Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Thông điệp đến từ Đất mẹ Đài Loan - Bảo tàng thổ nhưỡng thế giới
2023-03-06

Bảo tàng Thổ nhưỡng của Đại học Quốc gia Đài Loan đã lưu trữ nhiều tiêu bản thổ nhưỡng từ các nơi trên khắp Đài Loan, ông Hứa Chính Nhất giải thích về các nguyên nhân hình thành đất đai.

Bảo tàng Thổ nhưỡng của Đại học Quốc gia Đài Loan đã lưu trữ nhiều tiêu bản thổ nhưỡng từ các nơi trên khắp Đài Loan, ông Hứa Chính Nhất giải thích về các nguyên nhân hình thành đất đai.
 

 Thổ nhưỡng của Đài Loan rất đa dạng về chủng loại, theo hệ thống phân loại đất của Mỹ, có tất cả 12 nhóm đất, đảo Đài Loan là dải đất hẹp với tổng chiều dài không quá 400 km, bề rộng từ Đông sang Tây không quá 100 km nhưng có tới 11 loại thổ nhưỡng gồm đất hữu cơ (Organic soil), đất pốt-dôn (Spodosols), đất núi lửa (Andisols), đất đỏ vàng (Oxisols), đất sét trương nở (Vertisols), đất khô nóng (Aridisols), đất đen (Mollisols), đất Ultisols, đất Alfisols, đất phù sa (Inceptisols) và đất Entisols. Nhiều loại thổ nhưỡng đa dạng như vậy sẽ gửi đến chúng ta những thông điệp gì?

 

Thổ nhưỡng là tài nguyên quan trọng

 Năm 1969, lần đầu tiên trong lịch sử loài người thực hiện nhiệm vụ đổ bộ lên Mặt trăng, phi hành gia Neil Armstrong đã thu thập các mẫu đất đá, tại sao việc thu nhập thổ nhưỡng trong các cuộc khám phá những miền đất lạ lại trở thành nhiệm vụ quan trọng nhất? Ông Hứa Chính Nhất (Hseu Zeng-yei), Giáo sư kiêm Chủ nhiệm khoa Hóa học Nông nghiệp, Giám đốc Bảo tàng Thổ nhưỡng của Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết: “Vì đất đai là khởi nguồn của sự sống”.

 Mọi người chắc hẳn đã rất quen thuộc với chức năng của đất đai, nó được sử dụng như giá thể giúp thực vật sinh trưởng. “Những kiến thức về 18 chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự sống của con người hiện nay đều được biết đến nhờ quá trình nghiên cứu về thổ nhưỡng”. Ngoài ra, đất có khả năng tạo ra môi trường sống cho sinh vật và cho cả hàng nghìn hàng vạn loài vi sinh vật không thể nhìn thấy bằng mắt thường, thuốc kháng sinh “Penicillin” được phát hiện đầu tiên trong lịch sử y tế chính là được phân lập từ vi sinh vật trong đất.

 Thổ nhưỡng còn có chức năng bảo tồn nước và làm sạch nước.

 Thổ nhưỡng được sử dụng trong công đoạn đào đắp công trình. Điều sau cùng, trong hệ sinh thái, thổ nhưỡng đã có mặt trong bảng tuần hoàn các nguyên tố của Trái đất. Ví dụ như nitơ trong khí quyển sau khi được cố định bởi vi khuẩn cố định đạm Azotobacter trong thổ nhưỡng thì mới được thực vật hấp thu và sử dụng, vì vậy, đất đai là lực đẩy tạo chu trình tuần hoàn cho toàn bộ hệ sinh thái. 
 

Ngoài chức năng bảo vệ sự đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước Tứ Thảo trong Công viên Quốc gia Đài Giang còn là điểm du lịch nghỉ dưỡng.

Ngoài chức năng bảo vệ sự đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước Tứ Thảo trong Công viên Quốc gia Đài Giang còn là điểm du lịch nghỉ dưỡng.
 

