Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Viên gạch nhỏ mang ý nghĩa lịch sử to lớn “Tâm tình gạch sứ” của học giả Horigome Kenji
2023-12-11

Việc tình cờ bắt gặp gạch sứ Majolica tại Đài Loan đã khiến ông Horigome Kenji dấn thân vào chặng đường nghiên cứu.

Việc tình cờ bắt gặp gạch sứ Majolica tại Đài Loan đã khiến ông Horigome Kenji dấn thân vào chặng đường nghiên cứu.
 

 Trong những năm gần đây, phong trào “quan sát khám phá phố phường” trở nên rất “hot”, với rất nhiều các hoạt động đi bộ để thăm thú tìm hiểu, tập trung ánh nhìn vào những điều bình dị thường thấy hằng ngày, để thử tìm kiếm những điều kỳ diệu ẩn mình trên những con phố, ví dụ như một bức quảng cáo, một tấm biển hiệu, một góc ngôi nhà đều toát lên những thăng trầm của thời đại. Những điều được thể hiện ở đây không phải là “một giá trị lịch sử to lớn”, mà chính là một “tiểu thời đại” được nhìn thấy qua những dấu ấn bình dị nhỏ bé, từ đó khám phá thêm nhiều điều chưa được biết đến, phát hiện ra phong cảnh văn hóa độc đáo của Đài Loan từ những chi tiết nhỏ.

 

 Bức tường lớn phía ngoài một công trình kiến trúc được trang trí bằng gạch sứ là mấu chốt tạo nên dáng vẻ cho kiến trúc đó. Với nghề thủ công mỹ nghệ và sự thịnh hành của các thời đại, gạch sứ của từng thời kỳ đều ẩn chứa những câu chuyện bất tận. Học giả người Nhật Bản về lĩnh vực kiến trúc đã định cư tại Đài Loan nhiều năm, ông Horigome Kenji đã tìm kiếm và xâu chuỗi những tài liệu liên quan, kết nối Đài Loan và Nhật Bản, kể lại câu chuyện hàng trăm năm của Đài Loan ẩn chứa trong từng viên gạch sứ. 

 

Trả lại tên gọi chính thống cho gạch

 Gần như đã về hưu nhưng ông Horigome Kenji vẫn giảng dạy bán thời gian tại Viện Nghiên cứu Lịch sử nghệ thuật, Đại học Quốc gia Đài Loan và vẫn giữ tinh thần nghiên cứu của một học giả, vừa ngồi xuống ông liền nói ngay rằng, phải đính chính tên gọi cho đúng. “Loại gạch hiện nay tại Đài Loan được gọi là gạch hoa, tên gọi chính thức của nó phải là “Majolica Tile” (Gạch sứ Majolica), đa số do Nhật Bản sản xuất”.

 “Tôi tốt nghiệp khoa kiến trúc, đi học trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1970, thời kỳ đó rất thịnh hành kiểu kiến trúc hiện đại, kiến trúc modern. Thầy giáo của tôi khi đó thường nói không gian quan trọng hơn, còn trang trí mặt ngoài không quá quan trọng, chính điều này đã khiến tôi không mấy thích thú với những kiến trúc được trang trí quá nhiều. Mãi cho tới khi đến Đài Loan, tôi mới phát hiện ra rằng phần trang trí của kiến trúc cũng rất quan trọng”, ông vừa cười vừa nói với vẻ hơi ngượng ngùng.

 Hơn 30 năm trước, ông Horigome Kenji được mời đến Đại học Quốc gia Đài Loan làm giáo sư thỉnh giảng. Trong một dịp tình cờ, ông đã phát hiện thấy hai viên gạch sứ Majolica ở một tiệm đồ cổ gần trường. Ông lật ra phía sau thì thấy dòng chữ “Made in Japan”, vì vậy đã gợi lên sự tò mò, khiến ông bắt đầu sưu tầm gạch sứ Majolica. Những thông tin ở mặt sau của những viên gạch sứ như nước sản xuất, niên đại, mã số đăng ký thiết kế đã tiết lộ “thân thế” của từng viên gạch sứ. Những thông tin này là manh mối âm thầm ẩn kín trong công trình kiến trúc, rất có ích cho việc khôi phục và bảo tồn, tái sử dụng những tài sản văn hóa.
 

Nhà thờ Jinan được xây dựng vào năm 1916, nguyên là Nhà thờ Taihoku Saiwai, Đài Bắc, là kiến trúc gạch mộc tiêu chuẩn, hiện đã được chỉ định là di tích cổ.

