Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tình ngày càng nồng thắm Mối duyên Đài -Việt từ thuở ban sơ
2024-05-20

Xe buýt 2 tầng chạy trong trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Tp.HCM ông Hàn Quốc Diệu cho biết, hoan nghênh người Việt sang Đài Loan du lịch.

Xe buýt 2 tầng chạy trong trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Tp.HCM ông Hàn Quốc Diệu cho biết, hoan nghênh người Việt sang Đài Loan du lịch.
 

 Phở Việt ngày càng phổ biến trên đường phố Đài Loan; trong khuôn viên trường đại học thấp thoáng bóng dáng sinh viên Việt Nam; hay trên những đồn điền trồng trà vùng Nam Đầu, nhà trọ ở đảo Tiểu Lưu Cầu, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp đội ngũ nhân viên tân di dân gốc Việt chăm chỉ siêng năng lao động.

 Đài Loan có Việt Nam và Việt Nam cũng có bóng dáng Đài Loan.

 Siêu thị ở Việt Nam bán trà Đài Loan đóng chai, cà phê Mr. Brown của công ty King Car; thỉnh thoảng bạn có thể nhìn thấy tiệm bán gà rán khổng lồ Dada và thương hiệu trà sữa 50 Lan (50嵐) nổi tiếng của Đài Loan.

 Dù cách nhau 1.700 km nhưng sự tương tác giữa Đài Loan và Việt Nam khá chặt chẽ . Tuy nhiên, câu chuyện chắc chắn không phải bắt đầu từ bây giờ.....

 

Láng giềng quen thuộc nhất nhưng lại rất xa lạ

 Việt Nam, một quốc gia Đông Nam Á mà Đài Loan quen thuộc nhất nhưng cũng không kém phần xa lạ. Cũng giống như Đài Loan đã trải qua nhiều lần thay đổi chế độ khác nhau, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Trung Quốc trong 1.000 năm, Ấn Độ trong 400 năm, Pháp trong 100 năm và Mỹ trong 20 năm, sự va chạm và hội nhập của văn hóa nước ngoài và văn hóa địa phương hiện diện ở khắp mọi nơi. Từ góc nhìn của người Đài Loan, họ hoàn toàn có thể hiểu được mối liên quan này.

 Dưới bảng hiệu in chữ phiên âm Latinh, tại cửa ra vào của tiệm bán hàng hay trên nền nhà thường đặt một bàn thờ nho nhỏ. Người Việt Nam cho rằng, bàn thờ được đặt dưới đất trông bình dị hơn, nếu nhìn kỹ sẽ thấy trên tấm bia có dòng chữ như “Phúc Đức Chánh Thần”(福德正神). Hóa ra Việt Nam cũng giống như Nhật Bản và Hàn Quốc, thời xưa chữ Hán được dùng làm ngôn ngữ chính thức, mãi đến thời Pháp thuộc Việt Nam mới cải cách chuyển sang dùng phiên âm Latinh. Vì vậy, tiếng Trung vẫn có thể được sử dụng trong một số dịp đặc biệt và trong các tác phẩm kinh điển.
 

Nhờ sự giới thiệu và quảng bá tích cực của GS. Tưởng Vi Văn, nhiều cuốn sách về Việt Nam đã được xuất bản ở Đài Loan.

Nhờ sự giới thiệu và quảng bá tích cực của GS. Tưởng Vi Văn, nhiều cuốn sách về Việt Nam đã được xuất bản ở Đài Loan.
 

Mối giao lưu giữa Đài Loan và Việt Nam ngày càng thắt chặt hơn

 Việt Nam, quốc gia láng giềng có nền văn hóa “tuy xa mà lại rất gần” với Đài Loan, hiện là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của Đài Loan, là điểm đến đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Đài Loan, hiện có tổng cộng 90.000 người Đài Loan tại Việt Nam, bao gồm các doanh nhân đi công tác dài hạn và ngắn hạn cùng người thân của họ. Do số lượng doanh nhân đông nên Tổng hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam được chia thành 14 chi nhánh. Hội Thương gia Đài Loan tại tỉnh Bình Dương có hơn 600 người, đứng đầu trong số các Hội Thương gia Đài Loan trên thế giới, “Để tham dự các buổi họp mặt của hội, tôi phải thực hiện 5 chuyến đi đến những vùng khác nhau”, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Tp.HCM ông Hàn Quốc Diệu (Hank Han) cười và nói.

