Chợ Linkou được xây dựng xung quanh cây nhội trăm tuổi.
Điểm mốc của mỗi quốc gia là sân khấu thể hiện tài năng của những kiến trúc sư hàng đầu, tuy nhiên những không gian công cộng gắn liền với cuộc sống thường ngày mới chính là sự hiện diện mang lại cảm giác đồng cảm cho người dân địa phương. Chợ truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa bình dân, những năm gần đây, rất nhiều ngôi chợ lâu đời tại Đài Loan đều lần lượt cởi bỏ mái tôn cũ kỹ của mình để khoác lên diện mạo mới, ngoài sự nâng cấp về phần cứng, những ngôi chợ này còn có gì khác so với trước đây?
Mới mẻ, năng động, thu hút thực khách…, ngoài những đặc trưng cơ bản này ra thì một ngôi chợ còn có thể khiến người ta liên tưởng đến điều gì? Có thể là mang phong cách Avant-garde (hay còn gọi là tiên phong) như khu chợ Markthal ở Rotterdam, Hà Lan, với kiến trúc hình vòm táo bạo, kết hợp nhiều chức năng như phòng làm việc, nhà ở xã hội và chợ, xoay chuyển hoàn toàn ấn tượng rập khuôn về một ngôi chợ truyền thống và cũng phác họa ra viễn cảnh về một thành phố tương lai. Hoặc cũng có thể là “Chợ phiên Boguang” ở cảng cá Nam Liêu, Tân Trúc, một tác phẩm của kiến trúc sư Lâm Thánh Phong với những đường nét trau chuốt hình gợn sóng, phù hợp với cảnh quan bờ biển, mang đậm nét phong cách kiến trúc Beaux-Arts.
Những địa điểm này thu hút du khách ghé thăm không chỉ bởi chúng là nơi hội tụ hàng hóa chất lượng từ khắp nơi, mà quan trọng hơn cả là ở mặt thiết kế. Tuy vậy, khi tôi hỏi ông Lư Tuấn Đình (Lu Chun-ting) – người đã từng thiết kế xây dựng cho 3 ngôi chợ, kỳ vọng của ông về hình mẫu lý tưởng cho kiến trúc chợ? Đáp án của ông lại mang tính thực tế đến không ngờ, ông nói, thay vì bàn luận về quan niệm, lý tưởng, ông hy vọng tác phẩm của mình “được mọi người thấu hiểu, gần gũi và được yêu thích”.
Sau khi tái xây dựng, chợ Số 1 Zhongli có tường bằng kính giúp người đi đường có thể nhìn thấu bên trong, ngoài ra còn gắn thêm chiếc đồng hồ có đường kính bằng hai tầng lầu để cho phù hợp với tên gọi ngày xưa của chợ.
Mở chiếc hộp vuông, dẫn dắt mọi người vào trong
Văn phòng kiến trúc sư do ông Lư Tuấn Đình thành lập đến nay đã 11 năm, những dự án mà họ từng thực hiện đều là những công trình công cộng như trung tâm chăm sóc lâu dài, trường học, chợ. Ông Lư Tuấn Đình đã từng thiết kế 3 ngôi chợ công cộng, bao gồm chợ Số 1 Zhongli – một công trình kiến trúc khá tiêu biểu, chợ Linkou khánh thành năm 2020, và chợ Longtan ở Đào Viên, nơi đang trong quá trình trùng tu, cải tạo.
Từ góc nhìn của người sử dụng, khái niệm “dễ hiểu, dễ gần” của ông Lư Tuấn Đình được tôi hiểu là biểu hiện của “tình người”. Trong lúc thảo luận, chúng tôi vừa hay đề cập đến vòng tròn Jiancheng ở Đài Bắc bị tháo dỡ vài năm trước, kiến trúc hình tròn cỡ lớn đặt ngay tại vị trí trung tâm của đại lộ tấp nập, được bao bọc bởi bức màn bằng kính, do thiếu sự dẫn dắt từ ngoài vào trong, ngôi chợ vòng tròn này đã không thể giữ chân dòng người, cuối cùng đành kết thúc trong thất bại.
Với bài học kinh nghiệm này, các kiến trúc sư ngày nay càng đổ dồn tâm huyết tìm cách mở ra không gian chợ khép kín. Và khu chợ Nanmen đang được dốc sức xây dựng ở Đài Bắc chính là một ví dụ, công trình này được thiết kế bởi đội ngũ Bio-Architecture Formosana dưới sự dẫn dắt của hai kiến trúc sư Trương Thanh Hoa và Quách Anh Chiêu. Từ bản vẽ mô phỏng có thể thấy, tòa kiến trúc cao 12 tầng này sử dụng lượng lớn cửa sổ từ sàn đến trần có thể nhìn thấy bên trong, góc nhọn tạo bởi đoạn 1 đường Roosevelt và đường Nanhai đã được “phá vỡ” thành một mặt phẳng, tạo không gian ban công phục vụ cho việc dùng bữa, dòng người sôi nổi tại đây như hòa nhịp với đường phố náo nhiệt bên ngoài.
