Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đến Đài Loan, tìm tiện lợi Cửa hàng tiện lợi - Kỳ tích kinh tế độc lạ Đài Loan
2023-08-14

Các cửa hàng tiện lợi của Đài Loan không ngừng đưa ra những dịch vụ mới, đáp ứng mọi nhu cầu của đời sống. (Ảnh: Lin Min-hsuan)

Các cửa hàng tiện lợi của Đài Loan không ngừng đưa ra những dịch vụ mới, đáp ứng mọi nhu cầu của đời sống. (Ảnh: Lin Min-hsuan)
 

 Đài Loan có hơn 13.000 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc, theo khảo sát năm 2021 của tổ chức nghiên cứu Mirai Business Research Institute, tại Đài Loan, cứ mỗi 1.582 người là có một cửa hàng tiện lợi, chỉ xếp sau quán quân thế giới là Hàn Quốc với tỉ lệ là 1.200 người/cửa hàng tiện lợi.

 Cửa hàng tiện lợi cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng và không ngừng đổi mới, dù là ẩm thực đường phố hay đặc sản của các nhà hàng trứ danh đều có đủ, có thể đáp ứng mọi nhu cầu đời sống của khách hàng, đến cả người nước ngoài cũng yêu thích cửa hàng tiện lợi của Đài Loan.

 

“Bị cuốn hút lúc nào không hay!”, “Mỗi ngày đều phải ghé vào một lần!”, “Muốn làm công ty công nghệ, logistics, quán kem, mà bị bắt làm cửa hàng tiện lợi!”. Đây đều là những câu mà mọi người dùng để hình dung về cửa hàng tiện lợi, cho thấy chúng là một phần không thể thiếu đối với người dân Đài Loan.

 

Những dịch vụ cửa hàng tiện lợi chỉ có ở Đài Loan

 Năm 1978, công ty Uni-President bỏ vốn thành lập chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-ELEVEN tại Đài Loan, áp dụng mô hình nhượng quyền kinh doanh của 7-ELEVEN Mỹ, tạo nên một cuộc cách mạng về bán lẻ tại Đài Loan. Tính đến cuối tháng 12 năm 2022, 7-ELEVEN đã có 6.631 cửa hàng tại Đài Loan. Rất nhanh sau đó, cửa hàng tiện lợi Family Mart đầu tiên đã có mặt tại khu mua sắm phía trước ga xe lửa Đài Bắc vào năm 1988, hiện nay đã có hơn 4.100 chi nhánh trên khắp Đài Loan. Chuỗi cửa hàng tiện lợi OK mart cũng được thành lập vào năm 1988.

 Công ty mẹ của Hi-Life - Tập đoàn Kuang Chuan đã cho thành lập công ty Hi-Life International tại khu Đại Đạo Trình, Đài Bắc vào năm 1989 để tạo kênh phân phối của mình. Tính đến tháng 1 năm 2023, Hi-life đã có 1.542 cửa hàng trên toàn quốc.

 

Dịch vụ khác biệt, độc đáo nhất thế giới

 Ông Toshinori Honda – từng là thành viên hội đồng quản trị 7-ELEVEN Nhật Bản và giám đốc điều hành của 7-ELEVEN Hàn Quốc, đã định nghĩa cửa hàng tiện lợi là nơi bán những sản phẩm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của khách hàng và cũng là nhà cung cấp giải pháp cuộc sống. Cửa hàng tiện lợi của Đài Loan hoàn toàn đáp ứng định nghĩa này.

 Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, 4 chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu là 7-ELEVEN, Family Mart, Hi-Life và OK mart đã sử dụng thiết bị điện tử đa phương tiện và đào tạo nhân viên cửa hàng, đưa ra nhiều dịch vụ đa dạng bắt kịp thời đại với ít nhất 2.000 dịch vụ ủy quyền thanh toán và bán hàng, từ thanh toán phí đậu xe, tiền điện nước, cho đến học phí, thẻ tín dụng, gửi bưu kiện, ngoài ra còn có máy photocopy, ATM…, khiến cho người tiêu dùng dù không cần mua thứ gì cũng phải bước chân vào cửa hàng tiện lợi, hình thành “mô hình Đài Loan” độc nhất vô nhị trên thế giới.

