưu Khắc Tương hy vọng giữ lại tàu Express xanh dương, ông đưa ra sáng kiến “văn hóa du lịch chậm”, nhưng chậm không phải là điểm chính mà là thông qua tốc độ chậm để nhìn thấy những khung cảnh khác biệt của Đài Loan.
 

 Đến khu vực hạ lưu con suối Jiajinlin (Gia Tân Lâm), xã Dawu (Đại Vũ), huyện Taitung (Đài Đông) rồi ngồi chờ xem chuyến tàu đi ngang qua, với cảnh nền phía sau là biển Thái Bình Dương bao la, cảm giác cứ như chuyến tàu di chuyển trên mặt biển, hoặc khi chờ tàu trên sân ga Duoliang (Đa Lương) chụp lại khoảnh khắc đoàn tàu và biển trời hòa chung một sắc màu. Năm 2020, nhóm người hâm mộ đường sắt đã bỏ ra cả năm trời để đi theo bước chân đoàn tàu tuyến đường sắt Nam Hồi về hướng Pingtung (Bình Đông), Taitung (Đài Đông), chỉ vì họ muốn lưu giữ lại phong cảnh đường sắt chưa có sự hiện diện của những cột điện, trước khi công trình điện khí hóa đường sắt bắt đầu.

 

 Tuyến đường sắt chạy vòng xuống phía Nam Đài Loan hay còn gọi là tuyến Nam Hồi là mảnh ghép cuối cùng của hệ thống đường sắt vòng quanh đảo Đài Loan, được thông xe vào năm 1991. Năm 2021, đúng dịp kỷ niệm 30 năm thông xe, cũng là lúc Công ty đường sắt Đài Loan vừa hoàn thành công trình điện khí hóa toàn tuyến đường sắt Nam Hồi, từ đó nhanh chóng kết nối mạch giao thông hai chiều hướng Nam miền Nam, nhưng ngoài công trình điện khí hóa và tốc độ, tuyến đường sắt Nam Hồi không chỉ mang trọng trách của một tuyến đường giao thông, mà nó còn cất giấu rất nhiều những bức tranh phong cảnh và câu chuyện thú vị, là tuyến đường sắt đưa du khách khám phá một Đài Loan hoàn toàn khác biệt.

 

Công trình mang nhiều thử thách nhất

 “Tuyến Nam Hồi giống như dấu móc của nhãn hiệu Nike”, đạo diễn Tiêu Cúc Trinh (Hsiao Chu-chen) đã hình dung như thế khi đang quay bộ phim tài liệu “Nhân viên đường sắt tuyến Nam Hồi”. Khởi hành từ Fangliao (Phương Liêu), cả tuyến đường phải băng sông vượt núi, rồi lên dốc gần cả trăm cây số mới tới được trạm Taitung.

 Việc quy hoạch và xây dựng hệ thống đường sắt của Đài Loan chủ yếu do bàn tay của người Nhật làm nên và hầu hết đã được hoàn thành xây dựng trước Thế chiến thứ 2, chỉ thiếu mỗi hai đoạn là tuyến Bắc Hồi (Suao (Tô Áo) đến Hualien (Hoa Liên) và tuyến Nam Hồi (Fangliao đến Taitung). Tuyến đường vòng về hướng Bắc được gọi là Bắc Hồi thông xe vào năm 1980, tuyến đường vòng xuống phía nam gọi là Nam Hồi, mãi cho tới năm 1991 mới hoàn công. Cho tới năm 2003, tuyến Bắc Hồi hoàn thành công trình điện khí hóa toàn tuyến, còn tuyến Nam Hồi đến năm 2020 mới hoàn tất công trình điện khí hóa đường sắt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đường sắt Đài Loan đã bước sang một trang mới.

 Thực ra, kế hoạch tuyến đường sắt nối liền Pingtung và Taitung đã được thảo luận ngay từ thời Nhật Bản chiếm đóng. Tuy nhiên, do địa chất biến đổi phức tạp, mang tính thách thức cao cho dự án, đạo diễn Tiêu Cúc Trinh chia sẻ: “Đoạn đường này có đến 80% là đường hầm và cầu cạn, đủ để biết được mức độ khó khăn của việc thi công như thế nào”. Điều đáng nói là “lúc xây dựng tuyến Bắc Hồi đã từng mời các cố vấn Nhật đến hỗ trợ, nhưng tuyến Nam Hồi thì hoàn toàn được xây dựng bởi đội ngũ kỹ sư Đài Loan”. Cả tuyến đường có đến 36 đường hầm, công trình kéo dài 11 năm, sự vất vả của kỹ sư xây dựng, thành tựu của công trình tuyến đường sắt Nam Hồi, tất cả đều đáng được ghi chép vào trang sử công trình Đài Loan.