Không có đất, không có sự sống

 Nghiên cứu viên Khưu Chí Úc (Chiu Chih-yu) của Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng Sinh học thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương chuyên nghiên cứu về sinh thái đất đai, đã nói về tầm quan trọng của thổ nhưỡng thông qua sự hưng thịnh và suy tàn của nền văn minh cổ đại. Vùng đồng bằng Mesopotamia là nơi khởi nguồn của nền văn minh Lưỡng Hà, cư dân ban đầu vốn sinh sống tại khu vực thung lũng, có tài nguyên nước ổn định và đất đai màu mỡ đã hỗ trợ cho việc sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nền văn minh phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng dân số khiến cư dân đi tranh giành không gian sống với thiên nhiên, chặt phá rừng ở thượng nguồn sông, mất đi những cánh rừng, khiến rừng cây ở vùng đất hạ nguồn bị mất khả năng cung cấp các chất hữu cơ, dẫn tới về lâu dài không thể sản xuất đủ lương thực, gây bất ổn và khiến xã hội bị suy yếu. Điều này cho thấy đất đai là một trong những nhân tố có thể làm sụp đổ nền văn minh.

 Trong lịch sử di cư của Hoa kiều cũng có mối liên quan với đất đai, do thổ nhưỡng khu vực duyên dải Đông Nam Trung Quốc có độ phì nhiêu thấp, người dân không thể mưu sinh nhờ đất đai, đành phải di cư tới vùng Đông Nam Á và Đài Loan. Anh Khưu Chí Úc kể lại chuyện về tổ tiên và gia tộc họ Khưu chính vì hoàn cảnh như vậy đã vượt qua eo biển đến Đào Viên, tiếp tục “đâm chồi nảy lộc” và phát triển tại Đài Loan.

 Ông Hứa Chính Nhất tổng kết lại rằng: “No soil, no life.” (Không có đất, thì không có sự sống.)

 

Sự hình thành của đất: Phương trình bậc nhất với 5 nguyên tố

 Trong 5 nguyên tố để hình thành thổ nhưỡng bao gồm đá mẹ, khí hậu, địa hình, sinh vật và thời gian. “Bạn phải xem trong đó nguyên tố nào có hàm số trọng lượng cao hơn thì mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn, vì thế khi lên lớp tôi đều giải thích rằng, đất là kết quả của phương trình bậc nhất có 5 nguyên tố”. 

 Đá mẹ giống như gen di truyền, thổ nhưỡng ban đầu được hình thành từ loại đá nào thì khi trẻ, thổ nhưỡng sẽ có đặc điểm của đá mẹ. Ở môi trường nhiệt độ cao, nhiều mưa, sẽ tăng nhanh tốc độ phong hóa đất đá, khi lượng mưa càng nhiều thì các dưỡng chất trong đất như kali, calci, magiê sẽ bị rửa trôi, làm cho nồng độ pH của thổ nhưỡng ngày càng chua. Vì thế, ở những vùng nhiệt đới rất dễ nhìn thấy đất sét đỏ, đó là do các dưỡng chất bên trong bị rửa trôi chỉ còn trơ lại lớp oxit sắt, biến đất thành màu đỏ sẫm. Trải qua thời gian, thổ nhưỡng càng lâu năm thì càng chua và càng đỏ hơn. Nói tới đây mới phát hiện ông Hứa Chính Nhất đang lặng lẽ đưa khái niệm thời gian vào đó. 

 Hiện tượng thổ nhưỡng phong hóa lại chịu sự tác động của hoạt động sinh vật. Anh Khưu Chí Úc nêu ra sự tác động của các loại tre trúc khác nhau đối với hệ sinh thái thổ nhưỡng, như cây trúc sào sinh trưởng trên vùng núi có độ cao tầm trung so với mực nước biển, con người chủ yếu trồng trúc sào để thu hoạch măng và sử dụng trúc nguyên liệu nhưng do thường xuyên xới đất, dễ đẩy nhanh sự phân giải làm thất thoát các chất hữu cơ trong đất. Về lâu dài, rừng trúc sào sẽ không thể giống như rừng thông thường có thể liên tục tích lũy được những chất mùn chống phân hủy tốt, khiến chất lượng đất bị thoái hóa. Tuy nhiên, ở các khu vực được gọi là “đất ác” Moon World thuộc các địa phận gồm Tả Trấn (Zuozhen), Long Kỳ (Longqi) ở Đài Nam, Điền Liêu (Tianliao) ở Cao Hùng, là nơi có tính kiềm và độ mặn cao, không thích hợp cho thực vật sinh trưởng. Cây tre gai được trồng ở thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, những chất hữu cơ do loại tre này tạo ra có thể cải thiện tính chất vật lý và hóa học của đất, xét về lâu dài, sử dụng cây tre gai để trồng cây gây rừng trở thành chiến lược kinh doanh, có thể cải tiến hiệu quả thổ nhưỡng cho vùng “đất ác”.

