Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Câu chuyện Nhị Thông - Thủ phủ đồ gỗ Bước chậm lại để trở về với “Gia Nghĩa”
2023-07-10

Sau khi tháo bỏ lớp che đậy phía ngoài, “Nhà thuốc Tân Dương Xuân” khiến mọi người hồi tưởng lại sự huy hoàng một thời.

Sau khi tháo bỏ lớp che đậy phía ngoài, “Nhà thuốc Tân Dương Xuân” khiến mọi người hồi tưởng lại sự huy hoàng một thời.
 

 “Nhất Phủ Thành, nhị Lộc Cảng, tam Mãnh Giáp” là cụm từ mô tả quá trình khai khẩn trong thời kỳ nhà Thanh thống trị Đài Loan, trung tâm kinh tế và chính trị từ miền Nam đã được dịch chuyển lên miền Trung và miền Bắc, nhưng mọi người có biết rằng Gia Nghĩa - mảnh đất nằm ở tâm điểm của đồng bằng phía Tây lại chính là thành phố đã xây thành trì sớm hơn cả Đài Nam và phát triển công nghiệp trước cả Cao Hùng?

 

 Thành phố Gia Nghĩa thuộc huyện Chư La vốn có tên gọi cũ là Đào Thành (Taocheng), đã xây dựng thành trì từ năm 1704. Nhưng vào năm 1906, khi xảy ra trận động đất lớn Mai Sơn, thảm họa thiên tai này đã phá hỏng hệ thống đường xá phát triển gần 300 năm, chính quyền Nhật Bản khi đó đã khởi động kế hoạch trùng tu khu vực nội đô, quy hoạch một vành đai hình bàn cờ, địa danh Nhị Thông (Ertong) khi đó (nay là đường Trung Chính - Zhongzheng) là nơi tập kết để thực hiện giao dịch mua bán nhu yếu phẩm sinh hoạt với người bản địa.

 Năm 1912, hệ thống đường sắt lâm nghiệp núi Alishan được thông xe. Năm 1914, Trung tâm chế biến gỗ Gia Nghĩa được mệnh danh là “Đệ nhất Đông Dương”, hoàn công và đi vào hoạt động, đã quy tụ những loại máy móc tiên tiến nhất của khu vực Âu Mỹ, giúp hình thành cụm ngành nghề hoàn chỉnh và khiến cho Gia Nghĩa được dành tặng danh hiệu “Thủ phủ đồ gỗ”.

 

Câu chuyện được truyền qua nhiều thế hệ

 Phong trào “WALK in TAIWAN” (Đi bộ khắp đảo Đài Loan) bắt nguồn từ khu vực Đại Đạo Trình ở Đài Bắc, vào năm 2022 đã lan tới Gia Nghĩa với thương hiệu và cứ điểm “Ngôi nhà Gia Nghĩa” (Chiayi in House) để tìm hiểu về quê hương Gia Nghĩa bằng cách đi bộ, với câu chuyện đầu tiên kể về địa danh Nhị Thông.

 Trưởng điều hành khu vực Vân Lâm-Gia Nghĩa-Đài Nam của phong trào “WALK in TAIWAN”, cô Trần Di Tú (Betty Chen) kể lại rằng, vào thời kỳ Nhật Bản thống trị Đài Loan, khu vực Đại Thông (Datong) (nay là đường Trung Sơn - Zhongshan) là khu vực hoạt động của người Nhật Bản, còn Nhị Thông được gọi là “phố người bản địa”. Từ tên gọi có thể thấy được đây là khu phố làm ăn buôn bán của người dân và thương nhân địa phương, “Ở những “Tiệm” và “Nhà” tại Nhị Thông, có thể mua được tất cả mọi vật dụng kể từ khi con người sinh ra cho tới lúc từ giã cõi đời”. Cho đến tận ngày nay, vẫn còn rất nhiều người làm nghề truyền thống trụ lại nơi đây, ví dụ những tiệm bán đặc sản rừng núi đậm chất dân dã.

 Theo ông Tạ Văn Tường (Xie Wenxiang), chủ “Tiệm đặc sản rừng Ích Xương” nằm trên đường Trung Chính cho biết: “Những thứ thu hái từ rừng núi về, đều được gọi là đặc sản rừng núi, chẳng hạn như mộc nhĩ, mật ong, măng khô, nấm, trái sung thằn lằn và hoa kim châm khô đều là đặc sản rừng núi”. Do có tuyến đường sắt lâm nghiệp, vào thời kỳ Nhật Bản thống trị Đài Loan, nơi đây là điểm trọng yếu về giao thông đường bộ, việc giao dịch hàng hóa từ Nam chí Bắc đều được diễn ra tại đây. Ông Tạ Văn Tường chỉ tay về phía cửa hàng tạp hóa ở bên đối diện nói rằng, xưa kia cứ mỗi khi tới dịp Tết thì cửa tiệm đó bán chạy tới mức không tài nào đóng cửa nổi.

