Ngày 15/8, Ban Nghiệp vụ đầu tư thuộc Bộ Kinh tế đã tổ chức “Diễn đàn Đối tác đầu tư chiến lược Đài Loan-ASEAN, Ấn Độ 2023” (Taiwan-ASEAN, India Strategic Investment Partnership Forum) tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Đài Bắc, mời các quan chức phụ trách đầu tư và đại diện doanh nghiệp các nước Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, v.v... cùng tham gia. Gần 300 đại biểu đã tham dự hội nghị và giao lưu trong không khí sôi nổi.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Trần Chính Kỳ cho biết: Năm nay là năm thứ 8 tổ chức Diễn đàn Đối tác đầu tư chiến lược Đài Loan-ASEAN, Ấn Độ. Trong những năm qua, diễn đàn đã được giới đầu tư đánh giá cao, đồng thời được các cơ quan quản lý đầu tư của ASEAN và Ấn Độ khẳng định và ủng hộ. Do ảnh hưởng bởi xung đột thương mại và công nghệ Mỹ-Trung, dịch bệnh COVID-19 và chiến tranh Nga-Ukraine, các quốc gia như Mỹ và châu Âu đã đưa ra chính sách tự chủ cho các ngành then chốt và rút ngắn chuỗi cung ứng, thúc đẩy các công ty đa quốc gia điều chỉnh chuỗi cung ứng và bố trí đầu tư, tăng cường khả năng phục hồi sản xuất. Thêm vào đó, các nước ASEAN và Ấn Độ được hưởng lợi từ các yếu tố như lợi tức dân số, các điều kiện ưu đãi cho đầu tư nước ngoài và tích cực tham gia hội nhập kinh tế khu vực, v.v..., trở thành điểm đến quan trọng cho việc tái cấu trúc và chuyển giao chuỗi cung ứng quốc tế. Chủ đề của diễn đàn lần này là “Tăng cường hợp tác quốc tế để tạo ra giá trị bền vững”, hy vọng tùy theo điều kiện phát triển kinh tế và đặc điểm thị trường các nước, thông qua việc mở rộng thị trường đa dạng và bố trí đầu tư nhiều ngành nghề, mang những ưu thế ngành nghề của Đài Loan đến các nước, không chỉ tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của Đài Loan, mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của các nước sở tại.
Thứ trưởng Trần Chính Kỳ cho biết thêm: ASEAN và Ấn Độ là lực lượng quan trọng cho sự phát triển kinh tế toàn cầu. Từ năm 2018 đến năm 2021, xếp hạng đầu tư nước ngoài vào ASEAN đã vượt qua Trung Quốc, nhảy vọt lên vị trí thứ 3 thế giới. Ngoài ra, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (bao gồm Ấn Độ) sẽ đạt 4,6% trong năm 2023, chiếm 70% tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bố cục hướng Nam mới của các doanh nghiệp Đài Loan đã dần dần hình thành các khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp của doanh nghiệp Đài Loan như cụm công nghiệp điện tử ở Việt Nam, cụm công nghiệp PCB ở Thái Lan, Indonesia trở thành cơ sở sản xuất quan trọng của ngành dệt may và da giày, v.v...
Bộ Kinh tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Đài Loan tìm kiếm các mô hình hợp tác và cơ hội đầu tư ở các nước hướng Nam mới, đồng thời tiếp tục đàm phán ký kết hoặc cập nhật các thỏa thuận bảo hộ đầu tư với các nước hướng Nam mới để bảo vệ quyền và lợi ích đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan. Bộ Kinh tế cũng sẽ tổ chức các phái đoàn đến khảo sát cơ hội kinh doanh, đầu tư ở Đông Nam Á, tăng cường quan hệ đối tác đầu tư với các nước.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam – ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết: Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam đạt từ 5% đến 7%, triển vọng phát triển kinh tế được các tổ chức phân tích kinh tế đánh giá cao, cơ cấu ngành nghề cũng đang dần dần chuyển sang phát triển công nghệ cao với sự hỗ trợ của nhà nước. Hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm tài chính, công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao.
Ban Nghiệp vụ đầu tư cho biết: Xung quanh hội trường đã lập các gian hàng của các nước Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, v.v... để cung cấp các tài liệu giới thiệu đầu tư. Hơn 40 công ty đã đăng ký tham gia các cuộc đàm phán đầu tư trực tiếp vào buổi chiều cùng ngày. Các doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với quan chức các nước, tăng cường quan hệ đối tác đầu tư và mở rộng thị trường toàn cầu.