Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Phái đoàn Đức sang thăm Đài Loan, thảo luận về việc hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
New Southbound Policy。Người sáng lập kiêm cố vấn Ủy ban điều hành Trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Đức (DFKI) – Giáo sư Wolfgang Wahlster (bên trái) và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTC) Ngô Chính Trung thảo luận về hợp tác song phương trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: NSTC)
Người sáng lập kiêm cố vấn Ủy ban điều hành Trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Đức (DFKI) – Giáo sư Wolfgang Wahlster (bên trái) và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTC) Ngô Chính Trung thảo luận về hợp tác song phương trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: NSTC)

 Để thực hiện Hiệp định hợp tác Khoa học và Công nghệ Đài Loan-Đức (Science and Technology Arrangement, STA) do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF) và Ủy ban Khoa học - Công nghệ Quốc gia (NSTC) ký kết vào tháng 3/2023, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức đã ủy quyền cho người sáng lập kiêm cố vấn Ủy ban điều hành Trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (DFKI) của Đức – Giáo sư Wolfgang Wahlster là người triệu tập chương trình hợp tác song phương về trí tuệ nhân tạo (AI) Đài Loan-Đức. Ngày 8/4, lãnh đạo phụ trách Chương trình châu Á-Thái Bình Dương thuộc Văn phòng Hợp tác Quốc tế BMBF – bà Kathrin Meyer đã dẫn đầu phái đoàn sang Đài Loan, cùng Giáo sư Wahlster đến gặp Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ngô Chính Trung để thảo luận về hợp tác song phương trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

 Tại buổi tiếp phái đoàn, Chủ nhiệm Ngô Chính Trung cho biết Đài Loan đã thành lập Trung tâm trí tuệ nhân tạo xuất sắc (Taiwan AI Center of Excellence, AICoE) vào năm ngoái, thiết lập nền tảng tích hợp kết nối các tổ chức để cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến AI mà Đài Loan phải đối mặt.

 Giáo sư Wahlster cho biết Đài Loan có vai trò dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Ông hy vọng trong tương lai, hai bên sẽ cùng hợp tác để đưa ứng dụng AI vào sản xuất bán dẫn tiên tiến và xe tự lái.

 Giáo sư Wolfgang Wahlster là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở châu Âu. Ngoài Giáo sư Wahlster, các thành viên của phái đoàn 7 người lần này còn bao gồm các chuyên gia AI và Giáo sư Tobias Gemmeke trong lĩnh vực bán dẫn. Phái đoàn hy vọng sẽ tìm hiểu sâu về “Chương trình đổi mới công nghiệp dựa trên chip Đài Loan” (Taiwan Chip-based Industrial Innovation Program), đồng thời cùng các chuyên gia, học giả Đài Loan tổ chức các buổi hội thảo song phương về hai chủ đề: Trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn. Phái đoàn cũng sẽ tham quan các tổ chức như Viện Nghiên cứu Trung ương, Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Dương Minh Giao thông, Trung tâm nghiên cứu bán dẫn và Trung tâm mạng tốc độ cao trực thuộc Viện Nghiên cứu Thực nghiệm Quốc gia (NARLabs), Tập đoàn Inventec, Công ty điện tử Elan, v.v...

 Đức là nước có tham vọng mạnh mẽ về việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo ở châu Âu. Chính phủ liên bang Đức đã thông qua chiến lược trí tuệ nhân tạo vào tháng 11/2018, đầu tư 5 tỷ Euro cho đến năm 2025, tăng cường nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để Đức trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới. Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức đã đầu tư nguồn lực lớn vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các dự án quan trọng, đặt nền tảng tốt đẹp cho việc nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo.