Các loại thảo mộc hiện diện trong cuộc sống xung quanh chúng ta, mỗi loại đều sở hữu đặc tính và công dụng riêng, là kho báu tích lũy trí tuệ và kinh nghiệm của người đời trước để lại.
Khi đến Đài Loan du lịch, bạn đã bao giờ được bạn bè Đài Loan mời uống một ly trà thảo mộc thanh nhiệt hạ hỏa vào ngày hè oi bức chưa? Rảo bước một vòng con phố bán thảo dược ở khu Vạn Hoa (Wanhua), tại các cửa hàng nho nhỏ có hàng trăm loài cây thảo dược, nhìn cực giống khu Hẻm Xéo (Diagon Alley) của Pháp sư Hogwarts. Nếu bị đau đầu vì cảm nắng, sẽ có người giới thiệu cho bạn cách tắm bằng nước lá ngải cứu, hoặc xông lá ngải cứu trong 15 phút, giúp cho cổ và vai được khai thông khí huyết ngay lập tức. Không những thế, bạn có biết rằng nguyên liệu chủ yếu trong bài thuốc Đông y NRIMC101 (Qingguan No. 1) điều trị Covid-19, đã sử dụng vua thảo dược rau diếp cá để bào chế hay không?
Không có cây cỏ thì không có thuốc, hầu như mỗi một loài thực vật đều có hiệu quả và tác dụng riêng. Điều khác biệt lớn nhất giữa thuốc Đông y và các loại thảo dược được bán tại các cửa hàng thảo dược là dược liệu Đông y phải trải qua quá trình bào chế xử lý, phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài, còn các loại thảo dược được bán tại cửa hàng địa phương đều ở dạng thảo dược tươi, vì có tới hơn 90% trong số đó là các giống cây hoang dại bản xứ hoặc được trồng tại vườn thảo dược.
Bạn đã sẵn sàng cùng với “Taiwan Panorama” đi khám phá sự kỳ diệu của thảo dược hay chưa? Hoan nghênh bạn đến với thế giới thảo dược Đài Loan.
Có thể tìm hiểu về các loài thảo mộc Đài Loan ở ngay bên đường, trong công viên.
Khám phá thế giới ở ngay sát mặt đất
Để tìm hiểu các loại thảo dược Đài Loan, không phải đi xa tới chốn núi rừng hoang sơ, hãy đến ga tàu điện Metro Xiangshan, ngay tại lối ra của Công viên Xiangshan có thể thỏa thích ngắm nhìn cây cỏ. Cô Lý Gia Mai (Dasha Lee), chuyên gia về thảo dược của Đại học cộng đồng Tín Nghĩa (Xinyi) - Đài Bắc, người thường được mọi người gọi là “Cô giáo hiệp sĩ”, dẫn chúng tôi đi một vòng xung quanh công viên để chúng tôi ghi chép tên gọi của gần 100 loài thực vật.
Cô cho biết ngay từ đầu: “Trong thế giới thảo dược, chúng ta phải cúi người xuống thật khiêm nhường để quan sát, còn nếu chỉ đứng ngó từ trên cao xuống thì mọi người ai cũng đều thấy như nhau cả”. Thế nên, chúng tôi cúi mình xuống và áp sát mặt đất, ban đầu chúng tôi chỉ thấy được một mảng rộng màu xanh lá cây, nhưng đi theo cô Lý Gia Mai, cô chỉ tay vào từng loại cây thảo dược và đọc tên chúng lên: “Hoàng đương Nhật Bản, rau diếp đắng Trung Quốc, cây dâu đất, cây bọ mắm lông, rau má hương, cây cúc đắng, cây mã đề, cỏ lá tre, rau má, chua me đất, rau tàu bay, cây toái mễ tề v.v...”, chúng tôi mới phát hiện trong dải thực vật xanh rì này, mỗi cây lại có một vẻ riêng, dường như tạo thành một bức ảnh được xóa phông, từng cây một đều nổi bật lên từ dải màu xanh lục.
