Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Hình ảnh quê hương dưới ngòi bút của Lão Chung Cảnh quan văn học của Long Đàm
2023-10-23

Lão Chung là nhà văn có số lượng tác phẩm phong phú, cũng là người tiên phong cho loại hình tiểu thuyết dài tập, loạt sách xếp trên kệ là tác phẩm “Chung Triệu Chính toàn tập” do Chính quyền thành phố Đào Viên phát hành.

Lão Chung là nhà văn có số lượng tác phẩm phong phú, cũng là người tiên phong cho loại hình tiểu thuyết dài tập, loạt sách xếp trên kệ là tác phẩm “Chung Triệu Chính toàn tập” do Chính quyền thành phố Đào Viên phát hành.
 

 Đối với nhiều người Đài Loan, cây hoa đậu lupin (tiếng Hoa là “hoa lỗ băng”) có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, lại đem đến cảm giác đặc biệt gần gũi thân thương. Nông dân trồng chè sẽ dùng cây hoa này làm cây phân xanh cho mùa đông. “Lỗ băng hoa” cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Chung Triệu Chính (Chung Chao-cheng, 1925-2020), trong đó miêu tả một chú bé có tài năng thiên bẩm về hội họa nhưng không được những người xung quanh thấu hiểu, đã không may mắc bệnh qua đời khi còn nhỏ tuổi. Năm 1989, tiểu thuyết này được cải biên thành kịch bản điện ảnh, trở thành ký ức chung của cả một thế hệ.

 

 Ông Chung Triệu Chính, tác giả của cuốn truyện “Lỗ băng hoa” (được giới văn học xưng hô thân mật bằng tên gọi “Lão Chung”) và nhà văn Diệp Thạch Đào (Yeh Shih-tao), tác giả cuốn “Đài Loan văn học sử cương”, được làng văn học Đài Loan vinh danh là “nam Diệp bắc Chung”. Quê hương ông Diệp Thạch Đào ở Đài Nam, còn ông Chung Triệu Chính thì quê ở khu Long Đàm (Longtan), một ngôi làng Khách Gia mộc mạc giản dị. Năm 2019, “Công viên đời sống văn học Chung Triệu Chính (Chung Chao-cheng Literary Park)” chính thức khai mạc với những cảnh quan văn học được quy hoạch dựa trên chủ đề về ông, trở thành một trong những điểm dừng chân khi ghé thăm những con phố ở Long Đàm.

 

Ông Chung Triệu Chính không chỉ nghĩ cho bản thân mình

 Trước khi bước vào “Công viên đời sống văn học Chung Triệu Chính”, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về Lão Chung.

 Theo sự mô tả của nhà văn Đông Phương Bạch (Dongfang Bai), ông Chung Triệu Chính được tôn vinh là “Người mẹ của văn học Đài Loan”. Trong cuốn truyện ký “Leo một ngọn núi: Chung Triệu Chính viết nên dòng lịch sử bằng chính cuộc đời mình” do Chung Diên Uy, con trai thứ hai của Chung Triệu Chính viết về cha mình đã diễn tả “Lão Chung cũng không phản đối gì lắm về cách gọi này, chỉ là thỉnh thoảng cũng có lẩm bẩm rằng mình rõ ràng là đàn ông, sao lại trở thành mẹ được nhỉ!”.

 Sở dĩ có được danh hiệu này cũng là nhờ Chung Triệu Chính cả đời cần cù sáng tác cho ra mắt vô số tác phẩm. Ông đã thực hiện hơn 20 triệu chữ viết tay, để lại những bộ tiểu thuyết bao gồm Tuyển tập “Dòng đục 3 tập”, Tuyển tập “Người Đài Loan 3 tập”, v.v... Ngoài ra, ông cũng tích cực dìu dắt những người đi sau, giới thiệu với các nhà văn tiền bối, đồng thời tham gia phong trào đẩy mạnh phục hưng ngôn ngữ và văn hóa Khách Gia. Trong tuyển tập bình luận văn học “Khi họ không viết tiểu thuyết”, tác giả Chu Hựu Huân (Chu Yu-hsun) đã đặt tiêu đề cho bài viết nói về nhà văn Chung Triệu Chính là “Bởi vì Chung Triệu Chính không chỉ nghĩ cho bản thân mình”, cách mô tả này vừa thú vị lại cũng rất thiết thực.

