Tòa nhà tiệm thuốc Watson rất lớn nằm cạnh đền Thành Hoàng Hà Hải, là di tích cổ hàng trăm năm của khu vực này.
Hơn một trăm năm trước, Đại Đạo Trình (Dadaocheng) là khu thương mại quan trọng nhất của thành phố Đài Bắc, bến cảng tấp nập, các hãng buôn làm ăn với thương nhân ngoại quốc mọc lên san sát. Trên con phố Địch Hóa (Dihua) buôn bán sầm uất, các cửa hàng mọc lên như nấm, nào là hãng gạo, nào là tiệm tạp hóa bán đủ các loại hàng hóa Nam Bắc, rồi cả tiệm thuốc Bắc và tiệm vải, chính là tượng trưng của sự hiện đại và sung túc thời bấy giờ.
Gần một trăm năm sau, sự huy hoàng của Đại Đạo Trình vẫn chưa lùi vào lịch sử. Bức tranh màu keo tempera “Lễ hội ở phố Nam” (Festival on South Street) của họa sĩ Quách Tuyết Hồ (Kuo Hsueh-hu) đã phác họa một cách tinh tế sự nhộn nhịp của con phố Địch Hóa vào tiết Trung nguyên (Rằm tháng 7). Những cảnh vật xuất hiện trong bức tranh như cảnh đường phố, biển hiệu của các cửa tiệm, dáng dấp của các nhân vật, thậm chí những mặt hàng được bán tại các gánh hàng rong cũng đều mang đậm nét cổ điển độc đáo và sự thú vị của thời đại đó.
Nếu so sánh “Lễ hội ở phố Nam” với con phố Địch Hóa thời nay, chúng ta vẫn có thể thấy được Đại Đạo Trình với đặc điểm có sự pha trộn giữa cái mới và cái cũ, giữa hòa nhập và cởi mở. Những căn nhà lầu theo phong cách kiến trúc Baroque xuất hiện những cửa tiệm thời thượng, cùng với những cửa tiệm lâu đời và những quán cà phê mang đậm phong cách văn học nghệ thuật. Nếu so sánh giữa xưa và nay thì Đại Đạo Trình lại có những sự biến đổi ra sao?
“Khi tôi mới dọn tới đây, phố Địch Hóa thực ra khá vắng vẻ, khu vực này hầu như đều là kho hàng”, ông Ngô Thắng Văn (Vincent Wu) giảng viên Khoa Thiết kế truyền thông, Đại học Shih Chien - cư dân mới của khu vực Đại Đạo Trình cho biết. Năm 2006, ông chuyển địa điểm công ty tới Đại Đạo Trình, khi đó tiền thuê kho tại khu phố Địch Hóa chỉ khoảng vài chục nghìn Đài tệ, “mọi người cảm thấy phố Địch Hóa đã trở nên sa sút”, vậy mà chỉ trong bỗng chốc, “bây giờ giá thuê ở đây tăng gấp mấy lần rồi”. Vợ ông Ngô Thắng Văn là người Đại Đạo Trình, vì vậy biết rất rõ những cửa tiệm ở khu vực này, bà đã dẫn chúng tôi đi thăm phố Địch Hóa để khám phá những điều thú vị tại đây.
Năm tháng lịch sử trong bức tranh
Vào 9 giờ sáng, các cửa tiệm trên phố Địch Hóa hầu như đều đã mở cửa. Những người lớp trước vô cùng nỗ lực cần mẫn mới có thể dựng xây nhà cửa, tạo dựng cuộc sống và tích lũy được khối tài sản đáng kể. Nói đến sự giàu có sung túc của con phố Địch Hóa, những chiếc xe sang đẳng cấp là điều thường gặp tại đây. Hồi tưởng về quá khứ, “Lễ hội ở phố Nam” dường như cũng cho thấy sự sung túc thời đó. Trong bức tranh, những biển hiệu bắt mắt mọc lên san sát, biểu ngữ quảng cáo bay phấp phới, xe cộ qua lại nườm nượp, cảnh tượng vô cùng sầm uất. Tới nay, những cửa tiệm trong bức tranh đều đã đổi thay, chỉ có ngôi đền Thành Hoàng Hà Hải Đài Bắc và tiệm thuốc Bắc Can Nguyên là hai điểm cột mốc vẫn còn tồn tại.