Nhà thờ Jinan được xây dựng vào năm 1916, nguyên là Nhà thờ Taihoku Saiwai, Đài Bắc, là kiến trúc gạch mộc tiêu chuẩn, hiện đã được chỉ định là di tích cổ.
 

Vật liệu trang trí có tính chất thay thế

 Loại gạch sứ Majolica thường được dùng để trang trí nhà cổ xây bằng gạch mộc đỏ ở Đài Loan lại rất hiếm gặp ở Nhật Bản. Theo ông phân tích, nhà ở của Nhật Bản chủ yếu có khung kết cấu gỗ và làm bằng đất nên không có quá nhiều màu sắc, vì vậy ở Nhật những viên gạch sứ Majolica sặc sỡ nhiều màu không có đất “dụng võ”. Ngược lại, ở các ngôi nhà cổ Đài Loan, thứ nhất là gạch sứ có thể dễ dàng dán lên trên những viên gạch mộc đỏ, ngoài ra thì người Đài Loan cũng rất thích trang trí cho bức tường ngoài trời, có một chút “khoe khoang nhẹ”.

 “Gạch sứ Majolica có thể nói là vật liệu trang trí thay thế”. Ông Horigome Kenji giải thích rằng, thời trước, dinh thự của những gia đình giàu có ở Đài Loan thường được trang trí bằng sứ Giao Chỉ hoặc gốm sứ ghép mảnh kiểu mosaic. Sau khi gạch sứ Majolica xuất hiện, hiệu quả của nó cũng tương tự như sứ Giao Chỉ và gốm sứ mosaic, nhưng vì dễ thi công hơn nên đã khiến gạch sứ Majolica trở thành “con cưng mới” cho những ngôi nhà dân ở Đài Loan.

 

Từ gạch mộc đến gạch sứ

 “Gạch sứ hiện đại chính là sản vật được hình thành do làm mỏng gạch mộc”. Ông Horigome Kenji cho biết, để nghiên cứu chi tiết về lịch sử phát triển của gạch sứ hiện đại thì phải quay về với những kiến trúc gạch đỏ (gạch mộc). Kiến trúc gạch mộc của Nhật Bản bắt đầu thịnh hành từ khoảng năm đầu của thời kỳ Minh Trị (thời đại Meiji, năm 1868), sau đó trào lưu này cũng theo các kiến trúc sư Nhật Bản du nhập vào Đài Loan. Vào đầu thế kỷ 20, rất nhiều kiến trúc công cộng của Đài Loan đều được xây bằng gạch mộc đỏ. Tuy nhiên, ông Horigome Kenji muốn chúng ta phân biệt rõ, các địa điểm hiện tại gồm Công ty Rượu bia và Thuốc lá Đài Loan (nguyên là Cục Kiểm soát độc quyền sản phẩm của Phủ Tổng đốc Đài Loan, được xây dựng vào năm 1913), Nhà thờ Jinan (nguyên là Nhà thờ Taihoku Saiwai, Đài Bắc, được xây dựng vào năm 1916) chính là những kiến trúc gạch mộc tiêu chuẩn. Ông giải thích, thời đó vì để tạo hình thức cho các công trình kiến trúc, công nhân xây dựng sẽ chọn dùng những viên gạch mộc có chất lượng tốt một chút (tức gạch có bề mặt nhẵn nhụi trơn bóng) để xây ở mặt ngoài của kiến trúc, thời kỳ này gạch mộc được xây theo cách xếp chồng lên nhau. Nhưng nếu chúng ta quan sát kỹ hơn tường ngoài trời của các công trình kiến trúc như ga xe lửa Đài Trung (xây dựng năm 1917), Phủ Tổng thống (nguyên là Phủ Tổng đốc Đài Loan, được xây dựng vào năm 1919) thì trước hết sẽ dùng gạch mộc để xây thành khung kết cấu trước, rồi sau đó mới cho dán “gạch sứ viên nhỏ màu đỏ” (gạch sứ có kích cỡ bằng gạch mộc đỏ) lên trên bề mặt, qua đó cũng thấy được lịch sử phát triển khiến gạch sứ trở nên mỏng dần, phương pháp thi công cũng chuyển thành dán lên trên bề mặt của công trình kiến trúc.
 

Phủ Tổng thống được xây dựng vào năm 1919, nguyên là Phủ Tổng đốc Đài Loan, trên đó dược dán “gạch sứ viên nhỏ màu đỏ” (gạch sứ có kích cỡ bằng gạch mộc đỏ).

Phủ Tổng thống được xây dựng vào năm 1919, nguyên là Phủ Tổng đốc Đài Loan, trên đó dược dán “gạch sứ viên nhỏ màu đỏ” (gạch sứ có kích cỡ bằng gạch mộc đỏ).
 

