Giáo sư Từ Dục Phong là chuyên gia quốc tế về loài bướm. Ông cho rằng bươm bướm không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài, mà còn có những hiện tượng sinh mệnh mà nhân loại không có.
Đài Loan - hòn đảo có nhiều ngọn núi cao với hệ sinh thái đa dạng, là nơi trú ngụ tuyệt vời của loài bướm. Đài Loan có hơn 400 loài bướm, trong đó có 12,5% là loài đặc hữu. Ý thức bảo tồn của người dân ngày càng được nâng cao, giới học giả cùng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ động vật khảo sát dấu vết của các loài bướm trên khắp Đài Loan. Bởi vì bướm không chỉ là loài sinh vật xinh đẹp, mà còn là chỉ số quan trọng về môi trường sinh thái.
Hôm nay, nhóm phỏng vấn đã theo Giáo sư Từ Dục Phong (Hsu Yu-feng) của khoa Khoa học Đời sống, Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, đến Houtong để quan sát các loài bướm. Sông núi Đài Loan ít bị phá hoại đã tạo nên một môi trường sống tốt đẹp cho loài bướm.
Bươm bướm ẩn dấu võ công tuyệt đỉnh
Giáo sư Từ Dục Phong chỉ vào con sâu bướm trên lá và hỏi: “Tại sao nó vẫn có thể ở trên lá ngay cả trong cơn mưa bão?” Những vết trắng trên bề mặt lá trở thành manh mối để chúng ta tìm câu giải đáp. Sâu bướm nhả tơ trên lá, rồi bám chặt vào đó bằng những cái móc nhỏ trên chân nó, tạo thành băng gai dính. Sau khi kiếm ăn, sâu bướm nhất định sẽ quay trở lại chiếc lá đã được nhả tơ để tránh bị mưa bão đánh rơi xuống đất.
Tiếp theo, một con sâu bướm có màu đỏ, vàng và xanh lục bò qua, trên đầu và đuôi có những chỗ nhô ra rõ ràng, “đó là ấu trùng bướm mắt”. Với màu sắc tươi sáng này, mọi người khó mà tưởng tượng ra khi trưởng thành nó sẽ biến thành con bướm màu nâu đơn sắc nhàm chán. Giáo sư Từ Dục Phong giải thích, bướm sẽ phải trải qua quá trình biến thái hoàn toàn, noãn bào sẽ phân hóa thành tế bào ấu trùng và tế bào trưởng thành. Khi nở thành sâu bướm, các tế bào trưởng thành không hoạt động, đợi khi sâu bướm hóa nhộng, các chất dinh dưỡng mà ấu trùng thu được sẽ được cung cấp cho sâu trưởng thành.
Ở Houtong hầu như ta có thể nhìn thấy từng họ của loài bướm. Giáo sư Từ Dục Phong nhẹ nhàng bắt một con bướm giáp (Nymphalidae) giải thích, nét đặc biệt của bướm giáp là chân của nó ngắn và có chức năng vị giác do quá trình tiến hóa đặc biệt. Bởi vì ấu trùng của bướm giáp chỉ ăn một số loại thực vật nhất định nên khi chuẩn bị đẻ trứng, chúng sẽ dùng chân trước liên tiếp chạm nhanh vào bề mặt lá cây như thể đi đường quyền để xác nhận đó là thức ăn mà ấu trùng sẽ ăn.
Tại Houtong có loài thực vật được bảo tồn là cây “Chuông ngạc mộc”, thu hút sự sinh trưởng của “Bướm Talbotianaganum”, một phân loài đặc hữu của Đài Loan.
Loài bướm đặc hữu của Đài Loan và hiện tượng bướm vượt đại dương
Các loài bướm đặc hữu của Đài Loan chủ yếu xuất hiện ở độ cao từ trung bình đến cao so với mực nước biển, chẳng hạn như bướm Atrophaneura horishana là một loài bướm ngày thuộc họ Papilionidae với phần đuôi có nền đỏ đốm đen giống như dưa hấu và bướm Papilio hoppo với vòng kép hiếm có ở đuôi.
Loài bướm đặc hữu của Đài Loan - “Bướm Sibataniozephyrus kuafui” được giáo sư Từ Dục Phong phát hiện cách đây 30 năm cũng sinh sống trong các khu rừng sồi của Đài Loan ở độ cao từ trung bình đến cao so với mực nước biển. Thường nơi có diện tích đất càng lớn, vĩ độ càng thấp thì càng có nhiều loài bướm. Giáo sư Từ Dục Phong cho biết, so với các nước Nam Mỹ và Đông Nam Á, số lượng bướm ở Đài Loan chắc chắn không nhiều bằng nhưng tỷ lệ loài đặc hữu lại rất cao, “Và thật khó có thể tìm thấy một nơi nào trên thế giới chỉ mất ba giờ lái xe đã lên đến độ cao 3.000 mét so với mực nước biển là ta có thể nhìn thấy những con bướm sống ở vùng nhiệt đới và ôn đới”.
