Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Niềm hạnh phúc bắt đầu từ một ngày mới Bạn đã ăn sáng chưa?
2024-03-11

Sự chọn lựa bữa ăn sáng của Đài Loan rất phong phú đa dạng, thậm chí ngay từ sáng sớm đã có thể ăn rất thịnh soạn.

Sự chọn lựa bữa ăn sáng của Đài Loan rất phong phú đa dạng, thậm chí ngay từ sáng sớm đã có thể ăn rất thịnh soạn.
 

 Nếu bạn hỏi người Đài Loan “Bữa sáng ăn gì?” thì trong 100 người sẽ có 101 câu trả lời khác nhau. Nào là món ăn kiểu Đài Loan như mì trộn, bánh ú chay, cháo cá sữa, bún, cháo trắng kết hợp với các món ăn kèm, cũng có thể là món ăn kiểu Trung Hoa như bánh nướng kẹp với dầu cháo quẩy, sữa đậu nành, cơm nắm, bánh trứng cuộn, hoặc các món ăn kiểu Âu như hamburger, bánh mì sandwich, mì xào Teppanyaki và trà sữa v.v..., sự rắc rối nhưng tràn đầy hạnh phúc này khiến mọi người ngay từ sáng sớm là đã gặp khó khăn trong việc lựa chọn.

 

 Vào thời kỳ thực dân Nhật cai trị đảo Đài Loan, trong các bữa ăn sáng của người Đài Loan đa phần đều ăn cháo trắng với các món ăn kèm. Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, đối với gia quyến của những quân nhân di cư đến Đài Loan từ nhiều tỉnh khác nhau của Trung Quốc, vì để mưu sinh họ đã vận dụng phát huy tay nghề chế biến thức ăn từ bột mì, để làm ra những món ăn như sữa đậu nành, bánh nướng, dầu cháo quẩy để góp thêm vào bữa ăn của người Đài Loan.    

 Năm 1981, quán ăn sáng theo kiểu Âu “Mei & Mei” đầu tiên được ra đời tại Đài Loan, năm 1984 nhà hàng McDonald’s gia nhập thị trường Đài Loan, việc áp dụng quy trình thao tác chuẩn SOP để chế biến thực phẩm của chuỗi cửa hàng này, đã thúc đẩy nhiều quán ăn sáng kiểu Âu lần lượt ra đời, khiến hamburger, bánh mì sandwich, trà sữa và cà phê trở thành những món ăn phổ biến trong bữa ăn sáng.

 Cộng thêm tại mỗi một huyện thị đều sở hữu hương vị đặc trưng riêng, như người Đài Trung khi ăn sáng sẽ ăn món súp mì sợi to, ở Gia Nghĩa thì ăn cơm thịt gà Tây, trong bữa sáng của người Chương Hóa sẽ không thể thiếu món cơm thịt kho. Ngoài ra bữa sáng cũng gắn liền với các sản vật của địa phương. Sở dĩ trong bữa ăn sáng của người Đài Nam có món canh thịt bò tươi là do lợi thế về nơi sản xuất. Vào thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan, khu vực Thiện Hóa (Shanhua) là chợ mua bán trâu bò lớn nhất Đài Loan, độ tươi ngon của thịt bò tại đây không chê vào đâu được, hương vị của nước dùng thực sự mới là điều mà các quán phải cạnh tranh nhau. Ngoài ra Đài Nam còn được gọi là “quê hương của cá sữa”, món cháo cá sữa là món ăn thường ngày của người Đài Nam. 

 “Bất kỳ loại thức ăn nào cũng đều có thể dùng cho bữa ăn sáng, đây là điều thú vị của Đài Loan”. Cô Hứa Gia Lân (Hsu Chia-ling), Chủ nhiệm Quỹ Văn hóa Ẩm thực Trung Hoa Tài đoàn pháp nhân, cho biết.
 

Ông chủ hàng cháo Lý Chấn Minh 85 tuổi, bắt đầu dậy từ lúc 4 giờ rưỡi sáng để ninh nước dùng, cho đến nay ông vẫn cầm chiếc muôi đứng bên cạnh bếp, đảm bảo vị ngon cho từng tô cháo.

Ông chủ hàng cháo Lý Chấn Minh 85 tuổi, bắt đầu dậy từ lúc 4 giờ rưỡi sáng để ninh nước dùng, cho đến nay ông vẫn cầm chiếc muôi đứng bên cạnh bếp, đảm bảo vị ngon cho từng tô cháo.
 