 Khi hiểu được các yếu tố tạo nên thổ nhưỡng thì không khó lý giải vì sao thổ nhưỡng của Đài Loan có diện mạo phong phú đa dạng như vậy. Đảo Đài Loan được tạo ra bởi sự va chạm của hai mảng kiến tạo Philippines và mảng Á-Âu khiến nó trồi lên, vì vậy nguồn đá mẹ của thổ nhưỡng rất phong phú, “Cộng thêm vị trí của Đài Loan nằm trên đường chí tuyến Bắc, dọc theo đường chí tuyến này đa phần là lục địa, Đài Loan là hòn đảo duy nhất, do sự chênh lệch của mực nước biển cũng tạo ra nhiều đới khí hậu khác nhau”. Nhiều tổ hợp khác nhau được sắp xếp bởi những yếu tố đa dạng đã tạo nên sự da đạng hóa cho thổ nhưỡng Đài Loan, “Thổ nhưỡng là môi trường sống của các loài sinh vật, thổ nhưỡng đa dạng cũng đã tạo ra sự đa dạng sinh học”, ông Hứa Chính Nhất giải thích như trên.
 

Sự đa dạng của đất đã tạo nên sự đa dạng văn hóa. Trong hình là vùng địa chất Moon World nằm ở khu vực Tả Trấn thuộc Đài Nam, khu vực Điền Liêu thuộc Cao Hùng, là lớp học địa chất tự nhiên.

Sự đa dạng của đất đã tạo nên sự đa dạng văn hóa. Trong hình là vùng địa chất Moon World nằm ở khu vực Tả Trấn thuộc Đài Nam, khu vực Điền Liêu thuộc Cao Hùng, là lớp học địa chất tự nhiên.
 

 Hiểu rõ đất sẽ hiểu được điều kiện tự nhiên và phong thổ

 Trên hòn đảo Đài Loan, ngoài sự đa dạng của thổ nhưỡng, ít nhất cũng có 4 nhóm dân tộc sinh sống tại đây, mỗi dân tộc có cách sử dụng đất đai khác nhau, như dân tộc Hán mang tới phương pháp canh tác ruộng nước, cũng như văn hóa đào ao để tưới tiêu ở Đào Viên.

 “Phong thổ là văn hóa và tập quán của một vùng được tạo ra bởi điều kiện đất đai và khí hậu của địa phương”. Trên đảo Đài Loan, vùng thổ nhưỡng lâu đời nhất được suy đoán là ở vùng đồi Lâm Khẩu (Linkou). Do trải qua nhiều thập niên, phần lớn dưỡng chất trong đất đều bị rửa trôi xói mòn, chỉ để lại oxit sắt đỏ, biến đất đá thành màu đỏ và đất cũng bị chua hơn. “Thổ nhưỡng cũng chính là một trong những nhân tố thúc đẩy Đài Loan hướng ra thế giới”, ông Hứa Chính Nhất nói với vẻ đầy bí hiểm rằng trà Đài Loan nổi tiếng khắp thế giới là vì có mối liên quan rất lớn đến thổ nhưỡng. Ông kể tường tận về những vùng cao nguyên đất đỏ, từ Lâm Khẩu cho tới Đào Viên, Tân Trúc, ngày xưa đều là khu vực sản xuất trà, ở vùng cao nguyên Bát Quái (Bagua) có giống trà ô long nhẹ Tùng Bách, ở Vũ Hạc (Wuhe), phía đông Đài Loan có hồng trà Assam, ở vùng Lộc Dã Cao Đài (Luye Gaotai) là cơ sở sản xuất trà từ thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng. “Do cây trà ưa đất chua, vùng đồi núi có địa thế khá cao, thuộc dải khí hậu mây mù thích hợp cho cây trà sinh trưởng. Đây là sự liên kết giữa trà và đất đai, là nét văn hóa Đài Loan tiêu biểu”.

 “Có hiểu rõ đất thì mới có thể hiểu được văn hóa phong thổ của địa phương”, ông Hứa Chính Nhất cho biết. Khu vực ngày nay được gọi là đồng bằng Gia Nam vốn là vựa lúa của Đài Loan thời xưa. Tuy nhiên, thổ nhưỡng ở vùng này thời xưa được gọi là “vùng đất ruộng phụ thuộc vào thời tiết”, mặc dù rất giàu khoáng chất nhưng bị khan hiếm tài nguyên nước, xới đất rất khó nên chỉ có thể mong ông trời đổ cơn mưa, đích thực là vùng đất phải “trông chờ vào ông trời mới có bát cơm ăn”.

