Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Nghệ thuật trống Đài Loan lay động trái tim khán giả Việt Giao lưu văn hóa bằng nghệ thuật trống
2023-03-20

Giao lưu văn hóa bằng nghệ thuật trống

 

 Ngoại giao cũng giống như kết giao bạn bè, ngoài thể hiện ưu điểm của bản thân, còn cần phải tìm được tiếng nói chung. Nhạc trống là mật mã chung trong giao thoa văn hóa, đoàn nghệ thuật trống Thập Cổ (Ten-drum) với sở trường ngoại giao dân gian, dùng tiếng trống đa dạng và đầy nghệ thuật của mình đại diện cho Đài Loan, vươn ra thế giới.

 

 Xuống ga cao tốc Đài Nam, chỉ cần đi xe khoảng 10 phút là đến Khuôn viên Văn hóa Sáng tạo Thập Cổ (Ten Drum Culture Village). Ống khói kiểu xưa cao vút, buổi tối được chiếu đèn hiện rõ chữ 十鼓 (Thập Cổ), khoảng không gian từng lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng Liên hoan Kiến trúc Thế giới này chính là cơ sở hoạt động của đoàn nghệ thuật trống Thập Cổ và cũng là một công viên kỳ ảo mở cửa cho khách tham quan.

 

Cuộc gặp gỡ kỳ ảo tại nhà máy sản xuất đường cũ

 Giống như Alice rơi vào trong hang thỏ, đi dọc con đường nhỏ với cây cỏ rậm rạp xung quanh, từ trong không khí có thể cảm nhận được sự cộng hưởng tần số thấp của tiếng trống, 22 căn nhà xưởng được xây dựng từ thời Nhật Bản chiếm đóng nay đã trở thành sân khấu kịch, nhà ăn, khu triển lãm, xưởng làm trống, ngoài ra còn có thêm những trang thiết bị thể thao mạo hiểm như cầu trượt cỡ lớn, nhảy bungee, xích đu, leo núi đá…

 Chúng tôi đi dọc theo đường ray di tích để vào sâu hơn, một sân khấu kịch với gần 1.000 chỗ ngồi được xây dựng phía trên dàn máy ép mía, tiết mục biểu diễn cố định kết hợp giữa âm nhạc và kịch nghệ được bắt đầu trong không khí náo nhiệt. Chỉ vỏn vẹn nửa giờ đồng hồ, các loại trống cái, trống con, trống Tanggu, chiêng, chũm chọe, nhạc cụ tạo tiếng mưa lần lượt xuất hiện, tiếng nhạc hoạt náo kết hợp với những động tác hình thể đẹp mắt, cùng với sự chuyển động liên tục của các nghệ sĩ khiến cho người xem được dịp mở mang tầm mắt.

 Đến khi âm điệu cuối cùng vừa dứt, những tràng pháo tay nhiệt liệt vang lên từ khắp khán đài, phản ứng của khán giả khiến cho Trưởng đoàn nghệ thuật trống Thập Cổ là ông Tạ Thập (Hsieh Shih) khá hài lòng. Là một người túc trí đa mưu, ông nói: “Số người thưởng thức biểu diễn nghệ thuật chỉ chiếm 15% tổng dân số, trong khuôn viên Thập Cổ, mỗi ngày có hai suất trình diễn tiết mục cố định là vì không muốn tranh giành với thị trường cơ bản, chúng tôi chọn đi đường vòng, dùng du lịch để “dụ” 85% khán giả còn lại đến đây”.
 

Kết hợp động tác võ thuật và những nét đặc sắc trong văn hóa Bát Gia Tướng, màn trình diễn của Thập Cổ mang đậm chất Đài Loan. (Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp)

Kết hợp động tác võ thuật và những nét đặc sắc trong văn hóa Bát Gia Tướng, màn trình diễn của Thập Cổ mang đậm chất Đài Loan. (Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp)
 

Nhạc trống là ngôn ngữ quốc tế

 Chữ “dụ” trong lời nói đùa của ông Tạ Thập, thực ra là đang bước ra khỏi vùng an toàn của giới biểu diễn nghệ thuật, ngoài dẫn đoàn đi biểu diễn khắp nơi, hàng năm đều có ít nhất từ 3 đến 5 đợt lưu diễn ở nước ngoài. Là một người có chí hướng lớn, từ năm 2002, ông Tạ Thập với nội hàm văn hóa nhạc trống của mình, đã từng bước xây dựng nên Khuôn viên Văn hóa Sáng tạo Thập Cổ rộng đến 10 hecta. Du khách đến Mỹ để xem nhạc kịch Broadway, đến Việt Nam để xem múa rối nước, đến Hàn Quốc để xem nhạc kịch Nanta, Thập Cổ đã biến nhạc trống trở thành tiết mục cố định độc đáo của Đài Loan, để du khách khi đến tham quan khuôn viên văn hóa, dù thường ngày không có thói quen thưởng thức biểu diễn văn nghệ nhưng cũng đều vui vẻ vào xem và “xem là thích ngay”, ông Tạ Thập chia sẻ một cách đầy tự tin.

