Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Khu vườn sinh thái trong lòng thành phố cảng Cùng thuyết minh viên khám phá núi Thọ Sơn
2022-06-20

Khỉ đá Đài Loan trên núi Thọ Sơn không sợ người, chúng luôn ung dung ngồi nghỉ khắp công viên.

Khỉ đá Đài Loan trên núi Thọ Sơn không sợ người, chúng luôn ung dung ngồi nghỉ khắp công viên.
 

 Núi Thọ Sơn (Shoushan) nằm trong địa phận Cao Hùng (Kaohsiung), từ giữa thế kỷ 19 khi Đài Loan mở cửa cảng giao thương, ngọn núi đã thu hút khá nhiều các nhà bác học và nhà thám hiểm phương Tây đến khám phá, chẳng hạn như lãnh sự Anh Quốc kiêm nhà điểu học (nghiên cứu các loài chim) Robert Swinhoe , nhà thám hiểm kiêm thông dịch viên William Alexander Pickering và nhiếp ảnh gia du lịch người Anh John Thomson, v.v..., thông qua việc làm tiêu bản, ghi chép ký sự và những tác phẩm nhiếp ảnh, họ đã lưu giữ lại tư liệu lịch sử quý giá cho hệ sinh thái tự nhiên của núi Thọ Sơn.

 

 Công viên thiên nhiên quốc gia núi Thọ Sơn được thành lập vào năm 2011, trải rộng quanh khu vực núi Bán Bình (Banpingshan), Quy Sơn (Guishan), Thọ Sơn và núi Kỳ Hậu (Qihou). Cách đây 30.000 năm về trước, do quá trình vỏ Trái đất nâng cao đã tạo thành địa hình rạn san hô trên cao cho bốn ngọn núi này. Mỗi ngọn núi có nét đặc sắc riêng, ví dụ như: Núi Bán Bình là thánh địa ngắm đại bàng, núi Quy Sơn là căn cứ địa quân sự chính trị quan trọng của nhiều thời kỳ khác nhau, núi Thọ Sơn là nơi có môi trường sinh thái phong phú nhất, còn núi Kỳ Hậu sở hữu môi trường sinh thái ven biển và những di tích quân sự. Khu công viên ngay cạnh đô thị này giúp cho cư dân khu vực không cần phải vất vả đường xa mà vẫn có thể tận hưởng sự yên tĩnh và thú vị trong thiên nhiên.

 

Câu chuyện về tên gọi của núi Thọ Sơn

 Cô Hoàng Nhã Đình (Huang Yating), thuyết minh viên lâu năm của Công viên thiên nhiên quốc gia núi Thọ Sơn làm việc trong văn phòng quản lý ngay sau khi công viên mới thành lập không bao lâu. Thân thuộc với ngọn núi gần mười năm, hệ sinh thái và lịch sử phong phú của ngọn núi đã thu hút cô tìm đến nghiên cứu, cô cho rằng cũng giống như quan điểm của ông Seiroku Honda, người được mệnh danh là “cha đẻ của công viên”, diện mạo rừng ở khu vực núi Thọ Sơn phản ánh văn hóa và lịch sử khu vực.

 Núi Thọ Sơn thuộc địa phận thành phố Cao Hùng, tên gọi cũ là “Đả Cẩu (Takao)”, do địa phương là nơi trồng loài tre gai nên dân tộc Makatao đặt tên là “takow”, người Hán đặt theo từ đồng âm là “Takao”, vì thế núi Thọ Sơn có tên gọi ban đầu là núi Đả Cẩu (Takao). Cho đến thời kỳ Nhật trị, lúc đó Phủ Thống đốc cho rằng tên gọi Đả Cẩu nghe không tao nhã, vì thế được thay thế bằng tên gọi Cao Hùng (たかお) là tên của một địa danh Nhật nhưng có phát âm tương tự takow. Còn núi Đả Cẩu. Cũng vào năm 1923, sau chuyến viếng thăm Cao Hùng của thái tử Hirohito. ngọn núi được đổi tên thành núi Thọ Sơn để chúc mừng sinh nhật cho thái tử.

 Tuy nhiên, nhiều người địa phương cho đến nay vẫn gọi núi Thọ Sơn là “Sài Sơn”, do thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, người dân sống ở khu vực lân cận thường đến đây đốn củi, nhưng do lượng khai thác quá lớn đã khiến cho địa hình bị biến dạng nghiêm trọng. Vào năm 1871, trong bức ảnh mang tên “Lối vào cảng Đả Cẩu” của nhiếp ảnh gia John Thomson, ngọn núi Thọ Sơn đã bị trơ trụi một mảng lớn. Đối với những người phương Tây từng đến thăm núi Thọ Sơn lúc bấy giờ, ngọn núi còn có tên gọi khác là “Hầu Sơn”. Năm 1873, nhà nghiên cứu lịch sử tự nhiên người Mỹ ông Joseph Beal Steere đã ghi chép lại rằng: “Có vài chú khỉ đá xám đi lòng vòng mãi, dường như vì những chú khỉ này mà nơi đây có tên gọi là núi Hầu Sơn”.
 

