Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Trường Thợ Săn của Sakinu Trí tuệ của người dân tộc nguyên trú Đài Loan
2022-11-21

Ahronglong Sakinu
 

 Ông Ahronglong Sakinu-Tác giả của các tác phẩm “The Sage Hunter”, “Wind Walker” và “Grandpa’s Ocean”, từng giành nhiều giải thưởng văn học lớn nhỏ và cũng là nhà văn dân tộc nguyên trú thường xuất hiện trong sách giáo khoa nhất. Do tác phẩm của ông được các ngành học tiếng Trung của trường Đại học Harvard, Đại học Columbia chỉ định phải đọc, có thể nói ông đã nổi tiếng từ nước ngoài về đến Đài Loan.

 Ông vốn là cảnh sát rừng, nhiều năm nay hoạt động năng nổ trong giới văn hóa với tư cách nhà văn dân tộc nguyên trú. Hơn hai mươi năm nay, ông đã xem văn hóa Paiwan là tín ngưỡng, ngoài quay trở về quê hương, thành lập Hội thanh niên bộ lạc, ông còn mở trường Thợ Săn, hy vọng có thể mở ra một hướng đi mới.

 

 Vào một buổi tối mùa hè nọ, bộ lạc Lalaulan tại xã Taimali Đài Đông bỗng nhiên trở nên đông đúc, mọi người không hẹn mà cùng di chuyển về hướng nhà của ông Sakinu, bận rộn trong niềm hân hoan như thể đang cùng chuẩn bị cho một việc đại sự đã được ấp ủ từ lâu.

 Nhìn kỹ sẽ phát hiện, bên cạnh nhà ông Sakinu mọc lên 3 tòa kiến trúc bằng gỗ. Hóa ra, đây chính là không gian chia sẻ của gia tộc Tepes do ông Sakinu đứng đầu. Trong đó bao gồm “Ngôi nhà nguyên thủy” (Primitive House) dùng để tổ chức các hoạt động gặp gỡ, công khai của gia tộc, “Túp lều thợ săn” (Hunters’ Lodge) là nơi đàn ông gặp gỡ, tập luyện và “Văn phòng phụ nữ” (Women’s Workshop) là nơi chỉ có nữ giới được đi vào, cũng là văn phòng của trường Thợ Săn (Hunter School). Ngày hôm sau chính là ngày tổ chức lễ thành lập gia tộc mới và ngày khánh thành các kiến trúc.

 Điều khiến người ta ngạc nhiên là các thành viên gia tộc của Sakinu lại không hạn chế phải có chung dòng máu, mà là người đến từ bốn phương trời. Ngoài người dân tộc Paiwan, còn có người dân tộc Puyuma, Amis, Truku và rất nhiều người Hán, thậm chí còn có người Úc do kết hôn với thành viên trong gia tộc nên được kết nạp vào gia tộc, có tất cả khoảng 7 hộ gia đình và 5 thành viên độc thân.

 “Mấy ngày trước, tôi đã ngồi trong ngôi nhà chung, nhìn các tác phẩm điêu khắc trong nhà, xung quanh tối mịt, vừa hay có ánh sáng lóe lên ở trước cửa. Nước mắt tôi bỗng chốc không ngừng tuôn rơi, cảm giác thật thiêng liêng”. Ông Sakinu tường thuật lại cho người nhà rằng, “Tôi cứ ngồi cười vu vơ, nói với mình rằng, mình đã làm được rồi! Tuy không ai hiểu mình, nhưng mình hiểu mình là được!”.
 

Trường Thợ Săn của Sakinu
 

Tái hiện và đi tìm lại ý thức của người dân tộc nguyên trú

 “Mình hiểu mình là được”, câu nói này chính là lời chú thích tốt nhất cho hành trình hai mươi mấy năm nay của ông Sakinu.

 Tuy hầu hết mọi người đều biết đến ông là nhà văn dân tộc nguyên trú, nhưng ngoài sáng tác văn học, trong lòng ông vẫn ôm ấp một hoài bão lý tưởng lớn lao hơn, luôn khát vọng có thể thực hiện.

 Có hoài bão như vậy có thể nói là bắt nguồn từ môi trường sinh trưởng đặc biệt của ông. Do ông sinh ra và lớn lên tại bộ lạc Lalaulan, là một bộ lạc bị sáp nhập, sống chung với các dân tộc khác. Người dân tộc Amis, Paiwan sống chung với nhau nhưng dân tộc Paiwan ở thế yếu hơn, cộng thêm giao thoa, hội nhập với dân tộc khác, khiến cho văn hóa của mình nhanh chóng bị đánh mất. Tuy những người lớn tuổi trong bộ lạc có thể nói được tiếng Paiwan nhưng lại mặc trang phục của dân tộc Amis, ăn mừng lễ tết truyền thống của dân tộc Amis, thậm chí còn có rất nhiều người trong bộ lạc không biết rằng mình là người dân tộc Paiwan.