 Trong suốt cuộc đời mình, Lão Chung có thể thoải mái chuyển đổi sử dụng bốn thứ tiếng khác nhau gồm tiếng Khách Gia, tiếng Nhật, tiếng Mân Nam và tiếng Hoa, nhưng tiếng Hoa là loại ngôn ngữ mà ông thành thạo muộn nhất. Ông sinh ra vào thời kỳ Nhật Bản thống trị Đài Loan, năm 1945 thay đổi chính quyền, năm ấy khi 21 tuổi, ông mới bắt đầu đọc các loại sách Hán ngữ. Trải qua 6 năm chăm chỉ học tập, sau cùng đã thành công vượt rào cản ngôn ngữ, có thể sử dụng tiếng Hoa trôi chảy để viết văn và bắt đầu gửi bài viết đến các tòa soạn. Tuy nhiên, ông cũng đã nhiều lần vấp phải thất bại khi bản thảo bị gửi trả lại. Năm 1957, ông Chung Triệu Chính gửi bức thư đầu tiên từ quê Long Đàm, mời các nhà văn bản địa sáng lập tạp chí văn học “Thông tin Văn hữu”, tập hợp các nhà văn bản địa để cùng thảo luận các vấn đề và so tài về văn học nghệ thuật.

 Năm 1960, tiểu thuyết “Lỗ băng hoa” của Lão Chung đã thu hút sự chú ý của bà Lâm Hải Âm (Lin Hai-yin) khi đó là Phó tổng biên tập tờ báo “Liên Hợp” (United Daily News, UDN) và bắt đầu đăng tác phẩm này trên các số báo. Kể từ đó, ông đã ra sức cổ vũ những người yêu văn học đồng lòng hợp sức để tạo nên sân chơi văn học này. Nhiều tác giả đã được ông thúc giục gửi bản thảo, ví dụ cuốn truyện “Lãng đào sa” (A Cinematic Journey) của nhà văn Đông Phương Bạch, Tuyển tập “Đêm lạnh 3 tập” của nhà tiểu thuyết Lý Kiều (Lee Chiao), đều được hoàn tất nhờ sự đốc thúc và khích lệ của Lão Chung.

 Không những cổ vũ các nhà văn trẻ, Lão Chung cũng biên tập một tuyển tập dành cho các nhà văn bản địa, giới thiệu lại tác phẩm của các nhà văn tiền bối đến với độc giả. Nhà văn Chu Hựu Huân đã mô tả “Chiến lược vừa trườn mình tiến về phía trước để chiếm lĩnh sân khấu, nhưng ngay sau đó lại san sẻ sân khấu này cho nhiều nhà văn bản địa”, thì đó chính là vì Lão Chung không chỉ nghĩ cho riêng mình, khiến nhà văn Chu Hựu Huân đã đưa ra kết luận: “Dường như chỉ một mình ông ấy thôi là đã có thể xoay chuyển được lịch sử văn học rồi”.
 

Long Đàm xưa kia là khu vực sản xuất trà trọng điểm của Đài Loan, trong cuốn tiểu thuyết “Lỗ băng hoa”, nhà văn Chung Triệu Chính đã lấy câu chuyện của người nông dân trồng trà làm bối cảnh.

Long Đàm xưa kia là khu vực sản xuất trà trọng điểm của Đài Loan, trong cuốn tiểu thuyết “Lỗ băng hoa”, nhà văn Chung Triệu Chính đã lấy câu chuyện của người nông dân trồng trà làm bối cảnh.
 

Cái nôi để phát triển nền văn học Đài Loan sau chiến tranh

 Bước vào “Công viên đời sống văn học Chung Triệu Chính” nằm cạnh Trường tiểu học Long Đàm, nơi đây là ký túc xá kiểu Nhật vào thời ông Chung Triệu Chính làm giáo viên cho Trường tiểu học Long Đàm.

