Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Bộ Kinh tế hỗ trợ các công ty khởi nghiệp Đài Loan tham dự Triển lãm CES 2025, kết nối với hệ sinh thái thung lũng Silicon
New Southbound Policy。Đội ngũ các công ty khởi nghiệp Đài Loan tham dự hoạt động “Taiwan Demo Day” (Ngày giới thiệu Đài Loan) tổ chức vào ngày 14 tháng 1 tại Mỹ. (Ảnh: Bộ Kinh tế)
Đội ngũ các công ty khởi nghiệp Đài Loan tham dự hoạt động “Taiwan Demo Day” (Ngày giới thiệu Đài Loan) tổ chức vào ngày 14 tháng 1 tại Mỹ. (Ảnh: Bộ Kinh tế)

 Gần đây, Triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới – Consumer Electronics Show (CES 2025) đã khai mạc trong không khí long trọng tại Las Vegas. Ngoài việc dẫn đầu 11 đội ngũ và các startup công nghệ hướng tới tương lai tham gia triển lãm, Vụ Công nghệ Công nghiệp thuộc Bộ Kinh tế còn kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp Thung lũng Silicon, sắp xếp cho 10 đội ngũ khởi nghiệp đến thăm Đại học Stanford và chương trình tăng tốc khởi nghiệp Skydeck tại Đại học California, Berkeley để mở rộng hoạt động thương mại quốc tế. Các đội ngũ tham gia triển lãm lần này bao gồm các lĩnh vực như chất bán dẫn, công nghệ hàng không vũ trụ, công nghệ y tế, điện toán lượng tử và tuần hoàn bền vững, v.v... Triển lãm đã kết nối nhiều chương trình hợp tác công nghệ và đàm phán kinh doanh, dự kiến hoạt động gây quỹ và các đơn đặt hàng sẽ mang đến cơ hội kinh doanh lên đến 400 triệu Đài tệ.

 Jmem Tek, một trong số các công ty khởi nghiệp Đài Loan được Bộ Kinh tế hỗ trợ đến Mỹ lần này là doanh nghiệp Đài Loan đầu tiên được chọn tham gia Silicon Catalyst, vườn ươm tăng tốc khởi nghiệp bán dẫn lớn nhất của Mỹ. Công ty Jmem Tek cung cấp dịch vụ thiết kế chip và sở hữu trí tuệ silicon (Silicon Intellectual Property) bảo mật lượng tử. Sau khi tham gia vườn ươm Silicon Catalyst, công ty này đã tuyển dụng thành công các chuyên gia và đội ngũ nhân viên người Mỹ, tạo chỗ đứng vững chắc trong việc mở rộng hoạt động thương mại ở nước ngoài. Hiện tại, Công ty Jmem Tek đã huy động được số vốn lên đến hơn 5 triệu đô la Mỹ.

 Công ty khởi nghiệp công nghệ vũ trụ Tensor Technology trước đây chủ yếu phục vụ các vệ tinh siêu nhỏ nặng dưới 50 kg cho các khách hàng. Trong chuyến đi Mỹ lần này, Công ty đã nhận được đơn đặt hàng là vệ tinh nhỏ nặng 200 kg từ các khách hàng Mỹ. Hệ thống điều khiển hoạt động của vệ tinh sẽ được xuất xưởng vào quý I năm nay, bao gồm phần mềm, bảng điều khiển hoạt động, bộ cảm biến và thiết bị truyền động của Công ty Tensor Technology. Dự kiến ​​vệ tinh này sẽ được phóng vào không gian vào quý II và bắt đầu cung cấp dịch vụ vệ tinh cho khách hàng vào quý III năm nay.
 
 Các nhóm nghiên cứu học thuật được Bộ Kinh tế hỗ trợ cũng đang hợp tác với các nhà sản xuất quy mô lớn. Công ty công nghệ y tế EndoSemio do Đại học Quốc gia Đài Loan thành lập, đã thiết lập quan hệ hợp tác với phía Mỹ, dự kiến​​ sắp tới sẽ nhận được đơn đặt hàng thử nghiệm trị giá 500.000 đô la Mỹ và hiện đang đàm phán để hợp tác với công ty sản xuất thiết bị y tế toàn cầu Stryker.

 TREE, đội ngũ nghiên cứu do Viện Y sinh thuộc Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Công nghiệp (ITRI) thành lập cũng cho biết sẽ thành lập công ty liên doanh với Tập đoàn RMT của Singapore.

 Đội ngũ khởi nghiệp Đài Loan đi Mỹ lần này đã tuyển dụng các nhân tài quốc tế bao gồm các lĩnh vực quan trọng như nghiên cứu và phát triển, thị trường và vận hành, v.v..., không những giúp tăng cường khả năng canh tranh quốc tế của các doanh nghiệp, mà còn đẩy nhanh quá trình hội nhập thị trường quốc tế của các công ty khởi nghiệp Đài Loan.

 Bộ Kinh tế đang tích cực liên kết với Thung lũng Silicon, mở rộng năng lực khoa học và công nghệ của Đài Loan. Sau triển lãm CES 2025, Bộ Kinh tế đã dẫn đầu các doanh nghiệp tham gia sự kiện “Taiwan Demo Day” (Ngày giới thiệu Đài Loan) do Thung lũng Silicon và Ủy ban Phát triển Quốc gia đồng tổ chức vào ngày 14 tháng 1, mời các nhân vật quan trọng như các chuyên gia trong ngành và các nhà đầu tư từ hệ sinh thái khởi nghiệp của Mỹ đến tham dự hội nghị để tạo cơ hội giao lưu và hợp tác. Bộ Kinh tế sẽ tiếp tục tích hợp các nguồn lực để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp mở rộng ra thị trường quốc tế và mở ra cục diện mới cho sự phát triển của ngành công nghệ Đài Loan.