 Mặt khác, ở Đài Loan có khoảng 110.000 hôn phối người Việt, 100.000 người thuộc thế hệ thứ 2 của tân di dân, 250.000 lao động di trú và 20.000 du học sinh Việt Nam. Con số lớn như vậy đã khiến họ trở thành đối tượng thu hút sự chú ý mạnh mẽ nhất trong các nhóm sắc tộc mới tại Đài Loan vào những năm gần đây.

 Điều này cho thấy, Đài Loan và Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ, nền tảng này khiến Đài Loan và Việt Nam trở thành quốc gia chủ yếu thực hiện du lịch hai chiều. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Đài Loan, từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2023, Việt Nam là nguồn khách du lịch lớn thứ 5 của Đài Loan; Đài Loan cũng là nguồn khách du lịch lớn thứ 4 của Việt Nam.

 

Cấu chuyện được bắt đầu từ thời tiền sử

 Hiện tại, mật độ giao lưu giữa Đài Loan và Việt Nam đang đạt đỉnh cao trong lịch sử. Tuy nhiên, khi truy tìm nguồn gốc, điểm xuất phát của mối giao lưu này chắc chắn không phải bắt đầu từ sau khi chính phủ Đài Loan đưa ra chính sách hướng Nam và hướng Nam mới.

 Bà Hồng Hiểu Thuần (Hung Hsiao-chun), nhà nghiên cứu lâu năm tại Khoa Khảo cổ và Lịch sử Tự nhiên, Đại học Australia, từng khai quật đôi bông tai ngọc bích được sản xuất tại Phong Điền, Hoa Liên, Đài Loan tại miền nam Việt Nam. Bằng chứng này cho thấy mối liên hệ giữa Đài Loan và Việt Nam đã có từ hơn 2.000 năm trước.

 Giáo sư Tưởng Vi Văn (Chiung Wi-vun ), Trưởng Khoa Ngữ văn - ĐH Thành Công, Đài Loan, chuyên nghiên cứu lĩnh vực so sánh văn hóa Đài Loan- Việt Nam, là người vô cùng am hiểu lịch sử Việt Nam, đã kể cho chúng tôi nghe về những thời khắc giao lưu quan trọng trong lịch sử giữa Đài Loan và Việt Nam.

 Vào thế kỷ 17, người Hà Lan thành lập công ty Đông Ấn và đến Viễn Đông làm ăn, lúc đó người Việt và người Hà Lan đã đến miền bắc Đài Loan. Họ tham gia xây dựng Hồng Mao Thành (Hong Mao Cheng) và cũng từng là lính đồn trú dưới thời Hà Lan cai trị Đài Loan.

 Tướng Trần Thượng Xuyên, di thần nhà Minh, là tướng dưới quyền chỉ huy của Trịnh Thành Công. Để phản Thanh phục Minh, ông từng dẫn 3.000 quân đào tẩu sang miền bắc Việt Nam thần phục nhà Nguyễn. Họ được người dân địa phương gọi là “Người Minh Hương”. Ông Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn phong quan vào nam khai khẩn đất đai, xây dựng làng xã, mở mang bờ cõi và giữ gìn chủ quyền đất nước của chúa Nguyễn. Sau khi mất, ông được vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc phong là “Thượng đẳng thần”. Đến nay, chúng ta đều có thể thấy tượng thần Trần Thượng Xuyên tại Minh Hương Gia Thịnh Đường, thành phố Hồ Chí Minh; Đình Tân Lân và Thất phủ cổ miếu ở Biên Hòa. Hàng năm vào hạ tuần tháng 10 âm lịch, Ban trị sự tổ chức Lễ Nghinh thần, rước các Đức Ông tuần du với quy mô lớn, rầm rộ.
 