 Thái Tế Dân (Tsai Chi Min) vừa mới tốt nghiệp cao học đã tham gia ngay vào việc quy hoạch và điều hành “Công viên đời sống văn học Chung Triệu Chính”. Anh giới thiệu với chúng tôi rằng: “Từ năm 1956 cho tới năm 1967, Lão Chung đã sinh sống tại đây được 11 năm”. Tòa ký túc xá kiểu Nhật này được bảo tồn đến nay tổng cộng có ba ngôi nhà, ngôi nhà đầu tiên lấy truyện tiểu thuyết “Lỗ băng hoa” rất đỗi quen thuộc với mọi người làm chủ đề triển lãm; ngôi nhà thứ hai là gian triển lãm thường trực giới thiệu về ông Chung Triệu Chính, “Điểm lại tiểu sử khái quát về cuộc đời của Lão Chung, đồng thời lấy hình ảnh dòng sông làm ý tưởng thiết kế, để ví von tiểu thuyết của ông giống như một dòng sông lớn”.

 Lão Chung cũng có một biệt tài khác đó là viết chữ rất đẹp, bên trong triển lãm trưng bày những bản thư pháp quý báu của Lão Chung bằng công nghệ quét ảnh. Anh Thái Tế Dân chia sẻ rằng, có nhiều người từng đến xin chữ thư pháp của Lão Chung và ông chưa bao giờ từ chối.

 Ngôi nhà thứ ba mới chính là chỗ ở cũ của Lão Chung. Biển số nhà khi đó là “số 5 đường Nam Long”, tại đây Lão Chung đã từng sáng tác nhiều tác phẩm văn học quan trọng như “Lỗ băng hoa”, Tuyển tập “Dòng đục 3 tập”, v.v..., có thể nói nơi đây là “cái nôi để phát triển nền văn học Đài Loan sau chiến tranh”. Bên trong ngôi nhà cũ là chiếc bàn bằng gỗ bách giống chiếc bàn mà Lão Chung đã ngồi viết văn trong suốt cuộc đời mình. Chiếc bàn này do vợ ông, bà Trương Cửu Muội (Zhang Jiu-mei) mua bằng số tiền dành dụm được nhờ nuôi lợn và chim chóc.

 Ở bên cạnh còn trưng bày chiếc máy in rô-nê-ô do đơn vị phụ trách triển lãm mang đến. Vào thời bấy giờ, khi sáng lập tạp chí văn học “Thông tin Văn hữu”, ông Chung Triệu Chính đã tập hợp ý kiến của mọi người về các tác phẩm văn học, sau đó sử dụng khuôn tô và cách in rô-nê-ô để phát hành cuốn “Thông tin Văn hữu” gửi cho các hội viên, Hội đọc sách in đã được vận hành theo cách như vậy.

 

Hơi thở cuộc sống của khu phố

 Sau khi dạo hết một vòng khu vực ký túc xá, đi dọc theo đường Đông Long thì trước tiên sẽ gặp Giáo hội Trưởng lão Cơ Đốc Long Đàm. Gia tộc họ Chung có nhiều đời là tín đồ Cơ Đốc giáo, Lão Chung hay đi lễ nhà thờ tại đây từ thuở nhỏ. Ông đã viết trong cuốn truyện dài “Dưới ngọn tháp bát giác” rằng: “Nhà truyền giáo già có bộ râu sơn dương ấy, vẫn kể mãi những câu chuyện mà chúng tôi đã thuộc làu”. Đó là sự mô tả về nhà truyền giáo Chung Á Muội (Zhong Yamei), người đến truyền giáo sớm nhất ở khu Long Đàm. Tiếp tục đi về phía trước sẽ gặp ngôi đền Long Nguyên là trung tâm tín ngưỡng của cư dân địa phương, nơi thờ phụng Thần Nông Ngũ Cốc Đại Đế. Trong nhiều tác phẩm của mình, ông Chung Triệu Chính đều có viết về các lễ hội cúng tế vào các dịp Tết cổ truyền, Tết Nguyên tiêu, Rằm tháng 7 diễn ra tại đền Long Nguyên. Anh Thái Tế Dân cũng chia sẻ rằng: “Mặc dù nhiều đời của gia tộc họ Chung đều theo đạo Cơ Đốc nhưng vào dịp mừng đầy tháng cho ông Chung Triệu Chính, cha ông từng bày tiệc lưu động ở trước sân đền Long Nguyên để thết đãi họ hàng chòm xóm”.