Màu sắc thịnh hành của thành thị

 Trận động đất lớn ở Kanto năm 1923 đã phá hủy rất nhiều kiến trúc gạch mộc có tính tượng trưng cho thời kỳ cận đại hóa kể từ thời kỳ Minh Trị (thời đại Meiji). Vì vậy, các công trình kiến trúc có xu hướng chuyển sang xây dựng kết cấu bê tông cốt thép (R.C). “Nhưng kiến trúc bằng kết cấu R.C có khuyết điểm là lớp ngoài sẽ hút nước, cần phải tăng cường bảo vệ, do đó các kiến trúc sư đã nghĩ ngay đến việc dùng gạch sứ”, ông Horigome Kenji cho biết. Trải qua trận động đất ở Kanto, mọi người đều cảm thấy màu đỏ là màu của quá khứ, vì vậy gạch sứ bắt đầu xuất hiện nhiều màu sắc như màu cà phê, màu vàng, màu trắng, thậm chí cả màu xanh lục, xanh lục nhạt, đồng thời dựa trên kỹ thuật sản xuất để phát triển ra các loại gạch sứ như gạch sứ Scratch (gạch sứ kiểu vết cào), gạch sứ mặt thô, gạch sứ mặt rãnh (Đài Loan còn gọi là “gạch 13 rãnh”), gạch sứ Tapestry và gạch sứ Terra Cotta. Trào lưu này cũng đã du nhập vào Đài Loan, len lỏi tới khắp các thành thị.

 Trên những bức tường ngoài trời của các công trình kiến trúc theo phong cách cận đại xuất hiện vào những năm cuối của thời kỳ Minh Trị, ta thường thấy những loại gạch sứ màu vàng lục, màu xanh lá, màu lam xám hoặc màu lục xám, ở Đài Loan được gọi là “gạch sứ màu rằn ri”, nhưng ông Horigome Kenji nghiên cứu hiệu quả tạo màu rằn ri này chủ yếu là do sự biến đổi độ sáng tối, cả một tòa nhà dùng gạch màu “rằn ri” để ngụy trang thực ra hiệu quả rất hạn chế, “Tôi cho rằng đó không phải là màu rằn ri, mà là màu thịnh hành vào thời đó. Trong khi đó trào lưu kiến trúc của Đài Loan chịu ảnh hưởng từ Nhật Bản, còn Nhật Bản thì lại bị ảnh hưởng bởi phong cách kiến trúc kiểu cận đại của Mỹ”.

 

Hành trình kỳ thú của vật liệu xây dựng 

 Từ trong số gạch sứ mà mình sưu tầm được, ông Horigome Kenji cầm lên một viên gạch lát sàn có “thân thế phi phàm”. Đây là viên gạch lát sàn lấy từ hành lang của phòng khám nha khoa Chiu Sheng trên phố Nhân Ái (Ren’ai), khu Tam Hiệp (Sanxia) thành phố Tân Bắc. Khi phỏng vấn ông Trần Trung Châu (Chen Zhongzhou), giám đốc đời thứ hai của phòng khám Chiu Sheng, ông được biết, vào năm đó phòng khám Chiu Sheng có kế hoạch mở rộng, nhưng khi đó (năm cuối của thời kỳ Đại Chính - thời đại Taisho), Đài Loan đang trong tình trạng thiếu nguyên vật liệu xây dựng, vì vậy giám đốc phòng khám Chiu Sheng đời thứ nhất-ông Trần Văn Tán (Chen Wenzan) đã dự thầu để mua lại kiến trúc sắp được dỡ bỏ, tận dụng vật liệu xây dựng cũ. Đó là một tòa kiến trúc thuộc “Dinh thự quan chức dân chính” nằm ở vị trí ở giữa Phủ Tổng thống và Nhà khách Đài Bắc thời nay, được dỡ bỏ vào năm 1923.

 “Vào thời điểm đó, khi nguồn tài nguyên được trân trọng, việc tái sử dụng những vật liệu xây dựng cũ đã tháo dỡ là hiện tượng hết sức bình thường”.

 Lô gạch lát sàn với “xuất thân huyền thoại” này (khoảng hơn 800 viên), đã được ông Horigome Kenji sắp xếp và đăng trên bài viết: “Kiểu dáng và lịch sử của “Gạch lát sàn in hoa văn” tại phòng khám Chiu Sheng ở Sanxia - Đài Loan”, trong đó ông lấy gạch Nhật Bản làm điểm dẫn dắt, viện dẫn những tài liệu liên quan, khảo cứu về việc lô gạch lát sàn này là mẫu mã kiểu dáng cổ xưa trước khi Nhật Bản chịu ảnh hưởng từ gạch sứ của Tây Âu, suy đoán được du nhập vào Đài Loan khoảng những năm đầu thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan. Nếu xét theo hai đặc điểm gồm niên đại và độ hiếm gặp tại Nhật Bản thì đây là tài sản văn hóa vô cùng quý giá. Nhưng ông cũng nêu rõ, vì những viên gạch sứ được gắn trên các công trình kiến trúc, cho nên khi những kiến trúc biến mất thì vận mệnh của gạch sứ cũng chấm dứt.
 

