Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Kết nối thế giới bằng trái cây Những giống cây ăn quả mới bén rễ tại Đài Loan
2022-07-11

Đài Loan có thổ nhưỡng phì nhiêu và kỹ thuật trồng trọt ưu việt, thích hợp cho các loại trái cây nhiệt đới sinh trưởng, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người dân.

Đài Loan có thổ nhưỡng phì nhiêu và kỹ thuật trồng trọt ưu việt, thích hợp cho các loại trái cây nhiệt đới sinh trưởng, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người dân.
 

 Những năm 1980, Đài Loan du nhập giống cây vú sữa hoàng kim có nguồn gốc ở lưu vực sông Amazon, trải qua quá trình bồi dưỡng giống và chọn lọc, giống cây vú sữa hoàng kim (Abiu) của Đài Loan đã cho ra những quả vú sữa căng tròn và thơm ngọt. Còn những giống trái cây nhiệt đới được du nhập vào Đài Loan từ thời Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan như vú sữa tím, sapoche (hồng xiêm) thì trước giờ vẫn chỉ có thể trồng lẻ tẻ ở vùng Trung Nam Bộ. Cho đến những năm gần đây, nhờ có sự truyền miệng của tân di dân và lao động di trú, những giống trái cây này mới tạo ra được cơ hội kinh doanh mới.

 

 Chúng tôi đến Nông trường hữu cơ Feng Ho (Phụng Hòa) tại xã Gaoshu (Cao Thụ) của huyện Bình Đông vào một buổi sáng mùa đông, nơi đây có vườn trái cây rộng đến 2 hecta, những cây ăn quả xếp thành hàng ngay ngắn, tạo không gian phát triển rộng rãi cho các nhánh cây vươn dài.

 

Vị ngọt đến từ sông Amazon

 “Bổ đôi trái vú sữa hoàng kim, sau đó dùng muỗng nạo lấy phần thịt, đây là cách ăn mà tôi thích nhất”. Chủ nhân của Nông trường Feng Ho là ông Trang Đình Khê (Gary Zhuang) bày tỏ, một cách ăn khác là cắt thành từng miếng như ăn quả cam, nhưng như vậy thì chất nhầy từ vỏ quả sẽ dễ dính vào tay. Bổ đôi trái vú sữa hoàng kim, bên trong là phần thịt quả màu trắng sữa, thịt quả mịn màng dai dai, ăn vào như thạch trái cây. Nếu mang vú sữa cho vào tủ lạnh thì vị của chúng tươi ngon như một món đồ ngọt, khác hẳn so với những tưởng tượng về trái cây tươi thông thường.

 Vị của trái vú sữa hoàng kim ngọt và không chua, nhưng mỗi người lại có câu trả lời khác nhau khi hình dung hương vị của nó. Ông Trang Đình Khê bày tỏ, có người thì cảm thấy mùi hương của vú sữa hoàng kim giống mãng cầu, cũng có người nói giống vải, long nhãn, thậm chí có người còn cho rằng vú sữa hoàng kim có mùi hương của mật ong.

 Giống cây vú sữa hoàng kim vốn được trồng ở vùng rừng mưa nhiệt đới của lưu vực sông Amazon, năm 1987, Chi nhánh Fengshan (FTHEB) của Viện Thử nghiệm Nông nghiệp, thuộc Ủy ban Nông nghiệp đã nhập những hạt giống đầu tiên từ Singapore. Sau khi trồng thử thì phát hiện khí hậu ở miền Nam Đài Loan có nhiệt độ và độ ẩm cao, rất thích hợp để nuôi trồng giống cây vú sữa hoàng kim. Ông Nhan Xương Thụy (Yen Chung-ruey) - Chủ nhiệm Trung tâm Nông nghiệp thông minh, trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Bình Đông (NPUST) cho biết, những trái vú sữa hoàng kim đầu tiên do Đài Loan trồng trông đẹp mắt, độ ngọt cao, nhưng trái nhỏ, chỉ nặng 200 gram, phải trồng từ hai năm rưỡi đến ba năm mới có thể thu hoạch và cây cũng không ra quả vào mùa đông.

