Ngày 21/4/2022, 7 thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) bao gồm Đài Loan, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Philippines đã cùng ra “Tuyên bố về Quy tắc Quyền riêng tư Xuyên biên giới toàn cầu” (Global Cross-Border Privacy Rules Declaration) và thành lập “Diễn đàn Quy tắc Quyền riêng tư Xuyên biên giới toàn cầu” (Global Cross-Border Privacy Rules Forum). Với tư cách là thành viên sáng lập, Đài Loan sẽ cùng trao đổi và thảo luận với các thành viên khác trong diễn đàn này về các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư dữ liệu, đồng thời cùng thúc đẩy dữ liệu lưu thông tự do xuyên biên giới và bảo vệ quyền riêng tư trên toàn cầu.
“Diễn đàn Quy tắc Quyền riêng tư Xuyên biên giới toàn cầu” do Mỹ chủ đạo thúc đẩy, tiền thân là hệ thống “Quy tắc Quyền riêng tư xuyên biên giới” (Cross-Border Privacy Rules, CBPR) được Mỹ đẩy mạnh trong Diễn đàn APEC, sẽ nỗ lực bảo vệ hiệu quả quyền riêng tư của người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và thương mại kỹ thuật số trên toàn cầu. Cùng với sự phát triển không ngừng của mạng Internet và nền kinh tế kỹ thuật số, từ năm 2020, Mỹ đã nỗ lực mở rộng hệ thống CBPR ra ngoài khu vực APEC, xúc tiến thành lập một diễn đàn quốc tế mới có thể kết nạp thêm nhiều thành viên hơn nữa tham gia và nhận được sự hưởng ứng tích cực của Đài Loan cũng như các nền kinh tế khác thuộc APEC, cuối cùng “Diễn đàn Quy tắc Quyền riêng tư Xuyên biên giới toàn cầu” đã được thành lập.
Mục đích thành lập “Diễn đàn Quy tắc Quyền riêng tư Xuyên biên giới toàn cầu” là thúc đẩy sự hài hòa và tương thích của các phương pháp giám sát bảo vệ quyền riêng tư của các dữ liệu khác nhau trong cộng đồng quốc tế, cho phép các thực thể có quyền tài phán (jurisdiction) đáp ứng các điều kiện liên quan được đăng ký gia nhập. Việc Đài Loan tham gia diễn đàn này sẽ giúp nâng cao hợp tác bảo vệ quyền riêng tư quốc tế và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới.