Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Thị trấn nhỏ nổi bật trên bản đồ cổ Nhịp sống thư thái của Tân Cảng, huyện Gia Nghĩa
2024-04-22

“Bồi Quế Đường” (Pei Gui Tang) - ngôi nhà mà tổ tiên của người sáng lập đoàn múa Vân Môn Vũ Tập - Lâm Hoài Dân (Lin Hwai-min) để lại, là di tích cổ cấp huyện của Gia Nghĩa, đã được mở cửa đón khách tham quan, càng làm tăng thêm giá trị nhân văn cho Tân Cảng.

“Bồi Quế Đường” (Pei Gui Tang) - ngôi nhà mà tổ tiên của người sáng lập đoàn múa Vân Môn Vũ Tập - Lâm Hoài Dân (Lin Hwai-min) để lại, là di tích cổ cấp huyện của Gia Nghĩa, đã được mở cửa đón khách tham quan, càng làm tăng thêm giá trị nhân văn cho Tân Cảng.
 

 Hình ảnh Tân Cảng (Xin-gang) thuộc huyện Gia Nghĩa đã xuất hiện trên bản đồ cổ của Đài Loan từ 400 năm trước, nơi đây từng trải qua thiên tai lũ lụt, động đất và cuộc di cư quy mô, từ thương cảng chuyển đổi thành thị trấn sản xuất nông nghiệp. Đến thăm Tân Cảng, có thể chiêm ngưỡng “sự tinh xảo tuyệt đỉnh” của những công trình kiến trúc đền chùa, hoặc tham quan “Bồi Quế Đường” (Pei Gui Tang) là ngôi nhà mà tổ tiên của người sáng lập đoàn múa Vân Môn Vũ Tập - Lâm Hoài Dân (Lin Hwai-min) để lại, nhấm nháp một ly cà phê tại nhà cổ, hoặc khám phá những điểm sáng về tạo dựng cộng đồng nông thôn, cảm nhận sức hút của thị trấn nhỏ được những người dân cùng góp sức tạo nên.

 

 Vào những ngày nghỉ lễ, tiếng pháo nổ suốt ngày không ngớt trên đường Trung Sơn ở trước cửa ngôi đền Phụng Thiên (Fong-tian) ở xã Tân Cảng huyện Gia Nghĩa, những tín đồ của các ngôi đền nhánh thờ Bà Thiên Hậu (Ma Tổ) trên khắp Đài Loan lũ lượt hành hương trở về ngôi đền Tổ để dâng hương. Nói tới Tân Cảng, người ta nghĩ ngay tới ngôi đền Phụng Thiên. Ngoài lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Đại Giáp (Dajia) hành hương về đền Tổ Phụng Thiên, hằng năm trung bình có hơn 5.000 ngôi đền nhánh ở khắp nơi trở về đền Tổ dâng hương, tạo nên khung cảnh khói hương nghi ngút.

 

Được mệnh danh là “Tiểu Đài Loan” ở thế kỷ 18

 Ngày nay, Tân Cảng là một thị trấn tôn giáo và văn hóa quan trọng, tuy nhiên nó đã xuất hiện trên bản đồ cổ từ 400 năm trước, là một cảng sông quan trọng. Giáo sư Khoa Lịch sử ứng dụng Trường Đại học Gia Nghĩa Hoàng A Hữu (Huang A-yu) cho biết, tên gọi cũ của Tân Cảng là “Bổn Cảng” (Ben-gang), tấm bản đồ Đài Loan có tỷ lệ lớn do người Hà Lan Moses Clasesz Comans vẽ vào năm 1623, đã ghi chú địa danh bờ Nam của con sông Bổn Cảng là “Pankham”, từ đây sẽ kết nối với tuyến đường bộ, là trục giao thông quan trọng để người Hà Lan đi lên phía Bắc. Giáo sư Hoàng A Hữu cho biết, kể từ khi nhà Thanh thống trị Đài Loan cho tới trước năm 1784, Bổn Cảng là điểm tập kết lương thực lúa gạo để vận chuyển từ huyện Chư La (Zhuluo) đến Lộc Nhĩ Môn (Lu’ermen) thuộc Đài Nam, có hoạt động thương mại phát triển nhộn nhịp, thời đó chính quyền nhà Thanh còn cho đặt Huyện Thừa Nha Thử (tức công đường của chức quan phò tá cho tri huyện) tại Bổn Cảng.
 

Ngôi đền Phụng Thiên không chỉ là trung tâm tín ngưỡng dân gian, mà cũng là trung tâm địa lý của Tân Cảng.

Ngôi đền Phụng Thiên không chỉ là trung tâm tín ngưỡng dân gian, mà cũng là trung tâm địa lý của Tân Cảng.
 

Những thay đổi ở Tân Cảng

 Bổn Cảng thời xưa hưng thịnh là nhờ vào cảng khẩu, đã tạo nên khu phố Nam có khung cảnh sầm uất, náo nhiệt, dưới thời nhà Thanh cai trị vào trước năm 1784, trong số các làng mạc thị trấn Đài Loan nằm ở ven biển, Bổn Cảng chỉ đứng sau Phủ thành Đài Loan, phố cảng lớn nhất cả nước, vì thế được gọi là “Tiểu Đài Loan”. Vào khoảng đầu thế kỷ 19, do sông Bắc Cảng (Bei-gang) thường xuyên gây ngập lụt, khiến giới thượng lưu sinh sống ở phố Nam Bổn Cảng lần lượt dời đến phía Đông Ma Viên Liêu (Mayuanliao) cách khoảng 3 tới 4 cây số, và đặt một tên gọi khác cho nơi này là Tân Cảng. Sau khi chuyển đến Tân Cảng có địa thế bằng phẳng, nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, những loại cây trồng chủ yếu thời kỳ đầu là mía, lạc (đậu phộng), vừng và măng tây.

 

Nữ thần của tàu thuyền→đền Thiên Phi→đền Bà Thiên Hậu Bổn Cảng→đền Phụng Thiên

 Theo ghi chép của ngôi đền Phụng Thiên nổi tiếng ở Tân Cảng, năm 1622 khi các bậc tiền nhân đi tàu vượt biển tới Đài Loan, đã thỉnh pho tượng nữ thần bảo hộ tàu thuyền “Chuanzaima” đi theo cùng, và được vị nữ thần dẫn dắt hãy sinh sống tại Bổn Cảng vĩnh viễn, năm 1700, người dân mới chung tay xây cất ngôi đền Thiên Phi. Giáo sư Hoàng A Hữu cho biết, đây là ngôi đền Bà Thiên Hậu được xây dựng sớm nhất ở huyện Chư La, sau đó được đổi tên thành đền Bà Thiên Hậu Bổn Cảng.

 Về sau này, sông Bắc Cảng xảy ra lũ lụt đã làm phá hủy ngôi đền Bà Thiên Hậu, sau khi những người dân chuyển tới Tân Cảng đã xây lại ngôi đền, năm 1813 chính thức làm lễ khánh thành và đặt tên là đền Phụng Thiên. Vì Bà Thiên Hậu đã từng bảo hộ các bậc tiền nhân khai khẩn khu vực Bổn Cảng, nên còn được vinh danh là “Bà Thiên Hậu tiên phong khai khẩn Đài Loan”. Năm 1906, tại Gia Nghĩa xảy ra trận động đất lớn, khiến ngôi đền Phụng Thiên gần như bị phá hủy hoàn toàn. Ông Lâm Bá Kỳ (Lin Bo-chi), trưởng điều hành Trung tâm Tài liệu và Nghiên cứu văn hóa Bà Thiên Hậu Thế giới của đền Phụng Thiên cho biết, vào thời kỳ Nhật Bản thống trị Đài Loan, mặc dù chính phủ Nhật từng đẩy mạnh phong trào hoàng dân hóa, kìm kẹp tín ngưỡng truyền thống của Đài Loan, nhưng lại cho phép Bà Thiên Hậu của đền Phụng Thiên thực hiện việc quyên góp từ bên ngoài, cuối cùng đền Phụng Thiên đã hoàn tất công trình tu sửa vào năm 1918. Qua đó có thể thấy được sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân Tân Cảng và đền Bà Thiên Hậu.
 