 Các tuyến phố ở Long Đàm không rộng, mà dài và hẹp, với đường Long Nguyên chạy xuyên suốt, đây là “con phố cổ” trong con mắt cư dân địa phương. Người dân nơi đây chia đường Long Nguyên thành khu phố trên và khu phố dưới, lấy ngôi chợ Đệ nhất làm ranh giới, khu vực đi về phía Bắc theo hướng đền Long Nguyên là khu phố trên, còn đi về hướng hồ Long Đàm thì là khu phố dưới. Trong tác phẩm Tuyển tập “Người Đài Loan 3 tập” và Tuyển tập “Dòng đục 3 tập” đều có mô tả những cảnh quan của khu phố trên và khu phố dưới.

 Hoạt động thương mại ở khu phố trên diễn ra nhộn nhịp hơn, trên phố có tiệm tạp hóa “Cửa hiệu Long Hưng” đã hoạt động kinh doanh hơn 60 năm, cửa hàng bán đồ uống lạnh và sinh tố Tùng Ốc (Songwu) đã mở bán từ năm 1935, là nơi Lão Chung thường tới để tránh nóng khi còn trẻ, món đá bào nhuyễn mịn và nước chanh vắt mang hương vị xưa, là ký ức của vùng đất Long Đàm. Tiệm thuốc Bắc Nguyên Xuân vẫn giữ lại văn hóa xin xăm bốc quẻ để lấy đơn thuốc tại đền Long Nguyên, trong không gian tràn ngập mùi hương của thuốc Bắc. “Quán Hùng chuyên bán mì nội tạng bò (Niurou Xiong)” lâu đời nằm đối diện với đền Long Nguyên là một trong những quán ăn ưa chuộng của Lão Chung, ông thường xuyên đưa bạn bè tới ủng hộ.

 Anh Thái Tế Dân giới thiệu rất cặn kẽ, dẫn chúng tôi đi tìm hiểu khu phố mang đậm hơi thở cuộc sống này, cũng là khu vực mà Lão Chung thường hay ghé thăm lúc sinh thời. Sau đó tiếp tục rẽ vào ngôi chợ Đệ Nhất, là điểm ranh giới phân chia khu phố trên và khu phố dưới, tại đây từng xảy ra đám cháy dẫn tới suy tàn. Năm 2016, địa phương phát động kế hoạch đổi mới, đưa nhiều thương hiệu sáng tạo mới vào, trở thành trung tâm sáng tạo cho đường Lăng Đàm, giúp địa phương thắp lên ngọn lửa sáng tạo, nhiều đối tác sáng tạo nằm trên con phố Lăng Đàm cũng từng chứng kiến sự cổ vũ của Lão Chung.
 

Đền Long Nguyên là trung tâm tín ngưỡng của Long Đàm, thờ phụng Thần Nông Ngũ Cốc Đại Đế, trong nhiều tác phẩm văn học của Lão Chung đều có giới thiệu lễ hội cúng tế diễn ra trong các dịp Tết cổ truyền, Tết Nguyên tiêu và Rằm tháng 7 ở địa phương.

Đền Long Nguyên là trung tâm tín ngưỡng của Long Đàm, thờ phụng Thần Nông Ngũ Cốc Đại Đế, trong nhiều tác phẩm văn học của Lão Chung đều có giới thiệu lễ hội cúng tế diễn ra trong các dịp Tết cổ truyền, Tết Nguyên tiêu và Rằm tháng 7 ở địa phương.
 