Tiệm thuốc Bắc Can Nguyên tại số 71 đường Địch Hóa xuất hiện trong bức tranh với biểu hiệu “Can Nguyên nguyên đơn bản phố”. Đây chính là cửa tiệm đầu tiên ở Đài Loan làm đại lý cho sản phẩm cao con Hổ Tiger Balm của Singapore. Vào thời bấy giờ, khách hàng cứ mua một hộp cao con hổ thì có thể tới rạp chiếu phim Vĩnh Lạc Tọa xem phim. Ngay từ một trăm năm trước, chủ kinh doanh đã biết kết hợp với các ngành khác để tạo ra cơ hội làm ăn mới.
Ngôi đền Thành Hoàng Hà Hải Đài Bắc nằm bên cạnh, ngay từ sáng sớm đã nườm nượp những người đến cúng bái. “Lễ hội ở phố Nam” mô tả khung cảnh diễn ra trong dịp Rằm tháng 7, trong bức tranh, ngôi đền Thành Hoàng nghi ngút hương khói, trên phố đông nghịt người mua sắm và đi lễ chùa vào Rằm tháng 7, các cửa tiệm hai bên phố treo đầy những băng rôn quảng cáo với nội dung như: “Đại khuyến mãi Rằm tháng 7", ngoài ra còn có “Quà tặng Tiết Trung nguyên”, “Đại giảm giá Tiết Trung nguyên”, v.v…, rất giống với không khí Trung nguyên phổ độ thời nay.
Vào một trăm năm trước, trên con phố Địch Hóa tập hợp rất nhiều cửa hàng buôn gạo, lương thực, mua bán kinh doanh hàng hóa từ Nam chí Bắc rất sôi động.
Không khí tưng bừng vào dịp Tiết Trung nguyên
Chủ quán bán bún mì trên phố Địch Hóa, ông Giang Chí Nhân (Jiang Zhiren) nhớ lại, Tiết Trung Nguyên vào 60 năm trước người đông như nêm cối. “Thời đó người ta rất hiếu khách, thường mở tiệc đãi khách, người đến càng đông chứng tỏ càng có thể diện”. Ngoài dịp Trung nguyên phổ độ, dịp được cư dân tại đây coi trọng nhất đó chính là hội đền nhân ngày sinh của thần Thành Hoàng vào ngày 13/5 âm lịch, được phong danh hiệu là “đệ nhất lễ rước hành hương” của khu vực Đài Bắc. Chủ tiệm bán tranh thêu và đồ thờ Phật Đồng Chấn Hy (Tong Zhenxi) hồi tưởng lại: “Những người ghé thăm ngôi đền này vào đêm trước ngày sinh của thần Thành Hoàng còn đông đủ, náo nhiệt hơn rất nhiều so với lễ rước hành hương bà Thiên Hậu ở Bạch Sa Đồn, huyện Miêu Lật”. Tuy nhiên, mức độ sùng bái các vị thần ở khu phố Địch Hóa đã có sự thay đổi, vị thần được cúng bái đông nhất đã bị Nguyệt Lão của đền Thành Hoàng soán ngôi, Nguyệt Hạ Lão Nhân (ông lão dưới trăng) giúp mọi người se duyên, tạo nên những mối nhân duyên. Bà chủ một cửa tiệm gần đó cười nói “Nếu đến đây vào đúng dịp lễ Thất tịch (ngày 7/7 Âm lịch) hoặc vào lễ tình nhân thì nam giới sẽ xếp hàng dài đến tận đường Nam Kinh Tây, còn nữ giới xếp hàng kéo dài tới mãi đường Dân Sinh Tây”.
Trước tình hình này, Trưởng ban Tuyên truyền của đền Thành Hoàng Hà Hải Đài Bắc, ông Ngô Mạnh Hoàn (Titan Wu) trịnh trọng nói rằng: “Thần Thành Hoàng sẽ không ghen tị đâu, mà sẽ rất lấy làm vui. Cũng có một bạn đồng giới nam đến cầu nhân duyên được Thần Nguyệt Lão giúp đỡ đã đạt được ước nguyện, thậm chí chúng tôi còn rước Nguyệt Lão tới Nhật Bản tham gia nhiều lễ hội của Đài Loan”.
Góc nhìn của họa sĩ Quách Tuyết Hồ
Đối với ngôi đền Thành Hoàng Hà Hải trong bức tranh “Lễ hội ở phố Nam” của họa sĩ Quách Tuyết Hồ, có rất nhiều người suy đoán vị trí ông Quách Tuyết Hồ đã đứng để vẽ tranh nhưng kết quả lại rất khác nhau. Tuy nhiên, góc nhìn của bức tranh này rất đặc biệt. “Lễ hội ở phố Nam” khiến người xem dường như được ngắm từ trên cao xuống, nhưng khung cảnh ở đoạn trước của bức tranh thì lại là góc nhìn ở bên dưới nhìn về phía trước mặt”. Ông Ngô Thắng Văn cho rằng, khi phác họa khung cảnh tổng thể của khu phố, họa sĩ Quách Tuyết Hồ đã vẽ từ nhiều điểm phối cảnh khác nhau, kết hợp một cách khéo léo những cảnh phố phường được in đậm trong tâm trí ông với các độ sâu trường ảnh khác nhau, “giống như con người thời hiện đại vẽ bằng Photoshop vậy, rất có khả năng ông là người đầu tiên tại Đài Loan có thể thực hiện thao tác Photoshop trực tiếp ngay trong não”, ông Ngô Thắng Văn đã nói vui như vậy.