Trong dinh thự của quan chức lãnh sự Anh Quốc trưng bày một số tác phẩm nhiếp ảnh của các nhà thám hiểm phương Tây khi họ ở Đài Loan, ghi lại những hình ảnh sau khi Đài Loan mở cảng giao thương vào thế kỷ 19.

Trong dinh thự của quan chức lãnh sự Anh Quốc trưng bày một số tác phẩm nhiếp ảnh của các nhà thám hiểm phương Tây khi họ ở Đài Loan, ghi lại những hình ảnh sau khi Đài Loan mở cảng giao thương vào thế kỷ 19.
 

Diện mạo rừng trên núi Thọ Sơn biến hóa đa dạng

 Với sự biến đổi của thời đại, không chỉ tên của núi Thọ Sơn đã thay đổi mà diện mạo cánh rừng cũng dần dần thay da đổi thịt, từ thưa thớt trở nên rậm rạp hơn. Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, để bảo tồn nguồn nước và rừng, Phủ Thống đốc đã thành lập khu rừng an ninh đầu tiên của Đài Loan ở núi Thọ Sơn và núi Kỳ Hậu, nghiêm cấm người dân chặt phá cây cối, đồng thời chọn các loài cây sinh trưởng nhanh để trồng rừng như: cây keo tương tư, cây đa, phi lao và loài cây keo dậu v.v... Năm 1925, Phủ Thống đốc cũng mời ông Seiroku Honda, người được mệnh danh là “cha đẻ của công viên” đến Đài Loan tham gia quy hoạch công trình “Công viên kỷ niệm Thọ Sơn” và chọn khu vực phía Nam núi Thọ Sơn để trồng các loại cây ra hoa thích hợp thưởng ngoạn.

 Mãi đến năm 1937, khi cuộc chiến Trung-Nhật bùng nổ, Cao Hùng được sử dụng làm thành trì của Bộ Tư lệnh vì núi Thọ Sơn có thể từ trên cao kiểm soát được cảng Vạn Đơn (Wandan, nay là cảng quân sự Tả Doanh Zuoying) và cảng Cao Hùng. Vì vậy, ngọn núi đã được chỉ định làm khu vực kiểm soát quân sự, do đó kế hoạch ban đầu xây dựng Công viên núi Thọ Sơn đã bị dừng lại ngay lập tức.

 Cô Hoàng Nhã Đình chia sẻ, rừng núi Thọ Sơn bây giờ đã khác nhiều, phía Bắc núi Thọ Sơn chủ yếu là khu vực kiểm soát quân sự, vì thế có nhiều cây nguyên sinh và tính đa dạng của sinh vật cũng khá cao; vùng chính giữa núi Thọ Sơn là rừng thuần cây keo dậu; phía Nam núi Thọ Sơn là phạm vi trồng rừng chủ yếu thời Nhật trị nên giống cây ngoại lai khá nhiều, làm phá vỡ quá trình tiến hóa của hệ sinh thái nguyên bản, khiến cho tính đa dạng của sinh vật trở nên thấp hơn. Chính vì thế mà cô Hoàng Nhã Đình giới thiệu người dân nên đi vào từ cổng núi phía Bắc thì mới có thể quan sát được sự phong phú đa dạng của môi trường sinh thái núi Thọ Sơn.

 

Thực vật Đài Loan tỏa sáng trên trường quốc tế

 Con suối khoáng Long Nham Liệt phía trước cổng Bắc núi Thọ Sơn mỗi khi vào mùa mưa nước chảy cuồn cuộn. Cô Hoàng Nhã Đình giải thích, khi nước mưa chảy vào các rạn san hô trên cao và gặp phải tầng không thấm nước của mặt đất, lúc đó nước sẽ tuôn ra từ các lỗ hổng, cảnh tượng ngoạn mục này vào thời nhà Thanh đã được chọn là một trong “Tám cảnh đẹp của Phụng Sơn” (Fengshan, thời Thanh núi Thọ Sơn thuộc địa phận huyện Phụng Sơn).