 Những năm 1990, phong trào dân tộc nguyên trú nổi lên, ông Sakinu lúc bấy giờ vừa tốt nghiệp trường cảnh sát, đang làm việc tại Đài Bắc. Ông cũng đã bắt kịp làn sóng thời đại, bắt đầu tò mò về thân phận của mình. Ngoài tự tìm tòi, ông Sakinu còn được nghe lời kể từ cha và các bô lão, và đích thân đi thăm viếng, hỏi thăm, cộng thêm tích cực giao lưu với những người làm công tác nghiên cứu văn hóa dân tộc nguyên trú, dựng lại câu chuyện về thân thế của những người trong bộ tộc bằng những nguồn thông tin khác nhau.

 

Những điều mắt thấy của đứa con thợ săn

 Trong quá trình tìm hiểu, ông Sakinu đã nhanh chóng ý thức được rằng, tinh túy của văn hóa dân tộc nguyên trú truyền thống như sự khiêm nhường và tôn trọng đối với sự sống vạn vật, sự tương tác và giao lưu với tự nhiên, sự thể hiện ngôn ngữ cơ thể khi đi săn, đó không những là những điều mà xã hội hiện đại đang thiếu, mà còn là giá trị chung đáng được trân trọng.

 “Giá trị cốt lõi của Đài Loan là gì”? Ông Sakinu rất thích hỏi người khác câu hỏi này, dù nghe đáp án bao nhiêu lần vẫn không thấy đủ và ông cũng đã tìm được lời giải trong văn hóa mẹ đẻ của mình.

 “Đầu tiên, phải đối xử thật tốt với người khác”. Ông nói, bản chất lương thiện và ý nghĩ lương thiện, đó là căn bản của mọi thứ, vì thế, ông luôn đối xử với người khác như đối xử với bản thân mình.

 “Thứ hai, có tính mỹ quan”. Mỹ quan mà ông Sakinu nói đến không phải chỉ là cái đẹp của một tác phẩm nghệ thuật đơn lẻ, mà là cái đẹp lấy con người làm chủ thể, sự tôn quý của đặc tính tinh thần được thể hiện trong từng hành động từng cử chỉ, cũng giống như tinh thần kỵ sĩ châu Âu thời Trung Cổ hoặc tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản.

 “Cuối cùng, phải có khái niệm về đất đai và môi trường”. 70% lãnh thổ Đài Loan là núi đồi, người dân tuy thích leo núi nhưng về mặt tâm lý thì vẫn không gần gũi với núi đồi, thiếu sự tương tác với thiên nhiên, nhưng ông Sakinu nói, thái độ với thiên nhiên sẽ liên quan đến “style, sense, class” của người Đài Loan.

 Những phát hiện này không những có thể trở thành dưỡng chất nuôi dưỡng tâm hồn, mà còn được thực hiện trong cuộc sống, tích lũy thành văn hóa thực tiễn, cuối cùng, ông càng hi vọng, có thể hiến tặng tài sản này cho cả thế giới.

 Đặc biệt, là đứa con của gia tộc thợ săn, có tâm lý như vậy hình như cũng là lẽ đương nhiên. Ông nội của ông Sakinu từng là người đứng đầu đoàn thợ săn trong bộ lạc, gánh trên vai trọng trách cung cấp nguồn thịt cho cả bộ lạc. Ông cũng kể lại rằng: “Từ nhỏ chúng tôi đã biết, kiến thức thợ săn phải đặt ở vị trí thứ hai, học cách chia sẻ phải đặt ở hàng đầu”.
 

Mọi người hân hoan chào đón sự ra đời của gia tộc bằng điệu múa truyền thống của dân tộc Paiwan.

Mọi người hân hoan chào đón sự ra đời của gia tộc bằng điệu múa truyền thống của dân tộc Paiwan.
 

Từ một quyển sách đến một ngôi trường

 Do đó, ngoài lấy bản thân làm gương, ông Sakinu cũng luôn hết mình trong công tác văn hóa.

 Năm 2002, tác phẩm thứ hai “Wind Walker” ra đời. Cuốn sách này đã miêu tả các chi tiết việc ông lại đi theo bước chân của cha, trở lại rừng núi để săn bắn, sau này không những được xem là tác phẩm tiêu biểu của ông, mà còn trở thành cơ sở cho việc ông thành lập trường Thợ Săn, mở ra một giai đoạn công tác mới.

 Vậy rốt cuộc trong trường Thợ Săn sẽ học gì? Ông Sakinu và học viên đều không tiết lộ quá nhiều. Chúng tôi chỉ biết rằng, chủ yếu là chương trình học gồm 4 giai đoạn từ dễ đến khó, thời gian học khoảng 3-5 ngày, vào mùa đông hàng năm, gần nhất là ở khu lưu vực của suối Taimali, xa thì có thể đi đến khu rừng tại khu vực Hoa Liên- Đài Đông, đó chính là phòng học của họ.

