Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Mingalar Par ! Phố Hoa Tân Đưa bạn đến Myanmar chỉ trong tích tắc
2022-05-23

Mingalar Par ! Phố Hoa Tân

 

 Bước vào phố Hoa Tân (Huaxin) ở Trung Hòa (Zhonghe) thuộc thành phố Tân Bắc, trong chớp mắt ta có cảm giác như đi lạc vào một thế giới thần kỳ nào đó. Các bảng hiệu trên phố ngay ngắn và trật tự, ngoài tiếng Trung, trên bảng còn viết tiếng Myanmar (Miến Điện) - một thứ tiếng khiến mọi bỡ ngỡ vì quá xa lạ; không khí nơi đây tràn ngập hương thơm của chanh và mùi hương nồng nàn của cà ri. Trong chợ và các cửa hàng, họ bày bán nguyên liệu và rau quả nấu món ăn Đông Nam Á hiếm thấy như lá cây bụp giấm (lá lạc thần), đu đủ chua, cải ngâm (dưa chua),… Phố xá đông người qua lại, các bàn ăn xếp dưới mái hiên đều kín chỗ, bạn nhìn tôi, tôi nhìn bạn.

 “Mingalar par! (có nghĩa là Xin chào)”, tôi chào hỏi mọi người bằng tiếng Miến Điện, cùng hòa mình vào khung cảnh nơi đây.

 

 Đài Loan hiện có 140.000 người Myanmar gốc Hoa (Hoa kiều Myanmar ), trong đó Hoa kiều Myanmar sống ở khu Trung Hòa (Zhonghe) và khu Vĩnh Hòa (Yonghe) chiếm 40.000 người, nơi họ tập trung sinh sống đông nhất chính là phố Hoa Tân.

 Bước xuống từ trạm Nam Thế Giác (Nanshijiao) – trạm cuối cùng của tuyến Metro Trung Hòa – Tân Lô (Zhonghe-Xinlu Line ), men theo đường Hưng Nam (Xin Nan) đi về phía trước là sẽ đến phố Hoa Tân. Con phố dài chưa đến 500m, trên những cây cột cao chót vót ở giao lộ là dòng chữ “Phố du lịch ẩm thực Nam Dương” nhưng nhiều người vẫn quen gọi nơi đây là “Phố Myanmar”. Có hơn 40 cửa hàng bán các món ăn truyền thống của Myanmar, còn có ẩm thực của người Thái (Vân Nam), thậm chí có cả món ăn Ấn Độ, món Thái Lan và ẩm thực kiểu yum cha Hồng Kông, tạo nên hiện tượng đa văn hóa dung hòa vào nhau thành một thể thống nhất, từ đó âm thầm khơi dậy sự tò mò cho mọi người.

 

Paris có quán cà phê RiveGauche, còn Myanmar thì có tiệm trà sữa

 Paris có quán cà phê RiveGauche, Trung Quốc có quán trà, còn ở Myanmar thì có tiệm trà sữa. “Ly trà sữa này có thể coi là một thức uống được dùng trong giao tiếp xã hội của người dân Myanmar” – Dương Vạn Lợi (Lily Yang), thế hệ thứ 2 của Hoa kiều Myanmar lớn lên tại phố Hoa Tân cho biết. Nếu bạn muốn hiểu thêm về phố Hoa Tân thì xin đừng ngần ngại mà hãy bắt đầu từ ly trà sữa Myanmar này.

 Đối với Hoa kiều Myanmar - nhóm người không thể thiếu trà sữa mỗi ngày, trà sữa là thức uống thiết yếu trong cuộc sống, quán trà sữa là địa điểm quan trọng để giao lưu và thư giãn. Đã từng có Hoa kiều Myanmar nói như thế này : “Người Đài Loan bàn chuyện làm ăn ở văn phòng, còn người Myanmar bàn chuyện làm ăn ở quán trà sữa”. Tại đây họ xây dựng tình cảm, trao đổi thông tin, bàn luận thế sự. 

