Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Chương trình đào tạo nhân tài nghiên cứu khoa học và xã hội nhân văn ở nước ngoài nâng cao tầm ảnh hưởng của Đài Loan trên thế giới
New Southbound Policy。Ngày 21/12, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTC) đã tổ chức họp báo công bố kết quả giai đoạn 4 của “Chương trình đào tạo nhân tài nghiên cứu khoa học và xã hội nhân văn ở nước ngoài” (Ảnh: Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia)
Ngày 21/12, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTC) đã tổ chức họp báo công bố kết quả giai đoạn 4 của “Chương trình đào tạo nhân tài nghiên cứu khoa học và xã hội nhân văn ở nước ngoài” (Ảnh: Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia)

 Nhằm thực hiện chính sách quan trọng “Tạo điều kiện cho các nhân tài phát triển, làm phong phú nguồn tài năng nghiên cứu khoa học của Đài Loan”, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTC) đã tích cực bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực trọng điểm của quốc gia và quốc tế, tăng cường kết nối các chuyên gia, học giả Đài Loan và cộng đồng nghiên cứu quốc tế để thực hiện tầm nhìn xa của khoa học và công nghệ Đài Loan là “Đổi mới, bao trùm và bền vững”.

 Để cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trong nước, đồng thời tối ưu hóa kết nối thực chất giữa cộng đồng nghiên cứu học thuật nước ngoài và Đài Loan, từ năm 2018, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã liên tiếp thúc đẩy 4 giai đoạn của “Chương trình đào tạo nhân tài nghiên cứu khoa học và xã hội nhân văn ở nước ngoài” (Taiwanese Overseas Pioneers Grants, TOP Grants), đến nay đã đào tạo được 85 ứng viên tiến sĩ và 20 học giả trẻ. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các nhân tài này đã làm việc tại các tổ chức nghiên cứu trên khắp thế giới và tiếp tục tăng cường năng lực nghiên cứu học thuật của các học giả Đài Loan ở nước ngoài.

 Ngày 21/12, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã tổ chức họp báo công bố kết quả giai đoạn 4 của chương trình, mời các học giả đã hoàn thành chương trình hoặc đang được đào tạo chia sẻ về hành trình nghiên cứu học thuật và chủ đề nghiên cứu của mình, thể hiện giá trị nghiên cứu về cả lý thuyết lẫn thực tiễn của các học giả xã hội nhân văn Đài Loan và những tham vọng của họ trên trường quốc tế.

 Để tiếp tục phát huy thành quả đào tạo và kết nối nhân tài của những năm qua, “Chương trình đào tạo nhân tài nghiên cứu khoa học và xã hội nhân văn ở nước ngoài” của Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia tiếp tục hỗ trợ các nhân tài nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đang học tập hoặc giảng dạy ở nước ngoài để họ có thể tập trung vào luận án tiến sĩ, viết sách và nâng cao chất lượng nghiên cứu học thuật, đồng thời từng bước thiết lập mạng lưới học thuật toàn cầu của các nhân tài Đài Loan nghiên cứu khoa học ở nước ngoài, củng cố ảnh hưởng của Đài Loan trong giới học thuật quốc tế.

 Đối tượng chính của chương trình đào tạo bao gồm “ứng viên tiến sĩ” và “học giả trẻ”. “Ứng viên tiến sĩ” là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài, còn “học giả trẻ” là giáo viên hoặc nhân viên nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu học thuật nước ngoài.

Danh sách đối tượng đào tạo được chọn trong năm 2022 đã được công bố trên trang web của chương trình, tổng cộng có 25 ứng viên tiến sĩ và 5 học giả trẻ được bình chọn. Trong thời gian nghiên cứu kéo dài 1 năm, mỗi ứng viên tiến sĩ được nhận kinh phí đào tạo 900.000 Đài tệ, mỗi học giả trẻ được nhận 600.000 Đài tệ và có thể đăng ký thêm 200.000 Đài tệ cho chi phí xuất bản sách học thuật.