 Về cách giảng dạy, khác với cách dạy nhấn mạnh về truyền đạt kiến thức như hệ thống giáo dục chủ yếu hiện nay, họ chú trọng rèn luyện về mặt tinh thần hơn. Như bài học giai đoạn 1, là để học sinh đi bộ trong đêm tối, như nội dung của cuốn “Wind Walker”, khi ông Sakinu đi theo cha vào nơi săn bắn, chính là bắt đầu học từ việc đi bộ. Thông qua những lần tập luyện như vậy, sẽ giúp người học khắc phục sự sợ hãi, khơi dậy những tiềm năng bị kiềm hãm trong nội tâm, còn đối với người thường, điều cần quan tâm nhất chính là làm sao nhận biết các loại thực vật hoang dã, học các kỹ năng sinh tồn tại nơi hoang dã…, là điều có thể học được một cách tự nhiên trong lúc hành động.

 

Bộ lạc của các bộ lạc

 Mười mấy năm nay, có hơn một trăm người đã tham gia lớp học của trường Thợ Săn, có khoảng hơn 10 người tham gia đầy đủ 4 giai đoạn tập huấn. Cũng có không ít người, vì đồng tình với quan điểm của ông Sakinu, nên đã ở lại bên ông, phát triển thành mối quan hệ thân thiết và lâu dài. Họ gọi ông Sakinu là anh trai, còn ông gọi họ là em trai, em gái.

 Sau nhiều năm đào tạo, những học viên này không những dần dần từ học viên trở thành thành viên nòng cốt của tổ chức, mà còn vì có chung lý tưởng, dưới sự lãnh đạo của ông Sakinu, vẫn giữ được liên hệ mật thiết. Họ cũng từng cùng tham gia phong trào vận động của dân tộc nguyên trú, như tham gia phong trào Tín hiệu khói 28/2, Lễ hội âm nhạc Hát cho đất…, hàng năm đều sẽ đến đảo Luzon của Philippines để tham gia hoạt động Cordillera Day, giao lưu với các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo tại khu vực Đông Nam Á.

 Tuy trong mắt người ngoài, trường Thợ Săn chỉ là một tổ chức, nhưng vì có chung chí hướng tinh thần, tình cảm giữa họ còn thân thiết hơn người thân máu mủ, và cũng giống như một bộ lạc mới được sinh ra từ bộ lạc cũ.
 

Nghi thức Thượng Lương (lễ cất nóc) được tổ chức để thông báo ngôi nhà đã hoàn công, đằng sau tấm ván có chữ ký của tất cả các thành viên trong gia đình.

Nghi thức Thượng Lương (lễ cất nóc) được tổ chức để thông báo ngôi nhà đã hoàn công, đằng sau tấm ván có chữ ký của tất cả các thành viên trong gia đình.
 

Con đường của người dân tộc nguyên trú thời hiện đại

 Rất nhiều người lầm tưởng rằng, loạt hành động của ông Ahronglong Sakinu là muốn tái kiến tạo truyền thống nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Như gia tộc của ông, mọi người được kết nối bằng lý tưởng và tinh thần chứ không phải bằng huyết thống, cũng như 3 ngôi nhà của ông, không phải nhà đá truyền thống của người dân tộc Paiwan, mà là kiến trúc được kết hợp giữa phong cách Nhật Bản và Philippines, vừa đáp ứng nhu cầu chức năng vừa mang tính thẩm mỹ. Cũng giống như mười mấy năm trước, ông là người đầu tiên đưa ra khái niệm “trường Thợ Săn”, không những nhấn mạnh phải tăng cường tập luyện cho phái nữ, trang phục của học viên tuy có nguồn gốc từ trang phục truyền thống của người dân tộc Paiwan, nhưng lại biến chi tiết nặng nề hoa lệ của trang phục thành đơn giản, nhẹ nhàng. Con đường mà ông Ahronglong Sakinu đã đi là một con đường mới mà những người đi trước không ai dám nghĩ, không ai dám đi.

 Ngày 26/5, ông Ahronglong Sakinu đã thành lập gia tộc “Tepes”, lấy tên gọi của cha mình là “Tepes” đặt tên cho gia tộc. Trong tiếng dân tộc Paiwan, đây có nghĩa là “cây cối um tùm, rễ cây chằng chịt, đất đai phì nhiêu, là mảnh đất mà tất cả mọi người đều muốn giành lấy”, nhưng ông hoàn toàn không muốn giữ mảnh đất tươi đẹp mới mẻ này cho riêng mình, mà ông đã quán triệt tinh thần chia sẻ của người thợ săn đến cùng.

 “Tôi chỉ là một cảnh sát, một nhà văn nhỏ bé, nếu việc bạn đang làm rất vĩ đại, bạn sẽ nhìn thấy dưỡng chất mình cho đi có thể nuôi dưỡng rất nhiều năng lượng, có thể tặng một món quà quan trọng cho Đài Loan”, ông Ahronglong Sakinu nói.

 

Xem thêm

Trường Thợ Săn của Sakinu Trí tuệ của người dân tộc nguyên trú Đài Loan