 

Phong cảnh tuyệt vời

 Ngoài mặt khó khăn về kỹ thuật của công trình, phong cảnh dọc theo tuyến Nam Hồi quả là trên cả tuyệt vời.

 Khởi hành từ Fangliao, phía bờ tây là vùng chuyên nuôi trồng thủy sản của địa phương, dọc theo tuyến đường là những ao cá san sát nhau, đây là nét đặc sắc địa phương có mặt suốt 4 mùa trong năm. Vùng Fangliao cũng là vùng trồng xoài Aiwen (Ái Văn), suốt con đường đến Fangshan (Phương Sơn) cứ vào tháng 3, tháng 4 hàng năm nơi đây sẽ tràn ngập cảnh hoa xoài nở rộ, đến mùa ra quả tháng 5, tháng 6, hàng chùm quả xoài chi chít trên cây xum xuê đầy cành. Đây là hình ảnh mà cô Tiêu Cúc Trinh miêu tả lại ký ức đi quay tuyến đường sắt Nam Hồi trong những năm qua. Tiếp tục đi về hướng Nam là ga Fangshan, sau lưng là núi, trước mặt là biển, đây là ga xe lửa nằm ở cực nam của tuyến đường sắt Đài Loan, cũng là nơi ngắm cảnh hoàng hôn vô cùng nổi tiếng.

 Sau khi tàu vào ga Fangshan liền nói lời tạm biệt với eo biển Đài Loan rồi rẽ về phía Đông, tiến vào dãy núi trung ương, cũng là lúc đoàn tàu di chuyển đến một nơi hoang vắng ít người lui tới, dọc đường không một bóng nhà cửa, chỉ nhìn thấy cây xanh, thung lũng và lác đác vài ba căn chòi dựng tạm cho nông dân nghỉ ngơi khi xuống lòng suối trồng dưa hấu vào mùa thu đông. Anh Cổ Đình Duy (Ku Ting-wei) là một người đam mê đường sắt, đồng thời cũng là trưởng ban quản lý Bảo tàng đường sắt Takao (Takao Railway Museum), trong không gian ba chiều được bao quanh bởi những ngọn núi, chụp một bức ảnh đoàn tàu đi qua đường hầm hoặc đi ngang qua lòng suối, đây là một phong cảnh hiếm thấy ở Đài Loan.

 Sau khi đoàn tàu băng ngang qua đường hầm trung ương dài nhất tuyến Nam Hồi, từ ga Guzhuang (Cổ Trang) ra khỏi khu vực núi, vì đoàn tàu sắp sửa băng qua ga Duoliang, nơi được nhà văn Lưu Khắc Tương (Liu Ka-shiang) gọi là “Ga tàu tuyệt đẹp một phần mười giây” vì hiện nay tàu không dừng ở ga này nữa, nhưng do nằm ở dốc núi nên nhà ga được thiết kế nâng cao khỏi mặt đất, vì thế mà chỉ cần phóng tầm mắt ra phía trước là được ngắm nhìn trọn vẹn cảnh biển bao la. Tuy màu xanh biếc của Thái Bình Dương vụt nhanh qua tầm mắt, nhưng sự tráng lệ của nó đã in sâu trong tâm trí. Đến khi đoàn tàu qua khỏi ga Kangle (Khang Lạc), phong cảnh bên ngoài cửa sổ chuyển sang một màu vàng óng của ruộng đồng, hoa quả trên cây cũng được thay bằng những chùm na đậm chất miền Nam, rồi đến thẳng trạm cuối cùng là ga Taitung.

 Với sự hiện diện của núi, biển, thiên nhiên và nhân văn, tuyến đường sắt Nam Hồi tựa như một bữa tiệc phong cảnh bao phủ toàn bộ cảnh đẹp của Đài Loan, là một tuyến đường khiến cho du khách phải đem lòng nhung nhớ.

 

Tàu Express màu xanh dương - tuyến tàu xả stress tuyệt vời

 Chuyến tàu Express màu xanh dương của tuyến Nam Hồi lại là một điều tuyệt vời khác.