Tại thành phố Hồ Chí Minh phồn hoa nhộn nhịp, các con đường luôn tấp nập xe cộ qua lại.

Tại thành phố Hồ Chí Minh phồn hoa nhộn nhịp, các con đường luôn tấp nập xe cộ qua lại.
 

Lịch sử cận đại của Đài Loan - Việt Nam. Lịch sử Việt Nam- Đài Loan

 Vào thế kỷ 20, khi tình hình quốc tế đầy biến động, Đài Loan và Việt Nam đã từng có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ.

 Do Chiến tranh Việt Nam, hãng hàng không China Airlines khai trương đường bay quốc tế đầu tiên là từ Đài Bắc đến Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) vào năm 1966.

 Họa sĩ Lưu Kỳ Vi, các “nhà thơ quân đội” như Lạc Phu, Á Huyền, Trương Mặc, Quản Quản từng đóng quân thời gian dài tại Sài Gòn và họ đã để lại những sáng tác liên quan đến Việt Nam. Họ giao lưu, tiếp xúc với văn đàn địa phương và gây ảnh hưởng lớn đối với các nhà sáng tác thơ văn bằng tiếng Trung tại Việt Nam.

 Một sự kiện kịch tính nhất là trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ, hoàng tộc Việt Nam, Kỳ Ngoại hầu - Cương Để (còn gọi là Cường Để) đã đến Đài Loan vào năm 1939 dưới sự bảo trợ của người Nhật.

 Với mong muốn Việt Nam độc lập, ông Cương Để tổ chức một nhóm đồng hương ở Đài Loan, thành lập văn phòng và bắt đầu phát sóng tại Cục Phát thanh Đài Bắc (nay là Nhà Tưởng niệm 228 Đài Bắc). Ông từng đến nhà hàng Bồng Lai Các vô cùng nổi tiếng lúc bấy giờ dùng bữa, đến Bắc Đầu (Beitou) ngâm mình trong suối nước nóng. Là người yêu thích nhiếp ảnh, ông giao lưu thân thiết với nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Đài Loan Bành Thụy Lân. Tất cả các bức ảnh quan trọng của ông Cương Để lưu lại đều được chụp bởi nhiếp ảnh gia Bành Thụy Lân. Giai đoạn lịch sử này hiếm khi được biết đến cho đến khi bà Hồng Đức Thanh (Hong Te Ching) theo chồng là nhân viên ngoại giao sang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, khám phá và sau đó bà đã viết cuốn sách đặc biệt kể về giai đoạn lịch sử này mang tên “當越南王子走進彭瑞麟照相館” (tạm dịch “Khi hoàng tử Việt Nam bước vào tiệm chụp ảnh Bành Thụy Lân”).

 

Phát triển thịnh vượng với tốc độ chóng mặt

 Là thành viên chính của ASEAN, Việt Nam cũng đã tham gia các tổ chức như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam lại tiếp giáp với Trung Quốc và có lợi thế phát triển đáng kể, khiến nơi đây trở thành “điểm nóng đầu tư” trên bản đồ khởi nghiệp mở rộng tới hướng Nam của người Đài Loan. Hiện Đài Loan là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam, chỉ đứng sau Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, theo các doanh nhân Đài Loan tại Việt Nam, công ty Đài Loan thường đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức đầu tư nước ngoài, nếu thống kê lại con số thực tế thì đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam phải xếp ở vị trí thứ nhất hoặc thứ hai.

 Thời kỳ đầu, các công ty Đài Loan sang Việt Nam là vì nhìn thấy tiềm năng chi phí nhân công và đất đai thấp, nên sau khi Việt Nam mở cửa, tốp công ty đầu tiên đến Việt Nam hầu hết thuộc các ngành nghề truyền thống cần có nhiều nhân lực lao động như ngành sản xuất giày, dệt may, nội thất gỗ, xe đạp. Nơi thành lập công xưởng, nhà máy của họ chủ yếu là ở các khu công nghiệp Đồng Nai và Bình Dương, giáp ranh với TP.HCM.