Bưu điện Đài Bắc được xây dựng vào năm 1930, tường ngoài trời sử dụng “gạch sứ mặt rãnh” màu vàng đất, Đài Loan thường gọi là “gạch 13 rãnh”.

Bưu điện Đài Bắc được xây dựng vào năm 1930, tường ngoài trời sử dụng “gạch sứ mặt rãnh” màu vàng đất, Đài Loan thường gọi là “gạch 13 rãnh”.
 

Quan sát lịch sử thế giới qua những viên gạch sứ

 Gạch Majolica bắt nguồn từ đồ gốm và gạch sứ của Hồi giáo, sau đó phát triển ra các nước, tạo ảnh hưởng cho các quốc gia như Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan và Pháp, khiến các nước này cũng đã phát triển văn hóa gạch sứ của riêng mình. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 16 nó được du nhập vào nước Anh, ngoài ra do cuộc cách mạng công nghiệp được mở màn từ Anh nên cũng tạo ảnh hưởng cho cuộc cách mạng kỹ thuật về sản xuất gạch sứ Majolica và phát triển ra loại “gạch sứ Victoria” của Anh, đã làm mưa làm gió trên thị trường.

 Gạch Victoria được du nhập vào Nhật Bản từ cuối thời Mạc phủ Edo (1603-1867) đến đầu thời kỳ Minh Trị (1868-1912), các thợ làm gạch của Nhật Bản bắt đầu sử dụng gạch Victoria làm mẫu để nghiên cứu phát triển. Đến đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã phát triển công nghệ sản xuất gạch tạo hình khô, chất lượng và kỹ thuật có sự tiến bộ vượt bậc, đồng thời bắt đầu sản xuất và xuất khẩu gạch sứ Majolica vào khoảng năm 1920.

 Thị trường tiêu thụ là các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Ông Horigome Kenji suy đoán: “Có đến hơn 90% gạch sứ Majolica trong các công trình nhà ở của Đài Loan đều là do Nhật Bản sản xuất, sở dĩ như vậy là vì Đài Loan từng là thuộc địa của Nhật”. Công ty Nhật Bản đã dựa trên nhu cầu của nước sở tại để sản xuất ra gạch sứ Majolica theo phong cách bản địa. Ví dụ, tại Đài Loan thường thấy loại gạch này có hình các biểu tượng may mắn, hình rau quả ..., còn gạch xuất sang Ấn Độ thì sẽ có ký tự tiếng Phạn hoặc hình những vị thần Ấn Độ.

 Câu chuyện về một viên gạch nho nhỏ khiến chúng ta dường như được trải qua một quá trình toàn cầu hóa của thị trường. Kỹ thuật sản xuất gạch sứ kết hợp với ưu thế về công nghiệp của nước Anh đã tạo ra một trào lưu phổ biến trên thị trường. Nhật Bản đi sau một bước, sau khi trải qua quá trình mô phỏng, nỗ lực nghiên cứu, đã phát triển ra loại gạch sứ có chất lượng tương đương, đồng thời cũng thông qua lợi thế về địa lý và thuộc địa hóa để xuất khẩu sang các quốc gia khác. Đài Loan là điểm đến đầu tiên của gạch sứ Majolica Nhật Bản xuất khẩu, biến những viên gạch sứ Majolica đến từ một quốc gia khác trở thành khung cảnh đẹp trên mái nhà và mặt tiền của những ngôi nhà Đài Loan.

 Chỉ một viên gạch sứ nhỏ đã ghép nên những bức tranh phong cảnh khác nhau cho chốn thành thị và đã kết nối nhiều quốc gia với nhau như Nhật Bản, Đài Loan, Đông Nam Á, Trung Quốc, Anh và các nước khác ở châu Âu. Nếu không đi sâu tìm hiểu, làm sao có thể khám phá được lịch sử thông qua các “vật dụng” và gắn kết thế giới thành một gia đình, khiến người ta có cảm giác không muốn khép lại câu chuyện dường như bất tận này.

 

Xem thêm

Viên gạch nhỏ mang ý nghĩa lịch sử to lớn “Tâm tình gạch sứ” của học giả Horigome Kenji