Nhanh chóng, tiện lợi, thắm đượm tình người

 “Nhiều học giả nghiên cứu ẩm thực chỉ ra rằng, so với các nước châu Á khác, Đài Loan có tỷ lệ đi ăn sáng ở ngoài khá cao”. Cô Hứa Gia Lân cho biết. Theo các nghiên cứu liên quan chỉ ra rằng, vào thập kỷ 1980 phong trào ăn sáng bên ngoài đã trở thành chuyện thường tình trong sinh hoạt thường nhật của người Đài Loan, do tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động đã tăng cao, cũng như số lượng gia đình cả vợ và chồng đều đi làm cũng gia tăng, khiến nhiều gia đình vốn tự làm bữa ăn sáng tại nhà đã thay đổi hành vi tiêu dùng, vô số những quán bán đồ ăn sáng kiểu Âu mọc lên như nấm đã cung cấp thêm một hình thức lựa chọn mới vừa “nhanh chóng” vừa “tiện lợi”.

 Ông Thái Quốc Hiến (Louis KH.Tsai), Giám đốc quản lý thương hiệu của chuỗi cửa hàng ăn sáng My Warm Day (MWD) phân tích rằng, những người đến ăn sáng phần đông là khách quen và hàng xóm, hàng ngày họ gọi món đều na ná nhau, vì thế, bà dì phục vụ tại quán ăn sáng rất dễ ghi nhớ sở thích của từng khách hàng, sẽ chuẩn bị đúng món mà khách hàng thích. “Như vậy sẽ khiến khách hàng cảm thấy mình rất đặc biệt, khác hẳn mọi người, thắm đượm tình người nồng hậu”. Ông Thái Quốc Hiến cho biết.

 

Món cháo cá không tên trên đường Tân Hưng - Đài Nam

 Món cháo cá không tên của quán bán đồ ăn sáng nằm cạnh ngôi đền Tam Quan Đại Đế tọa lạc ở khu Nam thành phố Đài Nam, phục vụ cho người dân địa phương đã hơn 40 năm. Chủ hàng cháo Lý Chấn Minh (Li Zhenming) bắt đầu thức dậy từ lúc 4 giờ rưỡi sáng, ông bật bếp ga lên, trước tiên sử dụng xương cá sữa ninh nước xương, tiếp theo sẽ nấu bụng cá, luộc da cá và hàu, cứ thế lúi húi bận rộn bên chiếc bếp đến chừng 6 giờ 10 phút mới bắt đầu mở hàng.

 Khai trương từ năm 1976, “Quán nhà tôi có lẽ là hàng cháo cá sữa thứ hai ở Đài Nam, hàng cháo cá sữa đầu tiên là ở Thạch Tinh Cữu (Shi Jing Ju)”. Ông Lý Chấn Minh cho biết. Bảng thực đơn treo trên tường chỉ ghi vài món đơn giản gồm có cháo cá, cháo da cá, cháo da cá với hàu, đều là sản phẩm địa phương của Đài Nam.

 Bà chủ hàng cháo Lý Thái Mỹ Vân (Li Cai Meiyun) giải thích rằng, nước dùng được nấu mỗi ngày, phải mất trên nửa tiếng đồng hồ để ninh hơn 10 cân Đài (1 cân Đài = 600 gram) xương cá, “Nước dùng của chúng tôi có vị ngọt tự nhiên, và thêm canh miễn phí cho khách hàng”. Ngoài ra, gạo dùng để nấu cháo cá cũng được chọn lựa kỹ càng, chỉ sử dụng giống gạo Indica (zailaimi) hạt dài mới nấu lâu được.

 Hầu hết những người lui tới hàng cháo đều là khách quen, những người lớn tuổi sau khi ngồi xuống bàn mới nói vọng ra để gọi món, ví dụ “cho một bát da cá với hàu”, “cho hai tô cháo, cháo nhớ nhiều một chút nhé”, “cháo cá phải có xương nhé”. Sau khi nghe thấy khách gọi món, ông Lý Chấn Minh sẽ gạt lấy vài con hàu từ đĩa vào tô, khống chế độ chín của da cá và bụng cá trên bếp, múc một muôi cháo đổ vào tô, rồi rắc hạt tiêu trắng và rau cần tây xắt nhỏ lên trên, bưng ra bàn cho khách, với tô cháo như vậy là nghi thức bắt đầu một ngày mới của rất nhiều người Đài Nam.
 

Cơ nghiệp bánh ú chay nhà họ Trịnh được truyền đến đời thứ 3, cô Trịnh Bái Tình (người đứng ở giữa) luôn tất bật bận rộn, để hương vị thơm ngon có thể tiếp tục được kế thừa.

Cơ nghiệp bánh ú chay nhà họ Trịnh được truyền đến đời thứ 3, cô Trịnh Bái Tình (người đứng ở giữa) luôn tất bật bận rộn, để hương vị thơm ngon có thể tiếp tục được kế thừa.
 