 Sau khi công trình điện khí hóa tuyến đường sắt Nam Hồi hoàn thành, Công ty đường sắt Đài Loan cắt giảm sử dụng đầu tàu xe lửa chạy bằng dầu diesel và đầu tàu chạy bằng điện diesel, đồng thời tuyên bố tàu Express xanh dương đi vào lịch sử, từ đó thu hút làn sóng du lịch nội địa với chủ đề “Đuổi theo tàu lửa”. Hai cụm số 3671 và 3672 vốn là hai mật khẩu trong giới đam mê xe lửa, không ngờ tới năm 2020 lại trở nên rất nổi tiếng, hàng ngày chuyến 3671 khởi hành từ Fangliao lúc 11:28 sáng và chuyến 3672 khởi hành từ Taitung lúc 4:15 chiều đều đông nghịt người.

 Tàu Express xanh dương đã có trên 50 năm lịch sử, loại tàu này không có hệ thống máy điều hòa, phải nhờ vào chiếc quạt máy điện cũ kỹ gắn trên trần xe để lưu thông không khí, cửa sổ vẫn là kiểu cửa đẩy lên trên, cánh cửa sổ bằng kính nặng trĩu, mỗi khi đẩy lên phải hết sức cẩn thận không khéo sẽ bị kẹt tay, còn nhà vệ sinh trên tàu thì vẫn là loại bồn cầu chân không hút chất thải vào thùng hóa học nên thường xuyên bốc mùi hôi khó chịu. Động lực tàu nhờ vào việc đốt dầu diesel, vì thế khói sẽ bay vào toa tàu, thế là sau một ngày đi tàu, mùi khói dầu diesel sẽ bám vào cả người của hành khách. Trong lúc di chuyển, tàu sẽ phát ra tiếng ồn đinh tai nhức óc. Anh Cổ Đình Duy nói một cách rất chân thành: “Tàu Express xanh dương bị đào thải là vì nó đã không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng thời nay nữa”.

 Từ năm 2011, nhà văn Lưu Khắc Tương (Liu Ka-shiang) - người nhiều năm thúc đẩy “văn hóa du lịch chậm”, đã từng đề xuất về sự bảo tồn của tàu Express xanh dương. Ông nhiều lần đăng bài viết với hy vọng Công ty đường sắt Đài Loan hãy bảo tồn phong cảnh tàu Express xanh dương. Điều này không chỉ mang lại hồi ức thời đại, “Tôi nghĩ, chúng ta cần một đoàn tàu có thể mang đến cho chúng ta những chuyến du lịch chậm”, ông nói.

 Trong những ngày cuối cùng trước khi tạm biệt chuyến tàu Express xanh dương, nhiều bậc phụ huynh dẫn con em mình đi tàu để trải nghiệm cảm giác thời cha mẹ còn là học sinh, hàng ngày đi học trên chuyến tàu đầy kỷ niệm này. Ở thời mà mọi người chưa có xe riêng thì tàu lửa là công cụ giao thông công cộng vô cùng quan trọng, những chuyến tàu đã đưa rước biết bao người con xa xứ đi đi về về thăm quê, tàu lửa thực sự gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân.

 

Tàu lửa ngược xuôi - ký ức tuyệt vời nhất

 “Những người Đài Loan độ tuổi trên 40 sống xa quê, cho dù là đi học, đi lính hay đi làm, hầu như trong ký ức của họ đều có mối gắn kết với tàu lửa”, cô Tiêu Cúc Trinh kể lại sự quan sát của cô.

 Ngoài vai trò đạo diễn phim tài liệu, cô Tiêu Cúc Trinh còn là giảng viên môn Điện ảnh Đài Loan của trường Đại học Thanh Hoa (National Tsing Hua University. Cô nói: “Tôi cảm thấy tàu lửa được đứng ở một vị trí vô cùng quan trọng trong ký ức cuộc sống người dân Đài Loan thời xưa”.

 Trong quá trình quay phim, cô đã rất xúc động trước câu nói của của kỹ sư đường hầm, “Đường hầm trung ương với chiều dài chỉ hơn 8 km mà chúng tôi phải mất thời gian ít nhất khoảng 8 năm trời để đào thông, bây giờ vụt qua vài phút là đã đi hết đường hầm, các bạn không biết được câu chuyện thời bấy giờ của chúng tôi đâu”. Vì vậy, cần phải ghi chép lại, cần phải tìm kiếm thêm càng nhiều câu chuyện đã bị lãng quên, sau đó truyền tải đến với mọi người. “Một khi đã có câu chuyện thì sẽ tạo ra sự kết nối, giống như chúng tôi bây giờ đã nảy sinh sự liên kết tình cảm với tuyến đường sắt Nam Hồi vậy”, cô Tiêu Cúc Trinh xúc động chia sẻ.