 Tiết mục cố định được đưa ra đến nay đã hơn 15 năm, số lượt người xem đã vượt hơn 7 triệu người và còn thu hút không ít du khách quốc tế. Ông Tạ Thập giải thích, đó là bởi vì nhạc trống có tính xuyên văn hóa. Ông nói “Các nước trên thế giới đều có nhạc trống, chỉ là nét đặc sắc không giống nhau”. Trong các nền văn minh cổ đại, nhạc trống trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã đóng vai trò quan trọng trong nghi thức tôn giáo, trao đổi thông tin trong chiến tranh. Loại mật mã cổ xưa này giúp cho những người đến từ những bối cảnh khác nhau đều có thể hiểu nhau mà không cần giải thích nhiều.

 

Văn hóa nông thôn khác biệt nhưng lại tương đồng

 Có thể tạo ra sự cộng hưởng xuyên văn hóa cũng chính là một trong những nguyên nhân giúp cho đoàn trống Thập Cổ nhiều lần được Bộ Ngoại giao mời đi lưu diễn ở nước ngoài. Vào tháng 11 năm 2022, khi vừa mở cửa biên giới, cũng vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập văn phòng đại diện ở Đài Loan và Việt Nam, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam đã tổ chức “Chương trình giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch Đài Loan năm 2022”, đoàn nghệ thuật trống Thập Cổ đã đại diện Đài Loan đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để giao lưu. Có cơ hội được tham gia hoạt động trình diễn quy mô lớn sau một thời gian dài, các thành viên của đoàn nghệ thuật ai nấy đều rất háo hức, nhất là buổi biểu diễn ngoài trời tại Thủ đô Hà Nội, sân khấu được dựng tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Hoạt động diễn ra trong hai ngày đã thu hút hơn 10.000 người đến thưởng thức, “càng chơi trống càng thấy hăng” – một thành viên tham gia biểu diễn tại Việt Nam là Lâm Uy Đình chia sẻ.

 Để thu hút khán giả, ông Tạ Thập đã bỏ nhiều công sức trong việc sắp xếp thứ tự tác phẩm. Ông hồi tưởng lại những ấn tượng trong chuyến tham quan Việt Nam của mình, với phong cảnh nông thôn mộc mạc, khá giống với những ký ức thời niên thiếu của ông về Đài Loan, thế là ông dựa theo suy nghĩ này chọn lọc ra 8 tác phẩm nhạc và 2 bài encore, với những mạch chủ đạo như truyền thuyết đồng quê, lễ hội đình-đền, phong cảnh núi rừng, tạo ra chương trình biểu diễn mang tên “Dấu ấn Đài Loan”.

 Tiết mục “Lệnh điểm tướng” kết hợp màu sắc văn hóa Bát Gia Tướng độc đáo của miền nam Đài Loan, tiết mục “Cánh cửa ký ức” kể lại câu chuyện vị Hoàng đế đầu tiên của Đài Loan Chu Nhất Quý, tiết mục “Dấu chân hươu trắng chiếu rạng Hồ Nhật Nguyệt” xuất phát từ truyền thuyết của người dân tộc Thao, tiết mục “Tiếng gọi núi rừng” tôn vinh nét hùng vĩ, nguy nga của núi Alishan.

 Tiết mục “Chú gà khoe mẽ” bằng nghệ thuật “trống đối đáp” là sự kiên trì sắp đặt đầy khéo léo của ông Tạ Thập. Tác phẩm này nằm trong album Drum Music Land, từng được đề cử giải thưởng Grammy và giải thưởng Âm nhạc độc lập (Independent Music Awards), dùng nhạc cụ để mô phỏng tiếng kêu của động vật, phong cách đồng quê mãnh liệt không chỉ tạo được tiếng nói chung với khán giả khu vực châu Á, thậm chí khi lưu diễn tại châu Âu, châu Phi, khán giả cũng hưởng ứng vô cùng nhiệt liệt và càng giúp cho nhạc trống ngoài “khí thế, khí chất” thường thấy, còn tăng thêm tính “hài hước”. Ông Tạ Thập đặc biệt nhấn mạnh, bởi vì tính hài hước mới có thể biến nhạc trống mang đậm tính nghi lễ, trở thành màn trình diễn mà mọi người đều có thể cùng thưởng thức.
 

Đoàn trống Thập Cổ đến trình diễn tại Việt Nam, thành công trong việc thu hút người dân nước sở tại, tạo cầu nối hữu nghị cho Đài Loan. (Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cung cấp)

Đoàn trống Thập Cổ đến trình diễn tại Việt Nam, thành công trong việc thu hút người dân nước sở tại, tạo cầu nối hữu nghị cho Đài Loan. (Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cung cấp)
 

Dũng cảm bắt nhịp với thế giới

 Những tác phẩm âm nhạc gốc này cũng phản ánh niềm tin sáng tác của ông Tạ Thập. Ông cho biết, con đường phát triển của nhạc trống của Đài Loan cũng giống với nhạc trống của các nước châu Á như nhạc trống Hàn Quốc hay trống Taiko của Nhật Bản, mặc dù chịu sự ảnh hưởng từ Trung Quốc, nhưng trải qua quá trình bản địa hóa, chúng đều trở nên đặc sắc và riêng biệt. Ông Tạ Thập vẫn luôn tích cực trong việc sáng tác, tích cực tìm kiếm cảm hứng từ trong văn hóa dân tộc nguyên trú, Hakka, Mân Nam, dùng sáng tác gốc để làm phong phú thêm nhạc trống của Đài Loan.

