Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Halo-halo!Manila thu nhỏ tại Đài Bắc Mở cánh cửa thần kỳ tới Philippines
2023-09-18

Trong ảnh là hoạt động Lễ hội Mặt nạ cười được tổ chức tại khu “Manila thu nhỏ”. (Ảnh: Jimmy Lin )

 

 Vào buổi sáng sớm tràn đầy nắng ấm, trên đoạn 3 đường Trung Sơn Bắc rợp bóng cây xanh, đông nghịt những gương mặt người ngoại quốc xúm lại thành nhóm, mọi người đều “lên đồ” rất gọn ghẽ sáng sủa, họ nói chuyện đan xen bằng cả tiếng Tagalog (thổ ngữ Philippines) và tiếng Anh, các cửa hàng và những người buôn bán trên vỉa hè chào bán nhiều mặt hàng Đông Nam Á và món ăn vặt hiếm khi nhìn thấy, bầu không khí thoải mái và ấm áp.

 

 Đây là “Manila thu nhỏ tại Đài Bắc”, chủ yếu nằm trên đoạn 3 của đường Trung Sơn Bắc, được bao quanh bởi các đoạn đường của đường Dân Tộc Đông, phố Nông An và phố Đức Huệ. Trong đó các điểm đến nổi tiếng nhất bao gồm Nhà thờ Thánh St. Chris topher, Trung tâm mua sắm Philippines King Wan Wan Shop Mall, ngoài ra còn có hai chuỗi siêu thị lớn EEC và RJ Supermart, có tổng cộng trên 100 cửa hiệu và quán ăn Philippines tập trung tại đây.

 Để tìm hiểu thực tế về khu vực này, chúng tôi đặc biệt mời cô Gen Huang, di dân mới người Philippines phụ trách dẫn đường. Cô sinh sống tại Đài Loan gần 16 năm nay, là người sáng lập nền tảng truyền thông xã hội “Hello PhilTai” (a.k.a PhilTai the Voice – “Tiếng nói Philippines - Đài Loan”), hoạt động khá sôi nổi trong nhóm cộng đồng người Philippines tại Đài Loan, đồng thời cũng hiểu rất rõ khu Manila thu nhỏ này.
 

Cô Gen Huang đến Đài Loan sinh sống gần 16 năm, là nhân vật hoạt động sôi nổi trong cộng đồng người Philippines tại Đài Loan. Tại quán ăn Philippines, cô thưởng thức món đá bào “Halo Halo”, là một trong những món đồ ngọt nổi tiếng nhất của Philippines.

Cô Gen Huang đến Đài Loan sinh sống gần 16 năm, là nhân vật hoạt động sôi nổi trong cộng đồng người Philippines tại Đài Loan. Tại quán ăn Philippines, cô thưởng thức món đá bào “Halo Halo”, là một trong những món đồ ngọt nổi tiếng nhất của Philippines.
 

Từ ga metro Yuanshan nhìn thấy hình ảnh người Philippines tại Đài Loan

 Để giúp chúng tôi tìm hiểu về khu Manila thu nhỏ theo góc nhìn của người Philippines, cô Gen Huang hẹn với chúng tôi gặp nhau ở ga metro Yuanshan gần đó. Cô giải thích rằng, nơi này có rất nhiều ý nghĩa đối với những người Philippines đang sinh sống tại Đài Loan.

 “Người Philippines sống tại Đài Loan có thể chia thành vài nhóm chính bao gồm: Khách du lịch, lao động di trú, nhân viên văn phòng có trình độ chuyên môn, cũng có Hoa kiều Philippines, hoặc là tân di dân Philippines kết hôn với người Đài Loan và người Philippines kết hôn với Hoa kiều ở Philippines”, cô Gen Huang giới thiệu.

 Ga metro Yuanshan là nơi tập hợp để những người Philippines hẹn nhau đến khu Manila thu nhỏ. Đối với du khách Philippines, đây cũng là điểm trung chuyển phương tiện giao thông để tới khách sạn The Grand Hotel Đài Bắc.

