Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
3 nhà khoa học phát triển vắc-xin mRNA COVID-19 giành “Giải Khoa học Dược phẩm Sinh học” của Giải thưởng Tang Prize
2022-06-20
New Southbound Policy。“Giải Khoa học Dược phẩm Sinh học” của Giải thưởng Tang Prize năm 2022 được trao cho 3 nhà khoa học gồm Katalin Kariko (bên trái), Drew Weissman (giữa) và Pieter Cullis (bên phải) để biểu dương những phát hiện quan trọng của họ trong lĩnh vực tiêm chủng, từ đó phát triển thành công vắc-xin Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA (Ảnh: Tang Prize Foundation)
“Giải Khoa học Dược phẩm Sinh học” của Giải thưởng Tang Prize năm 2022 được trao cho 3 nhà khoa học gồm Katalin Kariko (bên trái), Drew Weissman (giữa) và Pieter Cullis (bên phải) để biểu dương những phát hiện quan trọng của họ trong lĩnh vực tiêm chủng, từ đó phát triển thành công vắc-xin Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA (Ảnh: Tang Prize Foundation)

 Sự kiện các nhà khoa học giành “Giải Khoa học Dược phẩm Sinh học” (BioPharmaceutical Science) của Giải thưởng Tang Prize (Giải thưởng nhà Đường) được trao giải Nobel trong 2 kỳ liên tiếp đã thu hút sự chú ý đặc biệt trên toàn thế giới. Ngày 19/6, Giải thưởng Tang Prize đã chính thức công bố danh sách những người giành “Giải thưởng Khoa học Dược phẩm Sinh học” lần thứ 5. Giải thưởng năm nay thuộc về 3 nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin mRNA phòng ngừa virus SARS-COV-2 gồm Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Cullis để biểu dương những phát hiện quan trọng của họ về khái niệm và phương pháp tiêm chủng, từ đó phát triển thành công vắc-xin mRNA chống lại Covid-19.

 Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến nay, toàn thế giới đã có hơn 530 triệu người được xác nhận nhiễm Covid-19, 6,3 triệu người đã tử vong vì virus này. Chỉ trong chưa đầy 12 tháng, BioNTech và Moderna đã phát triển thành công vắc-xin phòng ngừa SARS-COV-2, cứu sống hàng triệu người trên khắp thế giới. Có được kết quả này là nhờ có sự đóng góp tiên phong của 3 người giành chiến thắng “Giải thưởng Khoa học Dược phẩm Sinh học” (BioPharmaceutical Science) của Tang Prize năm nay. Trong đó, Katalin Kariko và Drew Weissman đã phát minh ra phương pháp làm giảm tính sinh miễn dịch (immunogenicity) của mRNA, còn Pieter Cullis đã phát triển hệ thống phân phối hạt nano lipid cho vắc-xin mRNA.

 Những phát hiện và công nghệ sáng tạo mang tính đột phá của 3 nhà khoa học đoạt giải là mấu chốt để vắc-xin SARS-COV-2 được phát triển nhanh chóng. Công nghệ này không chỉ làm thay đổi trong lĩnh vực tiêm chủng, mà còn chính thức tuyên bố sự ra đời của kỷ nguyên mới sử dụng các liệu pháp điều trị dựa trên RNA. Khác với những công nghệ trước đây, mất nhiều thời gian để phát triển và chi phí sản xuất cao, công nghệ mRNA không những có thể sản xuất với số lượng lớn và giá thành tương đối rẻ, mà trong tương lai còn có thể ứng dụng trong việc phát triển vắc-xin phòng ngừa các virus khác, vắc-xin ung thư cá nhân hóa, điểu trị virus suy giảm miễn dịch ở người và thậm chí cả bệnh dị ứng, v.v...

 Giải thưởng Tang Prize được thành lập vào tháng 12/2012, bao gồm 4 giải thưởng lớn: Phát triển bền vững (Sustainable Development), Khoa học Dược phẩm Sinh học (BioPharmaceutical Science), Nghiên cứu Hán học (Sinology) và (Pháp quyền Rule of Law), hai năm 1 lần mời các chuyên gia học giả nổi tiếng quốc tế, trong đó có nhiều nhà khoa học giảnh Giải thưởng Nobel để chọn ra chủ nhân các giải thưởng với những đóng góp sáng tạo thực chất và có sức ảnh hưởng đối với thế giới. Mỗi giải thưởng trị giá 50 triệu Đài tệ, trong đó bao gồm 10 triệu Đài tệ hỗ trợ cho các chương trình nghiên cứu giáo dục có liên quan.

 Trước đó, vào ngày 18/6, Giải thưởng Tang Prize đã công bố trao “Giải Phát triển bền vững” cho Giáo sư kinh tế học nổi tiếng thế giới Jeffrey D. Sachs – Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc trong 3 nhiệm kỳ, hiện là Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững của đại học Columbia (Mỹ) và là Chủ tịch Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của liên Hợp Quốc (SDSN), người đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng và đề xướng các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs). Giải thưởng Tang Prize đánh giá cao vai trò chủ đạo của ông trong vấn đề khoa học bền vững xuyên lĩnh vực cũng như phong trào đa phương mà ông tạo nên được áp dụng cho các thôn xóm, quốc gia và thế giới.