Ngoài loài bướm đặc hữu ra, hiện tượng bươm bướm đáng quan sát ở Đài Loan là vào mùa thu hàng năm “bướm Chestnut Tiger” bay từ Nhật Bản sang Đài Loan trú đông. Theo ghi chép quan sát của nhóm nghiên cứu trong nước, bướm Chestnut Tiger tại 5 hòn đảo gần Osaka, Nhật Bản đã bay vượt đại dương hơn 1.000 km đến đảo Lan Tự và đảo Bành Hồ, đây là hiện tượng bướm vượt đại dương hiếm thấy.
Bươm bướm là chỉ số đánh giá môi trường
Giáo sư Từ Dục Phong nhấn mạnh: “Bươm bướm không chỉ là loài côn trùng xinh đẹp để con người chiêm ngưỡng mà chủng loại và số lượng của chúng sẽ phản ánh những thay đổi của môi trường”. Trong mười năm qua, giáo sư Từ Dục Phong đã hợp tác với Cục Lâm vụ và Đại học Nghi Lan thành lập nhóm nghiên cứu về cây sồi Đài Loan. Hơn 140 loài bướm ngày và bướm đêm đã được tìm thấy trên loại cây này và họ còn đặt tên cho một trong 4 loài bướm mới.
Tuy nhiên, khi nhóm nghiên cứu tiến hành mô phỏng khí hậu, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên trong tương lai và số lượng cây sồi Đài Loan sẽ giảm xuống 5% so với mức hiện tại trong vòng 50 năm, các loài vật phong phú sống trên cây sồi cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ sinh tồn. Do đó, “Sách đỏ sinh vật Đài Loan” đã đánh giá loài bướm Sibataniozephyrus kuafui sinh sống trên cây sồi ở Đài Loan là loài đánh giá tiêu chuẩn môi trường cực hiếm. “Khi số lượng loài này ít đi, điều đó có nghĩa là môi trường đang trở nên xấu đi và cuối cùng con người phải gánh chịu hậu quả”, Giáo sư Từ Dục Phong kết luận.
Bươm bướm, chim, địa y, thực vật có mạch đều là các chỉ số đánh giá môi trường. Nhận biết loài bướm không chỉ là ghi nhớ đặc điểm của chúng, quan trọng hơn, chúng ta có thể hiểu được môi trường mà con người đang sinh sống.
Để hoàn thiện việc ghi chép về các loài bướm Đài Loan, Cục Lâm vụ cùng hợp tác với nhóm nghiên cứu của giáo sư Từ Dục Phong xuất bản bộ sách “Các loài bướm Đài Loan”. Bộ sách này không chỉ giới thiệu nét đặc trưng, phân bố và hình ảnh của bươm bướm, mà còn bao quát cả lịch sử phát triển tên khoa học của bướm, cũng như hình ảnh cấu trúc mặt cắt ngang cơ quan sinh dục của loài bướm. “Để xác định xem một con bướm có phải là loài mới hay không, nhóm nghiên cứu sẽ xem xét bộ phận sinh dục của nó, vì nếu chỉ nhìn dáng vẻ bên ngoài của nó thì rất khó phân biệt được”, Giáo sư Từ Dục Phong giải thích. Bộ sách này có đến 5 quyển giới thiệu về: bướm phượng, bướm Pieridae, bướm nhảy, bướm giáp, bướm xanh (Lycaenidae), được trình bày bằng tiếng Trung và tiếng Anh, giới thiệu các loài bướm phong phú của Đài Loan với thế giới.
Ông Trương Vinh Hoa chia sẻ, thông qua sự nỗ lực của nhân viên tình nguyện, hiện Vườn bướm Kiếm Nam (Jiannan) đã có 160 loài bướm.
Căn cứ địa bảo tồn ──Vườn bướm Kiếm Nam (Jiannan)
Từ năm 2003, “Hiệp hội Bảo tồn Bướm Đài Loan”(gọi tắt là Hiệp hội Bướm), một tổ chức phi chính phủ của Đài Loan đã thúc đẩy việc khôi phục môi trường sống của bươm bướm tại đường mòn Bướm trên đường Kiếm Nam. Hiện tại, có hơn 160 loài bướm sinh sống trong khu vườn này. Đây là một khu vườn giáo dục sinh thái bướm mang tính tiêu biểu ở Đài Loan.
Hôm nay, Chủ tịch Trương Vinh Hoa (Chang Jung-hua) hướng dẫn nhóm phỏng vấn đi tham quan, quan sát vườn bướm có không gian mở trong thành phố. Các tình nguyện viên của Hiệp hội Bướm đang trồng các loài cây ký chủ bản địa, cây có mật để cung cấp thức ăn cho ấu trùng bướm và bướm trưởng thành. Để tránh việc bướm tranh giành thức ăn, nhân viên tình nguyện đã điều chỉnh sự phân bố của các loại cây trong vườn sao cho thích hợp. Mỗi khi trồng các loài cây là nguồn thức ăn của bướm, các tình nguyện viên sẽ định kỳ ghi chép lại những con bướm sinh sống tại đây, tình trạng kiếm ăn của chúng, đồng thời tìm hiểu sức thu hút bươm bướm của mỗi loại cây là nguồn thức ăn của loài bướm.
