Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chí Trung trả lời phỏng vấn của nhật báo lớn nhất Italy “Corriere Della Sera”
New Southbound Policy。Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chí Trung (bên trái) trả lời phỏng vấn với Massimo Franco, nhà báo kỳ cựu phụ trách chuyên mục Chính trị của nhật báo lớn nhất Italy “Corriere Della Sera” vào ngày 3/1 tại Đài Bắc. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chí Trung (bên trái) trả lời phỏng vấn với Massimo Franco, nhà báo kỳ cựu phụ trách chuyên mục Chính trị của nhật báo lớn nhất Italy “Corriere Della Sera” vào ngày 3/1 tại Đài Bắc. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

 Ngày 3/1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chí Trung đã trả lời phỏng vấn với Massimo Franco, nhà báo kỳ cựu phụ trách chuyên mục Chính trị của nhật báo lớn nhất Italy “Corriere Della Sera”. Tờ báo này đã đăng bài viết dài vào ngày 26/1 với tiêu đề: “Đài Loan giống như Praha đối mặt với Hitler năm 1938” (Taiwan come Praga nel 1938 con Hitler), thu hút sự quan tâm, chú ý của các tầng lớp xã hội Italy và châu Âu.

 Thứ trưởng Ngô Chí Trung chỉ rõ: Chỉ khi Đài Loan tồn tại trong lực lượng dân chủ, tự do thì thế giới mới được an toàn. Ông nêu rõ tình hình Đài Loan hiện nay giống như tình hình Tiệp Khắc năm 1938. Khi đó, Tiệp Khắc là nước công nghiệp lớn thứ 5 ở châu Âu và lớn thứ 10 trên thế giới. Thông qua Hiệp ước Munich, Đức Quốc xã đã đoạt lấy sức mạnh công nghiệp của Tiệp Khắc và có được khả năng hỗ trợ chiến tranh do nước này phát động. Mưu đồ của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan cũng hoàn toàn giống như vậy, Bắc Kinh không chỉ có ý đồ chiếm đoạt các ngành công nghệ cao của Đài Loan, đặc biệt là cơ sở sản xuất 90% chip bán dẫn cao cấp của thế giới, mà còn âm mưu thay đổi cục diện chiến lược toàn cầu.

 Năm 2012, Bắc Kinh tuyên bố “Thái Bình Dương” đủ rộng cho hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc. 10 năm sau lại đổi giọng thành “cả thế giới” đủ rộng cho hai cường quốc, điều này đã chứng minh dã tâm của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc còn tuyên bố với Nhật Bản về chủ quyền đối với Điếu Ngư Đài (quần đảo Senkaku), xây dựng các cơ sở quân sự ở biển Nam Hải (biển Đông), điều động tàu cá và tàu quân sự đối đầu với Philippnes, tiếp tục xung đột với Ấn Độ ở biên giới Tây Tạng. Bắc Kinh còn đi ngược lại các đảm bảo quốc tế đã ký kết với Vương quốc Anh, phá hoại nghiêm trọng nền dân chủ và pháp quyền của Hồng Kông. Thứ trưởng Ngô Chí Trung nói rõ “Đài Loan không phải là Hồng Kông và cũng không muốn trở thành Hồng Kông”.

 Về vấn đề vị thế của Đài Loan và tình hình quốc tế, Thứ trưởng Ngô Chí Trung nhấn mạnh: Mặc dù hiện nay Đài Loan chỉ có quan hệ ngoại giao chính thức với 12 quốc gia nhưng Đài Loan vẫn duy trì quan hệ thực chất với hơn 100 quốc gia trên thế giới. Đài Loan và các nước này vẫn duy trì trao đổi chặt chẽ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đồng thời tăng cường kết nối với thế giới thông qua lợi thế các ngành nghề. Thứ trưởng Ngô Chí Trung đặc biệt chỉ rõ sự dẫn đầu về công nghệ và năng lực sản xuất của Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC): “Nếu Đài Loan bị xâm lược thì các nhà máy trên toàn thế giới sẽ phải dừng hoạt động sau vài tuần”.

 Thứ trưởng Ngô Chí Trung vạch ra 3 phương hướng: Thứ nhất, tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ quân sự. Trong 8 năm qua, ngân sách quốc phòng của Đài Loan đã tăng 80%, chi tiêu quân sự chiếm 20% tổng ngân sách Chính phủ. Đài Loan hiện có gần 180.000 quân nhân, tương đương với quy mô của quân đội Đức. Thứ hai, tăng cường sự hỗ trợ của thế giới dân chủ, tự do. Những năm gần đây, các nước dân chủ như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Đức, Pháp, Hà Lan, Anh, Italy, v.v... đều thể hiện sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan nhằm gửi tín hiệu tới Trung Quốc rằng nước này nên hành động thận trọng. Thứ ba, làm cho vấn đề an ninh ở eo biển Đài Loan không chỉ là vấn đề khu vực, mà còn trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Bộ trưởng Ngô Chí Trung chỉ ra rằng Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong chính sách “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Trump. Số quan chức Mỹ tại Đài Loan tương đương với số quan chức Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở Nhật Bản, cho thấy ý nghĩa chiến lược của Đài Loan đối với Mỹ.

 Về quan hệ giữa Đài Loan và Tòa thánh Vatican, Thứ trưởng Ngô Chí Trung cho biết quan hệ ngoại giao giữa Đài Loan và Vatican đã thiết lập được hơn 80 năm dựa trên các giá trị và sự hợp tác lâu dài. Đài Loan sẽ tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Tòa thánh Vatican.

 “Corriere Della Sera” là tờ báo chính thống có ảnh hưởng sâu rộng nhất Italy, dành sự quan tâm lớn đến các vấn đề kinh tế, chính trị châu Âu. Nhà báo Massimo Franco đã nhiều lần phân tích ảnh hưởng của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế, các bài phỏng vấn và bài viết của ông có giá trị tham khảo quan trọng đối với dư luận.