“Mở ra không gian khép kín, dẫn dắt mọi người vào trong”, đặc điểm này đã được phát huy triệt để tại chợ Số 1 Zhongli. Đây cũng là công trình xây dựng chợ đầu tiên mà ông Lư Tuấn Đình thực hiện. Là một người xuất thân từ khu Zhongli (thuộc thành phố Đào Viên), ông Lư Tuấn Đình có tình cảm sâu sắc với chợ Số 1 Zhongli, nơi được gọi với cái tên thân thương là “Đồng hồ lớn”. Ông đùa rằng, chính vì xuất phát từ góc nhìn của người địa phương nên ông mới thuận lợi giành được dự án này khi còn là “lính mới” và vừa mới bắt đầu sự nghiệp.
Ông Lư Tuấn Đình giải thích, “Chiến lược cơ bản nhất của kiến trúc này là để cho người ở bên ngoài có thể thấy được cuộc sống phong phú bên trong kiến trúc”. Chợ được xây dựng lại trên nền đất cũ, ngoài tạo một bức màn bằng kính trên mặt phẳng hướng về đường cái, trên bức màn này còn được gắn thêm chiếc đồng hồ có đường kính bằng hai tầng lầu, tương ứng với tên gọi của điểm mốc “Đồng hồ lớn” ngày xưa, bức tường kính xuyên thấu bên trong giúp người đi đường có thể nhìn thấy rõ cảnh dòng người di chuyển trong tòa nhà. Ông Lư Tuấn Đình còn đặc biệt quy hoạch hai quảng trường ở trước và sau chợ, sân vườn trên tầng thượng, nhiều cầu thang cuốn, cầu thang bộ và cầu thang thoát hiểm ở ngoài trời, tạo thành vùng đệm và liên kết giữa “trong” và “ngoài”. Ông nói, mục đích là “để cho những người ở ngoài tò mò bước vào xem”.
Ngoài tăng cường thông gió, ông Lư Tuấn Đình còn thiết kế lại từng sạp bán hàng, mang lại diện mạo hoàn toàn mới.
Thiết kế dựa trên môi trường sẵn có
Ông Lư Tuấn Đình là người nói chuyện khá nhẹ nhàng, khi bàn về những ý tưởng thiết kế, ông không để lộ quá nhiều cảm xúc, không thảo luận về những lý tưởng xa xôi mà thường đặt “môi trường” làm điều kiện tiên quyết cho nền móng và dùng “sắp xếp” để thể hiện phương pháp thiết kế của kiến trúc sư, ngầm thể hiện triết lý của ông rằng môi trường là chỗ dựa và thiên nhiên mới là chủ thể mà một thiết kế cần phải tuân theo.
Những dự án mà văn phòng kiến trúc sư của ông Lư Tuấn Đình từng thực hiện, đa số đều là những kiến trúc nhận được tem chứng nhận kiến trúc xanh cấp Vàng hoặc cấp Kim cương, “Kiến trúc xanh là một trong những sở trường của chúng tôi”, ông Lư Tuấn Đình nói một cách tự tin và tự nhiên. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, tem chứng nhận cũng chỉ là thứ yếu, điều cơ bản nhất vẫn là phải thiết kế ra một không gian thoải mái dựa trên điều kiện môi trường, khí hậu, vị trí tại địa phương, đây mới chính là ý nghĩa thực sự của kiến trúc xanh. Ông Lư Tuấn Đình đề cập, nguyên tắc thiết kế mà mọi người đều biết chính là “tọa Bắc hướng Nam”, ông nhấn mạnh, chỉ cần thiết kế hướng nhà phù hợp là tự nhiên sẽ có thể đạt được hiệu quả đông ấm hạ mát và cũng nhờ vậy mà không cần phải chi thêm nhiều kinh phí để lắp đặt kính tiết kiệm năng lượng hay hệ thống điều hòa không khí cao cấp, chi phí xây dựng kiến trúc xanh chưa chắc đã cao hơn so với kiến trúc thông thường.
Nhưng với kiến trúc chợ, do nhu cầu chức năng nên cần phải đặc biệt chú ý đến vấn đề thông gió, nhất là khi khí hậu Đài Loan có nhiệt độ cao và nhiều mưa, thực phẩm tươi sống không thể chịu được ánh nắng chiếu trực tiếp, thế nên nguồn sáng là trọng tâm cần phải chú ý trong thiết kế. Ông Lư Tuấn Đình giải thích thêm, hướng Bắc là hướng ưu tiên để đặt cửa sổ từ sàn đến trần cỡ lớn, bởi vì ánh sáng từ hướng Bắc chiếu vào tương đối dịu nhẹ nhưng do thời tiết Đài Loan thường có mưa đối lưu vào buổi chiều nên phải gắn thêm mái che mưa trên cửa sổ, hướng Nam thì có thể xây ô văng ngang, nhưng cũng không được che chắn quá nhiều, nếu không thì không gian trong nhà sẽ trở nên quá tối, còn tường hướng Đông thì tốt nhất đừng xây thêm cửa sổ.