 Từ ga metro Yuanshan, chúng tôi từ từ thả bộ về phía Công viên Triển lãm hoa quốc tế Đài Bắc, nơi có rất đông người tất bật qua lại, đến cả món xào đặc trưng của Philippines cũng đã từng “chiếm một chỗ đứng” tại quảng trường ẩm thực “Maji” trong công viên này. Ngoài ra, khu vực triển lãm “Nhà Bướm” trong công viên, nhờ được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ghé thăm vào năm 2016, cũng trở nên “nổi như cồn” trong cộng đồng người Philippines tại Đài Loan. Hơn nữa, không gian ở đây rộng rãi, có thể che mưa tránh nắng nên cứ đến ngày nghỉ sẽ có rất đông người Philippines tụ họp tại đây để picnic, tập nhảy hip hop và luyện catwalk.

 Cô Gen Huang chỉ tay về Nhà hàng Hai Pa Wang nằm kế bên khu triển lãm “Nhà Bướm”: “Nơi đây cũng là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều Hoa kiều Philippines để tổ chức lễ cưới, mở tiệc đãi khách!” và cho biết cô từng làm MC đám cưới tại đây.
 

Vào cuối tuần, dòng người nườm nượp đổ về khu “Manila thu nhỏ”, phần nào tạo ra không khí Đông Nam Á.

Vào cuối tuần, dòng người nườm nượp đổ về khu “Manila thu nhỏ”, phần nào tạo ra không khí Đông Nam Á.
 

Nơi gửi gắm tâm hồn người lữ hành

 Chúng tôi tới Nhà thờ Thánh St. Christopher ở đối diện Đại học Tatung, là tâm điểm của khu vực tấp nập những dòng người qua lại. Là trung tâm tín ngưỡng dành cho người Philippines tại Đài Loan, tên gọi “Thánh St. Christopher” là rất xứng đáng. Vì sao lại nói như vậy? Rất nhiều tôn giáo có những vị thần chuyên bảo vệ những người lữ hành lang bạt, như Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (Mazu) – vị thần nổi tiếng nhất trong tín ngưỡng dân gian Đài Loan, đạo Thiên Chúa thì xem vị “Thánh St. Christopher” là Đấng bảo hộ cho người lữ hành.

 Nhìn chung, trong số các nhà thờ Thiên Chúa giáo ở khắp Đài Loan thì chỉ có Nhà thờ Thánh St. Christopher đã cử hành nhiều buổi Thánh lễ Misa như vậy. Từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối Chủ nhật hàng tuần, cứ một tiếng rưỡi sẽ diễn ra một buổi Thánh lễ. Tại nhà thờ có tổng cộng 10 vị linh mục lưu trú đến từ các nước gồm Philippines, Việt Nam, Indonesia. Vì vậy, ngoài tiếng Anh, còn có nhiều buổi Thánh lễ phục vụ bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như tiếng Tagalog (Tagalog là một trong những ngôn ngữ chính của Philippines), tiếng Việt v.v....

 Chính vì thế đã khiến nhà thờ Thiên Chúa giáo đông nườm nượp suốt cả ngày Chủ nhật, ngoài người Philippines, còn xuất hiện không ít những gương mặt phương Tây. Cô Gemma P. Huang, Thư ký giáo xứ Nhà thờ Thánh St. Christopher cho biết: “Do cử hành nhiều buổi Thánh lễ như thế sẽ rất tiện lợi cho các bạn lao động di trú hoặc khách du lịch không có quá nhiều thời gian”. Theo thống kê, chỉ trong một ngày Chủ nhật, nhà thờ có thể đón hơn 3.000 lượt người, “Nhất là vào tuần đầu tiên và tuần thứ hai sau khi lĩnh lương là đông nhất, bởi vì nhiều lao động di trú phải tới các cửa hàng tại đây để gửi tiền về nước, nhân tiện đi lễ nhà nhờ luôn. Có người mặc dù không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng cũng đi với bạn bè tới đây”, cô Gemma P. Huang cho biết.

 Cho dù không tham gia Thánh lễ Misa nhưng chiếc bàn thờ đặt phía ngoài thánh đường cũng sẽ mở cửa phục vụ 24/24h, tín đồ có thể tự lấy nến đặt phía dưới bàn thờ để thắp nến và cầu nguyện.

