Quý I năm 2022, toàn thế giới đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và chiến tranh Nga-Ukraine. Sự phát triển kinh tế, hệ thống sản xuất và chuỗi cung ứng đều chịu tác động mạnh, giá nguyên vật liệu và giá năng lượng trên toàn cầu tăng mạnh. Về tình hình trong nước, kết quả trưng cầu dân ý về việc nhập khẩu thịt lợn Mỹ có chứa chất tạo nạc ractopamine đã thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy được quyết tâm của Đài Loan trong việc vươn ra toàn cầu. Chính phủ cũng kiểm soát nghiêm ngặt việc nhập khẩu thực phẩm từ Fukushima (Nhật Bản), tạo thuận lợi cho Đài Loan hội nhập kinh tế-thương mại khu vực như gia nhập “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP). Công tác ngoại giao kinh tế-thương mại trong quý I đã đạt được những thành quả như sau:
1. Tham gia hội nhập kinh tế-thương mại khu vực:
Tháng 2 năm nay, Đài Loan đã mở cửa nhập khẩu thực phẩm từ Fukushima (Nhật Bản), truyền tải thông tin rõ ràng rằng Đài Loan sẵn sàng điều chỉnh các biện pháp kinh tế-thương mại phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và tuân thủ các quy định tự do thương mại tiêu chuẩn cao. Các đại sứ quán và văn phòng đại diện của Đài Loan cũng tiếp tục đàm phán với chính phủ các nước thành viên CPTPP để tranh thủ sự ủng hộ của các nước bạn. Ngoài ra, vào tháng 3/2022, đã có 200 Hạ nghị sĩ thuộc các đảng phái Mỹ ký tên và gửi thư liên danh lên chính phủ Biden, kêu gọi việc mời Đài Loan tham dự “Khung Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (IPEF). Ngày 28/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện rằng Mỹ sẽ không loại trừ cơ hội để Đài Loan tham gia, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Đài Loan.
2. Ký kết hiệp định thương mại với các nước bang giao và các nước có quan hệ hữu nghị, tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại
Hiệp định Hợp tác Kinh tế (CEA) được ký kết giữa Đài Loan và Belize có hiệu lực từ ngày 15/1 năm nay, tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế-thương mại song phương thông qua các khía cạnh như giảm thuế sản phẩm, tạo thuận lợi thương mại, xúc tiến thương mại và hợp tác kỹ thuật. Ngoài ra, tháng 3 năm nay, Paraguay và Đài Loan đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về kiểm dịch và quảng bá thương mại, cũng như Ý định thư về hợp tác chính sách ngành nghề giữa Đài Loan và Paraguay nhằm tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước; đồng thời, Quần đảo Marshall cũng đồng ý với danh sách giảm thuế cho 267 sản phẩm của Đài Loan, v.v..., giúp mở rộng cơ hội kinh doanh và hợp tác giữa Đài Loan với các nước bang giao.
3. Hỗ trợ doanh nghiệp Đài Loan mở rộng ra nước ngoài, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp thông minh và các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Đài Loan.
Để xây dựng chương trình hợp tác chuỗi ngành nghề then chốt giữa Đài Loan với các nước Trung và Đông Âu, Ủy ban Phát triển Quốc gia đã thành lập Quỹ đầu tư Trung và Đông Âu trị giá 200 triệu USD, đồng thời tổ chức phái đoàn khảo sát, tích cực thúc đẩy hợp tác giữa Đài Loan với các nước Trung và Đông Âu trong ngành công nghiệp bán dẫn và xe điện, v.v...
Ngoài ra, “Diễn đàn và Triển lãm Thành phố Thông minh” (Smart City Summit & Expo) được tổ chức hàng năm tại Đài Loan là sự kiện hàng đầu thế giới về lĩnh vực này. Tháng 3 năm nay, Đài Loan đã mời hơn 200 người đứng đầu hoặc đại diện thành phố của các nước tham dự sự kiện trực tuyến hoặc đến Đài Loan tham gia triển lãm.
Về việc quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, các Văn phòng đại diện Đài Loan tại Nhật Bản đã tích cực quảng bá, đưa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Đài Loan như trái dứa (trái thơm) và trái na (mãng cầu ta) lên kệ và tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị lớn cũng như các sàn thương mại điện tử Nhật Bản. Ngoài ra, còn quảng bá các sản phẩm nông nghiệp Đài Loan tại Singapore, Brunei và Kuwait, v.v... để tăng số lượng thu mua từ các nước này.