 Những năm 1990, ông Nhan Xương Thụy đã du nhập hạt giống vú sữa hoàng kim từ Philippines. Mặc dù những trái vú sữa hoàng kim có giống nhập từ Philippines này trông không bắt mắt như giống nhập từ Singapore nhưng bình quân trọng lượng mỗi quả có thể nặng từ 600 đến 900 gram, hơn nữa sau khi gieo hạt thì chỉ cần trồng khoảng một năm rưỡi là có thể ra hoa kết trái. Với những ưu điểm mà giống từ Singapore không có được, ông Nhan Xương Thụy nóng lòng muốn thử giống mới này nên đã lần lượt nhập thêm những giống khác từ Hawaii và lao vào công tác nghiên cứu, nuôi trồng cây vú sữa hoàng kim. Ông Nhan Xương Thụy nói: “Lúc xưa nhận được 30 hạt giống từ Philippines, đến nay vẫn còn hơn 20 cây, vẫn được nuôi trồng rất tốt tại NPUST, mỗi năm vẫn đơm hoa kết trái!”
 

Ông Trang Đình Khê kiên trì trồng trọt bằng phương pháp hữu cơ, nên đất đai cũng “báo đáp” lại bằng những trái cây ngọt lịm.

Ông Trang Đình Khê kiên trì trồng trọt bằng phương pháp hữu cơ, nên đất đai cũng “báo đáp” lại bằng những trái cây ngọt lịm.
 

Quy mô trồng cây vú sữa hoàng kim lớn thứ 2 thế giới

 Vú sữa hoàng kim trái to, trông bắt mắt, lại phù hợp với khí hậu tại miền Trung Nam Bộ của Đài Loan, so với những trái cây khác như xoài thì phải mất 5 năm kể từ khi gieo hạt mới cho ra hoa và kết trái, quýt phải từ 4 đến 5 năm, đến cả đào còn phải mất 2 năm nhưng trái vú sữa hoàng kim ở Bình Đông thì nhanh nhất là một năm rưỡi đã ra hoa, nếu kỹ thuật chiết ghép tốt thì còn có thể rút ngắn thời gian hơn nữa, cộng thêm sâu hại gây bệnh ít, chỉ cần làm tốt việc bọc cây và bón phân, có thể nói đây là loài cây ăn trái khá dễ trồng.

 Mặc dù vú sữa hoàng kim tại Đài Loan ban đầu là nhập giống từ Đông Nam Á nhưng theo bà Lưu Bích Quyên (Liu Pi-chuan) – Phó nghiên cứu viên tại FTHEB hiện tại trên thế giới, những quốc gia có trồng vú sữa hoàng kim không nhiều, ví dụ như Úc có làm nghiên cứu về giống nhưng không trồng với quy mô lớn. Đài Loan có diện tích trồng vú sữa hoàng kim rộng gần 300 hecta, có lẽ là quốc gia duy nhất trồng giống cây này theo mô hình thương mại hóa ngoài nơi xuất xứ gốc của chúng.

 

Ngôi sao mới trong “làng” cây ăn quả

 Dù tự giễu mình rằng, từ ngày đầu tiên làm nông đã trồng cây vú sữa hoàng kim nhưng thật ra ông Trang Đình Khê từng được phái đi làm quản lý tại một nhà xưởng về công nghệ ở Trung Quốc. Mười mấy năm trước, vì muốn được ở bên cạnh cha mẹ già nên ông dứt khoát quay về Đài Loan và bắt đầu lại từ đầu. Ở tuổi hơn 40 đã là nửa sau của cuộc đời, ông Trang Đình Khê quyết định làm nông, tự biết rằng nông dân mới vào nghề thì không thể so sánh với những nông dân có kinh nghiệm phong phú, nên ông đã khởi đầu nghề làm nông của mình từ những loại trái cây hiếm có.

