Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đài Loan và Australia ký kết Thỏa thuận hợp tác Khoa học và Công nghệ, tập trung vào 4 lĩnh vực trọng điểm
New Southbound Policy。Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Australia – ông Từ Hựu Điển (thứ 2, từ trái qua) và Trưởng Văn phòng đại diện Australia tại Đài Bắc – ông Robert Fergusson (thứ 2, từ phải qua) ký kết ký kết Thỏa thuận hợp tác Khoa học và Công nghệ Đài Loan-Australia (STA) vào ngày 13/5 tại Canberra. (Ảnh do  Văn phòng đại diện Australia tại Đài Bắc cung cấp)
Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Australia – ông Từ Hựu Điển (thứ 2, từ trái qua) và Trưởng Văn phòng đại diện Australia tại Đài Bắc – ông Robert Fergusson (thứ 2, từ phải qua) ký kết ký kết Thỏa thuận hợp tác Khoa học và Công nghệ Đài Loan-Australia (STA) vào ngày 13/5 tại Canberra. (Ảnh do Văn phòng đại diện Australia tại Đài Bắc cung cấp)

 Trong chuyến thăm Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia vào tháng 10/2023, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ (NTSC) Ngô Chính Trung đã đề nghị với Australia về việc thúc đẩy ký kết Thỏa thuận hợp tác Khoa học và Công nghệ Đài Loan-Australia (Science and Technology Arrangement, STA). Sau nửa năm hai bên thảo luận và lập kế hoạch, ngày 13/5, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Australia – ông Từ Hựu Điển và Trưởng Văn phòng đại diện Australia tại Đài Bắc – ông Robert Fergusson đã hoàn thành việc ký kết tại Canberra. Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia (DISR) đều cử đại diện đến chứng kiến lễ ký. Australia trở thành quốc gia thứ 5 ký kết Thỏa thuận hợp tác Khoa học và Công nghệ với Đài Loan. Trong tương lai, hai bên sẽ tập trung hợp tác trong 4 lĩnh vực chính, bao gồm sản xuất công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ bán dẫn và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng công nghệ chủ chốt, công nghệ sinh học và chuyển đổi Net-zero.

 Trưởng đại diện Từ Hựu Điển cho biết: Lần này, Đài Loan và Australia đã nâng cấp Bản ghi nhớ hợp tác ký kết năm 2012 thành Thỏa thuận hợp tác Khoa học và Công nghệ, cho thấy sự coi trọng mà hai bên dành cho năng lực nghiên cứu khoa học của nhau. Trong khuôn khổ thỏa thuận, trong tương lai, quan hệ nghiên cứu khoa học song phương sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, phương diện hợp tác cũng sẽ tiếp tục được mở rộng, hy vọng kết quả hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa hai bên sẽ có ảnh hưởng lớn hơn nữa đối với cộng đồng quốc tế.

 Những năm gần đây, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Đài Loan tích cực ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khoa học cấp bộ với các cường quốc khoa học và công nghệ nhằm xây dựng tổng thể cơ chế và nền tảng hợp tác nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ song phương trong các lĩnh vực trọng điểm. Từ cuối năm 2020, trong vòng 4 năm, Đài Loan đã hoàn thành việc ký kết 5 hiệp định hoặc thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ (STA) giữa Đài Loan và Mỹ, Đài Loan và Đức, Đài Loan và Pháp, Đài Loan và Canada, Đài Loan và Australia, đồng thời phát triển 22 lĩnh vực hợp tác nghiên cứu chiến lược và kế hoạch trao đổi nhân tài song phương, bao gồm chất bán dẫn, lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), Net-zero và y sinh, v.v..., là phương hướng trọng tâm cho hợp tác song phương trong tương lai.