Cô Lý Gia Mai giảng giải về từng loài cây, rau má hương của Đài Loan xưa kia là loại thảo dược quan trọng, dùng để điều trị bệnh vàng da sơ sinh và còn có tác dụng lợi tiểu; cây cúc đắng có hình dạng như lá cà rốt, được dùng để làm món salad trộn giống cách dùng rau mùi tây; cây bạch đầu ông nở hoa tím nhỏ được sử dụng để điều trị cảm cúm; cây rau má còn được gọi là lôi công thảo, vì hễ gặp mưa rào sấm sét, từ các đốt rễ sẽ mọc thêm càng nhiều nhánh rễ hơn; cây toái mễ tề còn được gọi là rau hàn, mọc ra những quả đậu dài, được ăn như một loại rau dại rất ngon.
Vào tiết Lập xuân là thời điểm cây hoàng đương Nhật Bản non nhất trong mùa, cô Lý Gia Mai cho biết hái cây non đem nấu với mì gói có hương vị ngon tuyệt. Còn rau diếp đắng Trung Quốc và cây hoàng đương Nhật Bản đều nở hoa màu vàng giống nhau, hai loại này đều thuộc họ cúc, có hình dáng rất giống nhau, mẹo để phân biệt đó là cây hoàng đương thì lá mọc từ rễ, quan sát kỹ hơn sẽ thấy toàn bộ lá đều được mọc ra từ rễ dưới đất, còn rau diếp đắng lá mọc từ các đốt cây.
Đừng chỉ biết để ý những loại cây mọc sát trên mặt đất, thảo mộc Đài Loan còn gồm cả cây thân gỗ và cây bụi thấp. Cô Lý Gia Mai bảo chúng tôi ngẩng đầu lên để nhận biết cây bằng lăng, do thân cây trơn nhẵn nên còn được gọi là “cây khỉ leo không nổi”, được người thời xưa dùng để chăm sóc gân cốt. “Nam Quế Viên, Bắc Nhân Sâm, “Quế Viên” chính là chỉ cây nhãn, thân cây và rễ thường được đem nấu lên, mọi người đều biết nhãn có tác dụng bổ máu cho cơ thể”.
Phân biệt bằng mắt, dùng tay để sờ vào thân cây và lá để cảm nhận độ trơn nhẵn hay những chiếc lông tơ trên lá, cũng có thể ngắt một chiếc lá xé vụn hoặc vò ra ngửi thử mùi tỏa ra từ chiếc lá, cô Lý Gia Mai cho biết: “Khi bạn nhận biết được chúng thì sẽ nhìn thấy chúng”.
Những kết tinh trí tuệ tích lũy của người xưa
Suốt dọc đường đi, chúng tôi lắng nghe lời giảng giải của cô Lý Gia Mai, thỉnh thoảng cô cũng đề cập đến nhiều cây thảo mộc đều có tác dụng lợi tiểu, khử ẩm, có thể giúp loại bỏ hơi nước dư thừa khỏi cơ thể. Điều này cũng liên quan chặt chẽ với hình thái khí hậu hải đảo đặc biệt ẩm ướt của Đài Loan, “Hơi ẩm bị tích tụ quá nhiều gây khó chịu cho cơ thể, người xưa phát hiện rằng khi sử dụng một loại thảo mộc nào đó sẽ giúp cho cơ thể được thư giãn, trở nên linh hoạt hơn nên đã đặc biệt ghi chép lại”.
Kiến thức về thảo mộc bắt đầu được ghi chép lại và sưu tập theo hệ thống, cô Lý Gia Mai kể, vào năm 1924 trong thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan, trong cuốn “Đại cương ghi chép về thảo dược trong dân gian Đài Loan” do nhà thực vật học Nhật Bản Shun-ichi Sasaki hoàn thành, đã sưu tập gần 579 loài thực vật, được cho là giúp Đài Loan mở ra một hệ thống nghiên cứu về thảo dược.
