Ngày 23/11/2022, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia và Viện Nghiên cứu Trung ương đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Phòng chống dịch bệnh và Thách thức nhân quyền trong thời đại Kỹ thuật số” (2022 Pandemic Response and Human Rights Debate in the Degital Age). Chủ nhiệm Ủy ban Nhân quyền Quốc gia – bà Trần Cúc, các ủy viên giám sát, các học giả của Viện Nghiên cứu Trung ương và khách mời nước ngoài đã tham dự hội thảo với hy vọng thông qua đối thoại giữa Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các đơn vị học thuật, xem xét những hạn chế và tác động đối với các quyền cơ bản của người dân do sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, làm tài liệu tham khảo để Chính phủ xây dựng các chính sách phòng chống dịch bệnh trong tương lai, từ đó thúc đẩy bảo vệ nhân quyền.
Trong hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, v.v... trên toàn cầu. Trong thời kỳ dịch bệnh nghiêm trọng, Chính phủ các nước đã sử dụng các công nghệ giám sát kỹ thuật số để quản lý cuộc sống hàng ngày của người dân nhằm kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả. Để bảo vệ sức khỏe của người dân, Đài Loan cũng đã thực hiện nhiều chính sách phòng chống dịch bệnh như quy định mua khẩu trang bằng tên thật, tiêm vắc-xin bằng tên thật, hàng rào điện tử, truy vết tiếp xúc, v.v...
Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Trần Cúc cho biết 16 tổ chức bao gồm Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, v.v... đã ra “Tuyên bố chung về Bảo vệ dữ liệu và Quyền riêng tư để ứng phó với dịch bệnh COVID-19” (Joint Statement on Data Protection and Privacy in the COVID-19 Response) vào ngày 19/11/2020, nhấn mạnh rằng việc thu thập, sử dụng, chia sẻ và xử lý dữ liệu có thể hạn chế sự lây lan của virus và giúp tăng tốc độ phục hồi nhưng khi sử dụng phải lấy quyền con người làm cơ sở, đồng thời cân nhắc luật quốc tế, các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư khi thực thi, giảm thiểu tác động của chính sách đối với việc bảo vệ nhân quyền.
Chủ nhiệm Trần Cúc nhấn mạnh rằng trong thời kỳ hậu dịch bệnh, chúng ta cần tiếp tục xem xét những tác động và thách thức của các chính sách phòng chống dịch bệnh đối với quyền con người, hy vọng sẽ đạt được sự cân bằng tốt nhất giữa lợi ích công cộng và quyền được chăm sóc sức khỏe của con người, cùng nỗ lực để thúc đẩy bảo vệ nhân quyền.