 Hầu hết các nhà máy này đều có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, số lượng công nhân trong một nhà máy thường lên tới 10.000 người, nên “Có thể nói doanh nhân Đài Loan tạo công ăn việc làm cho nhiều người nhất”. Ông Viễn Tế Phàm, người sáng lập Tập đoàn Digiwin kiêm Hội trưởng Hội Thương gia Đài Loan tại TP.HCM nói. Đơn cử như công ty Bảo Thành (Pou Chen), công ty dẫn đầu ngành da giày của Đài Loan có hàng chục ngàn nhân viên ở Việt Nam, dù cho là tiền thưởng cuối năm hay vấn đề sa thải nhân viên đều là tin sốt dẻo của giới truyền thông.
 

Vietnam memiliki budaya jajanan yang menarik, seringkali menemukan makanan lezat yang menggiurkan orang saat berjalan di jalanan.

Vietnam memiliki budaya jajanan yang menarik, seringkali menemukan makanan lezat yang menggiurkan orang saat berjalan di jalanan.
 

Đất nước Việt Nam khiến người ta lưu luyến

 Cũng vì mảnh đất Việt Nam đáng yêu này mà bà Hồng Đức Thanh mới bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình. Cuốn sách “南向跫音” (tạm dịch “Tiếng bước chân nam tiến”) đã trở thành cuốn sách tham khảo cho nhiều người muốn đi sâu tìm hiểu Việt Nam; còn cuốn sách “Khi hoàng tử Việt Nam bước vào tiệm chụp ảnh Bành Thụy Lân” thì thông qua sự kết hợp của nhiếp ảnh, chính trị quốc tế và ngoại giao, giúp mọi người khám phá các chi tiết lịch sử tuyệt vời của thời đại trước kia.

 Cô Liêu Vân Chương, một nhà truyền thông luôn quan tâm đến các vấn đề về Đông Nam Á, vì muốn đọc hiểu những lá thư của lao động di trú giúp việc gia đình đến từ Việt Nam nên cô đã tạm gác công việc để du học khóa ngắn hạn tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Kết hợp những điều tai nghe mắt thấy cùng với góc nhìn của phụ nữ, cô Liêu Vân Chương đã viết cuốn sách “流浪西貢一百天” (tạm dịch “Một trăm ngày lưu lạc ở Sài Gòn”). Những mối quan hệ và người quen ở Việt Nam đã trở thành tiêu điểm quan trọng để cô quan tâm chú ý đến các vấn đề về Đông Nam Á.

 Giáo sư Tưởng Vi Văn, người đã dành hơn 20 năm nghiên cứu so sánh văn hóa xuyên quốc gia về Đài Loan và Việt Nam, bắt đầu quan tâm đến Việt Nam khi ông nghiên cứu ngôn ngữ học. Sau này, ông phát hiện ra rằng, dù bị văn hóa nước ngoài tấn công mạnh mẽ nhưng người Việt vẫn cố gắng giữ vững chủ quyền dân tộc, lòng tự tin và kiên cường của dân tộc Việt Nam đáng để Đài Loan noi gương. Vì vậy, ngoài nghiên cứu học thuật, ông còn tích cực tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn và các hoạt động trao đổi song phương thông qua các tổ chức phi chính phủ như Hiệp hội Văn hóa Đài Loan-Việt Nam và Taiwanese Pen, khiến ông trở thành người tiên phong quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu giữa người dân Đài Loan và Việt Nam.

 Mặc dù bối cảnh rất khác nhau nhưng họ đều tìm ra điểm nhấn ở vùng đất này, “Đất nước Việt Nam khiến người ta lưu luyến”. Người Đài Loan sinh sống, bám rễ lâu năm ở đây thường nói như vậy.

 

Xem thêm

Tình ngày càng nồng thắm Mối duyên Đài -Việt từ thuở ban sơ