“Lễ hội ở phố Nam” phác họa nên ấn tượng của họa sĩ Quách Tuyết Hồ về sự sầm uất của Đại Đạo Trình. Để tạo bầu không khí đậm nét lễ hội, những kiến trúc trên phố Địch Hóa trong bức tranh đều đã được “cơi nới” cho cao thêm, toát lên một vẻ đầy khí phách. Còn thực tế, trên con phố Địch Hóa, hầu hết đều là nhà 2 tầng hoặc cao nhất cũng chỉ là 3 tầng. Ở góc trái phía dưới bức tranh có một bảng hiệu với nội dung “Tiên Công Quái” (tức “Quẻ Tiên Công”), chính là ngành nghề vốn có và vẫn được lưu giữ cho tới ngày nay của con phố Địch Hóa, tức là nơi xem ngày (xem bói) vào thời nay. “Các điểm xem bói rất quan trọng đối với các cửa tiệm ở khu vực Đại Đạo Trình, các chủ tiệm từ việc kết hôn, sinh con, đến xem ngày để cúng bái hay tiệm mới khi nào có thể khai trương, đều tin tưởng tuyệt đối vào các thầy bói, thậm chí cả số điện thoại di động cũng nhờ các thầy bấm cho số đẹp”, ông Ngô Thắng Văn cho biết.
Ngành nghề truyền thống của khu phố Địch Hóa vẫn còn đó nhưng đã có sự thay đổi về diện mạo và hình thái, đưa vào nhiều yếu tố sáng tạo văn hóa.
“Biệt đội siêu anh hùng” của một trăm năm trước
Trong bức tranh còn có thể nhìn thấy biển quảng cáo của bộ phim “Lửa cháy Hồng Liên tự” rất được yêu thích tại rạp chiếu phim Vĩnh Lạc Tọa (Yonglezuo) năm xưa. Vĩnh Lạc Tọa là rạp chiếu phim lớn ở khu phố Địch Hóa với 1.505 chỗ ngồi hạng sang. Bộ phim “Lửa cháy Hồng Liên tự” có thể được ví von giống như seri phim “Biệt đội siêu anh hùng” của thời bấy giờ, tập nào cũng kín chỗ, mỗi lần chiếu liền 3 tập. Ông Ngô Thắng Văn kể lại rằng, khi đó điện ảnh bùng nổ hơn bao giờ hết, các tờ báo thi nhau đưa tin, ví dụ như: “Đêm nào khán giả cũng ngồi chật kín, mức độ ưa chuộng cực kỳ cao”. Vào thời đó, khi các hiệu ứng bằng vi tính còn chưa ra đời, trong bộ phim “Lửa cháy Hồng Liên tự” đã xuất hiện những hiệu ứng đặc biệt như người có thể biến cho to lên hoặc nhỏ đi, lòng bàn tay có thể phát ra sấm sét hoặc miệng có thể thét ra thanh kiếm, vô cùng gây chấn động cho người xem.
Từ bức tranh “Lễ hội ở phố Nam” còn có thể quan sát thấy những hàng hóa thịnh hành và đặc sản Đài Loan thời trước. Ví dụ, người Nhật Bản sẽ mang về “nội địa” (mang về nước Nhật) những món quà tặng biếu đặc sắc của Đài Loan bao gồm đặc sản cao cấp, chuối, mũ cói Đại Giáp và hàng hóa của các tộc người thổ dân Đài Loan. Trên phố, những biển hiệu của các cửa tiệm cũng mọc lên san sát, nào là tiệm bán đồng hồ tượng trưng cho cuộc sống mới hiện đại, tiệm bán đồ ăn vặt, tiệm thuốc Bắc, tiệm bán vải vóc, hội thương nhân, hay tiệm bán dầu nhớt Mobil và tiệm bán bánh bông lan, v.v..., đã phác họa cảnh tượng phồn vinh của vô số ngành nghề thời bấy giờ. Trong bức tranh cũng có cả xe kéo tay, xe đạp, xe hơi, các biển báo giao thông, thậm chí nhìn thấy cả nắp cống trên đường, qua đó làm toát lên nét hiện đại về hạ tầng cơ sở của thành phố.