 Từ một ly trà sữa ta còn có thể biết thêm về lịch sử phức tạp của Myanmar. Quan sát sơ qua có thể thấy được trà sữa Myanmar còn được gọi là trà sữa Ấn Độ. Điều này là do Myanmar chịu ảnh hưởng văn hóa còn sót lại của thực dân Anh khi bị đô hộ trong quá khứ. Và cùng lúc đó, thực dân Anh lên kế hoạch xếp Miến Điện và Ấn Độ vào phạm vi “Ấn Độ thuộc Anh”, dẫn đến số lượng người Ấn di dân đến Myanmar tăng cao. Trà sữa Myanmar được người Ấn đặc biệt yêu thích, họ thi nhau mở quán kinh doanh trà sữa nên sau này trà sữa Myanmar còn được gọi là trà sữa Ấn Độ.

 Thói quen uống trà sữa là kết quả của sự toàn cầu hóa, nhưng trà sữa Myanmar cũng đã trải qua quá trình thay đổi theo phong cách bản địa hóa của nó. Nguyên nhân là do người Myanmar không thích mùi hương liệu đậm đặc của trà sữa Ấn Độ, cho nên họ đã không dùng nó, vả lại sữa tươi ở Đông Nam Á thì không dễ mua được nên họ thay thế bằng kem béo thực vật và sữa đặc. Một ly trà sữa Myanmar được tạo thành từ ba nguyên liệu chính gồm hồng trà Myanmar, kem béo thực vật (sữa), sữa đặc. Tuy chỉ là một ly nhỏ nhưng nó chứa đựng lịch sử đầy thăng trầm và bối cảnh đa sắc tộc của Miến Điện.

 

Bí mật về nguồn gốc của các món ăn

 Hãy đến đây uống một ly trà sữa Myanmar nhé ! Do đa phần Hoa Kiều Myanmar đang sống gần phố Hoa Tân là công nhân làm việc luân phiên theo ca, không phải nhóm nhân viên công sở làm việc theo giờ hành chính nên các cửa hàng ở đây luôn đông khách bất kể vào thang giờ nào. Chúng tôi bước vào quán ăn “Lý Viên Halal” trên phố, tuy gọi là quán ăn vặt nhưng mới 10 giờ sáng trong quán đã đông nghịt người. Trên bàn ăn của nhiều người là một dĩa bánh roti - Chapati Ấn Độ và một ly trà sữa Myanmar. Đây là sự khởi đầu cho một ngày mới.

 Trong bầu không khí náo nhiệt, nồng ấm này, những người người Myanmar gốc Hoa lớn tuổi tán gẫu với chúng tôi và kể rằng, năm 1962 là cột mốc ký ức quan trọng trong cuộc đời họ. Năm đó, chính phủ quân sự Myanmar dưới sự lãnh đạo của tướng quân Ne Win bắt đầu thực hiện một loạt chính sách “quốc hữu hóa” không thân thiện đối với người nước ngoài. Chỉ trong một đêm, các cửa hiệu kinh doanh của người Hoa bị nhà nước tịch thu sung công quỹ, các tòa soạn báo và trường học của người Hoa cũng lần lượt bị đóng cửa và do chính phủ thống nhất tiếp quản.

 Vừa không muốn chấp nhận số phận bị đồng hóa, vừa để tìm lối thoát cho thế hệ sau, các Hoa kiều Myanmar bắt đầu lần lượt xuất ngoại, tạo thành làn sóng di cư quy mô lớn. Những nước được họ lựa chọn gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Mỹ, Đài Loan, trong đó số lượng người di cư đến Đài Loan là nhiều nhất.

 Cuộc sống di cư không hề dễ dàng. Khi họ di cư sang Đài Loan, ngoài việc phải chịu nỗi khổ xa quê hương, thói quen sinh hoạt khó thích ứng, kể cả chuyện ăn uống cũng là một trong những khó khăn mà họ gặp phải. Theo lẽ tự nhiên, giống như người Hoa lần lượt mở nhà hàng Trung Hoa ở nước ngoài, tạo nên khung cảnh của khu phố người Hoa. 40 năm trước, gần phố Hoa Tân có hai cửa hàng bắt đầu bán các món ăn của Myanmar, những người đồng hương tranh nhau xếp hàng, nhờ vậy nỗi nhớ quê hương được vơi đi và đây là tiền thân của phố Myanmar ngày nay.

