Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đài Loan tổ chức Hội nghị thường niên của Mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 12
New Southbound Policy。Ngày 12/7/2023, Đài Loan tổ chức “Hội nghị thường niên của Mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APMMN) lần thứ 12” với sự tham gia của hơn 50 quan chức chính phủ và học giả từ 17 quốc gia và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP). (Ảnh do Cơ quan Bảo vệ Môi trường cung cấp)
Ngày 12/7/2023, Đài Loan tổ chức “Hội nghị thường niên của Mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APMMN) lần thứ 12” với sự tham gia của hơn 50 quan chức chính phủ và học giả từ 17 quốc gia và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP). (Ảnh do Cơ quan Bảo vệ Môi trường cung cấp)

 Ngày 12/7/2023, Phó Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường – bà Vương Nhã Tân đã khai mạc “Hội nghị thường niên của Mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Mercury Monitoring Network, APMMN) lần thứ 12”. Hội nghị năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của hơn 50 quan chức chính phủ và học giả từ 17 quốc gia bao gồm Mỹ, Australia, Canada, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Nepal, Palau, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam, Nam Phi, Maldives và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) nhằm tăng cường hợp tác về quan trắc thủy ngân giữa Đài Loan và các nước châu Á, nâng cao vị thế của Đài Loan trong các hoạt động quan trắc quốc tế.

 Cơ quan Bảo vệ Môi trường cho biết: Tại hội nghị APMMN, Giáo sư David Gay, người tham gia Chương trình Lắng đọng khí quyển Quốc gia (NADP) của Mỹ đã chia sẻ các hành động quản lý thủy ngân ở khu vực Bắc Mỹ; nhà phân tích David Schmeltz của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ báo cáo những tiến triển mới nhất và triển vọng tương lai của APMMN; Cục Chất độc và Hóa chất thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường chia sẻ kinh nghiệm và kết quả quản lý thủy ngân của Đài Loan sau khi hưởng ứng Công ước Minamata về Thủy ngân (Minamata Convention on Mercury); Giáo sư Hứa Quế Vinh của Đại học Trung ương tóm tắt tình hình triển khai Mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực châu Á-Thái Bình Dương; các nước tham dự hội nghị cũng chia sẻ về tình hình quan trắc thủy ngân trong không khí. Ngoài ra, hội nghị còn tổ chức đào tạo lấy mẫu và công nghệ phân tích thủy ngân lắng đọng ướt, sắp xếp cho đại diện các nước đến thăm Trung tâm giám sát môi trường và liên kết công nghệ, Phòng thí nghiệm phân tích thủy ngân do Đài Loan thành lập, đào tạo thao tác phân tích siêu vết thủy ngân, đảm bảo và kiểm soát chất lượng (QA/QC) để nâng cao công nghệ quan trắc thủy ngân và chất lượng dữ liệu của các nước đối tác.

 Nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi ảnh hưởng của khí thải chứa thủy ngân và các hợp chất thủy ngân, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan đã phối hợp với Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cùng phát động APMMN từ năm 2012 để thúc đẩy các hoạt động quan trắc thủy ngân trong không khí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trao đổi kỹ thuật quan trắc môi trường và cùng chia sẻ các dữ liệu quan trắc, từ đó giúp các nước đối tác nâng cao khả năng quan trắc thủy ngân trong không khí. Hy vọng hội nghị lần này sẽ giúp cho việc thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ để cùng thúc đẩy Công ước Minamata về Thủy ngân, tạo ra một tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.