Đền Phụng Thiên sau nhiều lần trùng tu, đã thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ sứ Giao Chỉ và nghệ thuật cắt dán ở Tân Cảng.

Đền Phụng Thiên sau nhiều lần trùng tu, đã thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ sứ Giao Chỉ và nghệ thuật cắt dán ở Tân Cảng.
 

Trùng tu đền chùa, thúc đẩy nghề thủ công mỹ nghệ sứ Giao Chỉ, cắt dán gốm sứ

 Ngày 21/9 và ngày 22/10 năm 1999 xảy ra động đất lớn ở Gia Nghĩa, gây thiệt hại nặng nề cho đền Phụng Thiên, vì thế phía đền chùa đã tuyển chọn nghệ nhân phục chế cấp quốc gia tham gia vào công trình trùng tu, qua cuộc thi tranh tài về nghệ thuật cắt dán gốm sứ, sứ Giao Chỉ, điêu khắc gỗ và vẽ màu của các nghệ nhân, khiến cho ngôi đền Phụng Thiên càng thêm phần nguy nga lộng lẫy. Đền Phụng Thiên sau nhiều lần tu sửa, đã thúc đẩy nghề thủ công mỹ nghệ trang trí đền chùa bằng sứ Giao Chỉ, cắt dán gốm sứ trở nên có nhu cầu nhiều hơn, khiến Tân Cảng trở thành là trung tâm phát triển sứ Giao Chỉ và nghệ thuật cắt dán. Ông Lâm Bá Kỳ cho biết: “Hiện nay các vật liệu sản xuất sứ Giao Chỉ, cũng như dụng cụ kìm cắt dán gốm sứ chỉ mua được tại Tân Cảng.”

 Trong cuốn “Tân Cảng Phụng Thiên Cung Chí Tục Tu” (ghi chép về lịch sử phát triển của ngôi đền Phụng Thiên) của tác giả Hà Văn Linh (Ho Wen-ling), giáo sư Khoa Nghệ thuật thị giác Trường Đại học Gia Nghĩa có nội dung đề cập rằng, những tác phẩm thủ công mỹ nghệ kiệt xuất trên công trình kiến trúc và phần trang trí của ngôi đền Phụng Thiên có giá trị nghệ thuật rất lớn.

 

Từ trung tâm phát triển về thương mại biến thành thị trấn nông nghiệp

 Tân Cảng từng trải qua giai đoạn thương mại phát triển vào thời nhà Minh và nhà Thanh, sau khi di chuyển về phía Đông thì chuyển sang phát triển về nông nghiệp. Vào thời kỳ đầu Đài Loan được mệnh danh là vương quốc măng tây, Tân Cảng có thế mạnh về sản lượng, ngày nay nơi đây vẫn là thị trấn nông nghiệp lớn của huyện Gia Nghĩa, theo số liệu của chính quyền huyện Gia Nghĩa, Tân Cảng là nơi có sản lượng lúa gạo đứng đầu các làng xã thị trấn trên toàn huyện.

 Ngoài lúa gạo thì ngành trồng trọt nhà kính ở Tân Cảng cũng rất phát triển. Bà Hà Lệ Chất (He Lizhi), chủ nhiệm Ban Quảng bá Hội Nông dân xã Tân Cảng cho biết, các loại rau lá được trồng trong nhà kính như rau muống, lá khoai lang, ớt ngọt các màu, hoa cát tường là các loại cây trồng đặc sắc của địa phương, nhất là rau muống đạt sản lượng cao nhất, chiếm gần 60% thị trường đấu giá nông sản của toàn Đài Loan.