Đại Đạo Trình dấy lên phong trào đọc sách
Sau hàng trăm năm, Đại Đạo Trình vẫn chưa bao giờ trở nên lỗi thời.
Vào cuối năm 2022, trên phố Địch Hóa đột nhiên xuất hiện Hiệu sách Quách Di Mỹ (Kuo’s Astral Bookshop), kiến trúc nhà cổ kết hợp với cà phê và hàng vạn đầu sách, bỗng nhiên trở thành điểm check in rất hot cho những người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Bước vào Hiệu sách Quách Di Mỹ, với không gian khá lớn của hai căn nhà, được nối với nhau bằng giếng trời, phía trên giếng trời có một cầu thang đi lên tầng thượng, tạo cảm giác không gian vô cùng độc đáo. Phía bên trong hiệu sách sử dụng loại đèn có gam màu ấm thể hiện sự khiêm nhường kín đáo, kết hợp với những vật liệu xây dựng mộc mạc và cổ kính, toát lên một bầu không khí rất cổ xưa, khiến người ta chỉ cần ngồi xuống lập tức sẽ cảm thấy tâm trạng rất tĩnh lặng, trở thành một hiệu sách tinh tế khiến mọi người yêu thích.
Chi nhánh tại phố Địch Hóa, Đài Bắc của tiệm DoGa đã nắm bắt được sở thích của lớp trẻ, đến đây nhất định phải thử món bánh giòn tan có vị cay bán tới mức cháy hàng.
Dạo chơi tại Đại Đạo Trình
Quán cà phê “Fucoffee” mà ông Ngô Thắng Văn giới thiệu nằm trên con phố Quy Tuy (Guisui), là một quán cà phê theo phong cách thời kỳ Showa (Chiêu Hòa) của Nhật Bản. Đi cầu thang lên tầng 2 sẽ bắt gặp rất nhiều đồ cổ được sưu tầm trong ngôi quán này, ánh đèn màu hoàng hôn sẽ khiến tâm trạng lập tức trở nên hoài cổ, dường như được trở về với thời kỳ Showa vừa ấm áp nhưng cũng rất lạc quan. Bầu không khí cổ kính, cách bài trí nội thất tạo cảm giác gần gũi, chiếc đèn bàn kiểu khảm gốm sứ, trong ánh đèn màu vàng chanh nhẹ nhàng, uống một ly cà phê hoặc một tách trà, rồi ngồi tỉ tê dăm ba câu chuyện với bạn bè thì không còn gì là hợp hơn cả.
Chi nhánh cửa hàng DoGa tại phố Địch Hóa Đài Bắc lại là một điểm check in khác. Cửa tiệm này bán loại bánh ăn vặt giòn tan có vị cay cực kỳ hot trên mạng tới mức cháy hàng và cũng là mặt hàng xuất khẩu vô cùng được yêu thích. Lọt giữa khu phố Đại Đạo Trình cổ kính và có bề dày lịch sử này, DoGa giống như một cửa hàng thời trang hàng hiệu. Còn cửa tiệm in Bloom Together (Inlehua) - một thương hiệu sáng tạo văn hóa thì có thể cung cấp cho du khách những buổi học trải nghiệm in lụa và làm các tác phẩm nghệ thuật bằng phương pháp thủ công. Tới đây, ta có thể cảm nhận được nét đẹp thực thụ của nghệ thuật in hoa văn kiểu Đài Loan.
Bức tranh “Lễ hội ở phố Nam” của họa sĩ Quách Tuyết Hồ dường như đã làm ngưng đọng Đại Đạo Trình tại một khoảng không gian và thời gian, sự sầm uất và hưng thịnh của Đại Đạo Trình sau hàng trăm năm vẫn không hề thuyên giảm, tại đây có vô vàn những câu chuyện đang đợi bạn đến khám phá. Bạn có thể ghé thăm những cửa tiệm thời thượng, hoặc khám phá dinh thự của những người giàu có nằm ẩn mình trong ngõ sâu, đẩy cánh cửa quán, ngồi xuống nhâm nhi một ly cà phê, sẽ khơi dậy cảm xúc hoài cổ. Khi rời đi, bạn có thể mang theo đủ loại hương liệu và các vị thuốc Bắc. Khi về tới nhà, hãy tự hầm món canh tẩm bổ đặc biệt để cảm nhận tinh tế về một Đại Đạo Trình hòa quyện giữa cái mới và cái cũ.
Xem thêm