 Đặt chân lên con đường đi bộ trên núi, không lâu sau sẽ nhìn thấy cảnh các chú khỉ Đài Loan đang nô đùa trên tảng đá, chú thì bận gãi ngứa, còn vài chú lại đang khiêu chiến với nhau, cô Hoàng Nhã Đình cười nói: “Quan sát các chú khỉ rất thú vị, xem mãi mà không chán”. Cũng vì thế mà cô và nhóm giáo dục môi trường đã chọn viết giáo trình “Facebook của khỉ đá Đài Loan”, giải thích cách biểu hiện cảm xúc của khỉ. Cô nhắc du khách, loài khỉ đá Đài Loan và con người có khá nhiều bệnh truyền nhiễm giữa động vật và người, vì thế không nên cho khỉ ăn hoặc chạm vào khỉ. Nếu bị khỉ chưa trưởng thành nhảy lên người thì không nên hoảng hốt la thét, chỉ cần chậm rãi ngồi xuống kế bên gốc cây thì chúng sẽ tự nhiên nhảy trở về cành cây.

 Địa vị của loài khỉ đá Đài Loan trên quốc tế bắt nguồn từ cơ duyên vị lãnh sự Anh Quốc đầu tiên tại Đài Loan là ông Robert Swinhoe mang tiêu bản khỉ đá gửi về Viện Bảo tàng Anh The British Museum, sau khi thông qua đối chứng xác định đây là loài khỉ đặc hữu của Đài Loan. Ngoài ra, các loại thực vật thường thấy trên núi Thọ Sơn như khoai mỡ Hằng Xuân và cây vả thuốc nhuộm (Ficus tinctoria) cũng được ông thu thập rồi gửi cho Vườn Thực vật Hoàng Gia Anh The Royal Botanic Gardens, Kew sưu tầm. Ông còn thu thập hơn 200 loài thực vật, hơn 200 loài chim, hơn 400 loài côn trùng, nhiều loài ốc sên và động vật có vỏ trên khắp đảo Đài Loan, từ đó mở ra hành trình nghiên cứu lịch sử tự nhiên cho Đài Loan  

 Ngoài ra, còn phải nhắc đến ông Augustine Henry, một người quốc tịch Anh, ông cũng có quá trình thu thập rất phong phú, trong thời gian làm bác sỹ hải quan tại Đả Cẩu, ông đã thu thập được 94 loài thực vật trên núi Thọ Sơn, bao gồm khoai nưa Konjac, tên hoa học của loài thực vật này được đặt theo tên của ông, dịch sang tiếng Trung là nưa Henry, một loại cây có thời gian ra hoa rất ngắn và khó thu thập được. Vào độ tháng 4 đến tháng 5, nưa sẽ ra hoa có mùi hôi thối, thu hút côn trùng, ruồi nhặng đến thụ phấn.

 Sải bước trên con đường đi bộ núi Thọ Sơn tựa như một chuyến hành trình đi về quá khứ, cô Hoàng Nhã Đình là người dẫn dắt chúng ta khám phá câu chuyện về thời đại và môi trường thực vật nơi đây. Thời nhà Thanh đã có loài cây đa núi Thọ Sơn, là loài cây có nhiều ưu thế nhất trên núi, khi rễ khí sinh rũ xuống mặt đất hình thành nên rễ trụ, phần ngọn tiết ra hợp chất hữu cơ có tính acid, giúp rễ mọc xuyên qua lớp đá vôi dày và cứng. Cây đa nhờ vào rễ khí sinh để phát tán phạm vi sinh trưởng, vì thế nó còn được gọi là “loài cây biết đi”. Còn nhà nghiên cứu lịch sử tự nhiên phương Tây Charles Wilford thì thu thập giống cây vỏ dày Hằng Xuân (loài thực vật có hoa thuộc họ Dót Ehretia resinosa), đặc điểm chủ yếu là loài cây vỏ dày, ra hoa trắng li ti, là nguồn cung cấp củi cho cuộc sống của người dân trước kia. Còn lũy tre gai có ngọn cao chót vót, đung đưa trong gió phát ra tiếng xào xạc kia chính là cội nguồn tên gọi Đả Cẩu của nơi này. Trong quá khứ, người Makatao đã sử dụng tre gai làm hàng rào bảo vệ ngăn không cho cướp biển xâm lược.

 Tuy nhiên sau khi núi Thọ Sơn được quy hoạch thành công viên tự thiên thì các hoạt động khai thác thực vật của người dân trong vùng đã bị cấm hoàn toàn, để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.
 

Văn hóa mời trà trên núi Thọ Sơn đã tồn tại hơn hai mươi năm, những người bạn leo núi đã chủ động vác cả thùng nước trà lên núi để chia sẻ cùng mọi người.