 Ông Trang Đình Khê bày tỏ, vú sữa hoàng kim rất sợ bị va chạm và khó giữ lâu, nếu bị va chạm phải thì trên vỏ rất dễ xuất hiện đốm đen, ảnh hưởng đến vẻ ngoài, cho nên không thích hợp đem bán trong các chợ truyền thống. Ông Trang Đình Khê chủ yếu khai thác thị trường giao hộp quà trái cây đến tận nhà cho khách hàng, trong 13 năm trồng cây vú sữa hoàng kim, đến nay ông đã có không ít những khách hàng lâu năm và ổn định.

 Từ khi vú sữa hoàng kim được du nhập vào Đài Loan đến nay, chỉ trong hơn 30 năm ngắn ngủi, với sự nỗ lực của các chuyên gia nghiên cứu và nhà nông, giờ đây đã dần dần chọn lọc ra những giống cho quả chất lượng cao.
 

Cây vú sữa trĩu quả này chính là thành quả của chị Phạm Thị Thu trong mười mấy năm qua.

Cây vú sữa trĩu quả này chính là thành quả của chị Phạm Thị Thu trong mười mấy năm qua.
 

Đài Loan là kho tàng của trái cây nhiệt đới

 Ngoài vú sữa hoàng kim, loài vú sữa tím cùng thuộc họ Hồng xiêm cũng rất được yêu chuộng trong những năm gần đây. Vú sữa tím trồng ở Đài Loan có vỏ màu tím đậm, màu xanh lá, và sự trộn lẫn giữa hai giống là màu hồng. Do khi bổ ngang, hạt bên trong quả xếp thành hình như ngôi sao, thế nên có tên gọi là trái táo hình sao (星蘋果). Trong thịt quả của trái vú sữa có nước màu trắng, trông như màu sữa, và cùng với việc gia tăng tân di dân gốc Việt tại Đài Loan, trái táo hình sao còn được gọi là trái sữa (牛奶果).

 Đừng tưởng rằng vú sữa tím cũng chỉ mới được du nhập vào Đài Loan gần đây như vú sữa hoàng kim, thật ra từ năm 1924 là chúng đã được học giả người Nhật Oshima Kintaro, người từng giữ chức Hiệu trưởng trường Nông lâm Phủ Tổng đốc Đài Loan (tiền thân của trường Đại học Chung Hsing), mang vào Đài Loan. Và những trái cây nhiệt đới thường thấy trên bàn thờ như lêkima, sầu riêng, sapoche…, cũng đều được du nhập vào Đài Loan dưới thời Nhật Bản chiếm đóng. Ông Vương Thụy Mẫn (Wang Jui-min), một người chuyên tâm nghiên cứu về thực vật nhiệt đới từ thời đại học, đồng thời xuất bản nhiều ấn phẩm liên quan đến thực vật nhiệt đới dưới bút danh Pangpangshu, bày tỏ các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới rất thịnh hành ở Đài Loan thời Nhật Bản chiếm đóng, bởi điều kiện khí hậu của Đài Loan thích hợp hơn so với Nhật Bản, nơi có vĩ độ cao hơn, thế nên người Nhật đã xem Đài Loan như là một cơ sở nghiên cứu thực vật nhiệt đới quan trọng và du nhập rất nhiều loại trái cây nhiệt đới đến đây.

 Ông Vương Thụy Mẫn bày tỏ, dù rằng thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng đã kết thúc, nhưng những loại trái cây nhiệt đới này vẫn được trồng rải rác ở miền Trung Nam Bộ Đài Loan, bản thân ông khi còn nhỏ đã từng đến chợ hoa ở Đài Trung và nhìn thấy một số loại trái cây, nhưng số lượng vẫn không nhiều. Mãi cho đến những năm 1990, tân di dân và lao động di trú đến Đài Loan, họ bất ngờ phát hiện Đài Loan có loại trái cây của quê hương mình, nên đã mua về để vợi bớt nỗi nhớ quê hương và cũng khiến cho càng nhiều người Đài Loan tham gia vào đội ngũ trồng những loại trái cây này.

 Và cùng với việc thời gian sinh sống tại Đài Loan ngày một lâu, bắt đầu có tân di dân cũng tự trồng rau quả của quê hương ngay trên đất ruộng nhà mình, điển hình như chị Phạm Thị Thu, một tân di dân gốc Việt đang sinh sống tại Bình Đông.