Cảnh quan quê hương

 Quay trở lại Trường tiểu học Long Đàm, anh Thái Tế Dân chỉ về một lối đi tắt nằm đối diện với cổng trường, “Đây là con hẻm cũ để học sinh đi đến trường, trước đây là con đường mà Lão Chung đi làm hàng ngày”.

 Ngày xưa, những lúc Lão Chung không viết lách, đọc tiểu thuyết thì ông sẽ đắm mình trong rạp chiếu bóng để xem phim. Tại rạp chiếu phim gần đó, nay đã nghỉ hoạt động, những khi có bạn bè tới tìm ông thì sẽ nhờ rạp chiếu phim chiếu lên màn ảnh dòng tin nhắn “Lão Chung, có người ở bên ngoài tìm ông". Vì quá nhiều lần có người để lại lời nhắn, nên rạp chiếu phim đã giữ lại tấm kính ghi lời nhắn đó để dùng, không viết lại nữa. Nhiều nhà văn như Trần Ánh Chân (Chen Ying-zhen), Lý Kiều cũng từng đến rạp chiếu phim để tìm Lão Chung.

 Đi bộ thêm chừng vài phút sẽ tới hồ Long Đàm, tầm nhìn cũng được mở rộng ra theo cảnh quan xung quanh. Sở dĩ có tên gọi Long Đàm chính là vì vùng này có một cái hồ, vào thời xưa trong hồ mọc đầy những cây ấu dại, vì thế còn có tên gọi là “Lăng Đàm Pha” (tức “Dốc cây ấu”), hay người địa phương còn gọi là “Linh Đàm Pha” (có ý nghĩa là “Dốc đầm thiêng”). Trong tác phẩm tiểu thuyết “Linh Đàm Hận” của ông Chung Triệu Chính, hồ Long Đàm là khung cảnh chính trong câu chuyện.

 Từ hồ phóng mắt về hướng tây sẽ thấy “núi Nhũ Cô” (Rugu) thường xuất hiện dưới ngòi bút của Chung Triệu Chính, đó là ngọn núi Mẹ của người dân Long Đàm. Anh Thái Tế Dân giải thích rằng, khi cư dân Long Đàm nhìn thấy ngọn núi Nhũ Cô sẽ giống như cư dân Nghi Lan nhìn thấy Đảo Quy Sơn (Guishandao) vậy, đối với những người xa quê khi từ xa thấy thấp thoáng dáng núi tuyệt đẹp ấy là biết rằng mình đã về đến nhà.

 Sau cùng anh Thái Tế Dân dẫn chúng tôi đến bến Long Đàm của hãng xe khách Hsinchu Bus nằm trên đường Bắc Long. Ở Long Đàm không có xe lửa đi qua, tuyến giao thông nối với bên ngoài đều phải nhờ vào phương tiện xe khách. Ngày xưa, mỗi lần Lão Chung muốn đến các huyện thị khác, trước tiên phải đi xe khách đến ga xe lửa Trung Lịch, sau đó chuyển sang đi xe lửa để đi ra bên ngoài. Có thể tưởng tượng ra cảnh thời trước, chẳng hạn như nhà văn Ngô Trọc Lưu mỗi khi tới tìm Lão Chung đều xuống xe tại đây, được Lão Chung đưa đi ăn mì thịt bò, tới ký túc xá bàn chuyện văn học.

 Vai trò và ý nghĩa của Long Đàm đối với Chung Triệu Chính cũng giống như vai trò và ý nghĩa của Chung Triệu Chính đối với nền văn học Đài Loan. “Vì có Chung Triệu Chính, Long Đàm trở thành cảnh quan văn học không thể xóa nhòa trong lịch sử văn học Đài Loan”, câu nói trên của người giám tuyển nghệ thuật Công viên đời sống văn học Chung Triệu Chính là lời chú giải hay nhất cho chuyến thăm lần này.

 

Xem thêm

Hình ảnh quê hương dưới ngòi bút của Lão Chung Cảnh quan văn học của Long Đàm