Năm 1945, trong cuốn “Tuyển tập tranh ảnh các loại cây hoang dại ăn được của Đài Loan” do Hội những người đồng sở thích về thực vật Đài Loan biên soạn, đã ghi lại 100 loại thảo mộc Đài Loan, đồng thời có ghi kèm cách ăn. Cô Lý Gia Mai cũng liệt kê thêm một loạt ấn phẩm bao gồm: “Thế giới thảo mộc” của tác giả Chung Đĩnh Toàn phát hành năm 1977, “Những loại thảo dược thường gặp” của tác giả Trịnh Lâm Chi biên soạn năm 1996, “Giải đáp thực tế về các loại thảo mộc bản xứ Đài Loan” do tác giả Ông Nghĩa Thành, người làm nghề hái thuốc đời thứ ba biên tập năm 2010, với niềm đam mê cây cỏ truyền qua nhiều thế hệ, đã tạo nên một thế giới thảo mộc được hình thành từ mỗi cành cây ngọn cỏ của địa phương. Năm 2021, cô Lý Gia Mai xuất bản cuốn “Ghi chép về thảo mộc Đài Loan bốn mùa”, tiếp tục truyền lại những kiến thức về thảo mộc đã học hỏi được từ con người, từ đất đai.
Có thể sử dụng thảo mộc để châm cứu chữa bệnh, nấu nước tắm, hoặc làm thành vật dụng tẩy rửa như xà phòng thủ công.
Những dấu chân xanh đi qua trong cuộc sống
Đi dạo trong Công viên Xiangshan, chúng tôi bắt gặp một ngôi nhà dân, họ chia sẻ với chúng tôi về giống húng chanh địa phương trồng trước cửa nhà và nói rằng nếu trong cơ thể cảm thấy bị viêm, bị nhiệt, hãy lấy nước muối rửa sạch lá húng chanh để ăn, thật kỳ lạ sẽ khỏi ngay. Trên đường đi còn gặp một loại cây có mùi lạ, cô Lý Gia Mai nói: “Bạn hãy ngửi cây rau muối dại này, đây là một loại cỏ rắn, ngày xưa người ta thường trồng ở xung quanh nhà ở để ngăn không cho rắn bò vào, đồng thời có thể dùng để tắm rửa, giúp đẩy lùi căn bệnh viêm da cơ địa rất hiệu quả”.
Ngoài ra, còn có giống riềng ấm thường gặp, là loài thực vật họ gừng, thường được dùng để gói bánh ú, tuy nhiên, theo cô Lý Gia Mai cho rằng như vậy thì quá lãng phí, vì bản thân cây riềng ấm là liều thuốc giúp bài tiết mồ hôi và giải nhiệt rất tốt, cũng có thể lấy lá riềng ấm tươi hoặc đã phơi khô để làm thành chiếc gối thảo mộc an thần, giúp ngủ ngon giấc, hay làm thành thảo dược gói ngâm nước tắm.
Cây lô hội, loại phụ liệu thường gặp trong văn hóa đồ uống của Đài Loan, là sản phẩm làm đẹp “cực phẩm”, có thể thoa lên vùng da bị cháy nắng, ngoài ra còn có tác dụng kích thích mọc tóc.
Việc sử dụng lá ngải cứu trong cuộc sống cũng vô cùng đa dạng, chỉ riêng tác dụng đối với liệu pháp ăn kiêng đã khỏi cần bàn, trong dân gian, lá ngải cứu được sử dụng để khử khí độc trừ tà, làm nguyên liệu châm cứu trị bệnh, lại có thể xua đuổi ruồi muỗi. Cộng đồng người Khách Gia thì thích sử dụng cây thổ hoắc hương, cũng được gọi là “cây thóc lép Khách Gia”, ngay khi trẻ sơ sinh chào đời, người dân thường lấy cây thóc lép Khách Gia để tắm rửa cho bé, gặp trường hợp trẻ quấy khóc ban đêm hoặc yếu ớt, cũng có thể dùng lá thóc lép để lau mặt, tắm rửa để cầu mong đứa trẻ lớn lên trong sự bình an. Vào dịp tết Đoan Ngọ sẽ treo lá thóc lép trước cửa nhà để trừ tà tránh tai ương, cho thấy loại thực vật này luôn có sự gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người Khách Gia.
Thảo mộc liên kết không biên giới
Các dân tộc nguyên trú sống gần gũi với thiên nhiên cũng là bậc cao thủ sử dụng thảo mộc.