 Để phối hợp với chính sách khuyến khích gieo trồng các loại cây của Sở Nông nghiệp và Lương thực, Hội Nông dân xã Tân Cảng cũng phụ đạo nông dân chuyển trồng cây đậu đen trong vụ lúa thứ hai, sản xuất hạt đậu đen để làm nước tương, sữa đậu nành hoặc sản phẩm gia công, tại cửa hàng Dou-shi-tang do Hội Nông dân xã Tân Cảng kinh doanh, có thể thưởng thức được hương vị thơm ngon được chế biến từ cây trồng của địa phương.

 Ngoài nông sản phẩm, ở Tân Cảng cũng có nhiều món ngon đếm không xuể, đặc biệt là kẹo mạch nha Tân Cảng (Xingang Yi). Nhà máy đường Bắc Cảng và Nhà máy đường ở khu vực ga xe lửa cũ Suantou thời xưa nằm sát cạnh Tân Cảng, ông Lư Khi Đầu (Lu Qitou) người sáng lập thương hiệu kẹo mạch nha Tân Cảng trộn đều đường, lạc và mạch nha với nhau để làm thành kẹo lạc mạch nha, sau này ông chuyển tới Tân Cảng mở cửa hiệu “Kim Trường Lợi” (Jin-chang-li), loại kẹo này mới được đổi tên thành kẹo mạch nha Tân Cảng (Xingang Yi), đồng thời cũng cho ra mắt sản phẩm kẹo chuối rất được ưa chuộng. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ Nhật Bản thống trị Đài Loan, kẹo mạch nha Tân Cảng đã nhiều lần tham gia Hội chợ Triển lãm Thế giới tại Nhật Bản đều đoạt giải, tạo nên tiếng tăm vang dội, cho tới nay vẫn là một trong những món quà biếu lý tưởng nhất của Tân Cảng.

 Cửa hiệu Tân Cảng Hiên (Xin-gang-xuan) tọa lạc trước ngôi đền Phụng Thiên, ngoài sản xuất kẹo mạch nha Tân Cảng, các loại bánh mứt được bán trong cửa hiệu như bánh Tân Cảng cỡ lớn, bánh nướng Trung Hoa truyền thống, bánh nướng trạng nguyên, bánh nhân thịt và bí đao, bánh hạnh nhân là loại bánh sử dụng gạo ngâm nhúng mạch nha rồi bọc lớp bằng hạnh nhân cắt lát ở ngoài cùng, đều là những vị ngon đậm nét hoài cổ, và cũng được đền Phụng Thiên mua làm quà tặng trong chuyến rước kiệu Bà Thiên Hậu.

 Ngoài ra, du khách nhất định phải thử món súp thịt vịt ở trước cửa đền Phụng Thiên, dùng măng giòn xé sợi xào với thịt vịt tươi ngon và cho thêm nguyên liệu tạo độ sánh.
 

Xào thật nhanh thịt vịt với măng giòn xé sợi trên lửa lớn là món súp thịt vịt được nhiều người ưa chuộng.

Xào thật nhanh thịt vịt với măng giòn xé sợi trên lửa lớn là món súp thịt vịt được nhiều người ưa chuộng.
 

Quỹ Văn hóa Giáo dục Tân Cảng, tiên phong xây dựng cộng đồng

 Vào thập niên 1980, kinh tế Đài Loan phát triển nhảy vọt, đang ở thời kỳ đỉnh cao “Ngồi trên cả đống tiền”, nhưng trong xã hội lại nổi lên tệ nạn đánh bạc “Dajiale” phi pháp; bác sĩ Trần Cẩm Hoàng (Chen Jin-huang) phục vụ tại thị trấn nhỏ này rất lo âu khi thấy nhiều bệnh nhân vì đánh bạc mà bị đau đầu, mất ngủ, lo lắng, vì thế đã tích cực mời ông Lâm Hoài Dân, người quê Tân Cảng đưa đoàn múa Vân Môn Vũ Tập do ông sáng lập trở về quê công diễn.

