Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tươi ngon nhất ở đây nè ! Khung cảnh chợ cá ở hai miền Nam, Bắc Đài Loan
2023-05-15

Trong chợ cá tươi Đông Cảng, cá nằm đầy trên nền chợ mang lại niềm vui bội thu.

Trong chợ cá tươi Đông Cảng, cá nằm đầy trên nền chợ mang lại niềm vui bội thu.
 

 “Cá” là biểu tượng của sự tốt lành và dư dả trong xã hội Đài Loan. Trên bàn tiệc trong ngày Tết và các ngày lễ hội nhất định phải có một con cá, những người lớn tuổi thường căn dặn đừng ăn hết cá vì muốn “năm nào cũng có dư”.

 Đài Loan được bao quanh bởi biển, dòng hải lưu Kuroshio còn được gọi là “hải lưu đen” lớn thứ hai thế giới chảy qua Đài Loan quanh năm, tạo thành một ngư trường tự nhiên xung quanh hòn đảo với nguồn hải sản phong phú. Cư dân trên đảo ra biển một chuyến là có thể mang các loại chất dinh dưỡng như EPA, DHA về nhà.

 

Cá ngừ đại dương mang lại sự phồn vinh cho thị trấn nhỏ

 “Con cá ngừ vây xanh đầu tiên tại chợ cá Đông Cảng (Donggang) năm đó là do tôi bắt được”. Vị thuyền trưởng Tô Tiến (Su Jin) hơn 80 tuổi nhớ lại cuộc giằng co, vật lộn với con cá ngừ vây xanh vào năm 1971. “Lần ra khơi đó với dự định câu cá ngừ, nhưng khi con cá cắn câu thì tôi biết nó rất to, dây câu dùng để câu cá ngừ tương đối mảnh nên tôi không thể kéo quá mạnh, nếu không sẽ bị đứt, nên phải giằng co với nó 1, 2 tiếng đồng hồ, đợi đến khi nó kiệt sức mới bắt lên tàu”.

 Vào thời điểm đó, cá ở Đông Cảng chưa được xuất khẩu ra nước ngoài. Ông Tô Tiến kể lại trình tự xuất khẩu các loại cá, dưới sự nỗ lực của chủ tịch Lâm Đức Hòa (Lin Dehe) và mọi người, cá ngừ, cá cờ mới có thể xuất khẩu sang Nhật Bản và tiếp đó cá ngừ vây xanh cũng có mặt trên thị trường Nhật Bản”.

 Ông Tô Hoàng Văn (Su Huangwen), người làm công tác văn hóa lịch sử Đông Cảng và là người sáng lập Không gian nhân văn Jih-mu-shui-hsiang (Donggang Humanities Space) kể về sự phát triển của Đông Cảng. Đông Cảng được lưu danh là một cảng thương mại trong thời nhà Thanh, cho đến giai đoạn sau của thời thực dân Nhật, vịnh Đại Bằng gần đó trở thành sân bay trên biển, Đông Cảng trở thành căn cứ địa quan trọng của quân đội. Vào những năm 1970, Chính phủ triển khai thực hiện thập đại kiến thiết, các địa phương được rót kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, Đông Cảng bắt đầu thịnh vượng nhờ ngành đánh bắt và xuất khẩu cá.

 Sau khi tốt nghiệp tiểu học (năm 1956), ông Tô Tiến lên thuyền tập sự, mới hơn 20 tuổi ông đã lên chức thuyền trưởng. Ông kể về nguồn tài nguyên phong phú của khu vực biển gần Đài Loan lúc bấy giờ, nhưng là một thuyền trưởng giỏi thì phải biết lần ra khơi này sẽ đánh bắt loại cá nào, đi đến khu vực nào và dùng công cụ gì để đánh bắt cá. Cá ngừ mà ông Tô Tiến bắt được thường lớn hơn so với cá của các thuyền đánh cá khác nên bán được giá cao, kinh tế gia đình ông cũng nhờ đó mà ngày càng khá giả.

