Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tổng thống Lại Thanh Đức chủ trì “Hội nghị lần thứ 2 của Ủy ban quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”
New Southbound Policy。Tổng thống Lại Thanh Đức chủ trì “Hội nghị lần thứ 2 của Ủy ban quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” vào chiều ngày 24/10. (Ảnh: Phủ Tổng thống)
Tổng thống Lại Thanh Đức chủ trì “Hội nghị lần thứ 2 của Ủy ban quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” vào chiều ngày 24/10. (Ảnh: Phủ Tổng thống)

 Chiều ngày 24/10, Tổng thống Lại Thanh Đức đã chủ trì “Hội nghị lần thứ 2 của Ủy ban quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”. Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống chỉ ra rằng thế giới hiện đang phải đối mặt với những thách thức về thời tiết cực đoan và giảm phát thải carbon. Đảm nhận vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, Đài Loan phải tăng cường hành động vì khí hậu để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế, đẩy nhanh quá trình hội nhập giảm phát thải carbon toàn cầu. Đài Loan cũng sẵn sàng hợp tác với các nước trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, để cùng đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu.

Nội dung chính bài phát biểu của Tổng thống như sau:

 Hôm nay, Ủy ban quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu tổ chức Hội nghị lần thứ 2, thể hiện sự coi trọng của mọi người đối với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

 Làm thế nào để ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu là thử thách lớn cho khả năng chống chịu và phát triển bền vững của đất nước.

 Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Paris năm 2015 yêu cầu các nước 5 năm một lần phải cập nhật Báo cáo “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC). Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) vào năm 2021 đã yêu cầu các nước tăng tần suất, 2 năm phải cập nhật một lần để đẩy nhanh quá trình giảm phát thải carbon.

 Vì vậy, chúng ta phải đoàn kết để xây dựng một Đài Loan đủ vững mạnh để đối mặt với những thách thức và hội nhập quốc tế. Đồng thời, Đài Loan cũng sẵn sàng hợp tác với các nước trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, để cùng đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu.

 Đầu tháng 10 năm nay, hệ thống tính phí carbon đã chính thức được triển khai và sẽ được áp dụng từ năm tới. Đây là một bước tiến cụ thể và Đài Loan cũng có định hướng chiến lược rất rõ ràng, đó là thúc đẩy “chuyển đổi năng lượng lần thứ hai”, đảm bảo sự ổn định và khả năng phục hồi nguồn cung cấp năng lượng. Ngoài việc phát triển các nguồn năng lượng xanh đa dạng, Đài Loan còn thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và ứng dụng lưu trữ năng lượng, thúc đẩy chuyển đổi và phát triển các ngành công nghiệp thế hệ tiếp theo, tăng cường cơ chế thích ứng với biến đổi khí hậu. Đài Loan cũng sẽ tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng xanh bền vững và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 Kể từ hội nghị lần thứ nhất tổ chức vào tháng 8 năm nay, Phó Thủ tướng Trịnh Lệ Quân đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận chính sách liên bộ ngành tại Viện Hành chính.

 Đảm nhận vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, Đài Loan phải tăng cường hành động vì khí hậu để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế và đẩy nhanh tốc độ hội nhập với NDC quốc tế. Đài Loan sẽ xây dựng lại mục tiêu mới, tích cực hơn về giảm lượng phát thải carbon vào năm 2032 và 2035.

 Sự phát triển kinh tế của Đài Loan cần các ngành nghề và nguồn vốn nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Đài Loan, đồng nghĩa với việc cần đến nguồn cung cấp điện ổn định. Tiết kiệm năng lượng sẽ có hiệu quả hơn phát triển năng lượng và cũng là cách tiết kiệm chi phí nhất. Đây chính là một trong những chính sách giảm phát thải carbon trực tiếp và hiệu quả nhất. Cải thiện hiệu quả năng lượng cũng đã trở thành sự đồng thuận quốc tế và xu hướng hướng tới Net Zero.

 Trong tương lai, Chính phủ sẽ dần dần thúc đẩy các chính sách tiết kiệm năng lượng, khuyến khích mọi tầng lớp xã hội, từ các doanh nghiệp đến các bệnh viện, trường học, thậm chí các gia đình và cá nhân đều cần tham gia.

 Chính phủ cũng sẽ hợp tác với các ngành nghề, đề xuất các phương pháp hỗ trợ tiết kiệm năng lượng và hình thành nền kinh tế tuần hoàn.

 Hiện tại, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức về thời tiết cực đoan và giảm phát thải carbon nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta đồng tâm hiệp lực, thực hiện đổi mới, chuyển đổi thì sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững cho các thế hệ mai sau. Xin cảm ơn các bạn!