Thắp sáng cả một thành phố bắt đầu bằng việc thiết kế một ngôi chợ.
Xuất phát từ chợ, thắp sáng tương lai địa phương
Một ngôi chợ được hình thành chung quy cũng đều do những yếu tố như vị trí địa lý tiện lợi, lưu thông hàng hóa, tụ tập dòng người…, nhưng những kiến trúc đơn sơ, nghèo nàn đã hơn nửa thế kỷ nay đã trở nên cũ kỹ, thậm chí sự xuất hiện của các trung tâm thương mại đã khiến cho dòng người bị phân tán, không còn huy hoàng như ngày xưa, bởi thế, việc tái xây dựng những ngôi chợ lâu đời không chỉ là đập đi, xây lại kiến trúc, mà còn là sự định dạng lại những đường nét văn hóa bản địa, là nhiệm vụ tái sinh, chấn hưng địa phương.
Chợ rau quả Xinhua ở Đài Nam được khởi công hồi tháng 9 năm 2022 chính là một công trình như thế. Công trình kiến trúc này có vốn đầu tư khoảng 600 triệu Đài tệ, do MVRDV – công ty kiến trúc Hà Lan đã thiết kế khu chợ Markthal ở Rotterdam và kiến trúc sư người Đài Loan Lý Lệ Như cùng hợp tác thiết kế. Chúng tôi theo chân ông Lý Phương Lâm (Lee Fanglin) – Tổng Giám đốc công ty Nông sản phẩm Đài Nam (Tainan Agricultural Products Marketing Company), tham quan địa chỉ mới và cũ của chợ Xinhua. Ngôi chợ cũ được lợp bằng mái tôn, trong tiết trời mùa hạ nóng bức, dù đã được làm mát bằng nhiều cách như dùng quạt gió, phun sương nhưng hiệu quả tản nhiệt vẫn rất hạn chế, còn ở ngôi chợ mới có trần nhà cao hơn, mái nhà xanh hình gợn sóng rất hợp với cảnh quan đồi núi ở xung quanh, bên cạnh đó còn phát huy hiệu quả hạ nhiệt. Đứng ở bên trong chợ với thiết kế mái nửa kín nửa hở, cảm nhận làn gió nhẹ nhàng thổi qua, ông Lý Phương Lâm đã đích thân dùng nhiệt kế để đo lại nhiệt độ ở cả hai nơi, ông cho biết, “chênh lệch nhiệt độ ở hai bên là khoảng 6°C”.
Không gian hạn hẹp, trang thiết bị xuống cấp đều là nguyên nhân chủ yếu khiến ngôi chợ cũ phải di dời. Dẫn chúng tôi đến tầng thượng xanh ngát của ngôi chợ mới, ông Lý Phương Lâm với sự hiểu biết sâu sắc về quá khứ và hiện tại của chợ, khi đề cập những kế hoạch tương lai về việc kết hợp chức năng buôn bán hàng hóa và tham quan du lịch của chợ, ông trở nên vô cùng phấn khởi. Chỉ tay về hướng những địa điểm du lịch ở lân cận như Khu phong cảnh Hutoupi, Bảo tàng Nhà máy nước và Vườn hoa Shan-Shang, Công viên hóa thạch Zuojhen, ông Lý Phương Lâm bày tỏ, hy vọng chức năng vận chuyển, buôn bán hàng hóa, ẩm thực và sức mua sắm lớn mạnh của chợ có thể giúp xây dựng trục đường phát triển du lịch cho những thành phố, thị trấn vệ tinh này của Đài Nam. Lúc này, chúng tôi mới thực sự hiểu ra rằng, thì ra đối với kiến trúc sư và người kinh doanh mà nói, ý nghĩa của một ngôi chợ là còn phải được đặt trên bản đồ phát triển hoàn chỉnh của địa phương.
Rất nhiều người đều giống như những gì mà nhà văn chuyên về mảng ẩm thực Hàn Lương Ức viết trong cuốn “Dạo chơi trong các chợ của thế giới”: “Mỗi khi tôi đến nơi đất khách quê người, việc đầu tiên là sẽ hỏi người bản địa rằng, chợ ở đâu?”. So với những điểm mốc, những bảo tàng hay nhà triển lãm nghệ thuật nổi tiếng, du khách thích đi đến chợ không những để mua sắm, tìm kiếm những thứ hay ho, mà còn vì xuất phát từ chợ là sự chuyển đổi vai trò từ một Outsider thành Insider. Đi chợ, là từ một du khách tham quan hòa nhập vào cuộc sống của người bản địa, không những có thể nếm đủ hương vị bốn mùa của các loại sản phẩm, mà còn cùng tham gia vào quá trình phát triển của địa phương. Dù là khách du lịch hay là người bản địa, những ngôi chợ Đài Loan sau khi lột xác thành công, đều đáng để chúng ta dành thời gian đi trải nghiệm.
Xem thêm