 Điều thú vị là, Lễ tế Vương thuyền (Lễ tế Thần Vương Gia) nổi tiếng ở Đông Cảng cũng xác nhận giai đoạn lịch sử này. Trong nhiều năm qua, người dân địa phương thường đóng góp tiền bạc và công sức để tổ chức Lễ tế Vương thuyền. Trước đây, thuyền của Thần Vương Gia được làm bằng giấy bồi, ông Tô Tiến cho biết: “Chiếc thuyền gỗ đầu tiên của Thần Vương Gia được đóng vào năm 1976, đây cũng là thời điểm cuộc sống của ngư dân dần dần trở nên giàu có”.

 Năm 2001, chính quyền huyện Bình Đông (Pingtung) tổ chức “Mùa du lịch Văn hóa cá ngừ vây xanh Bình Đông”, kết hợp với ngành ngư nghiệp, tham quan du lịch và lễ hội, mang đến một làn sóng mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển ở Bình Đông.

 Một giai thoại khác ở Đông Cảng là ngư dân đã thành lập đội sản xuất và tiếp thị tôm Sakura, thông qua việc ngư dân tự giác giảm ngày ra khơi đánh bắt tôm cá, quy định thời gian và lượng cá đánh bắt nhằm duy trì nguồn tài nguyên biển được bền vững. Thông qua việc bảo tồn tôm Sakura để giá tôm trên thị trường tăng đều hơn, con người và đại dương đều được hưởng lợi và chia sẻ cùng nhau, phát triển bền vững.
 

Chợ cá lưới kéo bắt đầu buôn bán từ 2 giờ sáng cho đến khi trời sáng.

Chợ cá lưới kéo bắt đầu buôn bán từ 2 giờ sáng cho đến khi trời sáng.
 

Dây chuyền tác nghiệp tiếp sức tại chợ cá

 Vào lúc hai giờ sáng, chợ cá Đông Cảng ở miền nam Đài Loan chuẩn bị mở cửa. Đầu tiên là hoạt động buôn bán ở chợ cá lưới kéo, những người cần mua một lượng hải sản lớn như người buôn bán cá ở chợ truyền thống, nhà hàng và nấu tiệc ngoài trời (Bandoh) đều đổ về đây mua cá.

 Chỉ thấy năm ba người tụ lại ngồi xổm cùng nhau là đã tạo nên 1 dây chuyền tác nghiệp. Đầu cá măng sữa được cắt bỏ, móc sạch nội tạng, sau đó cắt miếng bụng cá như mọi người thường thấy bán trên thị trường, đóng gói và xuất hàng. Nhiều nguyên liệu được sơ chế ở đây, sau đó được đưa đến các tiệm, nhà hàng, đây là cảnh tượng chỉ có thể thấy ở chợ đầu mối.

 6 giờ sáng, chợ cá lưới kéo đã thưa dần, bên cạnh một bến tàu khác, các tàu đánh cá bắt đầu dỡ hàng. Những người phụ nữ trên bờ dùng móc cá hay xe đẩy để phụ dỡ cá xuống tàu, cân cá. Trước kia, phụ nữ không được phép lên tàu, vì vậy họ chỉ có thể tập trung tại cảng để hỗ trợ công việc bên cạnh con tàu, kiếm một ít tiền trang trải cuộc sống. Vì công việc dỡ hàng ở gần mũi tàu nên người dân địa phương gọi họ là “Những người ở đầu tàu”, hiện tại vẫn có thể nhìn thấy cảnh này ở Đông Cảng.

 Cùng lúc dỡ hàng, “những người ở đầu tàu” này còn nhanh chóng xếp từng con cá nằm ngay ngắn dưới sàn đất chờ đấu giá. “Hiện tại, có hai phương thức giao dịch tại chợ cá tươi Đông Cảng: thương lượng và đấu giá”, ông Đặng Tự Bân (Deng Zibin), Chủ nhiệm Phòng Quản lý chợ cá của Hội Ngư nghiệp khu Đông Cảnh giải thích. Trước khi cập cảng, có rất nhiều tàu đã thương lượng và bán xong toàn bộ số cá đánh bắt được trên tàu; tuy nhiên cũng có một số chủ tàu thuê thiếu thủ (đấu giá viên) thay mình đấu giá.