Trong vườn bướm, cứ cách một đoạn ngắn là chúng ta có thể quan sát các hiện tượng sinh học của bướm. Trên cây Wendlandia formosana gần cửa vào vườn, sâu bướm Athyma selenophora dùng phân làm vật ngụy trang bảo vệ mình không bị kẻ địch tấn công. Bướm Appias lyncida eleonora bay lượn trên cây Crateva formosensis, bay qua bay lại một lúc nó vẫn không chịu dừng lại trên bề mặt chiếc lá, nó kiên quyết tìm nơi thích hợp đẻ trứng.
Trên triền dốc, không ngừng có bươm bướm bay ngang qua người. Tại đây có bướm phượng vàng thoắt một cái là biến mất trước mắt ta, còn có bướm vàng chanh di cư-loài bướm xuất hiện tại nơi có độ cao thấp, loài bướm này cũng là “nhân vật chính” của Thung lũng vàng (Huangdie Cuigu). Sau đó, khi ta ngước đầu nhìn lên, một con bướm Timelaea albescens tuyệt đẹp với họa tiết da báo đang đậu trên cây, nghỉ ngơi trong tư thế một cánh dang ra, một cánh khép vào, trông rất ngộ nghĩnh.
“Từng có một cô gái người Úc đến tham quan vườn bướm, cô cho biết người dân Đài Loan thật hạnh phúc vì có thể thấy được nhiều loại bươm bướm ở tại một nơi”, ông Trương Vinh Hoa nhớ lại. Trên thực tế, diện tích nước Úc lớn hơn Đài Loan gấp 215 lần, tuy nhiên giống như Úc, Đài Loan có hơn 400 loài bướm.
Đài Loan:Quốc gia bảo tồn loài bướm
Đài Loan không chỉ có nhiều loài bướm mà những nỗ lực trong việc bảo tồn cũng rất đáng khen ngợi. Giáo sư Từ Dục Phong cho biết, nhiều giáo án thú vị đã được thiết kế trong môn học tự nhiên ở các trường tiểu học và THCS ở Đài Loan, thậm chí có trường còn trồng cây ký chủ để thu hút bươm bướm đến đẻ trứng.
Ngoài ra, ở Đài Loan có khá nhiều nhân viên tình nguyện gia nhập đội ngũ khảo sát sự thay đổi về thói quen sinh hoạt của bươm bướm, họ là những người anh hùng thầm lặng trong công tác nghiên cứu học thuật. Như 3 năm trước, Chủ tịch Trương Vinh Hoa của Hiệp hội Bảo tồn Bướm Đài Loan phát hiện loài bướm được bảo tồn là bướm hoàng đế Nhật Bản ở khu vực miền núi phía bắc, “Hơn nữa còn được quan sát bướm ở cự ly gần, có thể phân biệt được con đực, con cái, lần đó thấy được gần 36 con”. Con số này khá là bất ngờ đối với một loài bướm có nguy cơ tuyệt chủng. Sau đó, ông Trương Vinh Hoa đã trao đổi với các học giả về phát hiện này và tham gia hoạt động quan sát tại chỗ của nhóm nghiên cứu với hy vọng tìm hiểu thêm về loài “Quốc điệp Nhật Bản”, cũng là một phân loài đặc hữu chỉ có ở Đài Loan.
Các tình nguyện viên của Hiệp hội Bảo tồn Bướm Đài Loan chủ yếu được chia thành hai nhóm: nhóm phục hồi môi trường sống trong Vườn bướm Kiếm Nam và nhóm thuyết minh về loài bướm phượng Maraho. Lúc mới thành lập, Hiệp hội Bảo tồn Bướm Đài Loan đã mời các giáo sư nghiên cứu về bướm dạy cho các tình nguyện viên kiến thức về bướm và sự tương tác của hệ sinh thái. Các tình nguyện viên còn phải quan sát đàn anh đàn chị thuyết minh trong hai năm và phải lấy được chứng nhận của Hiệp hội Bảo tồn Bướm Đài Loan thì mới có thể chính thức trở thành tình nguyện viên phụ trách thuyết minh. Các tình nguyện viên phục hồi môi trường sống của bươm bướm phải học cách nhận dạng các loài bướm, quan sát sâu bướm và ghi chép cảnh quan môi trường cùng vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, ánh nắng, tốc độ gió) trong một thời gian dài, để điều chỉnh hướng vận hành vườn bướm sao cho đúng cách.
Như nhà văn Ngô Minh Ích (Wu Ming-yi) đã đề cập trong tuyển tập tản văn “Mê điệp chí” (Ghi chép về niềm say mê bươm bướm), quan sát những con bướm là “để làm quen với những suy nghĩ, cảm xúc và tư duy của một sinh mệnh khác”. Ông cũng tin rằng: "Con người không phải không có cánh, mà là cánh bị thu nhỏ lại”. Thông qua loài bướm, chúng ta không chỉ thấy được trí thông minh của sinh vật mà con người không có, mà còn thấy được môi trường đa dạng và mong manh, đáng để chúng ta chiêm ngưỡng, trân trọng và bảo vệ.
Xem thêm