 Nội dung công việc của các nhân viên cửa hàng tiện lợi vô cùng đa dạng, từ mỉm cười chào đón khách hàng cho đến pha những ly cà phê theo yêu cầu, từ giúp khách hàng nhận bưu kiện đặt mua trực tuyến cho đến hỗ trợ người lớn tuổi sử dụng APP, thậm chí là chỉ đường hoặc trò chuyện với khách hàng, nhân viên đều tận tình phục vụ, có nhiều nhân viên cửa hàng thậm chí còn không đợi khách quen lên tiếng là đã biết họ uống cà phê gì hằng ngày. Mạt Lợi (Moli), tác giả cuốn sách Hello! Welcome to Other Store, đã gọi nhân viên cửa hàng tiện lợi là “nhân viên tạp vụ giỏi nhất Trái Đất”, một cách ví von đầy sinh động về các nhân viên “tài nghệ đầy mình” này.

 Đến cả khách nước ngoài cũng chia sẻ trải nghiệm cửa hàng tiện lợi tại Đài Loan trên video rằng: “Nơi đây là bưu điện, quán ăn, thắng cảnh, all in one, phục vụ tận tình, mở cửa suốt 24 giờ, lấy hóa đơn còn có cơ hội trúng thưởng…”. Cửa hàng tiện lợi thực sự không có gì là không thể làm được.
 

Khách hàng sử dụng APP của cửa hàng tiện lợi Hi-Life mua cà phê, sữa tươi, có thể chia làm nhiều lần nhận hàng hoặc nhận hàng tại cửa hàng khác nhau. (Ảnh: Lin Min-hsuan)

Khách hàng sử dụng APP của cửa hàng tiện lợi Hi-Life mua cà phê, sữa tươi, có thể chia làm nhiều lần nhận hàng hoặc nhận hàng tại cửa hàng khác nhau. (Ảnh: Lin Min-hsuan)
 

Vừa là chuỗi nhà hàng, vừa là công ty bách hóa

 Với mật độ dày đặc, các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn đều lần lượt đưa ra những chiến lược phức hợp và liên danh mong giữ chân khách hàng. Họ đưa ra những sản phẩm khác biệt và không ngừng đổi mới mô hình kinh doanh. Trong quá trình cạnh tranh, họ cũng liên tục phá vỡ định luật bão hòa của thị trường.

 7-ELEVEN đã tích hợp dịch vụ từ những thương hiệu dưới trướng Uni-President như nhà sách online Books.com, cửa hàng mỹ phẩm K.Seren, bánh mì Semeur, Mister Donut, kem COLDSTONE…, rồi dựa trên đặc trưng của khu thương mại để thiết kế xây dựng những cửa hàng phức hợp, đa dạng. Hiện tại, toàn Đài Loan có hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi phức hợp như vậy, biến chúng thành nơi tập trung nhà sách, quán đồ nướng, tiệm bánh ngọt, cửa hàng mỹ phẩm, qua đó giúp tăng trưởng số lượt khách đến hơn 10%.

 7-ELEVEN còn nắm bắt cơ hội kinh doanh từ những hình tượng mang tính chữa lành. Bắt đầu từ năm 2019 đến nay, doanh nghiệp này đã ra mắt hơn 90 cửa hàng chủ đề liên danh với những nhân vật hoạt hình nổi tiếng như OPEN-chan (linh vật của 7-ELEVEN), Thanh gươm diệt quỷ (Kimetsu no Yaiba), Thám tử lừng danh Conan, Pokémon, v.v... Loại hình “kinh tế từ cảnh quan” của những cửa hàng này có thể giúp cho số lượng khách hàng tăng từ 20% đến 30%.

 Khu Bản Kiều, thành phố Tân Bắc là nơi có mật độ cửa hàng tiện lợi nằm trong top 10 dày đặc nhất ở Đài Loan, chi nhánh thứ 4.000 của Family Mart được đặt tại khu hành chính này. Nắm bắt những từ khóa trong thời đại dịch bệnh COVID-19 như “Hành động nhanh, kinh tế lười biếng, cuộc sống xanh”, Family Mart đã đưa ra những dịch vụ “không tiếp xúc” như APP “Đặt cơm hộp”, tủ nhận đồ ăn thông minh…, ngoài ra còn có trạm cho thuê mượn ly cà phê tuần hoàn, phù hợp với khái niệm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

 Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong phát triển mảng thực phẩm đã nấu chín, hồi năm ngoái, Family Mart lần đầu tiên triển khai bán đồ điểm tâm nướng tại chỗ ở gần 600 cửa hàng, cung ứng nhiều món ngọt kiểu Trung Hoa và kiểu Tây như bánh mì cuộn hương quế, mille-feuille, giúp cho mảng thức ăn nấu chín tăng trưởng đến 30%. Bên cạnh đó, nhìn thấy được cơ hội kinh doanh từ đồ chiên, nướng, gần trăm chi nhánh của Family Mart cũng đã tăng thêm khu bán đồ chiên, nướng, gồm những món ăn vặt kinh điển trong chợ đêm như cánh gà nướng bọc xôi, đùi gà vị chanh và bưởi…, mang những món ẩm thực chợ đêm vào trong cửa hàng tiện lợi, qua đó làm thay đổi ấn tượng của khách hàng về thực phẩm chín của những cửa hàng này.

 Cạnh tranh với hai đối thủ có tổng cộng hơn 10.000 cửa hàng, giám đốc Hi-Life Quách Thuần Nghi (France Kuo) nhận định “Lớn có thế mạnh của lớn, nhưng nhỏ cũng có cái hay của nhỏ”. Ông nói: “Là một chuỗi cửa hàng tiện lợi bản địa của Đài Loan, chúng tôi áp dụng chiến lược linh hoạt, ví dụ như trong cửa hàng có khu vực để nghỉ ngơi (tức là khu ghế ngồi trong các cửa hàng bây giờ), có máy dịch vụ đa phương tiện, có thể ký gửi đồ uống đã đặt mua, thức ăn tươi bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C, v.v... Những dịch vụ đã và đang phổ biến tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn đều là do Hi-Life sáng tạo ra”.

 Đặc biệt, trong ba năm dịch bệnh vừa qua, nhiều thương hiệu nhỏ hay cửa hàng trực tuyến đều phải đối mặt với khó khăn, “Hi-Life đã tạo cơ hội cho các cửa hàng trực tuyến được bán tại quầy, giúp họ tăng thêm kênh phân phối và địa điểm bán hàng”. Dịch bệnh cũng khiến cho tỉ lệ nấu ăn tại nhà tăng cao, vì thế Hi-Life đã cho mở cửa hàng phức hợp kiểu siêu thị trong các khu dân cư, cung ứng rau, củ, quả, thịt, cá tươi đến từ các hội nông, ngư nghiệp trên toàn quốc.

 

Công ty công nghệ dưới vẻ ngoài cửa hàng tiện lợi

 Sự phát triển của nền tảng kỹ thuật số đã làm tăng tính cạnh tranh trong thị trường bán lẻ, ngày càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ tại quầy ý thức được rằng, cần phải chủ động tấn công thị trường và chuyển đổi mô hình. Trưởng phòng Thương mại số hóa của Hi-Life Diệp Dục Kiên (Yeh Yu-chien), người đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành cho biết, nhờ có công nghệ số hóa, giờ đây các cửa hàng tiện lợi cũng áp dụng cơ chế đăng ký tài khoản, làm thay đổi hệ sinh thái tiêu dùng.

 Năm 2017, Hi-Life đưa ra dịch vụ “Ký gửi cà phê” trên ứng dụng trực tuyến của hãng, rồi tiếp tục bổ sung thêm chức năng “mua sỉ lấy lẻ”, không chỉ áp dụng cho cà phê, mà cả những nhu yếu phẩm hằng ngày như sữa tươi, coupon ẩm thực, giấy vệ sinh cũng đều có thể mua trước và lưu trữ trong tài khoản trên đám mây. Khách hàng có thể chia làm nhiều lần để nhận hàng và nhận hàng từ những cửa hàng khác nhau trong khoảng thời gian nhất định, thậm chí còn có thể tặng cho bạn bè, người thân. Do có mật độ phân bố dày đặc, dịch vụ này đã mang đến sự tiện lợi hơn cho khách hàng và mô hình này cũng được các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác học hỏi, làm theo.