 Nếu quan sát kỹ các bảng hiệu cửa hàng trên phố, tên của các cửa hàng thường được kết hợp bởi tên các địa danh ở Myanmar và tên của các món ăn khác nhau, ngoài các món ăn của người Thái (Vân Nam) và ẩm thực kiểu yum cha Hồng Kông của người Hoa, còn có các món ăn của Ấn Độ và món Thái Lan. Tên của mỗi quán đều là một tổ hợp mật mã thân thế của chủ quán, ngoài việc chứa đựng thông tin về quê hương, tổ tiên của chủ quán, còn hưởng ứng tình hình hội nhập đa dạng ở Myanmar hiện nay, bao gồm các nguyên nhân do giáp ranh biên giới với Trung Quốc, Thái Lan, Lào, dân cư qua lại nên có sự giao lưu văn hóa một cách tự nhiên, ngoài ra tại Myanmar còn có hàng trăm dân tộc và những người Hoa di cư đến từ Vân Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông cùng với những di dân người Ấn Độ theo đạo Hồi.
 

Phố Hoa Tân còn được gọi là “Miến Điện thu nhỏ” tổ chức Lễ hội té nước (Tết cổ truyền của Myanmar) vào tháng tư hàng năm. Mỗi gia đình sẽ cầu phước thông qua các nghi lễ như té nước và tắm Phật. (Ảnh: Jin Hong Hao)

Phố Hoa Tân còn được gọi là “Miến Điện thu nhỏ” tổ chức Lễ hội té nước (Tết cổ truyền của Myanmar) vào tháng tư hàng năm. Mỗi gia đình sẽ cầu phước thông qua các nghi lễ như té nước và tắm Phật. (Ảnh: Jin Hong Hao)
 

Những người trở về từ Myanmar

 Trên phố Hoa Tân có lưu truyền một từ: “Myanmapyan”, trong tiếng Myanmar nghĩa là “Những người trở về từ Miến Điện”. Trước khi đến Đài Loan, những Hoa Kiều Myanmar chưa từng sống tại Đài Loan, nhưng vì cùng một bản sắc dân tộc nên việc di dân sang Đài Loan được xem như là một kiểu “hồi hương”, vì vậy họ tự xưng là “Hoa kiều hồi hương từ Myanmar”.

 Cuộc đời của mỗi một Hoa kiều Myanmar đều ẩn chứa những câu chuyện đặc sắc và phi thường. Ngồi tại quán ăn Lý Viên Halal, một Hoa kiều lớn tuổi đã sống tại Đài Loan hơn 30 năm và là cựu phó chủ tịch Hiệp hội Hoa kiều từ Myanmar hồi hương Trung Hoa Dân Quốc-ông Giản Minh Hữu (Jian Ming-You) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mình.

 Ông Giản Minh Hữu lớn lên tại Myitkyina, Myanmar. Gia tộc ông luôn tham gia vào các hoạt động kinh doanh tại biên giới Trung Quốc - Myanmar, đồng thời còn liên tục mua bất động sản ở Myitkyina, cho đến đời cha ông mới chính thức chuyển từ Vân Nam đến Myanmar.

 Sau khi tốt nghiệp trung học, ông trúng tuyển vào trường Đại Học Chính Trị Đài Loan - khoa Chính trị Biên giới (nay là khoa Dân tộc học) thông qua hình thức chiêu sinh ở nước ngoài. Nhưng ở thời điểm đó, chính phủ quân sự độc tài Miến Điện thực hiện chính sách đóng cửa đất nước, điều đó có nghĩa là “đến Đài Loan đồng nghĩa với việc không thể trở về nước, y như sinh ly tử biệt.” Ông Giản Minh Hữu hồi tưởng lại, ông là con trai cả, mẹ ông không nỡ xa con trai nên đã đem giấu hộ chiếu của ông khi hộ chiếu vừa được gửi đến nhà, không muốn cho ông xuất ngoại.

