Nhằm phối hợp thực hiện Chính sách hướng Nam mới và mở rộng khả năng đa ngôn ngữ của sinh viên các trường cao đẳng kỹ thuật và dạy nghề, từ năm 2017, Bộ Giáo dục đã trợ cấp cho các trường cao đẳng kỹ thuật và dạy nghề tổ chức các khóa học ngôn ngữ Đông Nam Á. Theo thống kê, tính đến năm 2022, Bộ Giáo dục đã trợ cấp cho gần 700 lớp học, với hơn 30.000 lượt người tham gia, cung cấp cho sinh viên thêm nhiều kênh học ngôn ngữ, bồi dưỡng khả năng ngôn ngữ và tầm nhìn quốc tế cho các sinh viên có mong muốn đến các nước Đông Nam Á để giao lưu, thực tập và phát triển kinh doanh trong tương lai.
Dưới sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục, những năm gần đây, số lượng các khóa học ngôn ngữ Đông Nam Á của các trường cao đẳng kỹ thuật và dạy nghề đã tăng dần qua từng năm, bao gồm các lớp dạy tiếng Indonesia, tiếng Thái Lan, tiếng Ấn Độ, tiếng Malaysia, tiếng Myanmar và tiếng Việt, trong đó, các khóa học tiếng Việt được mở nhiều nhất. Nội dung các khóa học bao gồm từ rèn luyện cơ bản cho đến ngôn ngữ chuyên ngành với các chương trình giảng dạy hoàn chỉnh.
Các khóa học cơ bản thông qua việc dạy phát âm và hội thoại cơ bản để bồi dưỡng khả năng trao đổi và diễn đạt của học viên, tổ chức diễn thuyết, liên hoan ăn uống để tăng cơ hội luyện tập thực tế. Các khóa học ứng dụng ngôn ngữ trong cuộc sống, ví dụ như tiếng Việt du lịch và tiếng Thái du lịch rèn luyện khả năng nghe, nói trên lớp. Về nhu cầu việc làm, tiếng Việt thương mại đã trở thành tấm vé thông hành cho sinh viên bước vào lĩnh vực này, không chỉ đặt nền móng cho việc học tiếng Việt, mà còn rèn luyện ngôn ngữ chuyên ngành thương mại để tăng khả năng cạnh tranh của sinh viên khi làm việc tại Đài Loan hoặc làm việc ở các công ty Đài Loan tại Việt Nam.
Ngoài ra, các trường cũng khuyến khích sinh viên nước ngoài đến từ các nước Đông Nam Á trao đổi học tập ngôn ngữ với sinh viên trong nước, không những giúp sinh viên trong nước nâng cao khả năng học ngôn ngữ và văn hóa Đông Nam Á, mà còn giúp sinh viên nước ngoài thích nghi với cuộc sống ở Đài Loan nhanh hơn và thúc đẩy phát triển quốc tế hóa trong các trường học.
Vai trò của thị trường Đông Nam Á trong kinh tế quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng trở nên quan trọng. Những năm gần đây, số lượng các khóa học và số lượng học viên đều tăng dần qua từng năm, cho thấy người dân Đài Loan đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của các nước Đông Nam Á trong tương lai. Bộ Giáo dục sẽ tiếp tục trợ cấp, khuyến khích các trường cao đẳng kỹ thuật và dạy nghề tổ chức các khóa học để sinh viên nâng cao kiến thức kỹ thuật chuyên môn của bản thân và nắm vững khả năng ngôn ngữ, trở thành cầu nối giữa Đài Loan và Đông Nam Á vào thời điểm các nước Đông Nam Á đang nhanh chóng trỗi dậy.