 Các cửa tiệm khác trên đường Trung Chính cũng không hề thua kém. “Tiệm máy khâu Gia Nghĩa” là cửa tiệm lâu đời đã được truyền qua 5 thế hệ. Làm sao nhìn ra được điều đó? Quan sát số điện thoại trên cánh cửa có 4 chữ số sẽ đoán ra ngay đây là một cửa tiệm “lão làng”. Nhìn từ bên ngoài có vẻ là một kiến trúc sử dụng đá rửa, nhưng khám phá phía trong mới phát hiện hóa ra đây là ngôi nhà cổ bằng gỗ bách, với cây cầu thang gỗ bách và biển hiệu khắc gỗ của cửa tiệm, mỗi một chi tiết nhỏ trong không gian này đều ẩn chứa một câu chuyện.

 Cô Trần Di Tú tiếp tục dắt chúng tôi sang “Tiệm hương Lại Tín Thành (Lai Shin Chun)” ở kế bên. Người chủ đời thứ tư, ông Lại Long Nghị (Lai Longyi) đứng ngay ngoài cửa, khi có khách bước vào trước tiên sẽ hỏi han muốn làm lễ cúng gì? Ông nói rằng, phải xem là cúng thần thánh, tổ tiên, các vong hồn lang thang hay cúng thần tài thổ địa, mới biết cần phải chuẩn bị tiền vàng ra sao, nói chung không hề đơn giản.
 

Gia Nghĩa là thành phố trỗi dậy nhờ tài nguyên lâm nghiệp của núi Alishan.

Gia Nghĩa là thành phố trỗi dậy nhờ tài nguyên lâm nghiệp của núi Alishan.
 

Phong cảnh cuộc sống

 “Gia Nghĩa tuy là một thành phố nhỏ nhưng tiện nghi đầy đủ”, sau khi đi xa quê 5 năm quay trở về đã được 6 tháng, cô Trần Di Tú rất thích ví von quê hương của mình như vậy.

 Trước đây, núi Alishan có lẽ chính là địa điểm check in nổi tiếng nhất tại Gia Nghĩa, nhưng những năm gần đây, thành phố sống chậm này đang dần dần hình thành một vẻ đẹp tao nhã. Điều khiến cho Trần Di Tú, người con xa quê vừa trở lại, cảm thấy ngạc nhiên nhất chính là: “Thành phố này luôn mở rộng vòng tay chào đón những người có hoài bão”.

 Trong cuốn địa chí “Bản địa: Thành phố Gia Nghĩa” có thể thấy được rất nhiều con số thống kê đáng kinh ngạc. Thành phố Gia Nghĩa với tổng diện tích chỉ có hơn 60 km2 nhưng bạn lại có thể ăn được cơm thịt gà Tây suốt 24 giờ trong ngày, số lượng tiệm bán đồ uống có mật độ cao nhất Đài Loan, mật độ quán cà phê xếp thứ hai Đài Loan, tỷ lệ cửa hàng tiện lợi thì đứng thứ 3 toàn quốc, mật độ công viên thậm chí đứng đầu toàn Đài Loan. Những con số đứng đầu này không phải để so sánh thực lực về công nghệ, về kinh tế, mà ngược lại đã vẽ nên một bức tranh “rất đời” hiển hiện trước mắt. Ngoài ra còn có thể thưởng thức món mì lạnh ăn kèm với sốt mayonaise, món tào phớ phải uống với sữa đậu nành mới đúng vị. Người Gia Nghĩa đã bước đi trên con đường của mình bằng tốc độ của riêng mình, với phong cách sống riêng biệt.

 Rời khỏi “Ngôi nhà Gia Nghĩa”, cô Trần Di Tú khuyên chúng tôi nên đi dọc Nhị Thông về phía Đông, sẽ gặp được chợ Đông vẫn giữ lại được cấu trúc bằng gỗ bách, đây là bếp ăn chung, nhà ăn lớn của người Gia Nghĩa. Ngoài ra, tại đây còn có đền thờ Thành Hoàng là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng của người dân địa phương, ngước nhìn lên trên sẽ thấy mái vòm giếng tảo (tảo tỉnh) tuyệt đẹp của chính điện, không chỉ rất lộng lẫy, mà trên vòm mái còn gắn nhiều tượng trang trí như tượng Phật Di lặc, tượng các vị võ tướng phương Đông, ngoài ra có vô số tượng các quý ông phương Tây trong trang phục vest, đội mũ phớt và tay cầm ba toong, tượng các vị Thần có cánh được gắn trên mái vòm. Toàn bộ những tác phẩm này đều được làm bởi đôi tay của nghệ nhân bậc thầy Vương Cẩm Mục thuộc trường phái trang trí đền chùa Khê Để.

