Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đạo diễn người Hoa dệt ước mơ tại Đài Loan Câu chuyện cuộc đời qua ống kính xuyên quốc gia của Hà Úy Đình và Lý Vĩnh Siêu
2022-07-25

Hà Úy Đình (Ho Wi Ding)

 

 Nói tới điện ảnh Đài Loan thì chắc chắn không thể không nhắc đến những vị đạo diễn có tiếng như Hầu Hiếu Hiền (Hou Hsiao-hsien), Dương Đức Xương (Edward Yang) và Lý An (Ang Lee). Nền điện ảnh Đài Loan trong những năm gần đây, ngoài những đạo diễn bậc thầy này, còn bắt đầu xuất hiện tên tuổi những đạo diễn có tầm quốc tế, các đạo diễn trẻ như Hà Úy Đình (Ho Wi Ding) đến từ Malaysia, Lý Vĩnh Siêu (Lee Yong Chao) và Midi Z đến từ Myanmar đang nổi lên nhanh chóng, đã gây sự chú ý với giới phim ảnh quốc tế. Tại Đài Loan, họ sáng tác bằng góc nhìn của quốc gia khác, tạo ra diện mạo hoàn toàn mới cho điện ảnh Đài Loan.

 

 “Làm phim tại Đài Loan sẽ dễ được biết đến hơn”, đạo diễn người Malaysia Hà Úy Đình đã từng đạt giải tại nhiều liên hoan phim như Liên hoan phim Cannes, Liên hoan phim quốc tế Catalonia - Tây Ban Nha, Liên hoan phim quốc tế Romania và Giải điện ảnh Kim Mã - Đài Loan, sau khi tốt nghiệp Đại học New York đã tới Đài Loan phát triển sự nghiệp, và sản xuất nhiều bộ phim giành giải thưởng tại các liên hoan phim.

 Bộ phim mới nhất “Terrorizers” (Thanh xuân, tình yêu và án mạng) của đạo diễn Hà Úy Đình một lần nữa được lọt vào danh sách đề cử trao 5 giải thưởng lớn của Giải Kim Mã lần thứ 58, cũng được báo tin vui tại các liên hoan phim ở Canada, Mỹ, Nhật Bản và Italy, thu hút sự chú ý của quốc tế. Bộ phim Terrorizers vẫn tiếp tục theo phong cách giả tưởng nhất quán của Hà Úy Đình, tên phim nghe có vẻ giống phim thương mại dành cho giới trẻ, nhưng nội dung lại khám phá tình cảnh khó khăn trong cuộc sống của các chàng trai cô gái Gen Z như chìm đắm trong thế giới ảo, mê muội chơi game online, trong phim không chỉ có những phân cảnh “giường chiếu” khiến người xem phải đỏ mặt, mà còn mổ xẻ nhiều vấn đề gai góc trong cuộc sống của lớp trẻ như giết người ngẫu nhiên, rình mò nhìn trộm, tình yêu đồng giới nữ và sự ham muốn nam nữ.

 

Sự tự do về chủ đề sáng tác phim ảnh

 “Rất nhiều nơi không cho phép làm phim theo chủ đề này, tại Malaysia là không được phép, còn tại Singapore, Hongkong người trên 21 tuổi mới được xem”. Phim mới của đạo diễn Hà Úy Đình có đề cập đến vấn đề đồng tính nữ và tình dục, không có cơ hội trình chiếu tại Malaysia là quốc gia có quan niệm khá bảo thủ, nhưng tại Đài Loan được phân loại là phim cấp độ bảo vệ, vì vậy trẻ em trên 6 tuổi có thể xem với sự hướng dẫn kèm cặp của cha mẹ, qua đó thấy rõ sự khác biệt giữa hai quốc gia và có thể thấy được sự tôn trọng của các nhà thẩm định, phân loại phim đối với các sáng tác nghệ thuật tại Đài Loan.