Ví dụ cây đại kích có hoa màu vàng, là thuốc chữa rắn cắn thường dùng của dân tộc nguyên trú, cho cả cây vào giã nát, hay đem sắc lên để uống hoặc đắp lên vết thương sẽ mang lại hiệu quả kỳ diệu. Cây sẻn có danh pháp khoa học là “zanthoxylum ailanthoides”, các nhánh trên toàn bộ thân cây đều mọc gai ngắn, vì thế có tên gọi khác rất thú vị là “chim không đậu”, là loại rau dại và hương liệu luôn có mặt trên bàn ăn của dân tộc nguyên trú, thường được dùng trong món rau trộn, chiên trứng, nấu canh cũng rất ngon. Trong cuộc sống luôn ẩn chứa rất nhiều kiến thức đa dạng về thảo mộc chưa kịp ghi chép lại, trở thành trí tuệ cuộc sống của các dân tộc nguyên trú.
Ngoài các giống thảo mộc địa phương, còn có nhiều loại thảo mộc khác cũng được đưa vào Đài Loan theo những người nhập cư. Sau nhiều năm, các giống thảo mộc ngoại lai cũng trở thành một phần của hòn đảo này.
Cỏ trinh nữ là loài cây được du nhập vào Đài Loan từ vùng nhiệt đới châu Mỹ vào thế kỷ 17, người đời xưa đã biết sử dụng phần rễ dưới đất, “Cỏ trinh nữ có tác dụng dược tính được sử dụng rộng rãi, có thể giúp an thần, giúp ngủ ngon giấc, làm mát gan, hạ đường huyết, hạ axit uric trong nước tiểu”. Cây xuyến chi đến từ Okinawa là nguyên liệu thanh nhiệt hạ hỏa cơ bản của trà thảo mộc.
Cây lá nếp du nhập vào Đài Loan cùng với những người bạn Đông Nam Á, vì có tác dụng hạ đường huyết nên nó cũng từng trở nên rất có giá trị. Cây cúc leo Mikania cũng là giống ngoại lai có sức sống bền bỉ, tại khu vực phía đông Đài Loan từng có người dùng nó để nghiên cứu chế tạo thuốc chống muỗi, phòng chống loài muỗi Forcipomyia Taiwana.
Bạn có muốn trải nghiệm văn hóa thảo mộc của Đài Loan không? Trước tiên hãy uống thử một ly trà thảo mộc thanh nhiệt hạ hỏa nhé!
Đến với bữa tiệc thảo mộc
Khóa học “Thảo mộc theo các tiết khí, nhà bếp dưỡng sinh” do cô Lý Gia Mai mở lớp, hướng dẫn mọi người sử dụng thảo mộc để chế biến thành món ăn dưỡng sinh. Vào ngày chúng tôi tới phỏng vấn, trong buổi học đã có khá nhiều món ăn sử dụng thảo mộc.
Trên bàn đầy ắp những món ăn thảo mộc, gồm có thảo mộc trộn nước sốt Miso và tương mè, món chiên Tempura với thảo mộc, nguyên liệu chế biến là cây hoàng đương Nhật Bản đúng mùa. Cô Lý Gia Mai đặc biệt giải thích rằng tự mình không thể trồng được loại rau dại này, bởi vậy hương vị của món ăn đều nhờ sự ban tặng từ đất Mẹ. Cây “Lu lu đực” giữ vai trò chính trong món cháo rau xanh dưỡng sinh, lấy lá để nấu nhừ cùng cháo, có công dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, giải độc, bảo vệ gan. Trong món trà thảo mộc phòng chống dịch bệnh đặc biệt nhân dịp đón xuân, đã sử dụng rau diếp cá và lá dâu tằm để bào chế, rau diếp cá có tác dụng thải độc, lợi tiểu, thanh phế, nhuận phế, hạ huyết áp, còn lá dâu tằm có khả năng trị ho, long đờm, hạ đường huyết và thanh lọc máu.
Những loại thảo mộc này được thu hái, thu thập từ cuộc sống xung quanh, mỗi loại đều sở hữu đặc tính và công dụng riêng, là kho báu tích lũy trí tuệ và kinh nghiệm của người đời trước để lại, bạn có muốn tìm hiểu không nào? Có lẽ nên đi dạo một vòng con phố bán thảo dược, hoặc trước tiên hãy uống thử một ly trà thảo mộc xem sao!
Xem thêm