 Trên những đường phố mang đậm hơi thở cuộc sống, có đủ mọi thứ cho các nhu cầu thường nhật như ăn, mặc, ở và đi lại, với những cửa tiệm ẩn chứa rất nhiều câu chuyện, thì đi bộ chính là cách tốt nhất để khám phá những điều kỳ thú của thành phố này, bước chân cần chậm hơn mới có thể cảm nhận được phong cảnh nơi đây. 

 

DNA Thủ phủ đồ gỗ

 Ngoài một vẻ đẹp “rất đời”, một đặc trưng khác của Gia Nghĩa chính là ngành gỗ. Theo khảo sát của Phó Giáo sư Trần Chính Triết (Chen Cheng-che), Khoa Kiến trúc và Cảnh quan, Đại học Nam Hoa, hiện tại có ít nhất 6.000 ngôi nhà gỗ ở thành phố Gia Nghĩa, đây là thành phố có mật độ nhà gỗ cao nhất Đài Loan.

 Nhìn lại lịch sử phát triển ngành gỗ của Gia Nghĩa, năm 1912, tuyến đường sắt núi Alishan được thông xe, thúc đẩy sự phát triển của thành phố Gia Nghĩa. Ông Trần Chính Triết ví von: “Rừng trên núi Alishan là cơ thể người mẹ, thành phố Gia Nghĩa dường như là đứa con được sinh ra từ đó, còn đường sắt núi Alishan thì tựa như dây rốn giúp truyền dinh dưỡng để thành phố này lớn lên dần”. Mãi đến năm 1963, rừng trên núi Alishan bị cấm khai thác đã khiến cho thành phố, nơi ngành gỗ từng phát triển huy hoàng một thời, trở nên ảm đạm.

 Năm 2014, nhóm do ông Trần Chính Triết dẫn đầu đã đến ở tại khu ký túc xá của nhà tù Gia Nghĩa cũ, bắt đầu sửa chữa trùng tu lại những ngôi nhà gỗ đã bị bỏ hoang bấy lâu, đồng thời cũng nghĩ cách làm thế nào để hồi sinh một thành phố nhờ việc sửa sang lại một ký túc xá, ông đã đưa ra khái niệm “Thủ phủ đồ gỗ 2.0”. Từ năm 1912 đến năm 1963, ngành gỗ đã tạo ra quang cảnh “Thủ phủ đồ gỗ 1.0”, do mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), một lần nữa lại làm dấy lên phong trào nhà gỗ và sự thay đổi sáng tạo công nghệ của ngành gỗ đã tạo ra cơ hội cho “Thủ phủ đồ gỗ 2.0”. Ông Trần Chính Triết đề xuất phương án “Sửa chữa thay thế đi thuê”, theo đó cơ quan nhà nước sẽ mở cửa ký túc xá nhà tù đã bị bỏ không lâu ngày, thu hút những nguồn vốn dân sự quy mô nhỏ đầu tư vào sửa chữa nhà gỗ, có đội ngũ chuyên môn cung cấp kinh nghiệm về sửa chữa, chỉ yêu cầu những doanh nghiệp dọn đến không gian này ít nhất phải có một hoạt động có liên quan đến ngành gỗ để tạo ra những cụm ngành nghề của ngành gỗ tại đây.

 Ông Trần Chính Triết đưa chúng tôi đi tham quan khu vực “Phòng Cải huấn 1921”, đây là ngôi nhà gỗ đầu tiên được sửa sang nằm trong khuôn viên ký túc xá nhà tù cũ. Công nghệ mới được ứng dụng đã thể hiện sự dung hòa giữa vật liệu gỗ cũ và mới, dùng công nghệ mới để tăng cường độ an toàn cho kiến trúc, có thể dựng nhà gỗ bằng phương pháp hiện đại, nhà gỗ vừa tiết kiệm năng lượng lại vừa thoải mái dễ chịu, “đây là ngôi nhà mẫu của chúng tôi”, để mọi người một lần nữa có thể cảm nhận sự đẹp đẽ của nhà gỗ.
 