 Mặt khác, để tránh chủ quan, ngoài đào sâu từ bên trong, ông Tạ Thập còn tích cực tìm tòi ở những lĩnh vực khác, mở rộng nguồn cảm hứng sáng tác. Ông đã mời các nghệ sĩ hàng đầu quốc tế đến gia nhập Thập Cổ, bên cạnh việc thu hút du khách, còn mong muốn thông qua sự giao lưu, “mở rộng tầm nhìn của các thành viên, để khuôn viên có thể quốc tế hóa hơn và cũng giúp càng nhiều người nước ngoài biết đến Đài Loan hơn”, ông Tạ Thập nói.

 Những điều mới lạ đã kích thích tạo ra động lực sáng tạo mới và “Đoàn nghệ thuật trống Cross Metal” thành lập năm 2019 chính là một ví dụ, độ tuổi bình quân của các thành viên trong đoàn chỉ mới khoảng hơn 20, họ kết hợp nhạc cụ gõ với phong cách rock, mang lại diện mạo mới cho những tác phẩm kinh điển của “Thập Cổ truyền thống”.

 Trong buổi biểu diễn tại Việt Nam hồi năm ngoái, hai tác phẩm “Trận chiến Talas” và “Sấm sét giao tranh” cũng đều kết hợp những điểm đặc sắc của văn hóa ngoại lai. “Trận chiến Talas” kể về trận chiến diễn ra ở thời nhà Đường trong giai đoạn hưng thịnh, với bối cảnh chiến trường nơi biên cương, kết hợp nhạc cụ trống của thế giới với giai điệu phong cách Ả Rập, mang đậm âm hưởng xứ người. Tác phẩm “Sấm sét giao tranh” đầy mạnh mẽ thì dung hòa những yếu tố của nhạc phương Tây, dùng âm trầm của trống Tank Drum để mô phỏng tiếng pháo hoa bắn lên trời, những sự kết hợp này đều đã tạo ra nét khác biệt mới cho nhạc trống bản địa.

 

Thu hút người hâm mộ cho Đài Loan

 Có thể nói Thập Cổ “vừa bản địa, lại vừa quốc tế”, bên cạnh việc truyền tải âm thanh của riêng mình, họ còn biết lắng nghe đối phương. Vì thế, khi Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam mời trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen cùng tham gia trình diễn và giao lưu với Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO), Phó trưởng đoàn nghệ thuật trống Thập Cổ Dương Hữu Văn đã nhìn nhận một cách tích cực rằng: “Nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam đa phần là ca múa, chúng tôi thì có nghệ thuật trống của riêng mình, cộng thêm sự kết hợp với âm nhạc quốc tế, có thể giao lưu, chia sẻ với đối phương”.

 Mặc dù Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cũng bày tỏ, “Đây là lần đầu tiên tổ chức một hoạt động ngoài trời quy mô lớn như vậy”, xảy ra những trường hợp ngoài ý muốn là việc khó tránh khỏi, nhưng cũng may là sau khi giải quyết hết những sự cố, màn trình diễn nhạc trống vừa phong phú mà cũng vừa có sức lan tỏa đã nhận được những phản hồi nhiệt liệt, không chỉ có hàng trăm du khách nước ngoài đến hưởng ứng, nhiều người dân địa phương còn lưu luyến không rời sau khi kết thúc, liên tục xin được chụp ảnh cùng, tình cảm nồng nhiệt đến mức khiến cho ông Dương Hữu Văn buộc phải quy định thời gian chụp ảnh trong buổi diễn ngày hôm sau để tránh việc không kịp dọn dẹp và ảnh hưởng đến lịch trình kế tiếp.

 “Cũng xem như thu hút fan thành công”, ông Tạ Thập nói. Kể từ khi thành lập đoàn nghệ thuật cho đến nay, Thập Cổ vẫn luôn cố gắng làm phong phú thêm nét đa dạng trong nhạc trống để truyền tải bản sắc nhạc trống của Đài Loan, qua đó tạo tiếng vang cho văn hóa Đài Loan, khán giả sẽ bị thu hút thành fan hâm mộ của Thập Cổ, mặt khác, cũng tượng trưng cho một cuộc hội ngộ đầy bất ngờ với Đài Loan.

 

Xem thêm

Tổ chức hội chợ và biểu diễn nghệ thuật trong Chương trình quảng bá văn hóa, du lịch Đài Loan năm 2022 tại Việt Nam

Nghệ thuật trống Đài Loan lay động trái tim khán giả Việt Giao lưu văn hóa bằng nghệ thuật trống