 Tới khi kỹ sư người Nhật Yoichi Hatta thiết kế và cho đào “Kênh Gia Nam”, cung ứng nguồn nước tưới tiêu dồi dào, đã làm thay đổi tính chất của thổ nhưỡng ở địa phương, biến vùng đồng bằng Gia Nam trở thành vựa lúa của Đài Loan. “Trên thực tế, điều mà ông Yoichi Hatta mong muốn là cải thiện tốt thổ nhưỡng đặc thù của địa phương”, ông Hứa Chính Nhất cho biết.

 Quan sát thế giới theo góc độ của học giả về thổ nhưỡng đôi lúc cũng tìm thấy sự lý thú vượt ngoài tưởng tượng. Theo dõi Giải quần vợt Pháp mở rộng, ông Hứa Chính Nhất có cách suy nghĩ trái ngược rằng, nếu cho xây dựng sân đất nện tại vùng ôn đới rất hiếm đất sét chắc chắn chi phí sẽ rất cao. Từ đó suy ra quần đảo Nhật Bản là địa hình đá nham thạch, in đậm trong trí nhớ của mọi người, đội bóng chày Kano của Đài Loan từng thi đấu tại sân vận động Koshien, loại đất đen hình thành từ tro núi lửa lại rất phù hợp. Khi xem Giải bóng chày nhà nghề Mỹ, nếu điểm phát sóng chuyển ở Florida là vùng có khí hậu cận nhiệt đới thì sân vận động sẽ là màu đỏ, nếu di chuyển theo phía Bắc tới Seattles, do Seattles nằm ở khu vực núi lửa nên sân bóng đều là màu đen. Ông Hứa Nhất Chính đã giúp chúng ta kết nối đất đai, văn hóa và cuộc sống với nhau, hiểu được ý nghĩa trong đó. 

 

Hãy đối xử thận trọng với thổ nhưỡng

 “Nghiên cứu thổ nhưỡng giúp tôi hiểu được lý do tại sao người Bồ Đào Nha khi nhìn thấy Đài Loan lại thốt lên “Hòn đảo Formosa thật xinh đẹp!”, ông Hứa Chính Nhất cho biết. Ông cũng lĩnh hội được đạo lý của câu nói: “Đừng nên trông mặt mà bắt hình dong”, vì khi nghiên cứu thổ nhưỡng phải đào sâu xuống các tầng đất phía dưới, có như vậy mới hiểu được toàn bộ quá trình hình thành của thổ nhưỡng.  

 Bàn luận về đề tài thổ nhưỡng với tầm nhìn mở rộng ra toàn thế giới, dân số tăng vọt sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nguy cơ khủng hoảng lương thực vẫn còn tồn tại, 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó mục tiêu “Xóa đói giảm nghèo và chấm dứt nạn đói” cũng đã cho thấy thổ nhưỡng là vấn đề then chốt. Những năm trở lại đây, vấn đề “Phát thải ròng bằng 0” được thảo luận sôi nổi, trong đó thổ nhưỡng cũng giữ một vai trò quan trọng, “Trồng cây giảm carbon, đất có khả năng hấp thụ và giữ lại khí thải carbon, trong quá trình này có đến 60% hiệu quả là nhờ vào thổ nhưỡng”.  

 Rất nhiều vấn đề ô nhiễm không khí quốc tế, ví dụ như ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc thường xuất hiện bão cát vào mùa Đông, có học giả nghiên cứu gió và cát của những trận bão cát là đến từ vùng cao nguyên Mông Cổ, do rừng cây ở địa phương bị khai thác quá mức dẫn tới tình trạng bị sa mạc hóa, khi có gió thổi từ phương Bắc, sẽ gây ảnh hướng tới các quốc gia xung quanh.

 Thổ nhưỡng tạo nên diện mạo văn hóa đa dạng và cũng tác động ảnh hưởng đến tình hình thế giới. Trong bảng phân loại về tài nguyên thiên nhiên, thổ nhưỡng được quy loại vào nguồn tài nguyên không thể phục hồi, là một vấn đề phát triển bền vững quan trọng của toàn cầu, hãy đối xử một cách “thận trọng hơn, coi trọng hơn” và hiểu rõ hơn về đất đai, chính là trách nhiệm của công dân thế giới.

 

Xem thêm

Thông điệp đến từ Đất mẹ Đài Loan - Bảo tàng thổ nhưỡng thế giới