 Từ thời trung học, đạo diễn Hà Úy Đình đã bắt đầu viết bình luận phim, mỗi năm ông xem hơn 50 bộ phim, bất kể phim hay phim dở ông cũng đều xem hết, trở thành chuyên gia phim ảnh trong mắt các bạn đồng học. “Khi đó tôi hay đọc nhất là bộ sách “Bảo tàng điện ảnh” do chuyên gia điện ảnh Đài Loan Tiêu Hùng Bình (Peggy Chiao) biên tập”. Bộ sách này chính là sự khai sáng về điện ảnh cho Hà Úy Đình, qua những cuốn sách, ông bắt đầu làm quen với làn sóng phim Pháp tân thời (La Nouvelle Vague), nhà làm phim người Nhật Akira Kurosawa, đạo diễn phim nghệ thuật người Ý Federico Fellini và cũng nhờ vậy mới biết đến khái niệm trường sân khấu điện ảnh. Có một lần ông đã vô tình đọc được cuốn “Báo ảnh Panorama” (chính là tiền thân của “Tạp chí Taiwan Panorama”), trong đó có nội dung giới thiệu rất chi tiết về sự tự do cởi mở của Đại học New York, khiến ông cảm thấy khát khao trong lòng và quyết định “đi du học chốn trời Tây”.

 Sau khi tốt nghiệp, Hà Úy Đình trở về châu Á, ông nhớ lại lúc còn theo học tại Đại học New York, nhà trường thường xuyên tổ chức triển lãm giới thiệu phim Đài Loan, “Khi đó các đạo diễn Đài Loan như Hầu Hiếu Hiền, Thái Minh Lượng, Dương Đức Xương và Vương Gia Vệ đều rất được mến mộ, như bộ phim Vive L'amour (Tình yêu muôn năm) của đạo diễn Thái Minh Lượng tôi được xem tại Bảo tàng nghệ thuật hiện đại New York (MoMA). Tôi cũng xem tất cả các phim thuộc Triển lãm phim của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền tại Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn Lincoln, là kiểu bản sao phim nhựa 35mm, vì vậy tôi có một sự kính nể đối với điện ảnh Đài Loan!”

 

Lấy cảm hứng từ đường phố Đài Bắc

 Làm phim ở Đài Loan rất tự do thoải mái về đề tài và hạn chế cũng ít, ông Hà Úy Đình thường tìm kiếm nguồn cảm hứng để làm phim trên đường phố Đài Bắc. Khu Trung Sơn, Bảo tàng tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, khu Vạn Hoa, phố Quảng Châu, đường Hòa Bình Tây…, không phải các con phố cứ cũ kỹ có nghĩa là nghèo túng, cũng không phải là sẽ không mang nét hiện đại, vì vậy trong phim, tôi muốn tạo ra một thế giới của lớp trẻ ở khu phía Tây thành phố Đài Bắc, tôi nghĩ rằng nó không làm mất đi sự hài hòa mà giúp cảm nhận được bản sắc Đài Loan rất rõ nét, tôi thích cảm giác như vậy”.

 Khi tìm kiếm cảnh quay, ông Hà Úy Đình sẽ thiết kế một số cảnh cho một nhân vật nào đó. “Các thành phố của Đài Loan rất đậm nét điện ảnh, rất ngầu, cũng rất lộn xộn, mỗi con hẻm, mỗi một ngóc ngách đều có thể tạo sự bất ngờ cho bạn, trong một con hẻm nhỏ yên tĩnh có bức tường thấp và cây cỏ rất đẹp, nhưng chỉ qua một khúc ngoặt lập tức hiện ra một tòa chung cư cao cấp rất đồ sộ, đó chính là điểm thú vị của Đài Loan”.

 Đến Đài Loan đã hơn 20 năm, lấy cảm hứng từ những bản tin truyền hình có tính giải trí cao, ông Hà Úy Đình cũng rất yêu mến sức sống và sự bao dung của mảnh đất này. “Chúng tôi từng quay một bộ phim về chủ đề cảnh sát tham nhũng, cảnh quay ở tại tầng 2 của Cục Cảnh sát, hàng ngày sau khi chào hỏi cảnh sát, chúng tôi liền lên tầng 2 đánh đấm túi bụi, nhưng cảnh sát không hề đi lên hỏi han dù chỉ một câu".

 Ông Hà Úy Đình vừa cười vừa nói rằng mình thích xem thể loại phim thoải mái không cần phải quá động não, nhưng lại rất thích làm những bộ phim khiến người xem phải suy ngẫm, “Đưa vào thêm một số thứ, thêm một góc quay khác thì tác phẩm sẽ khiến người ta có những suy ngẫm sau khi xem, làm phim như vậy thì thời gian, công sức và tiền bạc bỏ ra mới là xứng đáng”.