 Từng có học sinh khi nghe cô chia sẻ liền phản hồi: “Cô ơi, lần sau nếu có dịp đi tàu tuyến Nam Hồi, khi băng qua đường hầm thì em nhất định sẽ không ngủ gật, em sẽ thức để xem thật kỹ”, “Tuy khi vào đường hầm sẽ tối như mực, tôi cũng không biết em học sinh đó sẽ nhìn thấy được gì”, cô Tiêu Cúc Trinh vừa nói vừa cười, thế nhưng khi đã hiểu câu chuyện về mảnh đất này thì sẽ hình thành nên sự kết nối giữa con người, phong cảnh và địa phương, dù chỉ là một bước ngắn ngủi nhưng khoảng cách giữa người và đất như được kéo lại gần nhau hơn.

 

Bức tranh phong cảnh du lịch chậm

 Anh Cổ Đình Duy chia sẻ: “Sau khi đường cao tốc phía Tây được thông xe thì đường sắt bị mất đi ưu thế trên phương diện di chuyển đường dài, lúc đó chỉ có tuyến Bắc Hồi phía bờ Đông và tuyến Nam Hồi cạnh tranh với đường quốc lộ, nhưng hiện nay đoạn đường núi Suao-Hualien (Tô Áo-Hoa Liên) trên tuyến quốc lộ số 9 và đoạn mở rộng đường vòng hướng Nam quốc lộ số 9 cũng đã thông xe, thực ra đây là một thời đại hoàn toàn mới”. Anh chỉ ra rằng: “Số người đi làm xa ở khu vực Hoa Liên, Đài Đông tương đối ít, vì thế lợi ích du lịch chắc chắn sẽ là nguồn thu nhập cho tuyến Nam Hồi trong tương lai” .

 Theo đó, tuyến đường sắt Nam Hồi có thể trở thành cơ hội mới, chuyển đổi nhận thức và trải nghiệm du lịch bằng đường sắt cho người dân trong nước. Ông Lưu Khắc Tương, người đề xuất phát triển “Văn hóa du lịch chậm” chia sẻ: “Du lịch chậm không mang ý nghĩa ràng buộc với chữ chậm, mà là dựa vào tốc độ chậm lại để thưởng thức khung cảnh đa chiều của Đài Loan, nếu chúng ta không giảm tốc độ thì bạn sẽ không tài nào tìm ra những cảnh đẹp đặc biệt đó. Chữ “chậm” trong trường hợp này không mang nghĩa đen là “chậm”, mà là thông qua việc thực hành chậm theo nghĩa bóng, để ngắm những cảnh quan khác lạ và tìm ra tầm nhìn mới mẻ”.

 Ông Lưu Khắc Tương từ thời trẻ đã rất thân thuộc với tuyến đường sắt Nam Hồi, ông tận dụng kiến thức bảo tàng học để trở thành một người khám phá du lịch, ông đến thăm ga Dawu thì sẽ kể về câu chuyện quê hương của báo đốm Đài Loan. Ông kể rằng, từ Fangshan đến Taitung đều có bóng dáng người dân tộc Paiwan, có thể nói đây là một chuyến du lịch đa quốc gia ngay trên hòn đảo Đài Loan. Những câu chuyện thú vị, phong phú mà ông kể, thực ra chính là phong cảnh thu thập được từ những chuyến du lịch chậm.

 Đường sắt không chỉ là một tuyến đường giao thông, cùng với bước chân điện khí hóa tuyến đường sắt chạy vòng phía Nam, thời gian di chuyển của tàu rút ngắn dần và tạo hiệu quả kết nối giữa các điểm ga với nhau, nhưng ngoài tốc độ ra thì đường sắt Đài Loan “còn là một tuyến đường để chúng ta nhìn thấy hình ảnh khác biệt của Đài Loan”, ông Lưu Khắc Tương nói khẽ.

 

Xem thêm

Phong cảnh dọc tuyến đường sắt Nam Hồi Du lịch chậm bằng đường sắt