Văn hóa mời trà trên núi Thọ Sơn đã tồn tại hơn hai mươi năm, những người bạn leo núi đã chủ động vác cả thùng nước trà lên núi để chia sẻ cùng mọi người.
 

Địa hình đá vôi hùng vĩ

 Đoạn cuối con đường đi bộ phía Bắc núi Thọ Sơn, phong cảnh hai bên đường thay đổi từ cảnh rừng cây chuyển sang những tảng đá vôi dựng đứng cheo leo. Thắng cảnh nổi tiếng “Một sợi chỉ trời” (One-Line Sky) được hình thành bởi rạn san hô tầng cao chịu lực nén của đới đứt gãy núi Thọ Sơn tạo thành các vết nứt, theo thời gian vết nứt càng ngày càng rộng và cuối cùng trở thành một rãnh núi lớn. Đi bộ về phía trước thêm một đoạn nữa, nắm dây leo lên dốc là đến một rãnh thung lũng đá vôi cao chót vót với các chi tiết trên bề mặt rất phát triển.

 Gần đó còn có một điểm tham quan nổi tiếng khác được đặt tên rất văn vẻ là “Nhất liêm u mộng”, để có phong cảnh nên thơ như lạc vào xứ sở mộng mơ là nhờ vào bức màn thiên nhiên được tạo ra bởi loài tơ hồng Cẩm Bình (Seasonvine), loài thực vật cảnh quan có rễ khí sinh, khi ánh mặt trời chiếu rọi, tạo nên một không gian vô cùng huyền bí. “Nhưng thực ra loài tơ hồng Cẩm Bình này là giống ngoại lai, đôi khi phải giúp chúng "cắt tóc", tránh việc chúng phát tán ra những nơi khác”. Cô Hoàng Nhã Đình chia sẻ, để đạt được sự cân bằng giữa công tác bảo tồn sinh thái và phát triển du lịch, Phòng quản lý đã quyết định chăm sóc và kiểm soát sự sinh trưởng của loài dây tơ hồng trong một phạm vi nhất định, để du khách có thể thưởng thức cảnh quan đặc biệt này.

 Nơi cao nhất của đường đi bộ là đình “Nhã Tọa”, du khách có thể phóng tầm nhìn thưởng ngoại cảnh sắc của eo biển Đài Loan, cũng có thể quan sát các chú khỉ đá đùa vui tinh nghịch, đặc biệt còn có những người leo núi tốt bụng nhiệt tình vác 20 lít nước lên đình để du khách lên đây dừng chân uống nước nghỉ ngơi. Cô Hoàng Nhã Đình bổ sung thêm: “Cư dân ở khu lân cận rất chu đáo, mùa hè nấu trà thảo mộc, mùa đông thì nấu trà gừng, phát huy tuyệt đối tinh thần văn hóa mời trà của người Hoa”.

 Cô Hoàng Nhã Đình cho rằng, ưu điểm của núi Thọ Sơn là nó rất gần gũi với người dân, từng được đi Mỹ tập huấn tại Công viên Quốc gia Grand Canyon, cô chia sẻ, tuy núi Thọ Sơn nhỏ hơn nhiều, nhưng người ta không cần phải mua vé vào cổng hoặc cũng chẳng mất nhiều tiền để mua các trang bị leo núi mà vẫn có thể thưởng thức được phong cảnh và môi trường sinh thái phong phú của ngọn núi, đây là một hệ sinh thái núi thấp hiếm có ở Đài Loan (cách mặt nước biển dưới 800 mét).

 Từ các nhà nghiên cứu lịch sử tự nhiên phương Tây của thế kỷ 19,cha đẻ của công viên Nhật Bản của thế kỷ thứ 20, cho đến thuyết minh viên của ngày hôm nay, đều thông qua sự chuyên nghiệp và niềm đam mê của họ để vẻ đẹp của núi Thọ Sơn được mọi người nhìn thấy. Như phần kết luận trong luận văn của cô Hoàng Nhã Đình từng viết, diện mạo phong phú ngày nay của núi Thọ Sơn được hình thành bởi sức mạnh của thiên nhiên tạo hóa và sức mạnh văn hóa của con người tập trung qua nhiều thời đại khác nhau. Núi Thọ Sơn không chỉ đẹp nhờ hệ sinh thái, mà còn có những câu chuyện được viết nên bởi những “anh hùng phía sau hậu trường” trong hơn 200 năm qua.

 

Xem thêm

Khu vườn sinh thái trong lòng thành phố cảng Cùng thuyết minh viên khám phá núi Thọ Sơn