 

Đạo diễn trẻ bước lên vũ đài điện ảnh quốc tế

 Môi trường sáng tác cởi mở của Đài Loan cũng đã thúc đẩy sự ra đời của lớp đạo diễn trẻ như Lý Vĩnh Siêu. Sinh ra tại vùng nông thôn ở miền Bắc đất nước Myanmar, Lý Vĩnh Siêu rất quan tâm đến những người bình thường thuộc tầng lớp dân nghèo, và thường tiếp cận với những vấn đề nhạy cảm. Bộ phim Blood Amber (Hổ phách máu) kể lại câu chuyện những người dân tại một ngôi làng miền Bắc Myanmar đã dấn thân đi đào quặng, làm giàu bất chấp cả mạng sống, đã thâm nhập vào những ngôi rừng thường xuyên xảy ra những vụ nổ súng tại miền Bắc Myanmar, để ghi lại hình ảnh những bi kịch có thật xảy ra tại 4 khu mỏ khai thác hổ phách lớn nhất thế giới; còn bộ phim tài liệu Bad Man (Những kẻ tàn ác) phải mất tới những hai năm để ghi lại hình ảnh những thanh niên Kachin vừa nghiện ma túy vừa hăng máu giết người tới mức trở thành sở thích. Đây là hai phim tài liệu Đài Loan “duy nhất” từ trước đến nay (tham gia triển lãm với danh nghĩa Đài Loan) được lọt vào danh sách đề cử kể từ khi “Tuần lễ phê bình phim” của Liên hoan phim Locarno ra mắt.

 Thích xem phim từ khi còn nhỏ, những phim Đài Loan như “Ô Long Viện”, “Hảo Tiểu Tử (The Kung-Fu Kids)” là những bộ phim Lý Vĩnh Siêu yêu thích. Thuở nhỏ sống tại ngôi làng ở phía Bắc Myanmar, cả làng chỉ có duy nhất một “rạp chiếu phim” được dựng tạm bằng rơm rạ, phía bên trong có một chiếc Tivi chạy băng video, vài chiếc ghế đẩu lác đác bên trong chính là ghế ngồi của “rạp phim”, dân làng ngoài bắt cá, bắn chim, xem “phim” chính là hoạt động giải trí được yêu thích nhất của mọi người. “Mỗi lần chiếu phim mới, dân làng sẽ bày bán bỏng ngô tự làm”, anh Lý Vĩnh Siêu với cặp mắt to và hàng lông mày rậm sau khi thi đỗ vào Khoa Thiết kế Truyền thông kỹ thuật số của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Vân Lâm (Đài Loan), mới có cơ hội bắt đầu tiếp xúc với điện ảnh, khởi đầu từ việc tham gia cuộc thi quay phim ngắn, dần dần bước lên vũ đài điện ảnh quốc tế.

 

Nền giáo dục Đài Loan giúp ươm tạo nhân tài cho ngành điện ảnh

 “Đối với người Myanmar gốc Hoa, đến Đài Loan phát triển chính là hướng đi mà mọi người đều muốn chọn lựa. Trong lúc giảng bài, các thầy cô giáo luôn nói rằng Đài Loan là “một trong 4 con rồng châu Á”, chúng tôi nghe thấy vậy cảm thấy rất ngưỡng mộ”. Anh Lý Vĩnh Siêu với tính cách khá rụt rè chưa từng được nhìn thấy hay được sờ vào chiếc máy tính cho đến năm 20 tuổi, sau khi lên đại học mới lần đầu được tiếp xúc với máy tính và bắt đầu học cách gõ chữ. “Bạn đồng học đều rất giỏi vẽ tranh hoạt họa, thiết kế đồ họa và thiết kế website, trong khi đó tôi đến vẽ chân dung bản thân thôi cũng vẽ không nổi, chỉ biết vẽ người diêm”.

