Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đài Loan và Mỹ hoàn thành ký kết thỏa thuận ban đầu của “Sáng kiến Mỹ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21”
New Southbound Policy。Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mỹ - bà Tiêu Mỹ Cầm (thứ 2, từ trái qua) và Giám đốc điều hành Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) – bà Ingrid Larson (đứng giữa) tại Lễ ký kết Thỏa thuận trong phần đầu tiên của “Sáng kiến Mỹ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21” vào ngày 1/6 tại Washington. (Ảnh: Viện Hành chính)
Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mỹ - bà Tiêu Mỹ Cầm (thứ 2, từ trái qua) và Giám đốc điều hành Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) – bà Ingrid Larson (đứng giữa) tại Lễ ký kết Thỏa thuận trong phần đầu tiên của “Sáng kiến Mỹ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21” vào ngày 1/6 tại Washington. (Ảnh: Viện Hành chính)

 Thỏa thuận trong phần đầu tiên của “Sáng kiến Mỹ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21” (U.S.-Taiwan Initiative on 21st Century Trade) đã được Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mỹ - bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) và Giám đốc điều hành Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) – bà Ingrid Larson đại diện hai bên hoàn thành ký kết vào ngày 1 tháng 6 tại trụ sở của AIT ở Washington (Mỹ). Tổng thống Thái Anh Văn đánh giá cao việc ký kết thỏa thuận lần này, đồng thời mong muốn trong tương lai, Đài Loan và Mỹ sẽ thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ hơn nữa để tranh thủ thêm nhiều cơ hội cho nền kinh tế và các ngành nghề của Đài Loan.

 Tổng thống chỉ ra rằng “Sáng kiến Mỹ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21” là hiệp định thương mại toàn diện nhất giữa hai nước kể từ năm 1979 cho đến nay, ngoài việc tạo thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế-thương mại giữa Đài Loan và Mỹ, còn tiến thêm một bước quan trọng để Đài Loan đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các đối tác thương mại lớn. Tiếp theo thỏa thuận này, hai bên sẽ triển khai các cuộc đàm phán về 7 vấn đề, bao gồm lao động, môi trường, nông nghiệp, thương mại số, tiêu chuẩn, doanh nghiệp nhà nước, chính sách và thông lệ phi thị trường. Sau khi đàm phán xong, nội dung của hiệp định sẽ được mở rộng để tạo nền tảng vững chắc hơn cho quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Đài Loan và Mỹ trong tương lai.

 Văn phòng Đàm phán Kinh tế-Thương mại thuộc Viện Hành chính cho biết: Thỏa thuận trong phần đầu tiên của “Sáng kiến Mỹ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21” được ký kết hôm nay bao gồm 5 chủ đề: Quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại (Customs Administration and Trade Facilitation), thực hành quản lý tốt (Good Regulatory Practices), quy định trong nước đối với ngành dịch vụ (Services Domestic Regulation), chống tham nhũng (Anti-corruption), doanh nghiệp vừa và nhỏ (Small and medium-sized enterprises), cộng thêm 7 vấn đề sẽ được triển khai đàm phán tiếp theo, không chỉ bao gồm các vấn đề kinh tế-thương mại mới nổi đang được thế giới quan tâm hiện nay, mà còn đưa vào các nội dung liên quan đến các hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc lần lượt hoàn thành đàm phán về những vấn đề này sẽ giúp thúc đẩy thị trường cạnh tranh công bằng, minh bạch thông tin, giảm chi phí giao dịch kinh doanh, đồng thời mang lại nhiều cơ hội phát triển và lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quan trọng hơn, thỏa thuận này đã tạo nền tảng pháp lý hoàn chỉnh và vững chắc cho trao đổi kinh tế và thương mại Đài Loan-Mỹ. Trong tương lai, Đài Loan và Mỹ sẽ từng bước mở rộng phạm vi hiệp định dựa trên sự đồng thuận hợp tác và lợi ích chung, đồng thời có cơ hội lớn để phát triển thành một hiệp định thương mại tự do rộng lớn hơn.

 Văn phòng Đàm phán Kinh tế-Thương mại cho biết thêm: Thỏa thuận trong phần đầu tiên của “Sáng kiến Mỹ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21” sẽ tăng cường khả năng tham gia các hoạt động đầu tư kinh tế-thương mại quốc tế của các ngành nghề Đài Loan, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nêu bật việc Đài Loan hội nhập quốc tế và có khả năng thực hiện các cam kết thương mại tiêu chuẩn cao, từ đó tăng thêm cơ hội để Đài Loan tham gia các hiệp định thương mại khu vực như CPTPP và đàm phán ký kết hiệp định kinh tế thương mại với các nước khác.