Bánh ú chay nhà họ Trịnh ở trước cổng Chùa Sa Đào – Đài Nam

 Vào lúc 5 giờ rưỡi sáng, tại hàng bánh ú chay “chhài-chàng” (tiếng Đài) nhà họ Trịnh ở trước cổng Chùa Sa Đào (Shatao) thuộc khu Trung Tây - Đài Nam, cả 3 người của gia đình chủ quán cùng nhau chào đón khách, bóc lá bánh, rưới nước sốt đặc biệt và một ít dầu mè thơm ngậy lên trên bánh ú, rồi bưng tiếp lên một bát canh miso bằng động tác nhanh gọn, liền mạch.

 Hàng bánh ú chay “chhài-chàng” nhà họ Trịnh dưới gốc cây đa trước cổng chùa đã kinh doanh được 74 năm, ông chủ đời thứ hai Trịnh Thế Nam (Zheng Shinan) chia sẻ rằng, ông được cha truyền lại nghề này, những năm trước đây có bán cả bánh ú mặn và bánh ú chay, hiện tại chỉ bán món bánh ú chay.

 Nguyên liệu của bánh ú chay chỉ sử dụng gạo nếp và đậu phộng, đặc biệt chọn lá dong để gói bánh, nhưng không cho thêm bột đậu phộng, theo bà chủ Ngô Bội Trân (Wu Peijin) giải thích, vì sợ rằng bột đậu phộng sẽ làm át đi mùi thơm của lá dong. Mặc dù sử dụng nguyên liệu đơn giản, nhưng khá tốn công và mất thời gian, ông Trịnh Thế Nam giải thích rằng, lá dong có độ dày hơn so với lá tre truyền thống, sau khi rửa sạch lá dong thì trước tiên phải đem nấu lên cho lá mềm. “Bánh ú của chúng tôi được luộc suốt cả đêm từ tối qua, 10 giờ tối bắc nồi lên bếp đến hơn 4 giờ sáng nay mới lấy ra, để cho hạt đậu phộng chín nhừ, muốn hương vị của lá bánh và đậu phộng thật quyện, nhất định phải nấu trong 5 tiếng đồng hồ.”   

 Tay nghề làm bánh ú chay là sự nghiệp cha truyền con nối, cô Trịnh Bái Tình (Sisi Zheng), người thừa kế đời thứ 3 vừa nhiệt tình chào đón khách hàng vừa làm thoăn thoắt rất thành thục, cho thấy cô đã sẵn sàng kế thừa cơ nghiệp của ông cha, để hương vị thơm ngon này được truyền cho đời sau, thật sự vô cùng may mắn!

 

“Vua sữa đậu nành Thế giới” nằm ở đầu cầu Trung Chính

 Ông Trang, cửa hàng trưởng tiệm “Vua sữa đậu nành Thế giới” kể rằng, tiệm này được mở từ năm 1955, người chủ tiệm đời thứ nhất Lý Vân Tăng (Li Yunzeng) đến từ tỉnh Sơn Đông, cùng một người bạn bắt đầu khởi nghiệp từ một chiếc xe đẩy, sau đó thuê cửa hàng kinh doanh và kéo dài thời gian phục vụ, từ 6-7 giờ tối tới 9-10 giờ sáng hôm sau. Ông Trang cho biết thêm, vào thập niên 1970, là thời đại truyền hình còn chưa phát triển mạnh, trong bối cảnh đội bóng chày thiếu niên Đài Loan đi tham gia thi đấu tại Giải vô địch bóng chày thiếu niên thế giới Williamsport (The Little League World Series), khi đó mọi người tập hợp tại nhà những người có ti vi để cùng theo dõi các trận đấu, nhưng vì sự chênh lệch múi giờ, sau khi xem xong trận đấu thường thì trời đã sáng, lúc này mọi người kéo nhau đến khu Vĩnh Hòa (Yonghe) để uống sữa đậu nành, vì thế cửa hàng “Vua sữa đậu nành Thế giới” cũng thuận theo phong trào này chuyển sang kinh doanh thành 24/24 giờ, “So với chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-11 thì đã đi trước hẳn 10 năm trong việc kinh doanh 24/24 giờ.”

 Sản phẩm chủ lực đầu tiên của Vua sữa đậu nành Thế giới đáng được giới thiệu là món bánh nướng kẹp với quẩy uống kèm sữa đậu nành. Cửa hàng trưởng Trang khẳng định rằng, sữa đậu nành được chế biến 100% từ đậu tương không biến đổi gen, có hàm lượng protein lên đến 35%, tạo hương vị sữa đậu nành đặc trưng. Còn món bánh nướng có công đoạn cán bột giống như cách làm mì sợi cho món mì nước, ông Trang mô tả món bánh nướng của cửa tiệm nhà mình rằng, ăn lúc nóng thì giòn tan, sau khi nguội trở nên rất mềm, đem nướng lại thì vẫn giòn tan như lúc đầu. Món súp đậu nành mặn thì gồm các loại nguyên liệu như tôm khô, dầu cháo quẩy, hành băm, củ cải khô, cho thêm chút giấm, tác dụng hóa học được tạo ra khiến du khách nước ngoài thốt lên đầy ấn tượng: “Tôi không biết mình đang ăn gì, nhưng cảm thấy quá đã!” 