 Chị Phạm Thị Thu nói, “Trước đây tôi ở Việt Nam may quần áo, làm giáo viên, nhưng không biết trồng rau”. Nhưng sau khi theo chồng đến Đài Loan, thấy các chị em đồng hương xung quanh ai nấy đều nhớ vị trái cây quê hương nên chị đã nảy ra ý nghĩ trồng thử xem sao. Dù mảnh ruộng nhà chị từng trải qua mưa gió bão tố, mầm cây chẳng còn lại bao nhiêu nhưng với tính cách lạc quan, chị Thu vẫn vui vẻ làm lại từ đầu. Trải qua hơn chục năm tìm tòi, chị đã dần dần mở rộng quy mô vườn trái cây của mình. Ngày chúng tôi đến thăm, trong vườn cây của chị Thu có đủ loại trái cây nhiệt đới như vú sữa tím, chôm chôm, chà là, sầu riêng, mít, cóc…, khiến cho ai nấy tưởng chừng như lạc bước đến một đất nước ở Đông Nam Á. Thảo nào chị Thu nói rằng, mỗi khi có chị em tân di dân đến chơi, họ đều rất vui mừng, bởi vì khắp nơi đều là những trái cây mà mình quen thuộc, cảm giác giống như được trở về quê nhà.

 

Trái cây mới nổi mang lại cơ hội kinh doanh mới

 Khác với những loại trái cây có vị ngọt mà người Đài Loan yêu thích, trái cây đến từ Đông Nam Á đa số đều có vị chua. Ông Vương Thụy Mẫn bày tỏ, khi thời tiết nóng bức, vị chua có thể giúp kích thích cảm giác thèm ăn. Mặc dù có một số trái cây Đông Nam Á có vị chua khiến người Đài Loan ăn không quen, nhưng trên thực tế, rất nhiều loại trái cây được trồng tại Đông Nam Á đều có lịch sử lâu đời hơn ở Đài Loan, vì vậy cũng đã phát triển nên nền văn hóa ẩm thực phong phú đa dạng.

 Lấy ví dụ như trái chuối, người Đài Loan quen ăn trực tiếp nhưng ở Đông Nam Á thì thích ăn chuối sứ, hơn nữa còn có rất nhiều cách ăn khác nhau, như chuối chiên, cho thêm bột báng vào nấu thành chè, gói trong bánh tét, hoặc làm thành xiên rồi đem nướng, mỗi cách đều mang lại hương vị khác nhau. Còn trái cóc khi ăn trực tiếp có vị chua, người Đông Nam Á quen ăn cóc với muối hoặc ướp với ớt, mùi vị không giống như trái cây mà giống như một món gỏi, chua chua, cay cay, giúp kích thích vị giác. Những hương vị độc đáo này chỉ cần đi dạo những nơi như Quảng trường ASEAN Square ở thành phố Đài Trung, phố Manila ở đường Zhongshan North, hay chợ Muzha ở khu Wenshan của thành phố Đài Bắc là có thể tìm thấy.

 Ông Vương Thụy Mẫn bày tỏ, Đài Loan có kỹ thuật nuôi giống tốt, các loại trái cây đều có thể trồng được, cộng thêm những năm gần đây, số ngày mùa đông của Đài Loan đã ít đi, trái cây nhiệt đới càng dễ sống hơn. Và do khoảng cách giữa Đông Nam Á và Đài Loan rất gần, cho nên ông bắt đầu trồng từ trái cây của Đông Nam Á trước, nhưng thật ra Đài Loan từ lâu đã có người bắt đầu du nhập thực vật của khu vực Trung Nam Mỹ, ngay tại Đài Loan ông đã từng được nếm thử đậu kem (Inga edulis), một loại trái cây rất phổ biến ở Trung Nam Mỹ. Ông hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều trái cây mới bén rễ tại Đài Loan, làm phong phú vị giác của mọi người, và cũng làm phong phú danh tiếng “Vương quốc trái cây” của Đài Loan.

 

Xem thêm

Kết nối thế giới bằng trái cây Những giống cây ăn quả mới bén rễ tại Đài Loan

 

Video