“Cửa hàng kẹo Đại Ích” nằm trên đường Trung Chính với bức tường ngoài bằng đá rửa, nhưng bên trong hóa ra lại là cấu trúc nhà gỗ, có vô số những ngôi nhà như vậy ẩn mình tại Gia Nghĩa.

“Cửa hàng kẹo Đại Ích” nằm trên đường Trung Chính với bức tường ngoài bằng đá rửa, nhưng bên trong hóa ra lại là cấu trúc nhà gỗ, có vô số những ngôi nhà như vậy ẩn mình tại Gia Nghĩa.
 

“Mặt mộc” của nhà cổ sau khi tháo bỏ lớp che đậy phía ngoài

 Nhằm thúc đẩy các chiến lược liên quan đến ngành gỗ, ông Trần Chính Triết đã đề xuất chương trình “Tháo bỏ lớp che đậy phía ngoài nhà cổ” đối với những ngôi nhà dân được làm bằng gỗ. Để khuấy động đề tài nhà gỗ trong từng con hẻm, ông Trần Chính Triết đã đề xuất bắt đầu từ việc tu sửa mặt tiền, “Chúng ta hãy lưu tâm đến mặt tiền trước, bởi vì mặt tiền là tài sản công cộng”, dùng cách chiếu đèn hoặc chỉnh trang lại những cánh cửa sổ đã bị bít kín, bị đậy lại bằng những miếng tôn, hay những mái hiên bằng bạt hết sức lộn xộn để tái hiện diện mạo ban sơ cho những ngôi nhà cổ. Nhờ vậy, mọi người mới phát hiện ra rằng những ngôi nhà được xây vào thời trước đẹp đẽ và tao nhã đến nhường nào.

 Ông đã kể ra vài địa điểm để chúng tôi có thể đi thẩm định thành quả “tẩy trang” của những ngôi nhà cổ. Như “Nhà thuốc Tân Dương Xuân” nằm trên phố Lan Tỉnh (Lanjing) và ngôi nhà sát bên là nhà phố kiểu Nhật hai tầng thông sang nhà kế bên, tới nay mặt tiền đã được phục chế để lộ ra cánh cửa sổ tròn ở tầng 2, ban công hình bán nguyệt và lớp ván gỗ sơn màu, khiến người ta liên tưởng đến những năm tháng huy hoàng một thời.

 “Cửa hàng kẹo Đại Ích” nằm trên đường Trung Chính là kiến trúc từng xuất hiện trong tác phẩm của họa sĩ Trần Trừng Ba. Khi bước vào trong nhà trò chuyện với người chủ, ông chủ không quên chỉ tay vào bản sao bức tranh của họa sĩ Trần Trừng Ba được treo trên tường và nói rằng: “Chính là ngôi nhà này đây”. Ông Trần Chính Triết cũng nói: “Điểm đẹp nhất của ngôi nhà này thực ra là bức tường đầu hồi, nhưng trước đây bị che lại bằng tấm tôn rất xấu”. Ông Trần Chính Triết còn ví von ngôi nhà cổ được tháo bỏ lớp che đậy bên ngoài giống hệt như chơi trò “mở quả trứng may mắn”, mỗi một ngôi nhà sau khi mở ra đều gây ngạc nhiên. Ví dụ, có rất nhiều ngôi nhà nhìn từ bên ngoài là làm bằng đá rửa nên ban đầu được phán đoán là nhà xây bằng gạch hoặc xi măng RC, cuối cùng khi được mở ra lại là một cấu trúc bằng gỗ hoàn toàn, vì thế ông Trần Chính Triết phân loại thành “mặt tiền giả”, chúng tôi gọi đùa đó là cách xây dựng “kiểu cường điệu”, qua đó càng thấy rõ những năm tháng huy hoàng của nhà gỗ Gia Nghĩa.

 Quá trình tháo bỏ lớp che đậy bên ngoài nhà cổ thường khiến người dân ở xung quanh quan tâm, bàn tán sôi nổi về diện mạo ban đầu của ngôi nhà, giúp mọi người nhìn thấy và bàn luận, đó chính là cơ hội tương lai cho nhà cổ.

 Lắng nghe những câu chuyện dần dần được khám phá về nhà gỗ đã phác họa nên lịch sử phát triển của ngành gỗ Đài Loan. Nếu bạn có chuyến du lịch nhỏ tới Gia Nghĩa vào lần sau, chắc hẳn bạn đã định sẵn cho mình những tuyến du lịch bỏ túi rất tuyệt rồi nhỉ.

 

Xem thêm

Câu chuyện Nhị Thông - Thủ phủ đồ gỗ Bước chậm lại để trở về với “Gia Nghĩa”