 Do hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt nên tiếng Myanmar của ông Giản Minh Hữu không thể lưu loát như tiếng Hoa. Nhưng không ngờ vì không thể đến Đài Loan mà cuộc đời ông lại đi theo một ngã rẽ thú vị khác, ông đã theo học khoa tiếng Myanmar tại Đại học Yangon và cũng do khi còn nhỏ ông ở trong một ngôi làng có nhiều dân tộc thiểu số cùng chung sống nên khả năng ngôn ngữ cùng sự nhạy cảm đối với các dân tộc và các nền văn hoá khác nhau lại trở thành thế mạnh của ông.

 Cho đến năm 1981, ông đến Đài Loan theo diện di cư và trúng tuyển kỳ thi công chức chính phủ, từ đó ông trở thành nhân viên công chức nhà nước. Hơn 20 năm qua, ông phụ trách việc tiếp đón khách nước ngoài tại Đài tưởng niệm Tôn Trung Sơn. Trưởng thành trong bối cảnh đặc biệt đã giúp ông làm tốt công việc này. “Tôi đã từng tiếp đón cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, bà Margaret Thatcher, cựu tổng thống Liên Xô Gorbachyov”. Nói về những ngày tháng huy hoàng đó, ông Giản Minh Hữu vẫn cảm thấy vinh dự như ngày nào.

 

Đến Myanmar thu nhỏ tìm hiểu Hoa kiều Myanmar

 Dưới sự dẫn đường của ông Trương Tiêu Tài (Zhang Biao Cai) - Chủ tịch Hiệp hội phát triển khu thương mại phố Hoa Tân, chúng tôi đến một quán ăn Myanmar khác trên đường Hưng Nam ở ngay cổng vào phố Hoa Tân. Quán này không nằm trên phố Hoa Tân nên dễ bị khách nước ngoài bỏ lỡ. Quán bán các món tráng miệng ngọt truyền thống của Đông Nam Á như bánh chuối cuộn, bánh đường thốt nốt, bánh pudding trứng.

 Ngoài món tráng miệng ngọt, đương nhiên không thể thiếu 1 ly trà sữa. Thông qua sự hướng dẫn nhiệt tình của người dân địa phương, chúng tôi mới biết rằng, ly trà sữa Myanmar nhỏ này cũng giống như các loại thức uống của Đài Loan, định lượng nhiều hay ít của nước trà, kem béo thực vật, nước đường đều có thể điều chỉnh tùy theo ý khách hàng. Mỗi ly đều được chủ tiệm tự tay điều chỉnh, làm riêng cho khách.

 Ngoài ra thêm một điều đáng được nhắc đến là, vì Myanmar là quốc gia tôn giáo nên tại phố Hoa Tân các ngôi Phật tự đã sớm được xây dựng từ 40 năm trước. Đến nay ở khu vực phố Hoa Tân tổng cộng có 5 ngôi chùa, thật đúng với tên gọi “Myanmar thu nhỏ” của nó.

 Ngoài việc hàng ngày tìm kiếm các món ngon trên con phố Myanmar, ông Trương Tiêu Tài còn cho biết Hoa kiều Myanmar vẫn giữ các phong tục truyền thống của Miến Điện. Họ tổ chức các nghi lễ truyền thống khác nhau, vào tháng tư là Lễ hội té nước, tháng 10 và 11 có lễ hội đèn lồng, có thể nói đây là những lễ hội lớn ở phố Hoa Tân.

 Khi chúng ta bước vào góc nhỏ nơi cưu mang nuôi dưỡng con người, sự vật, sự việc xinh đẹp này, ngoài việc khiến người ta cảm nhận được sự dũng cảm và sự nhiệt tình của Hoa kiều Myanmar, nó còn khiến người ta một lần nữa phải thán phục xã hội đa dạng, phong phú cùng khả năng tiếp thu các nền văn hóa đa dạng của Đài Loan.

 

Xem thêm

Mingalar Par ! Phố Hoa Tân Đưa bạn đến Myanmar chỉ trong tích tắc