 Cửa tiệm Vua sữa đậu nành Thế giới thu hút đông đảo khách hàng từ trong nước đến nước ngoài, ông Anthony Bourdain, nhà ẩm thực nổi tiếng thế giới, nhóm nhạc nữ Morning Mosume của Nhật Bản, ngôi sao điện ảnh Châu Nhuận Phát đều từng là thượng khách của tiệm. Nhiều năm trước cửa tiệm được tân trang lại với diện mạo mới hơn, tuy cửa tiệm có tuổi đời hơn 70 năm, nhưng vẫn không ngừng nghiên cứu và cho ra đời nhiều món mới như bánh nướng kẹp thịt bò, bánh nướng kẹp dưa muối v.v.., “Chúng tôi không có áp lực, chúng tôi là cửa tiệm lâu đời mới nhất.”
 

My Warm Day luôn hòa theo dòng chảy xã hội và bắt kịp thói quen của người tiêu dùng, lịch sử từng bước phát triển của My Warm Day, giống như nhìn thấy hình ảnh thu nhỏ của xã hội Đài Loan.

My Warm Day luôn hòa theo dòng chảy xã hội và bắt kịp thói quen của người tiêu dùng, lịch sử từng bước phát triển của My Warm Day, giống như nhìn thấy hình ảnh thu nhỏ của xã hội Đài Loan.
 

My Warm Day hòa cùng dòng chảy của xã hội

 Thương hiệu đồ ăn sáng My Warm Day được sáng lập vào năm 1987, đã kinh doanh 36 năm trong thị trường đồ ăn sáng cạnh tranh đầy khốc liệt. Ông Thái Quốc Hiến chỉ tay lên dòng chữ được ghi trên thực đơn “Toàn bộ sản phẩm không cho thêm chất bảo quản nhân tạo”, đây là thành quả nỗ lực của My Warm Day trong những năm gần đây. Ông Thái Quốc Hiến giải thích, muốn làm được không cho thêm chất bảo quản nhân tạo, điều khó nhất là nước sốt, chẳng hạn như nước tương đậm đặc dùng để chấm và mứt hoa quả được trẻ em yêu thích nhất. Tuy nhiên My Warm Day luôn hướng mục tiêu cung cấp những đồ ăn thức uống an toàn cho cả người lớn và trẻ em, “Chúng tôi tác động đến nhà cung ứng ở thượng nguồn, thúc đẩy các nhà nhượng quyền ở hạ nguồn, và cả ngành nghề bắt đầu chuyển động.”

 Ông Thái Quốc Hiến cho biết: “Khi ngành kinh doanh đồ ăn sáng gặp khủng hoảng, cũng chính là thời cơ để thay đổi”. Ông đưa chúng tôi quay trở lại những bước ngoặt  quan trọng của My Warm Day, vào năm 2005, chuỗi đồ ăn sáng này đã cho ra mắt nhiều suất ăn sáng tinh tế, là vì nhận thấy sự chuyển biến của hình thái xã hội, càng ngày càng có nhiều người làm ca chiều và ca đêm, rất nhiều người ăn bữa đầu tiên trong ngày khá muộn, dường như là “Bữa sáng ăn muộn hoặc bữa trưa ăn sớm”. Năm 2010, trong quán cho lắp đặt máy xay cà phê; năm 2012 chia không gian bên trong thành khu nhà bếp, quầy hàng và khu chỗ ngồi cho khách, tách riêng gian bếp thành một khu vực độc lập, tránh việc cả tiệm tỏa đầy mùi dầu mỡ. Năm 2014, My Warm Day tái định hướng thương hiệu CI, nhấn mạnh việc tạo những trải nghiệm mới trong không gian ăn sáng và giúp cảm nhận được bầu không khí bằng năm giác quan, về thức ăn thì cho ra mắt món gà rán mềm, cá rán nguyên miếng, từng bước hướng tới mục tiêu ăn uống lành mạnh. Cửa hàng ăn sáng là “bức tranh phong cảnh nơi góc phố” rất độc đáo của Đài Loan, lịch sử từng bước phát triển của My Warm Day gắn liền với nhu cầu của người tiêu dùng, văn hóa ăn sáng chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Đài Loan.

 

Xem thêm

Niềm hạnh phúc bắt đầu từ một ngày mới Bạn đã ăn sáng chưa?

 

Video