 Được học đại học tại Đài Loan, được đắm mình trong môi trường sáng tác phim ảnh, vì là hậu duệ của cựu quân nhân Trung Hoa Dân Quốc mắc kẹt tại Myanmar sau thất bại trong nội chiến Trung Quốc năm 1949, anh Lý Vĩnh Siêu mới có cơ hội phát triển tài năng tại Đài Loan. “Tôi cảm thấy mình thực sự may mắn, rất nhiều người Myanmar sang Đài Loan chỉ mong muốn được đủ ăn đủ mặc, có thể kiếm sống để nuôi gia đình ở Myanmar, riêng tôi lại được thực hiện ước mơ làm phim của mình tại đây”. Khi quay phim tài liệu Bad Man (Những kẻ tàn ác), anh Lý Vĩnh Siêu phải tiếp xúc ở cự ly gần với những quân nhân trẻ tuổi giết người không ghê tay, mỗi lần ống kính quay cận mặt đối phương, lại là một lần dồn nén mọi sự sợ hãi. “Trong thời gian quay bộ phim này, mỗi lần bay tới Myanmar, trong lòng tôi vô cùng giằng xé”. Lý Vĩnh Siêu ban đầu chỉ định quay những thanh niên khác ở trung tâm cai nghiện nhưng sau khi gặp những thanh niên Kachin này, anh đã lập tức thay đổi chủ đề câu chuyện và được Đài truyền hình PTS hết sức ủng hộ.

 Đạo diễn Lý Vĩnh Siêu đã thông qua sự giao thoa giữa sáng và tối, cùng với sự đặc tả của ống kính để ghi lại hình ảnh những người dân Myanmar dưới đáy cùng xã hội, hy vọng truyền tải thông điệp “bản chất con người vốn dĩ là tốt đẹp”, do quy định về kiểm duyệt nên tác phẩm của anh không thể được trình chiếu tại Myanmar, nhưng môi trường sáng tác bao dung và cởi mở của Đài Loan cho phép anh được thành thật với chính mình, có thể ghi lại những hình ảnh chân thực về Myanmar, cũng là một cách giúp Myanmar lên tiếng trên trường quốc tế và cũng là sự chứng kiến có tính thời đại.

 

Đài Loan có môi trường sản xuất phim tự do và cởi mở

 Theo quan sát của Giám đốc điều hành Trung tâm Điện ảnh và Văn hóa nghe nhìn Quốc gia Đài Loan - Vương Quân Kỳ (Wang Chun-chi) , “Môi trường sáng tác của Đài Loan có một ưu điểm, đó là môi trường tự do dân chủ của chúng ta, nó tạo ra một không gian sáng tác tự do, trong đó bao gồm môi trường sản xuất điện ảnh”. Chính môi trường như vậy đã giúp những đạo diễn người Malaysia gốc Hoa như Thái Minh Lượng, Hà Úy Đình, hay đạo diễn người Myanmar Midi Z có cơ hội phát huy tại Đài Loan.

 Giá trị sản xuất của ngành điện ảnh Đài Loan năm 2018 đạt khoảng 22,473 tỷ Đài tệ, trong đó mảng sản xuất phim và mảng trình chiếu phim đều tăng trưởng so với năm trước, chỉ riêng năm 2018 đã có 323 bộ phim Đài Loan tham gia các triển lãm của thị trường điện ảnh quốc tế, trong đó có khá nhiều phim hợp tác đa quốc gia. Ngoài sự phát triển mạnh mẽ về môi trường sản xuất phim, sự cởi mở của chính sách phim ảnh và của chính phủ, sự hỗ trợ về nguồn kinh phí sản xuất phim và hợp tác quốc tế cũng là những yếu tố quan trọng.

 Từ những thước phim về đồng tính nữ của đạo diễn Hà Úy Đình cho đến sự mổ xẻ đối với tầng lớp đáy cùng xã hội của đạo diễn Lý Vĩnh Siêu, có thể thấy rõ sự bao dung rộng mở của Đài Loan về đề tài và nội dung phim. Môi trường kinh tế và chính trị đặc thù của Đài Loan trong nhiều năm về trước đã thôi thúc sự ra đời của “Phong trào điện ảnh tân thời Đài Loan”, tới nay rất nhiều nhà làm phim quốc tế đều đến Đài Loan để theo đuổi ước mơ điện ảnh của mình. Nơi đây có môi trường sáng tác ưu việt, nhân tài xuất sắc và trang thiết bị kỹ thuật tân tiến, nhờ vậy mới có thể giúp các đạo diễn quốc tế phát huy thực lực và thể hiện tài năng.

 

Xem thêm

Đạo diễn người Hoa dệt ước mơ tại Đài Loan Câu chuyện cuộc đời qua ống kính xuyên quốc gia của Hà Úy Đình và Lý Vĩnh Siêu