 “Thông qua chương trình biểu diễn múa, tôi hy vọng trẻ em ở Tân Cảng được thưởng thức những vở diễn nghệ thuật đẳng cấp thế giới, đồng thời biến chúng trở thành một phần của cuộc sống”. Ông Trần Cẩm Hoàng, người thành lập Quỹ Văn hóa Giáo dục Tân Cảng cho biết. Khi đó ông Lâm Hoài Dân cũng hy vọng đặt nền móng nghệ thuật ăn sâu bén rễ tại địa phương, vì hai người có cùng chung lý tưởng nên đã thành lập quỹ văn hóa giáo dục.

 Năm 1987, Quỹ Văn hóa Giáo dục Tân Cảng chính thức được thành lập, là quỹ phát triển thuộc “cấp làng xã thị trấn” đầu tiên trên toàn Đài Loan, dẫn đầu về công tác xây dựng cộng đồng tổng thể. Nhiệm vụ hàng đầu là đặt nền móng để văn hóa nghệ thuật ăn sâu bén rễ tại địa phương, thành lập xe sách lưu động, đi vào những thôn làng và trường học ở nơi xa xôi hẻo lánh, hiện tại cũng phục vụ cho người cao tuổi sinh sống ở các vùng nông thôn.

 Thời trước, Tân Cảng thuộc Gia Nghĩa là nơi phát triển mạnh mẽ loại nhạc Bắc Quản (Beiguan) của Đài Loan trong thời kỳ đầu, nên được mệnh danh là “Bắc Quản Sào” (tức “sào huyệt” của Bắc Quản), do sự chuyển biến của thời đại, thói quen nghỉ dưỡng giải trí có nhiều thay đổi tạo nên sự đứt gãy văn hóa, vì thế Quỹ Văn hóa Giáo dục đã thúc đẩy “Kế hoạch học tập kế thừa” cho đoàn nghệ thuật hát nói Vũ Phụng Hiên (Wufengxuan) nổi tiếng ở địa phương, bằng cách tuyển mộ thành viên, tiếp dục duy trì sự nghiệp phát triển đã hơn 100 năm của đoàn nghệ thuật âm nhạc này. Ngoài ra, văn hóa đoàn biểu diễn nghi lễ tín ngưỡng Tống Giang Trận đã bị mai một dần cũng được phục hồi tại Trường tiểu học Cổ Dân.

 Từ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tiếp tục thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, xanh hóa môi trường. Quỹ Văn hóa Giáo dục hiệu triệu các tình nguyện viên quét dọn xác pháo, giữ sạch sẽ môi trường, ngoài ra cũng ươm cây giống tại khu vườn rau của một bà mẹ họ Trần được đặt tên là “Lục Viên” (Lu-yuan), để làm đẹp cho Tân Cảng.

 Năm 1982, tuyến xe lửa Bắc Cảng - Gia Nghĩa, là tuyến đường sắt cuối cùng thuộc hệ thống đường sắt của Công ty Đường Đài Loan ngưng hoạt động, khiến ga xe lửa Tân Cảng cũng vì vậy bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nên Quỹ Văn hóa Giáo dục cũng huy động người dân thu dọn và sắp xếp lại ga xe lửa Tân Cảng đã ngừng hoạt động, thành lập “Công viên Đường sắt” là công viên đầu tiên trên toàn Đài Loan lấy đường sắt để đặt tên, ký túc xá nhân viên Công ty Đường Đài Loan nằm sát cạnh công viên được hồi sinh trở thành “Phòng khách Tân Cảng”, là nơi để người dân Tân Cảng mở tiệc đãi khách.

