Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Khai mạc Vòng đàm phán thứ 5 về Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa, xây dựng kế hoạch chống ô nhiễm toàn cầu
2024-11-26
New Southbound Policy。Bộ trưởng Bộ Môi trường Bành Khởi Minh trình bày các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa vào ngày 25/11 tại Đài Bắc. (Ảnh: Bộ Môi trường)
Bộ trưởng Bộ Môi trường Bành Khởi Minh trình bày các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa vào ngày 25/11 tại Đài Bắc. (Ảnh: Bộ Môi trường)

 Vòng đàm phán thứ 5 của Ủy ban đàm phán Liên chính phủ về ô nhiễm nhựa (INC-5) đã khai mạc vào ngày 25/11 và sẽ diễn ra trong 7 ngày tại thành phố Busan, Hàn Quốc. Bộ Môi trường cũng đã cử đại diện tham dự để quan sát và nắm rõ tiến triển đàm phán các vấn đề. Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ hoàn thành hiệp ước quốc tế có sự ràng buộc pháp lý vào cuối năm 2024, xây dựng phương án hành động kiểm soát ô nhiễm nhựa với sự đồng thuận toàn cầu, là một bước quan trọng tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa. Đài Loan sẽ đồng hành cùng thế giới, nắm bắt trọng tâm hiệp ước, hợp tác với các bên để đối mặt với các vấn đề và tìm giải pháp, đồng thời đặt ra mục tiêu mới về giảm thiểu rác nhựa theo xu hướng của hiệp ước.

 Kỳ họp lần thứ 5 của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA-5) vào tháng 3/2022 đã khởi động tiến trình xây dựng hiệp ước có sự ràng buộc pháp lý để quản lý vòng đời của nhựa và các sản phẩm nhựa, cũng như ứng phó với vấn đề ô nhiễm nhựa, bao gồm các giai đoạn sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ nhựa.

 Bộ trưởng Bộ Môi trường Bành Khởi Minh cho biết: Bộ Môi trường sẽ theo dõi chặt chẽ tiến triển Hội nghị đàm phán hiệp ước về chống ô nhiễm nhựa toàn cầu (INC-5). Đài Loan sẽ tiếp tục rà soát mục tiêu giảm thiểu nhựa đặt ra trong năm 2018 và xây dựng các mục tiêu mới dựa trên kết quả Hội nghị INC-5. Ngoài ra, Bộ Môi trường cũng sẽ thông qua các quy định pháp luật để thúc đẩy tái chế rác thải nhựa.

 Cục Quản lý Tái chế, Bộ Môi trường cho biết: Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa gồm 4 mục tiêu chiến lược, bao gồm hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần và tìm kiếm sản phẩm thay thế, đặt mục tiêu thiết kế cho sản phẩm nhựa để tăng khả năng tái chế, tái sử dụng nhựa để chuyển sang kinh tế tuần hoàn và quản lý ô nhiễm nhựa hiện có. Cục Quản lý Tái chế sẽ theo dõi tiến trình đàm phán và tiếp tục thúc đẩy các chính sách để đạt được mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa.

 Để nắm rõ quá trình đàm phán tại hội nghị và thu thập thông tin quốc tế, Cục Quản lý Tái chế cũng đã cử đoàn đại biểu đến Hàn Quốc để tìm hiểu về INC-5, báo cáo để trong nước hiểu rõ tiến trình đàm phán và ý kiến của các nước.

 Trong thời gian diễn ra hội nghị, ngoài cuộc đàm phán chính thức, phía Hàn Quốc còn tổ chức hàng loạt sự kiện bên lề (Side Events) với chủ đề “Suy nghĩ lại về vòng đời của nhựa” (Rethinking Plastic Life), tạo ra một nền tảng thảo luận về tái chế tài nguyên toàn cầu và các chiến lược hợp tác quốc tế mới.

 Các sự kiện bên lề được khai mạc vào chiều ngày 25/11 với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế nổi tiếng và các tổ chức phi chính phủ như Quỹ Ellen MacArthur (Ellen MacArthur Foundation), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development, OECD), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum, WEF), v.v..., có nội dung phong phú và đa dạng nhằm thúc đẩy trao đổi, hợp tác giữa các tầng lớp xã hội, cung cấp những kiến nghị thiết thực và các giải pháp sáng tạo để kiểm soát ô nhiễm nhựa và phát triển kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu.

 Bộ Môi trường cho biết sẽ hỗ trợ ngành nhựa trong nước hưởng ứng hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu và hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề. Trong tương lai, Bộ Môi trường sẽ căn cứ nội dung hiệp ước để đề xuất các mục tiêu toàn diện hơn nữa và tăng cường thúc đẩy các biện pháp hạn chế sử dụng nhựa.