 Hi-Life còn đưa hệ thống POS vào các chuỗi cửa hàng và doanh nghiệp bán sỉ, ví dụ như cửa hàng linh kiện xe hơi, nông trường ngựa Houli, cửa hàng ngũ kim, tạo ra một mô hình nhượng quyền kinh doanh độc đáo, giúp khách hàng khi đi sửa xe, mua hàng ngũ kim, còn tiện thể đóng phí đậu xe, tiền điện nước. “Mặc dù số lượng cửa hàng của chúng tôi ít, nhưng dịch vụ thì không thiếu”, ông Quách Thuần Nghi nói.
 

Ảnh: Lin Min-hsuan
 

Cửa hàng tiện lợi với kinh tế theo cơ chế hội viên

 Là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi tại Đài Loan, số hội viên OPEN POINT của 7-ELEVEN nay đã vượt hơn 15,5 triệu người. Từ năm 2014, doanh nghiệp này đã nghiên cứu áp dụng công cụ thanh toán với chức năng cho phép hoàn thành đồng thời việc thanh toán, tích điểm, lưu hóa đơn điện tử, kết hợp 3 công cụ thanh toán gồm icash Pay, icash 2.0 và OPEN Wallet. Nói cách khác, cho dù người tiêu dùng vào cửa hàng tiện lợi để mua cà phê, hay đi đổ xăng, vào phòng gym tập thể dục, đi dạo trung tâm thương mại, đều có thể sử dụng nhiều phương thức thanh toán khác nhau.

 Trên cơ sở thẻ hội viên và dịch vụ thanh toán của mình, 7-ELEVEN đã cho mở 6 “cửa hàng tiện lợi tương lai”, trong đó cho phép khách hàng có thể tự mình thao tác thanh toán. Hệ thống tự thanh toán này ứng dụng 6 công nghệ bao gồm nhận diện hình ảnh, nhận diện gương mặt, nhãn thông minh RFID, tự thanh toán bằng điện thoại di động, thực tế ảo AR, cửa hàng ảo VR, tạo môi trường công nghệ cao.

 Còn Family Mart thì có hơn 16 triệu hội viên, APP của hãng có thể kết nối đủ loại dữ liệu trực tuyến và phi trực tuyến của khách hàng. Đến nay, doanh nghiệp này cũng đã mở 2 “cửa hàng mang khái niệm công nghệ”, ứng dụng những công nghệ khác nhau để giúp giảm bớt lượng công việc của nhân viên cửa hàng, đồng thời cũng mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng của mình.

 

Nơi sáng sủa và ấm áp nhất

 Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cả 7-ELEVEN và Family Mart đều mở chi nhánh tại những địa điểm có độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển, ví dụ như Nông trường Thanh Cảnh, núi Alishan, đến cả các đảo ngoài khơi như đảo Thất Mỹ của huyện Bành Hồ, hay đảo Đông Dẫn của huyện Liên Giang cũng có sự hiện diện của hai thương hiệu này. Sau khi cơn bão Morakot năm 2009 càn quét qua miền nam Đài Loan, 7-ELEVEN cũng đã đưa “Cửa hàng tiện lợi di động” của mình vào khu Giáp Tiên, Cao Hùng, vùng núi vốn không có cửa hàng tiện lợi nào, để phục vụ cho người dân trong khoảng thời gian cần thiết. Năm 2021, doanh nghiệp này ra mắt “OPEN! Xe mua sắm di động” với nhiều trang thiết bị như tủ đông lạnh, tủ mát và tủ nhiệt độ thường, trên xe còn có thể dùng lò vi sóng để hâm nóng thức ăn, pha cà phê, chẳng khác gì một cửa hàng 7-ELEVEN thu nhỏ, được dùng để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân tại khu vực Hoa Liên, Đài Đông và khu Shezidao của thành phố Đài Bắc từ tháng 8 năm 2021.

 Cho dù là ở nhà ga, sân bay, trường học hay bệnh viện, đều có thể vào cửa hàng tiện lợi để mua một ly cà phê, giải quyết ba bữa mỗi ngày. Bất kể là ở vùng sâu vùng xa, duyên hải, hay những con đường tối đen, cũng đều có thể nhìn thấy nơi sáng sủa và ấm áp nhất – Cửa hàng tiện lợi.

 

Xem thêm

Đến Đài Loan, tìm tiện lợi Cửa hàng tiện lợi - Kỳ tích kinh tế độc lạ Đài Loan