 12 giờ trưa, các ngọn đèn trong “Chợ Hoa kiều”, ngôi chợ chiều nằm cạnh bến tàu được thắp sáng, trong chợ có hơn 400 gian hàng. Bước vào khu vực này, mọi người sẽ được no cả mắt lẫn miệng, bạn có thể hỏi chủ quán về tên gọi, mùi vị, cách chế biến các loại cá tươi sống, bạn cũng có thể mua cá tươi và nhờ chủ quán chế biến cho, thưởng thức hương vị tươi ngon từ nơi sản xuất đến bàn ăn ở ngay bên cạnh. Sự hối hả và nhộn nhịp của chợ Hoa kiều kéo dài đến 8, 9 giờ tối mới tắt đèn. Vài giờ sau, chợ cá lưới kéo bên cạnh lại sáng đèn, đây là cuộc sống hàng ngày của chợ cá.

 

Nơi giao trực tiếp thực phẩm tươi sống của miền bắc Đài Loan

 Bước ra khỏi ga xe lửa Cơ Long (Keelung) lúc 11 giờ đêm, rẽ từ đường Trung Nhất (Zhongyi) sang đường Hiếu Nhất (Xiaoyi), ngay lập tức một mùi tanh nồng ập vào mũi, cánh cửa sắt cuốn ban ngày được khóa lại giờ đã kéo lên, những chiếc xe tải lớn chở cá nối đuôi nhau liên tiếp chạy vào, những thùng xốp dùng để giữ lạnh tôm cá lần lượt được dỡ xuống xe.

 Tại hiên nhà ở ngay cửa tiệm, có 2,3 nhân viên đang ngồi xổm trên mặt đất, phân loại đống cá vừa mới được đổ ra theo độ tươi, kích cỡ lớn nhỏ. Không gian trước cửa tiệm được xếp đầy các loại cá đợi bán được giá cao.

 “11 giờ tối bắt đầu nhập hàng, phải đến 5 giờ sáng mới dọn hàng”. Lần này chúng tôi mời Hội trưởng Hội ái hữu Khám Tử Đỉnh (Kanzaiding), đồng thời cũng là người tiếp quản tiệm bán cá Nghĩa Long đời thứ 3 - ông Bành Thụy Kỳ (Peng Ruiqi) hướng dẫn chúng tôi xem cách mua bán cá của người trong nghề. “Khi còn trẻ, 4:30 sáng tôi mới bắt đầu mở cửa buôn bán”. Do đường cao tốc và đường hầm núi Tuyết Sơn lần lượt được đưa vào sử dụng, giao thông ngày càng thuận tiện nên giờ mở cửa buôn bán cũng sớm hơn. Người mua hải sản hoặc hàng gửi bán từ khắp các nơi đều tập trung về đây. “Tại đây chúng tôi giao dịch với ít nhất một nửa số người tiêu dùng của Đài Loan, từ Hoa Liên ở phía Đông đến Đài Trung ở phía Tây, họ đều đến đây mua hải sản”, ông Bành Thụy Kỳ nói.

 Nói về lịch sử của Khám Tử Đỉnh, ta có thể đi ngược về đời nhà Thanh. Ông Bành Thụy Kỳ chỉ vào những ngôi kiến trúc được xây tập trung ở đối diện tiệm cá Nghĩa Long, “Chỗ này trước đây là dòng sông, khi thủy triều lên, thuyền có thể trực tiếp đến cửa tiệm để dỡ hàng, khi thủy triều xuống, phải tự mình bốc hàng lên bậc đá, vậy là nơi đây có tên Khám Tử Đỉnh”.

 Trước kia Khám Tử Đỉnh không chỉ bán hải sản tươi sống như hiện nay mà còn bán luôn cả những thực phẩm ngâm và đồ khô. Ông Bành Thụy Kỳ là một trong những người đầu tiên thay đổi cách kinh doanh của chợ, “Tôi đã nói chuyện với cha tôi cả đêm, cha tôi hỏi làm thế nào để thay đổi cách thức kinh doanh. Tôi nói rằng chúng ta sẽ đi theo hướng kinh doanh hàng tươi sống, đó là xu hướng kinh doanh trong tương lai”.
 

Nhiều người đến Đông Cảng vì món “cá ngừ vây xanh” chỉ có trong mùa này.

Nhiều người đến Đông Cảng vì món “cá ngừ vây xanh” chỉ có trong mùa này.
 

