Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Ủy ban Đại lục tổ chức hội nghị phân tích tình hình mới nhất và chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan
2025-03-12
New Southbound Policy。Tại hội nghị tổ chức vào đầu tháng 3/2025 tại Đài Trung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đại lục Thẩm Hữu Trung và các học giả đã phân tích “lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời thảo luận tác động của “lưỡng hội” đối với quan hệ giữa hai bờ eo biển và quan hệ quốc tế. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
Tại hội nghị tổ chức vào đầu tháng 3/2025 tại Đài Trung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đại lục Thẩm Hữu Trung và các học giả đã phân tích “lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời thảo luận tác động của “lưỡng hội” đối với quan hệ giữa hai bờ eo biển và quan hệ quốc tế. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

 Gần đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đại lục Thẩm Hữu Trung đã tham dự Lễ khánh thành “Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc đại lục và phát triển khu vực” (Center for Mainland China and Regional Development Research) của Đại học Đông Hải và “Hội nghị chuyên đề năm 2025 về nghiên cứu, phân tích và tác động của “lưỡng hội” Đảng Cộng sản Trung Quốc”, cùng các học giả phân tích “lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc), đồng thời thảo luận tác động của “lưỡng hội” đối với quan hệ giữa hai bờ eo biển và quan hệ quốc tế.

 Phó Chủ nhiệm Thẩm Hữu Trung cho biết: Các bên đều quan ngại việc Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay duy trì ở mức 5%, tỷ lệ thâm hụt ngân sách tăng lên 4%, nợ chính phủ đã tăng thêm 2,9 nghìn tỷ nhân dân tệ với mức tăng 32,4% so với năm ngoái trong khi chỉ số giá tiêu dùng được điều chỉnh xuống mức 2%, cho thấy áp lực giảm lạm phát vẫn còn lớn. Các chính sách như tăng nợ công có thể nhằm kích thích tiêu dùng, thúc đẩy nền kinh tế đang tiếp tục suy thoái. Ngoài ra, đối mặt với tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang huy động nguồn lực để giảm bớt các rủi ro như thị trường nhà đất, nợ địa phương, tổ chức tài chính và quản trị xã hội.

 Mặc dù áp lực kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa giảm bớt nhưng chi tiêu quốc phòng và chi tiêu an ninh công cộng lại tăng với mức cao, lần lượt là 7,2% và 7,3%, vượt cả mục tiêu tăng trưởng GDP, cho thấy rõ Trung Quốc tiếp tục tăng cường sự ổn định của hệ thống chính trị và pháp lý của an ninh quốc gia, đồng thời tiếp tục mở rộng chi tiêu quân sự. Điều này khiến các nước láng giềng và các nước dân chủ trên toàn cầu đều quan ngại.

 Phát biểu về Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Phó Chủ nhiệm Thẩm Hữu Trung chỉ ra rằng nội dung nghị quyết này không đề cập đến Đài Loan và cũng không xác nhận Đài Loan là một phần của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), càng không ủy quyền cho Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đại diện cho Đài Loan tại Liên Hợp Quốc. Trung Quốc tiếp tục tung thông tin sai lệch ra cộng đồng quốc tế, cố tình xuyên tạc nghị quyết, Vì vậy, cần phải nghiêm khắc bác bỏ luận điệu này.

 Các học giả tham dự hội nghị cho biết: Ngoài việc phân tích chính sách “duy trì ổn định” trong “lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn có thể quan sát những thay đổi ở trong nước và quốc tế mà Trung Quốc phải đối mặt, thông qua việc phân tích có hệ thống về quá trình ra quyết định, bối cảnh ra chính sách và những thay đổi chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá trình quốc tế hóa vấn đề Đài Loan, v.v..., có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho phản ứng của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan).

 Các học giả cho biết tầm nhìn của các doanh nghiệp tư nhân cũng đã được nâng lên trong thời gian diễn ra “lưỡng hội”. Trong tương lai, chúng ta có thể chú ý đến vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong sự phát triển kinh tế và tác động của “lưỡng hội” đối với các doanh nghiệp Đài Loan. Ngoài ra, phân tích từ góc độ truyền thông, “lưỡng hội” không chỉ là hoạt động tuyên truyền nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà còn là kênh tuyên truyền của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài. Các học giả cũng nhắc nhở giới trẻ Đài Loan cần chú ý đến những rủi ro khi đến Trung Quốc, đồng thời kiến nghị tăng cường bồi dưỡng nhân tài liên quan đến nghiên cứu Trung Quốc đại lục để củng cố lợi thế của Đài Loan trong lĩnh vực nghiên cứu Trung Quốc đại lục trên toàn thế giới.

 Hội nghị lần này đã mời các chuyên gia, học giả trong lĩnh vực quan hệ giữa hai bờ eo biển cùng tập trung đưa ra những ý kiến và đề xuất có giá trị cho chính sách hai bờ eo biển của Chính phủ trong tương lai.