 Ngoài việc phục vụ hoạt động tôn giáo, nhà thờ còn mở rộng các không gian bao gồm khu bếp, phòng học cho tín đồ sử dụng. Cô Gemma P. Huang giới thiệu rằng, tùy theo bối cảnh khác nhau của các nhóm tín đồ như công nhân nhà máy, khán hộ công, di dân mới, Hoa kiều, thậm chí là nhóm người Việt v.v..., để chia thành 17 đoàn thể. Đi theo cầu thang lên tầng 2 ở phía trên thánh đường, ta sẽ thấy được nhiều đoàn thể đang học tập trong các không gian khác nhau hoặc đang làm tiệc mừng sinh nhật cho bạn bè v.v... Không còn nghi ngờ gì nữa, Nhà thờ Thánh St. Christopher đã cung cấp sự chăm sóc trọn vẹn cho “người sống xa xứ” từ sức khỏe tinh thần cho đến phúc lợi vật chất.
 

Nhiều người Philippines theo đạo Thiên Chúa tới Nhà thờ Thánh Chris topher dự Thánh lễ Misa bằng tiếng Tagalog.

Nhiều người Philippines theo đạo Thiên Chúa tới Nhà thờ Thánh Chris topher dự Thánh lễ Misa bằng tiếng Tagalog.
 

King Wan Wan Shop Mall – ngôi nhà thứ hai của người Philippines

 Rời khỏi Nhà thờ Thánh St. Christopher, men theo đường Trung Sơn Bắc về hướng Nam, sẽ đi qua hai chuỗi cửa hàng Đông Nam Á nổi tiếng là EEC và RJ Supermart. Bên trong các cửa hàng bày bán nhiều loại thực phẩm và hàng tạp hóa Đông Nam Á rất quen thuộc với người Philippines, hay những món quà tặng phổ biến “cỡ bự”. Vì trong cửa hàng cung cấp đủ loại sản phẩm nên thu hút dòng người qua lại không ngớt.

 Còn Trung tâm mua sắm Philippines King Wan Wan Shop Mall nằm xen lẫn giữa khu nhà ở và tòa nhà văn phòng, được cô Gen Huang cho là một chốn kỳ lạ “tựa như trở về nhà vậy”. King Wan Wan Shop Mall được xây dựng vào thập niên 1970, từng nổi tiếng bởi buôn bán các mặt hàng ngoại nhập. Sau khi công việc kinh doanh tại đây trở nên sa sút, khu vực buôn bán này bị bỏ không và sớm được Hoa kiều Philippines để ý, bắt đầu chuyển đến buôn bán nhỏ.

 Bước vào Trung tâm mua sắm gồm hai tầng lầu xây theo hình chữ nhật, sản phẩm được bày bán la liệt, từ mặt phẳng cho đến lập thể. Ở tầng trệt bán chủ yếu các thiết bị điện thoại di động, quần áo, thậm chí có cả đồ trang sức bằng vàng, “Phần đông người Philippines đều thích mua vàng vì tin rằng vàng sẽ giữ giá”, cô Gen Huang giải thích. Trên tầng 2, thường thấy nhất là các quán ăn tự chọn, cung cấp những món ăn thường ngày trong gia đình Philippines, xen kẽ còn có cửa hàng tạp hóa bán đồ ăn nấu chín, thực phẩm, quần áo và đồ chơi, ngoài ra còn có rất nhiều salon tóc và salon làm móng.

 Có một điều thú vị là do chủng loại mặt hàng được bán trong các cửa hàng tại đây khá giống nhau, nhìn thoáng qua thấy na ná như nhau, đặt chân vào King Wan Wan Shop Mall, giống như lạc vào một mê cung nhỏ. Tuy nhiên, đối với người Philippines, khi tới đây họ sẽ thông qua các kết nối với mạng xã hội của bản thân và qua sự giới thiệu của bà con bạn bè để có những cửa hàng tiêu dùng quen thuộc của riêng mình. Họ có thể dễ dàng len lỏi tìm ra địa điểm muốn tới, ngoài việc mua sắm, điều quan trọng hơn là được trò chuyện với đồng hương, vì vậy khiến cả một không gian lan tỏa bầu không khí sôi động và ấm áp. Thì ra, đến với King Wan Wan Shop Mall sẽ cảm thấy thoải mái, ấm lòng “giống hệt như được trở về nhà”, chúng tôi lập tức vỡ lẽ khi nghe cô Gen Huang nói như vậy.

 

Xem thêm

Halo-halo!Manila thu nhỏ tại Đài Bắc Mở cánh cửa thần kỳ tới Philippines