Đêm không ngủ ở chợ cá

 Hơn 12 giờ, tiệm đang chuẩn bị mở cửa thì đã có khách hàng bước vào. Đa số những khách hàng đến tiệm vào giờ này là những người mở nhà hàng bán món ăn Nhật Bản.

 Hơn 2 giờ sáng, đa số là những người bán sỉ đến đây chọn mua hàng nhưng thỉnh thoảng vẫn có xe tải dỡ hàng xuống. “Điểm đặc biệt của chúng tôi là vừa nhập hàng vừa bán”, ông Bành Thụy Kỳ nói. Ông chỉ vào thùng hàng trên xe có dán tem nhãn nước ngoài và giải thích rằng, đây là hàng nhập khẩu, vừa được vận chuyển từ sân bay Đào Viên đến đây. Chợ áp dụng hai cách giao dịch đó là thương lượng và đấu giá. “Cá nhập khẩu và cá nuôi do chịu áp lực về giá thành nên hầu hết được bán theo cách thương lượng giá cả. Cá tự nhiên hầu hết được bán đấu giá”.

 Việc bán đấu giá sẽ do nhân viên bán đấu giá của mỗi chủ hàng kêu bán. Đấu giá viên sẽ căn cứ theo số lượng và chất lượng cá hôm đó để quyết định giá khởi điểm. Đấu giá viên phải tinh mắt, phản ứng nhanh nhẹn, nắm bắt được sự biến đổi của thị trường, nhanh chóng thương lượng mức giá vừa ý người mua và người bán để đạt được kết quả giao dịch nhanh nhất. Ông Bành Thụy Kỳ giải thích rằng phương thức chủ động rao bán này trong tiếng Đài gọi là “Wushi”, còn nếu như ta ngồi im chờ khách đến mua thì được gọi là “Wenshi”, cách dùng từ đã miêu tả sinh động đặc điểm của hai phương thức bán hàng này.

 Nhân viên bán đấu giá được đào tạo bởi các thương nhân khác nhau sẽ có phong cách khác nhau. Ông Bành Thụy Kỳ nói: “Gia đình tôi có một kỹ năng mà những người khác không thể học được, nhân viên bán đấu giá liên tục điều chỉnh giá cả, khi giá được điều chỉnh đến mức cao nhất, giá tiền chỉ được hô một lần và âm đuôi sẽ được kéo dài, như vậy là để có thể bán được ngay lập tức, tốc độ hoàn thành giao dịch vô cùng nhanh chóng, cái hay của nhân viên bán đấu giá là ở điểm này”. Tốc độ nói nhanh như gió của đấu giá viên tạo cảm giác cấp bách tại hiện trường đấu giá, đồng thời kiểm soát nhịp điệu cuộc đấu giá, kích thích người mua hành động. Đây là khung cảnh thú vị nhất ở Khám Tử Đỉnh.

 3 giờ sáng, lúc này chợ đông đúc hơn, nhiều người bán cá phiên chợ sáng ở chợ truyền thống đến đây nhập hàng.

 Càng về đêm càng rộn ràng, 4 giờ sáng, tiếng rao giá của những người bán đấu giá vang vọng khắp nơi, từng thúng, từng đống cá được bán sạch. Chỉ thấy nhân viên bán đấu giá liên tục đặt cá lên cân điện tử, xác nhận trọng lượng và thỏa thuận với người mua bằng cử chỉ và ánh mắt. Giá giao dịch tính theo cân Đài (600g), nhân viên bên cạnh bấm máy tính theo số tiền thỏa thuận, báo tổng số tiền, người còn lại ghi sổ và nhận tiền, thao tác nhanh gọn dứt khoát trong vòng một phút.

 Quả nhiên, vào lúc 5 giờ, đúng như dự đoán của ông Bành Thụy Kỳ, tất cả cá đã được bán hết. Công nhân bắt đầu dọn rửa dụng cụ, chà rửa nền nhà. Nhìn lên bầu trời, trời đã sáng, thành phố vừa mới bừng tỉnh nhưng khu phố thì đã kết thúc thời khắc “chiến đấu gay go” nhất, nơi sôi động nhất này thực sự xứng đáng với danh tiếng của nó.

 

Xem thêm

Tươi ngon nhất ở đây nè ! Khung cảnh chợ cá ở hai miền Nam, Bắc Đài Loan