 Trước xu hướng già hóa dân số nghiêm trọng ở các khu vực ngoài đô thị, hạng mục phục vụ của Quỹ Văn hóa Giáo dục cũng thay đổi để phù hợp với thời đại, ngôi vườn Lu-yuan được đổi tên thành “Vườn Su-yuan”, xây dựng cơ sở chăm sóc dài hạn phục vụ những người khuyết tật nặng.

 

Xây dựng và hồi sinh đường phố

 Con đường Đại Hưng (Daxing) (hay còn được gọi là phố Sau) nằm phía sau đền Phụng Thiên, là mô hình làm đẹp đường phố đầu tiên tại Đài Loan do chính quyền và người dân hợp tác. Đường phố sau khi được sửa sang thể hiện sự hòa quyện giữa cái mới và cái cũ, có cửa hàng thảo dược, tiệm tạp hóa, cửa tiệm Song Hiệp Hưng (Shuangxiexing) có lịch sử hàng trăm năm chuyên bán các mặt hàng đồ khô mọi miền, cửa hàng bách hóa bán vật dụng đám cưới và đồ sử dụng làm của hồi môn, rất phù hợp để lên kế hoạch cho chuyến tham quan phố Sau.

 Ông Lâm Khai Thái (Lin Kaitai), ông nội của nghệ sĩ Lâm Hoài Dân, được vinh danh là vị “Lương y thi sĩ”, phòng khám và dinh thự của ông tọa lạc ở phố Sau, con cháu nhà họ Lâm tuân thủ gia huấn “Đặt cái chung lên trên cái riêng”, nên đã hiến tặng dinh thự cho nhà nước, được chính quyền huyện Gia Nghĩa đăng ký thành di tích cổ và sửa chữa phục hồi, chính thức mở cửa đón khách vào năm 2023.
 

Kẹo mạch nha Tân Cảng, kẹo chuối là những món quà tặng nổi tiếng của Tân Cảng.

Kẹo mạch nha Tân Cảng, kẹo chuối là những món quà tặng nổi tiếng của Tân Cảng.
 

Ngôi nhà cổ “Bồi Quế Đường” của tổ tiên ông Lâm Hoài Dân để lại mở cửa đón khách tham quan

 Dòng chữ “Bồi Quế Đường” ở trước cổng là do cụ Lâm Duy Triều (Lin Weichao), cha của ông Lâm Khai Thái đích thân đề chữ, phía ngoài căn nhà cổ là kiến trúc ngói đỏ rất đơn sơ mộc mạc.

 Bên trong không trang trí nội thất quá nhiều, chỉ có những bức thư pháp của cụ Lâm Duy Triều và ông Lâm Khai Thái, và nhiều cuốn sách của các cô, chú của ông Lâm Hoài Dân. Ông Lâm Hoài Dân cho biết: “Không gian rất đẹp, rất thoải mái, rất yên tĩnh, khi bước vào đây mọi người rất ít nói chuyện, thậm chí có người ngồi yên lặng trong phòng khách khá lâu, cảm giác có thể ngồi trầm tư suy nghĩ thật dễ chịu.”

 Con đường hoa cát đằng ở sát hành lang của Bồi Quế Đường dẫn tới cửa hàng Starbucks ở vườn sau tỏa ra mùi cà phê thơm nức, nhà cổ, cây xanh và hương thơm cà phê, càng làm tăng thêm giá trị nhân văn cho Tân Cảng.

 Trải qua nhiều sóng gió thử thách đã giúp Tân Cảng nở ra đóa hoa kiên cường và hòa hợp. Để tìm hiểu Tân Cảng, cách tốt nhất là hãy thong thả dạo bước trên những con phố, khám phá những câu chuyện mới mẻ của thị trấn cổ kính này.

 

Xem thêm

Thị trấn nhỏ nổi bật trên bản đồ cổ Nhịp sống thư thái của Tân Cảng, huyện Gia Nghĩa